Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Hẹp mà đẹp

Phong cảnh 1: Tranh sơn dầu của Trần Thanh Cảnh trong Triển lãm "Mùa Hè Sài Gòn" tại Singapore
Ngôi nhà trong bức tranh này có cánh cửa hẹp.
Nhưng cũng là cánh cửa đẹp với sắc hoa muôn mầu chung quanh.
Nên tự hỏi: Bức tranh đẹp này có thể làm minh họa cho Lời Chúa hôm nay:  
"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào (thiên đàng)" ?
 
Bức tranh trên đây có lẽ chỉ là một gợi ý, gợi hình chút chút thôi,
vì hoa bên ngoài cửa thì đẹp,
nhưng bên trong cửa chưa chắc đã là thiên đàng.

"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào,
vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được."
Cánh cửa mà Chúa nói đến tuy hẹp, nhưng đẹp, vì dẫn vào thiên đàng,
nên có vất vả chiến đấu mà vào thì cũng bõ công.
Cửa hẹp đây chắc chắn là những hy sinh của tình yêu rồi.

Xin cho con yêu cửa hẹp,
yêu cuộc chiến đấu
để đi vào cánh cửa dù hẹp - nhưng thật đẹp - của Nước Trời.

Nước Trời là quà tặng tình yêu của Thiên Chúa.
Nên muốn đón nhận được Nước Trời thì cần phải có tình yêu
Một tình yêu dám hy sinh, dấn thân cho người mình yêu
Dám đi vào cửa hẹp để đến được với người mình yêu.


 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, 
Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 
Có kẻ hỏi Người: 
"Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?" 
Người bảo họ: 
"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, 
vì tôi nói cho anh em biết: 
có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 
(Lc 13,22-24)

Hiên nắng: Tranh của Trần Thanh Cảnh

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Hiến lễ đời mình

Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy." Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em. (Lc 22,19-20)

Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. (I Cr 11, 23-27)

- Rửa chân cho nhau & Bí tích Thánh Thể: Di chúc kép bằng hành động.


- Bốn cử chỉ: cầm lấy, tạ ơn, bẻ ra (chấp nhận bị vỡ) và trao đi (quà tặng).


- Tiệc Vượt Qua có 4 tuần rượu. Tuần rượu cuối, Chúa mới nói: "Chén này là giao ước mới". Giao ước luôn ký kết bằng máu!


- Chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể: đơn sơ, gần gũi, mong manh, nhỏ bé, lặng lẽ, kiên nhẫn, chờ đợi, lắng nghe, sẵn sàng lên đường, hiện diện vì và cho người khác, chấp nhận tan biến để người khác được lớn lên.

- This is my body: đây là Mình Tôi. Khi đọc lời này, con hiểu: đây là thân xác Chúa, và cũng là thân xác của con! Con cảm nhận thế nào?

Tĩnh tâm chiều 22.8.2013

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Kiểu phục vụ

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? " Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! " Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! (Ga 13, 1-17)

Rửa chân cho nhau là một mệnh lệnh nghiêm túc, một di chúc của Chúa: "Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em."

Rửa chân cho nhau: đây là kiểu phục vụ Chúa dạy con phải thực hiện. Phục vụ không phải là đứng trên cao mà ban bố như một ân nhân, nhưng cúi xuống như tôi tớ, và phục vụ cả những người sắp bỏ rơi mình, sắp chối mình, sắp phản bội mình: "Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!"

Con phải nhìn lại xem kiểu phục vụ của con là kiểu gì?

Tĩnh tâm sáng 22.8.2013

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Đi trên ngọn sóng

"Nhâm nhi" Tin Mừng Mt 14,22-33

Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 

Các tông đồ bị Thầy Giêsu buộc phải qua bờ bên kia lúc trời đã tối, sau khi ăn no, và đang hưởng thụ thành công, đang ngây ngất vì phép lạ hóa bánh, đang được dân chúng hoan hô kịch liệt. Thật khó chịu trước một lệnh truyền như thế! Một bài học siêu thoát.

Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 

Thuyền đã ra xa bờ nhiều dặm, bị ngược gió. Nguy hiểm với sóng lớn, tiến thoái lưỡng nan. Còn Thầy, bây giờ Thầy ở đâu? Thầy cầu nguyện, và Thầy biết chuyện gì đang xẩy ra.


Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy! ", và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!"

Canh tư - từ 3 đến 6 giờ sáng - trời chưa sáng nên các ông thấy rõ mặt Thầy. Thầy đến đem bình an mà họ lại tưởng ma quái đe dọa. Vâng, nhiều khi Chúa đến bất ngờ, con không nhận ra!


Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Đức Giê-su bảo ông: "Cứ đến! " 

Phêrô đề nghị một kiểm chứng táo bạo. Nếu ngộ nhỡ không phải Thầy thì sao? Niềm tin của Phêrô thật mạnh liệt, nó diễn tả niềm khao khát đến với Chúa Giêsu trên sóng gió cuộc đời.


Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 

 Một kinh nghiệm phi thường và tuyệt vời!

Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" 

Dù có Thầy trước mặt vẫn sợ hãi và chìm xuống. "Lạy Thầy, xin cứu con!" là tiếng kêu thường xuyên của con!


Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!" 

Chúa kéo Phêrô lên và hai thầy trò dắt nhau đi trên mặt nước đầy sóng gió, cho đến khi bước vào thuyền, thì gió lặng ngay. Hạnh phúc nào hơn?


Con đã từng chìm, từng được Chúa kéo lên, từng nắm tay Chúa đi trên sóng gió cuộc đời. Xin cho con biết luôn nắm tay Chúa như thế.


(Tóm ý Bài Giảng phòng chiều 21.8.2013)

Nuôi dân

Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." Đức Giê-su bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" Người bảo: "Đem lại đây cho Thầy!" Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. (Mt 14,13-21)

Sau cái chết của Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu định lánh đi một nơi hoang vắng, nhưng ở đó Ngài lại gặp cả một đám đông cần Ngài. Không hề khó chịu vì bị quấy rầy và "bể kế hoạch", Ngài quên đi nỗi lo của mình, để nghĩ đến nhu cầu của người khác.

Mấy ngày liền, cùng dân chúng lắng nghe Chúa, các môn đệ nhận thấy dân chúng đang đói. Họ xin Chúa giải tán đám đông để dân tự đi mua thức ăn. Nhưng Thầy Giêsu lại giao cho các môn đệ công việc nuôi dân. Hôm nay Chúa cũng giao cho  các linh mục sứ mạng nuôi Dân Chúa: "Chính anh em hãy cho họ ăn!". Trách nhiệm này lớn quá, không thể hoàn thành nổi!

"Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!": Hãy nói với Chúa về những gì mình có trong tay. Hãy thú nhận sự bất lực. Hãy trao cho Chúa tất cả những gì mình có. Tất cả, không giữ lại gì. Và phép lạ sẽ xẩy ra.

Đường đi của tấm bánh:
- Tấm bánh từ tay môn đệ đến tay Thầy Giêsu,
- Tấm bánh từ tay Thầy Giêsu dâng lên Cha trên trời,
- Tấm bánh được Thầy bẻ ra và trao lại cho các môn đệ,
- Tấm bánh được các môn đệ bẻ ra và trao cho đám đông,
- Có lẽ đám đông cũng bẻ bánh ra và trao cho nhau.
Không rõ bánh hóa nhiều vào lúc nào? Có lẽ vào lúc được bẻ ra và trao đi.

Bẻ ra và trao đi không làm cho hao hụt mà còn được nhân lên (Nếu con cứ giữ lại cho mình, con chỉ có ngần ấy. Cần qua tay Giêsu và trao đi). Chúa bảo các môn đệ:"Chính anh em hãy cho họ ăn". Cuối cùng, điều đó đã thành sự thật, chính tay các môn đệ phân phát bánh cho đám đông.

Con cứ phải trăn trở mãi về việc làm sao có đủ bánh cho đám đông, làm sao có bánh vừa mới lại vừa ngon cho từng người! Làm sao đây?
(Tóm ý Bài Giảng phòng cho nhóm linh mục cao niên sáng 21.8.2013)