Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Vác chõng

Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. Bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác chõng đi về nhà!" (Mt 9,6)

Vác chõng diễn tả chân đã khoẻ, sức lức đã hồi phục. Không còn bại liệt bất toại nữa.

Tự mình vác chõng, tự mình cáng đáng đời mình.

Chúa đến để tôi có thể đi trên đôi chân của tôi.

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Chìa khoá và Thanh Gươm

Chìa khoá và Thanh gươm là hai biểu tượng, một của Phêrô và một của Phaolô. Phêrô được Chúa giao chìa khoá Nước Trời. Phaolô bị chém bằng thanh gươm. Hai biểu tượng Chìa khoá và Thanh gươm xem ra rất có ý nghĩa, không chỉ cho hai thánh tông đồ này, mà còn cho mọi người.

Tôi suy nghĩ về chìa khoá Phêrô. Làm việc gì cũng cần có "chìa khoá". Không có "chìa khoá", công việc sẽ loay hoay không giải quyết được. Ngay cả đọc một câu chữ, người ta cũng cần tìm được những "từ khoá" (key-words). Không nắm được những từ-khoá này, sẽ không nắm được ý của cả câu. Trong một kế hoạch làm việc, "chìa khoá" được coi như chiến thuật (strategy) nhằm đạt được mục đích sau cùng (purpose).

Và suy nghĩ về thanh gươm Phaolô. Thanh gươm dùng để chiến đấu. Người chiến sĩ dùng gươm để đạt chiến thắng trong từng chiến trận. Như vậy, thanh gươm được coi như chiến thuật (tactics) nhằm đạt những mục tiêu nhỏ (goal).

Để đạt mục đích sau cùng (purpose), người ta phải phân tích nó ra thành nhiều mục tiêu nhỏ (goal).

Để đạt từng mục tiêu nhỏ, phải có chiến thuật (thanh gươm). Và để đạt được mục đích sau cùng, phải có chiến lược dài hạn (chìa khoá).

Đối với người làm mục vụ truyền thông, có thể nói chìa khoá (chiến lược) của họ là Lời Chúa và Thánh Thể. Và thanh gươm (chiến thuật) của họ là các phương tiện truyền thông.

Vâng, chìa khoá Phêrô và thanh gươm Phao lô
có thể được coi như biểu trưng cho
chiến lược và chiến thuật tâm linh
của người môn đệ Đức Kitô.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Xin cứu!

Bà Phạm Thị Cường thắp nhang cho những hài nhi xấu số
Thưa Ngài, xin cứu chúng con! (Mt 8,25)
Câu chuyện dưới đây cho thấy bão tố trong lòng của cả ba phía: phía những bà mẹ phá thai, phía những đứa con thai nhi bất hạnh, và phía những tấm lòng can đảm bao la - miệt mài đi tìm xác trẻ sơ sinh mang về chôn cất...

Từ đáy lòng họ, những lời kêu cứu được thốt lên. Những người mẹ kêu cứu vì đứng trước khó khăn của riêng mình, nhưng họ có nghe được tiếng kêu cứu của đứa con vô tội đang tuyệt vọng vang lên trong lòng mình, tiếng kêu cứu của lương tâm...? Những ông già bà già đi nhặt xác thai nhi: bản thân công việc chôn cất hàng ngàn xác thai nhi là một lời kêu cứu thống thiết...
Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng - Nam Định.
Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.
Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất.

Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Hương’’ hài nhi’’có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.
Bà là một người hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.
Trong câu chuyện với bà Cường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng thở dài của người phụ nữ đã ở tuổi gần hết cuộc đời về những chuyện lắt léo nhân tình thế thái của cuộc sống.
Bà nói như oán trách: “Cuộc sống ngày càng phát triển thì nhiều người sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở Đông Bình để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều đứa trẻ vô tội phải đi theo những vết kéo oan nghiệt.
Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá!”.

Bị cười chê là… khùng!
Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng. Tưởng chừng như chỉ có mình bà Cường đi làm công việc “kỳ khôi” là gom nhặt và an táng cho những linh hồn bé nhỏ nhưng bà lại gặp được người bạn cùng chí hướng.Đó là ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng âm thầm làm công việc tạo phúc đức như bà. Hai con người, hai số phận nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái với những số phận bất hạnh. Họ gặp nhau rồi ngày ngày lại cùng nhau thực hiện một công việc chung, một ơn nghĩa để đời.
Bà Cường với công việc bán tạp hóa mưu sinh hằng ngày
Từ đó đến nay, ngày ngày người dân xã Nghĩa Thắng thường gặp cảnh hai người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm lóc cóc trên những chiếc xe đạp cà tàng, đạp hàng chục cây số. Họ rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để… xin thi hài về chôn cất.
Những hài nhi nhặt về, bà Cường cùng với ông Bao tỉ mẫn cho vào những bát hương hoặc tiểu sành nhỏ. Bà Cường tâm sự:
“Những ngày đầu, tôi thường bị người đời cười chê cho là khùng nhưng dần dần, họ hiểu nên cũng có vài người đi làm cùng”
Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích.
“Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”
Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc:
“Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”.
Bên ngôi mộ chung được xây dựng khá kiên cố và sạch sẽ, bà cho biết nó được một nhà hảo tâm trong TPHCM gửi tiền ra để xây cho các cháu. “Gần chục năm nay, chúng tôi đã an táng cho hơn 3.000 sinh linh bé bỏng tại nơi này”- bà não nề.
Nhìn những bát hương bên trên có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, mà theo bà Cường mỗi bát hương đó là một đứa trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ. Một địa phương nhỏ như Nghĩa Hưng mà gần chục năm đã có hàng ngàn em bé bị bỏ rơi và chết đi khi chưa kịp chào đời! Đó quả thực là con số quá đau lòng.
Càng thương các cháu nhỏ bao nhiêu, tôi lại càng khâm phục những con người như bà Cường và ông Bao bấy nhiêu. Những việc họ làm không chỉ mang ý nghĩa nhân ái mà đó là hành động cao cả trong cuộc chiến bảo vệ quyền sống của con người, giúp chúng ta nhận ra một thực tại đau lòng, ngẫm về việc sống buông thả của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã để lại những hậu quả đau lòng.


Cầu mong… thất nghiệp
Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người.
Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa.
“Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”.
Chúng tôi rời nghĩa trang Quần Vinh khi mặt trời đã tắt. Nhìn những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ, chúng tôi biết các cháu đã có giấc ngủ yên bình bởi các cháu được những người dù không trực tiếp sinh thành nhưng luôn làm tất cả để bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mình ở nơi vĩnh hằng.
Ngày mới sẽ đến, hy vọng sẽ không còn cảnh những bào thai bị vứt bỏ nữa để những người như bà Cường hay ông Bao sẽ được nghỉ ngơi và xã hội sẽ không còn những cảnh đau lòng.

Ám ảnh
Bà Cường vừa rót nước trà mời khách vừa tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8-3-2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi ni lông màu đen, ruồi muỗi bám đen.
“Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”
Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin.
“Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”- bà Cường tâm sự.
Theo 'Người Lao Động"

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Lại mở ra

Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gioan." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.(Lk 1:63-64)

Gioan có nghĩa là "Thiên Chúa nhân từ". Khi Giacaria mốn con mình là hiện thân của Thiên Chúa nhân từ, miệng lưỡi ông lại mở ra, và nói được. Lời đầu tiên của ông là chúc tụng Thiên Chúa.

Người làm PR là người làm đẹp cuộc đời. Họ cảm nhận được vẻ đẹp này nơi bản thân, nơi thân chủ và nơi công chúng. Cần thấy vẻ đẹp này phát xuất từ đâu: từ lòng nhân từ của Chúa.

Lòng nhân từ bao la của Chúa làm cho cuộc đời mãi mãi tươi đẹp, bất chấp mọi trở ngại. Điều này làm Giacaria xúc động, thốt lên lời ngợi khen... Với lời ngợi khen này, ông trở nên nhân viên PR của Chúa.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Bão táp

"...Xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá." (Mt 7,24-25)

Cuộc đời có bao nhiêu là sóng gió. Trước sóng gió cuộc đời, người ta dựa vào sự khôn ngoan của mình, dựa vào những ảnh hưởng của những người chung quanh, rồi dựa vào tiền bạc, uy tín, quyền lực, sức mạnh chính trị, quân sự...

Người ta có dựa vào Lời Chúa không?

Nhiều người mỉm cười. Nhiều người nghĩ đến mệnh lệnh thật thà của Lời Chúa: "Thật thà thì thua thiệt..."

Nhưng Lời Chúa vừa đơn sơ, vừa phong phú. Lời Chúa là ánh sáng. Thực hành Lời Chúa là xây nhà trên đá vững chắc. Sóng gió, bão táp cũng không làm suy suyển...

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Cây lành trái ngọt

"Cây tốt thì sinh quả tốt." (Mt 7,17).

Một cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác.

Làm PR bằng chính đời cầu nguyện, lối sống bao dung, bác ái yêu thương, cung cách tôn trọng tế nhị. PR như thế luôn có hiệu quả tốt. Như hoa lành sinh trái ngọt vậy.

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Đúng lúc

"Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.

Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó." (Mt 7,6.12)

Cần luôn nhiệt tình rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, trong sự nhiệt tình sẵn sàng, cũng cần có sự khôn ngoan, nhạy bén để truyền thông Lời Chúa cách thích hợp, đúng lúc, đúng hoàn cảnh.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Thiên đàng trong tôi


Chúa Ba Ngôi là nguồn mọi sự.
Ngài chỉ có một, nhưng không đơn độc, vì Ngài là tình yêu. Một bản thể vô biên được ba ngôi vị đón nhận và thông chia trọn vẹn cho nhau. Trọn vẹn cho cả ba, và trọn vẹn cho từng ngôi vị.
Là Cha và Con và Thánh Thần, những tên gọi xem ra có vị trí khác nhau, nhưng bằng nhau, như nhau mọi đàng.
Là một gia đình, trong đó mọi thành viên có chung một hoạt động, nhưng thể hiện ra bên ngoài cách khác nhau cho các thụ tạo.
Ba Ngôi yêu nhau đến tận cùng, truyền thông cho nhau cách trọn vẹn đến nỗi chỉ còn là một. Ngài là nguồn gốc và mẫu mực của truyền thông.
Ngài vô cùng diễm lệ, vô cùng ngọt ngào. Mọi sự diễm lệ, ngọt ngào trên thế gian đều được Ngài dựng nên, và chỉ là phản ánh rất mờ nhạt của Ngài.
Ngài vô biên vô tận, nhưng đang ngự trị ở nơi Ngài thích nhất, đấy là tâm hồn từng người.
Ngài đang ngự trong tâm hồn tôi, âu yếm ngắm nhìn từng chi tiết đời tôi với sự bao dung vô tận. Và chờ đợi tôi trở về gặp gỡ Ngài là thiên đàng đích thực của tôi.
Thiên đàng không ở đâu xa. Thiên đàng là chính Chúa Ba Ngôi đang ngự trị trong lòng tôi.


Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Trạm không gian

"Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người."(Mt 6,33)

Nhìn về Nước Trời... liên tưởng đến cái nhìn của các nhà du hành vũ trụ...

Ngày 21-5-2011, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã nói chuyện qua đường viễn thông từ mặt đất với Trạm Không gian ISS với 12 nhà du hành vũ trụ đang làm việc trên trạm ISS (WHĐ 22-05-2011).

Từ không gian, các nhà du hành vũ trụ có cách nhìn mới hơn so với những người chân luôn chạm mặt đất. Xin được sắp xếp – sơ đồ hóa- một số điểm nhấn trong các lời phát biểu của phi hành đoàn :

1. “Khi đêm về, nhìn xuống trái đất: hành tinh của chúng ta. Hành tinh xanh, tuyệt đẹp. Màu xanh là màu của hành tinh chúng ta, màu của bầu trời.” “Vẻ đẹp của hành tinh Trái đất nhìn thấy qua hiệu ứng ba chiều đã chiếm lấy trái tim chúng con, chiếm lấy trái tim con. Và con cầu nguyện.”

2. “Chúng con có thể nhìn xuống và thấy trái đất xinh đẹp của chúng ta đã được Chúa dựng nên, và đó là hành tinh đẹp nhất trong Thái dương hệ. Tuy nhiên, nếu chúng con ngước nhìn lên, chúng con có thể nhìn thấy phần con lại của vũ trụ, và phần còn lại này thì vượt khỏi tầm thám hiểm của chúng con.”

3. “Từ trên này, chúng con thật sự có một điểm nhìn đặc biệt thuận lợi. Một mặt, chúng con có thể nhìn được trái đất đẹp khôn tả, nhưng mặt khác lại thấy rõ nó mong manh biết bao. Chẳng hạn bầu khí quyển: nhìn từ không gian nó mỏng như giấy và khi nghĩ đến lớp giấy mong manh kia là tất cả những gì ngăn cách mọi sự sống với khoảng không vũ trụ, đồng thời cũng là tất cả những gì che chở chúng ta, thì quả thật là điều khiến chúng ta bừng tỉnh.”

4. “Chúng con bay qua hầu hết các nước trên thế giới và không nhìn thấy các biên giới, nhưng đồng thời lại nhận ra rằng người ta đang đánh nhau và đang xảy ra rất nhiều bạo lực trong thế giới này và điều đó thật là bất hạnh.”

5. “Khoa học và công nghệ được chúng ta đưa vào trạm không gian để phát triển khả năng sử dụng năng lượng mặt trời, mang lại cho chúng ta được khá nhiều từ nguồn năng lượng vô tận này. Nếu những công nghệ này được vận dụng nhiều hơn nữa trên trái đất, có lẽ chúng ta giảm được khá nhiều việc xảy ra bạo lực.”

6. “Qua sự hợp tác, chúng ta có thể khắc phục nhiều vấn đề đang đặt ra cho hành tinh chúng ta. Có thể giải quyết được nhiều thách đố những người sống trên hành tinh Trái đất phải đối mặt.”

7. “Đây là thông điệp quan trọng nhất : Hãy để cho mọi trẻ em trên hành tinh Trái đất biết, cho những người trẻ biết, có cả toàn thể vũ trụ dành cho chúng ta tiến vào khám phá. Và khi chúng ta cùng nhau thực hiện, thì không gì mà không hoàn thành được.”

8. “Chúng con đang ở ngoài Trái đất, trên quỹ đạo quanh Trái đất và chung con ở vị trí thuận lợi để nhìn trái đất và lắng nghe mọi thứ xung quanh chúng con. Chúng con cảm thấy tuy xa nhưng lại rất gần.” “con cầu nguyện cho con, cho các gia đình của chúng con và cho tương lai của chúng ta.”

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Tối biết chừng nào!

"Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!" (Mt 6,23)

Một vụ “hôi của” quá vô cảm
TTO - 15 giờ chiều 16-6, một người đàn ông đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã năm An Dương Vương (đoạn giao nhau của các đường An Dương Vương - Trần Phú - Sư Vạn Hạnh thuộc phường 8 và 9, quận 5, TP.HCM) thì bị hai tên cướp đi xe máy từ phía sau giật giỏ xách.
Nhờ nhanh trí, người đàn ông này giữ chặt giỏ xách của mình nên hai tên cướp không giật được phải đành tẩu thoát.
Nhưng vì sự giằng co quá mạnh nên giỏ xách của người đàn ông bị rách toạc và số tiền để trong giỏ bị bay ra đường.
Lợi dụng tình cảnh lúng túng của người đàn ông, những người đi xe máy gần đó cùng một số người dân trong khu vực xảy ra vụ cướp đã ào ra giữa đường lượm mất số tiền bị rơi ra trước ánh mắt thẫn thờ và bất lực của người đàn ông bị nạn.
Chỉ trong vòng chưa tới hai phút, số tiền của người đàn ông ấy đã bay vào túi của những người “hôi của” quá vô tâm và đi mất. Không biết những người lượm tiền có biết đó là tiền của người đàn ông đó hay không, hay là nghĩ đó là tiền... từ trên trời rơi xuống?
Sự việc trên đã gây ra một quang cảnh rất hỗn loạn và nguy hiểm ngay giữa lòng đường An Dương Vương với số lượng người tham gia “hôi của” ước tính hơn 30 người.
Một người tài xế lái taxi chứng kiến cảnh “hôi của” trên đã ngao ngán: “Người ta bị nạn không giúp đỡ thì thôi chứ sao lại tranh nhau cướp tiền của họ như vậy. Quá vô cảm!”

Comments
- Quá buồn ! Văn hóa người Việt hiện nay không còn nữa các bạn ơi .. Câu tục ngữ "Đói cho sạch rách cho thơm" của ông bà ta đâu rồi. Xin chia sẻ với người bị nạn.
- Thật nhục nhã. Không biết nói gì hơn, hãy thử nhìn vào đất nước con người Nhật Bản mà xem, họ sống đẹp biết nhường nào...
http://tuoitre.vn/Ban-doc/442646/Mot-vu-%E2%80%9Choi-cua%E2%80%9D-qua-vo-cam.html

"Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!" (Mt 6,23)

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Chúa Thánh Thần và linh đạo

"Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho." (Cv 2,1-4)

Chúa Thánh Thần là sức mạnh tình yêu nối kết con người với Thiên Chúa, và soi sáng con người thấy con đường kết hợp với Chúa trong mọi hoạt động để nên hoàn thiện. Vì thế mọi linh đạo đều có tác nhân là Chúa Thánh Thần.
Nói riêng về Linh đạo Truyền Thông, đây cũng là con đường nên hoàn thiện nhờ tích cực thực hiện truyền thông cách thánh thiện, theo mẫu mực truyền thông trọn hảo của Ba Ngôi Thiên Chúa và của Ngôi Lời nhập thể, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, và theo sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Như vậy, sống Linh đạo Truyền Thông có nghĩa là:
- Trước tiên phải đi sâu vào quan hệ truyền thông và hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu nhờ siêng năng cầu nguyện, chiêm niệm Lời Chúa, đón nhận dồi dào ân sủng Bí tích.
- Cộng tác với Ơn Chúa Thánh Thần để nên trưởng thành, quân bình, can đảm, khôn ngoan, mở rộng con tim để lắng nghe, chia sẻ, phát huy sáng kiến trong đời sống thiêng liêng và tông đồ.
- Đầy nhiệt tình tông đồ để, hiệp nhất cùng Giáo Hội, sử dụng mọi phương tiện truyền thông loan báo Tin Mừng, góp phần xây dựng Văn hoá Sự Sống và Văn minh Tình Thương.

Chúa Thánh Thần đóng vai trò chính trong Linh đạo Truyền Thông, nên người làm mục vụ truyền thông luôn cần nhớ đến Ngài.

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Thánh hiến chính mình

"Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến." (Ga 17,19)

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Sự thật toàn vẹn

"Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn." (Ga 16,13)

Người ta không dễ gì biết được sự thật toàn vẹn, càng không dễ chấp nhận sự thật toàn vẹn

Ví dụ, những sự thật đau lòng dưới đây mà nhiều người bịt tai không muốn nghe:

"Số hộ nghèo trong cả nước ở Việt Nam hiện nay lên tới 3 triệu hộ, tăng hơn một triệu hộ, ngay sau khi ngưỡng chuẩn nghèo điều chỉnh được công bố cho giai đoạn 2011 - 2015, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

...Chuyên gia của viện nghiên cứu độc lập này cũng cho rằng việc đánh giá, phân loại các chuẩn nghèo ở Việt Nam đối với cấp địa phương cũng hàm chứa yếu tố 'thành tích' chính trị trong đó.

Gần đây, một trong các tỉnh nằm ở Bắc Bộ Việt Nam, cách trung ương không xa là Thanh Hóa, đã bất ngờ loan tin có tới gần một phần tư triệu dân bị thiếu đói trầm trọng và phải sử dụng các loại hoa mầu độn để giải quyết nhu cầu thiếu ăn hàng ngày một cách bức thiết, theo truyền thông trong nước."

Số liệu công bố tại một hội thảo về an sinh xã hội hôm 26 tháng Năm cho thấy số lượng hộ nghèo theo chuẩn cũ là gần hai triệu hộ tính đến 2010.

Mức chuẩn nghèo mới được điều chỉnh lên 400 nghìn VNĐ/người/tháng ở nông thôn và 500 nghìn VNĐ/người/tháng ở đô thị so với mức chuẩn nghèo cũ là 200 nghìn VNĐ/người/tháng ở nông thôn và 260 nghìn VNĐ/người/tháng ở đô thị.

Theo chuẩn mới nay cả nước có 3.044.566 hộ nghèo và số hộ cận nghèo là 1.612.181 hộ, báo Thời báo Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) trích thuật lời của Phó cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội của MOLISA hôm 27 tháng Năm, ông Ngô Trường Thi, cho biết."

...

Hoặc:

"Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa công bố các số liệu về hút thuốc lá tại đây, với con số 40 ngàn người chết hàng năm, tức tính trung bình hơn 100 người một ngày, vì các căn bệnh do hút thuốc lá.

Vẫn theo WHO, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới: hơn một nửa đàn ông ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá, và phần lớn bắt đầu hút thuốc từ rất trẻ: 13-15 tuổi.

Theo một nghiên cứu của Trường Y tế cộng đồng Hà Nội, thì chi phi cho các căn bệnh do hút thuốc lên tới hơn 75 triệu đô la mỗi năm.

Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, công bố kết quả khảo sát hôm 5/5 và cho biết thêm Việt Nam hiện có khoảng 50% nam giới trưởng thành - tức khoảng 17 triệu người - hút thuốc lá.

Ông nói: “Chúng ta không nên để hơn 60 triệu người còn lại phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động”.