Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Hẹp mà đẹp

Phong cảnh 1: Tranh sơn dầu của Trần Thanh Cảnh trong Triển lãm "Mùa Hè Sài Gòn" tại Singapore
Ngôi nhà trong bức tranh này có cánh cửa hẹp.
Nhưng cũng là cánh cửa đẹp với sắc hoa muôn mầu chung quanh.
Nên tự hỏi: Bức tranh đẹp này có thể làm minh họa cho Lời Chúa hôm nay:  
"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào (thiên đàng)" ?
 
Bức tranh trên đây có lẽ chỉ là một gợi ý, gợi hình chút chút thôi,
vì hoa bên ngoài cửa thì đẹp,
nhưng bên trong cửa chưa chắc đã là thiên đàng.

"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào,
vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được."
Cánh cửa mà Chúa nói đến tuy hẹp, nhưng đẹp, vì dẫn vào thiên đàng,
nên có vất vả chiến đấu mà vào thì cũng bõ công.
Cửa hẹp đây chắc chắn là những hy sinh của tình yêu rồi.

Xin cho con yêu cửa hẹp,
yêu cuộc chiến đấu
để đi vào cánh cửa dù hẹp - nhưng thật đẹp - của Nước Trời.

Nước Trời là quà tặng tình yêu của Thiên Chúa.
Nên muốn đón nhận được Nước Trời thì cần phải có tình yêu
Một tình yêu dám hy sinh, dấn thân cho người mình yêu
Dám đi vào cửa hẹp để đến được với người mình yêu.


 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, 
Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 
Có kẻ hỏi Người: 
"Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?" 
Người bảo họ: 
"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, 
vì tôi nói cho anh em biết: 
có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 
(Lc 13,22-24)

Hiên nắng: Tranh của Trần Thanh Cảnh

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Hiến lễ đời mình

Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy." Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em. (Lc 22,19-20)

Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy." Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. (I Cr 11, 23-27)

- Rửa chân cho nhau & Bí tích Thánh Thể: Di chúc kép bằng hành động.


- Bốn cử chỉ: cầm lấy, tạ ơn, bẻ ra (chấp nhận bị vỡ) và trao đi (quà tặng).


- Tiệc Vượt Qua có 4 tuần rượu. Tuần rượu cuối, Chúa mới nói: "Chén này là giao ước mới". Giao ước luôn ký kết bằng máu!


- Chiêm ngắm sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể: đơn sơ, gần gũi, mong manh, nhỏ bé, lặng lẽ, kiên nhẫn, chờ đợi, lắng nghe, sẵn sàng lên đường, hiện diện vì và cho người khác, chấp nhận tan biến để người khác được lớn lên.

- This is my body: đây là Mình Tôi. Khi đọc lời này, con hiểu: đây là thân xác Chúa, và cũng là thân xác của con! Con cảm nhận thế nào?

Tĩnh tâm chiều 22.8.2013

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Kiểu phục vụ

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? " Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! " Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch."

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! (Ga 13, 1-17)

Rửa chân cho nhau là một mệnh lệnh nghiêm túc, một di chúc của Chúa: "Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em."

Rửa chân cho nhau: đây là kiểu phục vụ Chúa dạy con phải thực hiện. Phục vụ không phải là đứng trên cao mà ban bố như một ân nhân, nhưng cúi xuống như tôi tớ, và phục vụ cả những người sắp bỏ rơi mình, sắp chối mình, sắp phản bội mình: "Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!"

Con phải nhìn lại xem kiểu phục vụ của con là kiểu gì?

Tĩnh tâm sáng 22.8.2013

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Đi trên ngọn sóng

"Nhâm nhi" Tin Mừng Mt 14,22-33

Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 

Các tông đồ bị Thầy Giêsu buộc phải qua bờ bên kia lúc trời đã tối, sau khi ăn no, và đang hưởng thụ thành công, đang ngây ngất vì phép lạ hóa bánh, đang được dân chúng hoan hô kịch liệt. Thật khó chịu trước một lệnh truyền như thế! Một bài học siêu thoát.

Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 

Thuyền đã ra xa bờ nhiều dặm, bị ngược gió. Nguy hiểm với sóng lớn, tiến thoái lưỡng nan. Còn Thầy, bây giờ Thầy ở đâu? Thầy cầu nguyện, và Thầy biết chuyện gì đang xẩy ra.


Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy! ", và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!"

Canh tư - từ 3 đến 6 giờ sáng - trời chưa sáng nên các ông thấy rõ mặt Thầy. Thầy đến đem bình an mà họ lại tưởng ma quái đe dọa. Vâng, nhiều khi Chúa đến bất ngờ, con không nhận ra!


Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Đức Giê-su bảo ông: "Cứ đến! " 

Phêrô đề nghị một kiểm chứng táo bạo. Nếu ngộ nhỡ không phải Thầy thì sao? Niềm tin của Phêrô thật mạnh liệt, nó diễn tả niềm khao khát đến với Chúa Giêsu trên sóng gió cuộc đời.


Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 

 Một kinh nghiệm phi thường và tuyệt vời!

Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" 

Dù có Thầy trước mặt vẫn sợ hãi và chìm xuống. "Lạy Thầy, xin cứu con!" là tiếng kêu thường xuyên của con!


Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!" 

Chúa kéo Phêrô lên và hai thầy trò dắt nhau đi trên mặt nước đầy sóng gió, cho đến khi bước vào thuyền, thì gió lặng ngay. Hạnh phúc nào hơn?


Con đã từng chìm, từng được Chúa kéo lên, từng nắm tay Chúa đi trên sóng gió cuộc đời. Xin cho con biết luôn nắm tay Chúa như thế.


(Tóm ý Bài Giảng phòng chiều 21.8.2013)

Nuôi dân

Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." Đức Giê-su bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" Người bảo: "Đem lại đây cho Thầy!" Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. (Mt 14,13-21)

Sau cái chết của Gioan Tẩy giả, Đức Giêsu định lánh đi một nơi hoang vắng, nhưng ở đó Ngài lại gặp cả một đám đông cần Ngài. Không hề khó chịu vì bị quấy rầy và "bể kế hoạch", Ngài quên đi nỗi lo của mình, để nghĩ đến nhu cầu của người khác.

Mấy ngày liền, cùng dân chúng lắng nghe Chúa, các môn đệ nhận thấy dân chúng đang đói. Họ xin Chúa giải tán đám đông để dân tự đi mua thức ăn. Nhưng Thầy Giêsu lại giao cho các môn đệ công việc nuôi dân. Hôm nay Chúa cũng giao cho  các linh mục sứ mạng nuôi Dân Chúa: "Chính anh em hãy cho họ ăn!". Trách nhiệm này lớn quá, không thể hoàn thành nổi!

"Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!": Hãy nói với Chúa về những gì mình có trong tay. Hãy thú nhận sự bất lực. Hãy trao cho Chúa tất cả những gì mình có. Tất cả, không giữ lại gì. Và phép lạ sẽ xẩy ra.

Đường đi của tấm bánh:
- Tấm bánh từ tay môn đệ đến tay Thầy Giêsu,
- Tấm bánh từ tay Thầy Giêsu dâng lên Cha trên trời,
- Tấm bánh được Thầy bẻ ra và trao lại cho các môn đệ,
- Tấm bánh được các môn đệ bẻ ra và trao cho đám đông,
- Có lẽ đám đông cũng bẻ bánh ra và trao cho nhau.
Không rõ bánh hóa nhiều vào lúc nào? Có lẽ vào lúc được bẻ ra và trao đi.

Bẻ ra và trao đi không làm cho hao hụt mà còn được nhân lên (Nếu con cứ giữ lại cho mình, con chỉ có ngần ấy. Cần qua tay Giêsu và trao đi). Chúa bảo các môn đệ:"Chính anh em hãy cho họ ăn". Cuối cùng, điều đó đã thành sự thật, chính tay các môn đệ phân phát bánh cho đám đông.

Con cứ phải trăn trở mãi về việc làm sao có đủ bánh cho đám đông, làm sao có bánh vừa mới lại vừa ngon cho từng người! Làm sao đây?
(Tóm ý Bài Giảng phòng cho nhóm linh mục cao niên sáng 21.8.2013) 





Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Cầu nguyện

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. (Mc 1, 32-36)
Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. (Lc 9,18) 

Cầu nguyện là nhu cầu mỗi ngày của Thầy Giêsu. Bận bịu suốt ngày, nhưng Thầy không quên dậy sớm, đến nơi thanh vắng cầu nguyện. "Cầu nguyện cũng chính là một việc mục vụ. Lúc hết sức bận bịu chính là lúc cần cầu nguyện hơn bao giờ hết" (ĐTC. Bênêđictô). Càng làm mục vụ, càng cần cầu nguyện. Càng cầu nguyện, càng thấy mình sẵn sàng cho việc mục vụ.

Cầu nguyện đơn giản là dành giờ cho Chúa, sống một mình với Chúa, hỏi ý Chúa trước khi quyết định bất cứ việc gì. Chính nhờ cầu nguyện mà linh mục có khả năng khám phá ý Chúa trong những lúc tối tăm, đọc thấy ý Chúa giữa những xáo trộn và biến động, nhờ đó có thể truyền đạt ý Chúa cho giáo dân.

Cầu nguyện là lắng nghe tiếng Chúa như Maria ngồi dưới chân Chúa. Ngồi nghe không phải là thụ động vì sẽ phải đem ra thực hành. Vì thế, cầu nguyện có khi là một cuộc chiến đấu ác liệt vì có sự giằng co giữa ý Chúa và ý riêng mình (Chúa đổ mồ hôi máu trong vườn cây dầu). Và cũng nhờ thế, cầu nguyện giúp người ta thắng cám dỗ và trừ được quỷ.

Xin dạy con biết siêng năng cầu nguyện để nhờ đó con tìm được ánh sáng mới cho lời rao giảng, sốt sắng cử hành bí tích, giữ được sự bình tĩnh, điềm đạm, vui tươi, dám hy sinh, cũng như có thể sống vui, sống khỏe và sống lâu (nếu Chúa muốn)!
(Tóm ý Bài Giảng phòng cho nhóm linh mục cao niên chiều 20.8.2013)


Siêu thoát

Có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! "Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?"Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện. (Lc 13,10-17)

"Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?"
Người phụ nữ được "cởi xiềng xích", đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. Trước đó, suốt mười tám năm, lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Bà bị "trói buộc xiềng xích" suốt 18 năm.

Ở trên đời có những sự xem ra là tốt đẹp, nhưng khi con dính bén và gắn chặt vào chúng, chúng sẽ trói buộc xiềng xích con lại, khiến con còng lưng, úp mặt xuống để chỉ thấy sự thấp hèn, không còn ngẩng lên để thấy được Thiên Chúa và trời cao. Đấy là:
- Của cải vật chất: tiền bạc, tiện nghi, cơ sở, sự an toàn...
- Của cải tinh thần: tiếng tăm, uy tín, địa vị, chức vụ, tài năng, thành công...
- Của cải thiêng liêng: ơn riêng Chúa ban khi làm mục vụ, nhân đức...
- Cá tính: sở thích, ước mơ, đam mê, lối nghĩ, lối đánh giá, thói quen, khuynh hướng, tương lai, kỷ niệm, ý riêng...

Tất cả những thứ trên đều có thể được gọi là của cải, những thứ con sở hữu. Cho dù xem ra chúng rất hữu ích, con cũng phải giữ được một khoảng cách với chúng, nếu không muốn bị chúng "trói buộc xiềng xích" lại.
Xin cho con chỉ ước muốn và lựa chọn những gì dẫn đưa con tới cùng đích của con là chính Chúa.

(Tóm ý Bài Giảng phòng cho nhóm linh mục cao niên sáng 20.8.2013)



Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Tự do

Thường xuyên bị trói buộc bởi sự ích kỷ, kiêu ngạo, con không thể bay cao trong bầu trời của tình yêu để phát huy toàn diện con người đích thực của con trong Thiên Chúa. Xin giúp con suy nghĩ nhiều hơn lời của Đức Giêsu nói với người thanh niên giàu có:

"Hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta." (Mt 19,21)

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Truyền lửa hôm nay



Tại sao tôi lại phải ra đi đến tận cùng thế giới - như Lời Chúa Giêsu dạy - để rao giảng Tin Mừng (Mt 28,19) khi có vẻ như người ta chẳng cần đến Đức Giêsu cũng sống hạnh phúc?

Thưa bởi vì tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người sự phong phú vô biên của tình yêu và niềm hy vọng, sự dồi dào bất tận của niềm vui và bình an mà Chúa Giêsu đã mang đến cho tôi và cho mọi người.

Tôi nhớ đến những chia sẻ của Nick Vujicic, một người không tay không chân nhưng lại rất hạnh phúc. Sau khi phát hiện ra sứ mạng của mình là đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng cùng với sự tật nguyền của mình, chỉ trong vòng 7 năm, anh đã giảng thuyết về Đức Giêsu và sự tốt lành của Đức Chúa Trời khoảng 2000 lần nơi 44 quốc gia (xem video clip "Kế hoạch kỳ diệu của Chúa dành cho Nick"). Và Nick vẫn còn tiếp tục như thế trong những năm kế tiếp. Nick đã đến Việt Nam và nói về Chúa cùng với thiên đàng của Ngài một cách hết sức thú vị tại sân vận động Mỹ Đình tối 23.5.2013 (xem video clip "Nick Vujicic nói về đức tin nơi Đức Chúa Trời tại sân vận động Mỹ Đình").

Vâng, Nick là lời nhắc nhở khiến tôi - hơn bao giờ hết - ao ước "công bố kho báu khôn dò của Chúa Kitô" dành cho mọi người, và "bộc lộ những hoạt động mầu nhiệm của Thiên Chúa, tác giả của mọi điều kỳ diệu" hằng muốn thực hiện cho từng người (xem Eph 3:8-9). Những điều kỳ diệu này vượt xa những gì con người có thể tưởng tượng được, giúp họ vượt qua mọi thử thách để đi vào sự phong phú khôn lường của Thiên Chúa ngay từ bây giờ.

Những gì tôi đã nhận được thực là quá đẹp, quá phong phú đến nỗi đã trở thành ngọn lửa khiến tôi không thể giữ nó cho chính mình mà cảm thấy bắt buộc phải mang nó đến cho từng người trên trái đất.

Ngọn lửa này trước hết chính là ngọn lửa hằng hừng hực cháy trong tim Đức Giêsu khi Ngài phán: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên." (Lc 12,49)

Xin cho ngọn lửa ấy hằng cháy lớn hơn trong con, khi con cố gắng lắng nghe lời tình yêu của Chúa mỗi ngày để đi vào cuộc sống thân mật với Chúa.

Xin cho con biết cùng Chúa làm cho ngọn lửa này cháy lên trong tim mọi người. Cám ơn Chúa đã cho thời đại chúng con nhiều công cụ có thể dùng để truyền lửa của Chúa đến với nhiều người trên thế giới, đặc biệt là mạng xã hội. Con có thể "đi đến tận cùng thế giới" để loan báo Tin Mừng một cách khá dễ dàng nhờ việc chia sẻ sứ điệp tình thương của Chúa trên mạng xã hội của internet. Xin cho con biết trung thành với công việc này mỗi ngày.

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Bé khóc


"Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng." (Mt 19,14)

Vì lỗi của người lớn mà nhiều trẻ nhỏ không có được cuộc sống an lành, quân bình, không thể đến được với Chúa là nguồn hạnh phúc.  Những gương xấu, những kiểu hưởng thụ, thỏa mãn ý muốn và dục vọng của người lớn bất chấp quyền lợi của trẻ em như làm ô nhiễm môi trường, ly dị, hôn nhân đồng tính... đã đẩy trẻ em rơi vào sự khốn cùng ngay từ lúc mới là bào thai. Rồi bao nhiêu cảnh hành hạ, lạm dụng, đày đọa, buôn bán thiếu nhi... đã biến thế gian thành hỏa ngục cho các em.

Câu chuyện một trẻ bé nuốt phải ốc vít là hình ảnh của thiếu nhi ngày nay. Cần phải tháo gỡ bao nhiêu ốc vít như thế cho các trẻ nhỏ ở khắp nơi có thể sống và thở được cách thanh thản trong thế giới hiện đại?

Con làm được gì cho "các thiên thần thơ bé" đang bị giày xéo, lạy Chúa?

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Chung thủy

Jonny là một em trai 15 tuổi. Em đã bắt đầu thay đổi cách sống và lối sống khoảng chừng 6 tháng trở lại. Ðầu óc bù xù, áo quần chim cò, và em đòi xỏ tai, xỏ lưỡi, xỏ rún, xâm mình. Em trở nên lỗ mãng, mất dậy, và vô lễ đối với mẹ em. Em đòi hỏi đủ điều và nếu mẹ em không làm hài lòng em, em liền nổi cơn thịnh nộ và nói năng vô lễ với mẹ. Em không còn là đứa trẻ dễ thương như chỉ 6 tháng trước đó. Ðiểm học của em xuống dốc cách thê thảm. Em đi sớm, về khuya và giao du với những bạn bè cùng hoàn cảnh với em. Tóm lại, em là một đứa trẻ hoàn toàn khác, hoàn toàn đổi mới!

Tuy không vâng lời mẹ, nhưng vì ở với người “cha kế” người Mỹ to con, mạnh mẽ và điều này có thể là một lý do khiến Johnny còn nghe ông đôi chút. Nhưng những bất đồng về quan niệm giáo dục, văn hóa của ông lại không làm cho mẹ em khỏi băn khoăn và lo lắng cho đứa con trai duy nhất mà bà đã cưng chiều từ hồi còn thơ trẻ. (Nguồn: Gia đình Nadareth)


Không thể kể hết những hậu quả thê thảm của ly dị trên con cái. Tất cả là do sự thiếu chung thủy trong tình yêu của bố mẹ với nhau. Khi tình yêu cha mẹ tan vỡ, lấy gì bù đắp được cho mọi đứa con sống trên nền tảng tình yêu của cha mẹ?

"Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." Họ thưa với Người: "Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?" Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu."
(Mt 19,4-8) 


Sự chung thủy giữa người với người chỉ có được khi người ta biết chung thủy với Chúa trước. Nên đời sống cầu nguyện của cá nhân cũng như của gia đình là hết sức quan trọng.


Xin Chúa cho con biết chung thủy trong đời cầu nguyện để con có thể chung thành trong mọi mối quan hệ với tha nhân.




Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Trọn vẹn

Mẹ Maria được đưa lên trời trọn vẹn cả hồn lẫn xác vì lúc nào Mẹ cũng sống cách trọn vẹn, tròn đầy với Chúa và với mọi người.

Mẹ luôn sống tròn đầy với Chúa và cho Chúa, luôn ở trọn vẹn trong Chúa, luôn thưa "xin vâng" cách trọn vẹn với thánh ý Chúa, nên lúc nào Mẹ cũng no đầy ân sủng của Chúa. Vì thế, thiên sứ Gabriel mới chào Mẹ: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà".

Với tròn đầy ân sủng của Chúa, lúc nào Mẹ cũng sống trọn vẹn với mọi người để đưa họ vào trong mối tương giao tròn đầy với Chúa:
- Mẹ đến với nhà ông Giacaria và làm cho gia đình này tiếp xúc được với Đấng Cứu Thế, khiến bào thai Gioan hân hoan nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth.
- Mẹ đến với tiệc cưới Cana và giúp cho chủ tiệc cưới thoát cảnh bẽ mặt. Mẹ làm cho họ gặp được Chúa Giêsu để các chum của tiệc cưới tràn trề rượu ngon, khách dự tiệc tràn trề niềm vui. Tiệc cưới Cana trở thành dấu chỉ của sự tràn đầy ơn cứu độ cho những ai gặp được Đấng Cứu Thế qua Mẹ Maria.
- ...

Giờ đây, với trọn vẹn hồn xác trên trời, Mẹ có thể trọn vẹn đến với từng người con yêu dấu của Mẹ ở trần gian, giúp họ sống tròn đầy với Chúa và với mọi người như Mẹ. Mẹ trở thành dấu chỉ cho một Giáo Hội khải hoàn viên mãn trên thiên quốc sau này.

Xin Mẹ cho con cảm thấy sự hiện diện trọn vẹn của Mẹ bên con, để cùng Mẹ, con luôn biết sống tròn đầy với Chúa và với anh em con.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Cầu nguyện chung và riêng

"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy"
(Mt 18,19-20)

Gặp nhau, tụ họp bên nhau, hiệp lòng với nhau để cầu xin thì Chúa chắc chắn sẽ nhận lời. Ôi thật vui biết bao!

Và rồi, Chúa cũng dạy phải đóng cửa phòng mình lại để có những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình với Chúa:
"Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh." (Mt 6,6).

Khi đó cần cầu nguyện với tâm tình con thảo như Giêsu để thân thưa với Cha trên trời:
"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
"Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
(Mt 6,8-13).

Và cầu nguyện với "tiếng rên" của Chúa Thánh Thần:

Prayer is the gift of the Spirit.
Often we wonder how to pray, when to pray, and what to pray.
We can become very concerned about methods and techniques of prayer. 

But finally it is not we who pray but the Spirit who prays in us.

Paul says: "The Spirit ... comes to help us in our weakness, 

for, when we do not know how to pray properly, 
then the Spirit personally makes our petitions for us in groans 
that cannot be put into words; 
and he who can see into all hearts knows what the Spirit means 
because the prayers that the Spirit makes for God's holy people 
are always in accordance with the mind of God" 
(Romans 8:26-27). 
These words explain why the Spirit is called "the Consoler."
(Nouwen M)

Xin cho chúng con biết gặp gỡ nhau để cùng cầu nguyện cho những nhu cầu cấp bách.
Và trong riêng tư, xin cho con biết cầu nguyện cùng Giêsu, trong "tiếng rên" Thánh Thần, hầu có thể đi sâu vào mối quan hệ thắm thiết với Chúa.

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Chuyện nhỏ

Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. (Mt 18,3)

Câu Lời Chúa này tạo nên trong con một niềm vui nhẹ nhàng thanh thoát. Nếu Chúa bảo phải trở nên một người cao cả, quyền to chức lớn, thì sẽ gây thất vọng cho bao nhiêu người không có đủ khả năng, trong đó có con. Nhưng Chúa đã dạy một việc mà ai cũng có thể làm được: hãy trở nên như trẻ nhỏ! Cám ơn Chúa.

Trở nên trẻ nhỏ để yêu mến những người bé nhỏ, làm tròn những việc nhỏ và sống như những người bé nhỏ. Làm như thế thì sẽ trở nên tình yêu, vì yêu là trở nên nhỏ bé để sống trọn cho người mình yêu, hết lòng phục vụ người mình yêu như người mẹ đêm ngày chăm sóc cho đứa con thơ bé của mình.

Mà đã trở nên tình yêu, thì không còn là chuyện nhỏ nữa rồi, phải không, lạy Chúa?

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Cha và Con

Burning With Love

Often we are preoccupied with the question:

"How can we be witnesses in the Name of Jesus? 
What are we supposed to say or do 
to make people accept the love that God offers them?" 
These questions are expressions 
more of our fear than of our love. 

Jesus shows us the way of being witnesses. 
He was so full of God's love, 
so connected with God's will, 
so burning with zeal for God's Kingdom, 
that he couldn't do other than witness. 
Wherever he went and whomever he met, 
a power went out from him 
that healed everyone who touched him. 
(See Luke 6:19)

If we want to be witnesses like Jesus, 

our only concern should be 
to be as alive with the love of God 
as Jesus was.
(Nouwen M)

Mối tương quan yêu thương thường trực giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha đã thể hiện qua những đối đáp trong bài Tin Mừng hôm nay:

Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: "Thầy các ông không nộp thuế sao ?" Ông đáp: "Có chứ!" Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: "Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?" Ông Phê-rô đáp: "Thưa, người ngoài." Đức Giê-su liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh." (Mt 17,24-27)

Như một người con, Đức Giêsu luôn gắn bó và nhớ về Cha của mình trong mọi hoàn cảnh: "Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?"
Và cũng trong chính tình cảm cha-con ấy, Đức Giêsu lại cảm thấy cần tinh tế, không gây "sốc" vô ích cho các em của mình ở trần gian: "Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu... "
Đấy là cách làm chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu thúc đẩy con người biết cư xử tốt đẹp với nhau.
 
Xin dạy con biết luôn tha thiết với Chúa và tinh tế trong mọi giao tiếp với người khác để có thể làm chứng cho tình yêu của Cha trên trời như Đức Giêsu.

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Sống với nụ cười của cái chết

Tôi thường nghĩ: Ai biết sống với nụ cười của cái chết, sẽ có một cuộc sống đẹp. Sống đẹp: vì luôn hướng tới cái chết như một nụ cười xinh. Và chết sẽ là một nụ cười xinh, khi là đỉnh điểm của một cuộc sống đẹp.

Khi nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá, tôi thấy nỗi đau của Ngài thật khủng khiếp. Chỉ có là gỗ đá mới không đau lòng và xúc động trước một tình yêu tự hiến vĩ đại như thế. Nhưng khi nghĩ về một tình yêu tự hiến, một câu hỏi thỉnh thoảng xuất hiện trong đầu tôi: Phải chăng trên thánh giá, khuôn mặt của Chúa chỉ có thương đau? Tôi có thể tìm thấy nụ cười của Ngài trên đó không, cho dù - trong cơn đau dữ dội của thân xác - những nụ cười ấy có lẽ chỉ thể hiện được cách nhẹ nhàng nơi ánh mắt, khóe môi?

Tôi đọc lại 7 lời sau cùng của Đức Giêsu trên đỉnh cao thập tự, để tìm ra những nụ cười của một cái chết đẹp nhất trần gian, đẹp nhất lịch sử loài người:
1. Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34)
2. Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trên thiên đàng (Lc 23,43)
3. Thưa Bà, đó là con Bà - Đây là Mẹ của con (Ga 19,26-27)
4. Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người bỏ con? (Mt 27,46; Mc 15,34)
5. Ta khát (Ga 19,28)
6. Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19,30)
7. Cha ơi, Con phó linh hồn của con trong tay Cha (Lc 23,46)

Lời thứ 6 và thứ 7 của Đức Kitô trên thánh giá chắc chắn phải là hai nụ cười mãn nguyện vì đã cứu độ được nhân loại sau những đớn đau khủng khiếp: "Mọi sự đã hoàn tất rồi. Cha ơi, Con phó linh hồn của con trong tay Cha". Không vui sao được khi một công trình vĩ đại nhất lịch sử hoàn vũ đã hoàn thành cách tuyệt mỹ?

Lời thứ 2 và thứ 3 của Chúa Giêsu bị đóng đinh hẳn phải kèm theo nụ cười hiền hậu gửi đến cho người trộm lành: "Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trên thiên đàng", và nụ cười thân thương động viên gửi đến Mẹ Maria cùng với Thánh Gioan đang tan nát cõi lòng: "Thưa Bà, đó là con Bà - Đây là Mẹ của con". Những nụ cười giao cảm giữa bao ác cảm của những kẻ đang thóa mạ Ngài!

Lời thứ nhất của Đấng Cứu Thế trên đồi Sọ phải chăng là một nụ cười nhẹ nhàng khoan dung hướng về những người đã lên án, đóng đinh và đang không ngừng chế diễu Chúa: "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm" ?

Lời thứ 4 của Ngôi Lời nhập thể trên cây thập tự chắc hẳn cũng kèm theo nụ cười yêu thương tha thiết - như đóa quỳnh nở ra trong đêm tối của tận cùng cô đơn - hướng về Ngôi Cha vô cùng yêu dấu: "Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người bỏ con?"

Và lời thứ 5 của Giêsu Nadarét trên đỉnh Canvê hẳn cũng là một nụ cười thương cảm và đồng cảm với những con người đang trầm luân đau đớn: "Con đang khát ư? Ta cũng vậy, Ta đang khát lắm đấy, con biết không?"

Dù đang ở trong tận cùng đau đớn, bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu - trước khi Ngài chết trên thập giá - phải chăng chính là bảy nụ cười đẹp của giờ chết, kết tinh của cung cách sống rất đẹp, thể hiện trong suốt cuộc đời tuyệt đẹp của Chúa?

Lời Chúa hôm nay nói về giờ chết, giờ Con Người đến phán xét: "Các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Lc 12,40).

Hãy sẵn sàng cho giờ Con Người đến: chính là luôn sống với nụ cười của cái chết. Nụ cười xinh mà ta muốn nở được trên môi trong giờ chết - khi ra trước tòa phán xét của Chúa - sẽ thúc đẩy ta luôn biết sống đẹp. Sống đẹp để dẫn đến một cái chết đẹp như cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, chết với những nụ cười đẹp bất chấp mọi đớn đau, những nụ cười mang lại hạnh phúc vĩnh cửu cho bản thân và mọi người.

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Hạt lúa mì

Hannah Smith

Bị quấy rối trên mạng, cô gái 14 tuổi treo cổ tự tử

Cha của nạn nhân Hannah Smith, 14 tuổi, cho biết cô bé đã nhận được khoảng 10 tin nhắn quấy rối trên trang xã hội ask.fm khiến em phải treo cổ tự tử tại nhà vào ngày 2-8.

Thủ tướng Anh David Cameron hôm 8-8 kêu gọi tẩy chay các trang mạng xã hội "hèn hạ" đã gây ra cái chết thương tâm của một cô gái trẻ bị quấy rối trên Internet.

Hannah Smith không phải là nạn nhân duy nhất mà là người thứ tư chết trong vòng một năm khi tham gia trang ask.fm (Tuổi Trẻ Online)
Câu chuyện thương tâm trên cho thấy các bậc phụ huynh cần biết những cách đối phó với những gây rối trên mạng internet để hướng dẫn con cái khỏi rơi vào hoàn cảnh như Hannah Smith. Tuy nhiên, điều muốn gợi lên để suy nghĩ nhiều hơn ở đây là: Còn có biết bao nhiêu người khác đã trở thành nạn nhân của các mạng xã hội xấu mà không hay. Tâm hồn họ trở thành nhơ nhớp, ứng xử của họ trở nên lệch lạc, linh hồn họ đã chết rồi mà chính họ cũng không biết. Những trang mạng xấu đầy dẫy trên thế giới ảo làm cho người xem mất cảm thức về tội, hủy diệt lương tâm, phá hỏng nền tảng và bản chất gia đình, ảnh hưởng tồi tệ trên xã hội hôm nay.

Những nhà truyền thông công giáo hẳn thấy được thực trạng đau lòng này và biết mình cần làm gì với sứ mạng truyền thông trong thế giới hiện đại.

Hiểu rằng thế giới internet là nơi mà ngày nay con người không thể không tham gia, nhiều người hằng ngày suy niệm Lời Chúa, và đưa những suy niệm đó lên mạng xã hội với ý thức: chính Lời Chúa có sức mạnh giúp họ đững vững trên thế giới ảo, đồng thời chiếu ánh sáng đẩy lui dần sức mạnh của bóng tối hôi hám dày đặc đang tung hoành trên thế giới internet. Đây là một nỗ lực giữa bao nhiêu hoạt động của những người thiện chí đang cố gắng làm cho "thế giới ảo" được sạch đẹp hơn.

Hy sinh 15 phút cầu nguyện với Lời Chúa đưa lên mạng mỗi ngày - một việc xem ra rất đơn giản mà ai cũng làm được - có thể là một ví dụ điển hình trong việc góp phần làm cho mạng xã hội của internet không những bớt phần đen tối mà còn trở thành "cửa vào sự thật và đức Tin, những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng" (Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47).

Tuy nhiên, dành dụm 15 phút mỗi ngày để đưa lên mạng một câu Lời Chúa cùng với một lời cầu nguyện nóng bỏng thôi, việc này cũng đòi hỏi những hy sinh nhất định. Nhưng "nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt" (Ga 12,24).

Xin giúp con dám hy sinh chút ít thời gian mở lòng cho Lời Chúa biến đổi con từng ngày và trở thành hạt lúa mì gieo vào lòng đất "ảo và thật" của thế giới hôm nay.

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Ích lợi chi?

Va chạm nhẹ, đâm chết người

Anh Lê Mạnh Đạt điều khiển xe gắn máy mang số BKS 51H4-2983 lưu thông tới giao lộ đường Ngô Quyền và 3 tháng 2 (quận 10) đã xảy ra va chạm với xe máy mang số BKS 52N1-7330 do một thanh niên điều khiển. Sau va quẹt nhẹ, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn và lớn tiếng với nhau.

Nhiều người đi đường đã can ngăn nhưng không thành. Khi thấy người thanh niên không xin lỗi mà lên xe chạy, anh Đạt phóng xe đuổi theo. Đến hẻm 272 Nguyễn Tiểu La (phường 8, quận 10) hai bên lao vào đánh nhau. Anh Đạt bị người thanh niên dùng vật nhọn đâm và gục ngã tại chỗ. Sau khi gây án, người thanh niên đã bỏ xe lại chạy khỏi hiện trường. (Báo Mới)


Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? (Mt 16,26). Thỏa mãn tự ái một chút rồi bị đâm chết hay bị truy nã, tù đầy nhục nhã thì ích lợi chi?


Nhiều diễn viên Hàn Quốc tự tử vì áp lực

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có số người tự tử cao nhất thế giới. Cứ trong 100.000 người Hàn có tới 21,5 người tự vẫn. Đặc biệt là trong giới giải trí khi áp lực của việc làm người nổi tiếng đè nặng lên các sao.

Trong những năm qua, có không ít những sao Hàn đã tìm đến cái chết để giải thoát mình khỏi những áp lực của cuộc sống. Đó là những cái tên như Choi Jin Sil, Park Jong Ha, Ahn Jae Hwan, Chae Dong Ha, Kim Chu Ryun… khiến làng giải trí Hàn Quốc rúng động và lấy đi biết bao nước mắt của người hâm mộ. (VOV)



Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? (Mt 16,26). Giàu có, xinh đẹp nhưng rồi tự giết mình vì không chịu nổi những áp lực thì ích lợi chi?

Giác ngộ

"Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"... Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của người đồng loại.

Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.

Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.

Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn. (Lẽ Sống)


"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. (Mt 16,24-25)

Xin cho con biết ra khỏi bản thân để quan tâm sống cho người khác. Chỉ như thế con mới có cuộc sống tươi đẹp và phong phú.

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

An toàn


Tại hội nghị bảo mật DEF CON lần thứ 21 vừa diễn ra tại Las Vegas, các chuyên gia bảo mật đã trình diễn những kỹ thuật để vô hiệu hóa Kwikset Smartkey - loại ổ khóa từng được cho là an toàn nhất thế giới.

...Tobias cho biết khi phát hiện cách khuất phục Kwikset Smartkey, ông đã đệ đơn khiếu nại nhà sản xuất từ 2 năm trước nhưng bất thành. Nhà sản xuất Kwikset Smartkey vẫn tích cực quảng cáo và khiến mọi người dùng tin rằng đây là loại khóa “bất khả xâm phạm”.

Tại DEF CON, Marc Weber Tobias và Toby Bluzmanis đã trình diễn đến 6 cách để mở một chiếc Kwikset Smartkey trong khoảng thời gian từ 15-30 giây mà không để lại dấu vết gì trên ổ khóa và rãnh khóa. (Tuổi Trẻ online)


Trên thế gian, chẳng có cái gì là an toàn vĩnh viễn để có thể an tâm cậy dựa mãi mãi, vì mọi sự đều là thụ tạo, đầy giới hạn, nay còn mai mất. Chỉ một mình Thiên Chúa tối cao toàn năng mới là điểm tựa an toàn vĩnh cửu của tôi. Vì thế cần đi theo Chúa. Mà để theo Chúa thì cần phải biết Chúa là ai:

Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16,15-16)

Theo Đức Kitô xem ra là đi vào sự bấp bênh tột cùng:

Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16,21-23)

Nhưng thập giá Đức Kitô chính là chìa khóa mở được cánh cửa thiên đàng, nơi có hạnh phúc tột đỉnh và an toàn mãi mãi.

Jesus' Loneliness

When Jesus came close to his death, he no longer could experience God's presence. He cried out: "My God, my God, why have you forsaken me?" (Matthew 27:47). Still in love he held on to the truth that God was with him and said: "Father, into your hands I commit my spirit" (Luke 23:46).

The loneliness of the cross led Jesus to the resurrection. As we grow older we are often invited by Jesus to follow him into this loneliness, the loneliness in which God is too close to be experienced by our limited hearts and minds. When this happens, let us pray for the grace to surrender our spirits to God as Jesus did.


(Nouwen M)

Ngay trong những lúc cô đơn hoang mang trong đêm tối, xin cho con thấy đó là cơ hội để chia sẻ nỗi cô đơn của chính Chúa Giêsu, để gần Chúa hơn, từ đó cũng cảm nhận được sự an tòan trong nỗi bấp bênh nhỏ bé của bản thân.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Tiền

Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của con người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khoẻ tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cái cân công lý, là đồng chí thân thương, là đồng hương thân cận, là thời vận thanh xuân, là vui mừng phấn khởi....

Người ta nói với nhau như thế về sức hút vô cùng mãnh liệt của tiền bạc. Để có tiền, người ta dám làm mọi sự, kể cả những tội ác khủng khiếp nhất.

Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh cáo:

"Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu."

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi." Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".

(Lc 12,15-21)

Trong Đại hội Giới Trẻ Thế Giới 2013, ĐTC Phanxicô nhận định:

"Đúng là hiện nay, ở một mức độ nào đó, tất cả mọi người, kể cả những người trẻ của chúng ta, cảm thấy bị thu hút bởi nhiều thần tượng đã chiếm lấy địa vị của Thiên Chúa và có vẻ như cống hiến cho họ niềm hy vọng: đó là tiền bạc, thành công, sức mạnh, khoái lạc. Thường thì một cảm giác cô đơn và trống rỗng cứ mãi gia tăng trong tim nhiều người đã khiến họ đi tìm kiếm sự thỏa mãn trong những thần tượng chóng qua. 

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy là ánh sáng của niềm hy vọng! Hãy duy trì quan điểm tích cực trên các thực tại. Hãy cổ võ sự quảng đại là tiêu biểu của giới trẻ và giúp họ tích cực làm việc để xây dựng một thế giới tốt hơn. Giới trẻ là một động lực mạnh mẽ cho Giáo hội và xã hội. Họ không chỉ cần những thứ vật chất, nhưng trên hết, họ cũng cần phải được giữ gìn trên những giá trị phi vật chất - là con tim thiêng liêng của một dân tộc, là ký ức của một dân tộc. Trong đền thánh này - được coi là một phần ký ức của Brasil - chúng ta gần như có thể đọc các giá trị đó: tâm linh, lòng quảng đại, sự liên đới, tính kiên trì, tình huynh đệ, niềm hân hoan; đấy là những giá trị mà gốc rễ sâu xa nhất của chúng nằm trong đức tin Kitô giáo."



Xin giúp con thoát khỏi nanh vuốt của thần tượng tiền bạc chóng qua, biết sử dụng nó chỉ như một phương tiện phục vụ cho hạnh phúc lâu bền là chính Chúa. Xin dạy con biết tiêu xài tiền bạc theo tiêu chuẩn của Tin Mừng, hầu xây dựng được một xã hội công bằng, bình an và đầy tình huynh đệ.

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Về quê

"Khi nói về bầu không khí gia đình, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Hôm nay, trong ngày lễ kính Thánh Gioakim và Anna này ở Brasil cũng như ở nhiều nước khác, chúng ta mừng lễ ông bà. Đời sống gia đình quan trọng biết bao trong việc truyền lại di sản nhân bản và đức tin, là điều thiết yếu cho tất cả mọi xã hội! Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ, đặc biệt là trong gia đình, quan trọng biết bao. Tài Liệu Aparecida nhắc nhở chúng ta: “Các trẻ em và các bậc lão thành xây dựng tương lai của quốc gia, bởi vì các em sẽ mang theo mình những câu chuyện mà những vị cao niên truyền lại để có được kinh nghiệm và sự khôn ngoan của đời sống” (số 447). Mối tương quan này, cuộc đối thoại giữa các thế hệ này là một kho tàng mà chúng ta phải bảo toàn và nuôi dưỡng! 

Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới này, những người trẻ muốn chào hỏi ông bà. Chào hỏi các ngài với hết lòng kính yêu. Thưa ông bà, chúng con chào ông bà. Các em, những người trẻ, chào hỏi ông bà với lòng kính yêu và cảm ơn các ngài vì chứng tá về sự khôn ngoan mà các ngài liên tục ban cho chúng ta."

(Một ngày chỉ dành cho Giới Trẻ)

Thật là ấm cúng khi ĐTC nhắc giới trẻ chào hỏi ông bà cha mẹ ngay trong Đại hội Giới Trẻ thế giới.
Khi Đức Giêsu vê quê Nadarét, người ta cũng nhắc đến song thân và thân nhân của Chúa Giêsu:

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? (Mt 13,44-45)

Xin cho mọi Kitô hữu luôn cố gắng làm cho hơi ấm gia đình tỏa lan được tình Chúa. Xin cho người thân của con luôn an mạnh. Amen.

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Cây mắm

Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Rừng Mắm", cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc đã giải thích về ích lời của cây mắm qua mẩu đối thoại sau đây giữa hai ông cháu:

- Cây mắm sao con không nghe nói đến bao giờ?

- Con không nghe nói vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm lửa cũng không được nữa là.

- Vậy trời sinh nó làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sinh ra hằng hà sa số như là cỏ vậy?

- Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước, phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một mai kia, cây mắm sẽ ngã rạp, giống tràm sẽ nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được.

Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, Ông cụ vịn vai nó nói tiếp:

- Ông với tía, má con là cây mắm, chân giam trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lắm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Ðời cây mắm tuy vô ích nhưng không uổng đâu con.
(Lẽ Sống)

Câu chuyện tin Mừng hôm nay cho thấy Gioan cũng có thể được coi là một cây mắm đặc biệt:

"Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng. Nhưng vì đã trót thề trước khách dự tiệc, nên sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan." (Mt 14,5.9-10)

Gioan đã là cây mắm nằm xuống để làm cho "đất thế gian" này trở nên tốt, khiến "cây ăn trái" có thể mọc được trên đất này. Xin Chúa giúp con biết đóng góp cho đời những hy sinh hằng ngày theo gương Thánh Gioan.

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

"Hôm nay, tôi xin mỗi người chúng ta thật lòng tự hỏi: Chúng ta đặt niềm tin tưởng vào ai? Nơi bản thân mình, nơi vật chất, hay nơi Chúa Giêsu? Tất cả chúng ta bị cám dỗ đặt mình làm trung tâm, và tưởng rằng tự chúng ta có thể xây dựng đời mình và rằng đời mình chỉ được hạnh phúc nếu xây trên của cải, tiền bạc hay quyền lực. Nhưng không phải thế. Chắc chắn của cải, tiền bạc hay quyền lực có thể đem lại cảm xúc nhất thời, ảo tưởng hạnh phúc, nhưng rốt cuộc những thứ ấy lại ám ảnh chúng ta và làm cho chúng ta cứ muốn có thêm nữa, không bao giờ thỏa mãn.

“Hãy mặc lấy Đức Kitô” trong đời mình, đặt niềm tin tưởng nơi Người và các bạn sẽ không bao giờ thất vọng! Các bạn biết cách đức tin thực hiện cuộc cách mạng trong chúng ta, điều mà chúng ta gọi là cuộc cách mạng Copernic, bởi vì nó kéo chúng ta ra khỏi trung tâm và đặt Thiên Chúa vào đó; đức tin nhấn chìm chúng ta trong tình yêu của Người và cho chúng ta được an toàn, mạnh mẽ và hy vọng. Vẻ bề ngoài thì không có gì thay đổi, nhưng trong sâu thẳm hữu thể chúng ta, mọi thứ đã khác. Bình an, niềm an ủi, dịu ngọt, can đảm, an toàn và niềm vui, tất cả đó là hoa quả của Thánh Thần (x. Gl 5,22), tìm được chỗ trong lòng chúng ta, và chính hiện hữu của chúng ta được biến đổi; suy nghĩ và hành động của chúng ta được đổi mới, nó trở thành cách nghĩ và hành động của Đức Giêsu, của Thiên Chúa. Trong Năm Đức Tin, Ngày Giới trẻ Thế giới là quà tặng thực sự cho chúng ta để lôi kéo chúng ta đến gần Chúa, để trở nên môn đệ và sứ giả của Người, để cho người canh tân đời sống chúng ta."


(ĐTC Phanxicô tại Rio de Janeiro 25.5.2013)

Lời Chúa hôm nay dạy tôi: "Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài." (Mt 13,48)

Xin cho con đừng lựa chọn mình là trung tâm để trở nên cá xấu. Xin cho con trở nên cá tốt mỗi ngày nhờ nỗ lực "mặc lấy Đức Kitô ".

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Vui

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền thánh Đức Mẹ Aparecida:
 
Hy vọng
"...Con Mãng xà, tượng trưng cho sự dữ, hiện diện trong lịch sử của chúng ta, nhưng nó không ở thế thượng phong. Đấng ở thế thượng phong là Thiên Chúa, và Ngài chính là niềm hy vọng của chúng ta!

Ngạc nhiên
"...Thiên Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên, giống như rượu mới trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Thiên Chúa luôn giữ điều tốt nhất cho chúng ta. Nhưng Ngài yêu cầu chúng ta hãy để cho bản thân mình biết ngạc nhiên trước tình yêu của ngài, biết đón nhận điều bất ngờ của Ngài. Hãy tin tưởng Thiên Chúa! Tách lìa khỏi Ngài, rượu của niềm vui, rượu của niềm hy vọng sẽ cạn kiệt. Nếu ta đến gần Ngài, nếu ta ở lại với Ngài, những gì xem ra là nước lạnh, khó khăn, tội lỗi, sẽ biến thành rượu mới của tình bạn với Ngài...


Hân hoan
"...Nếu chúng ta bước đi trong hy vọng, biết để cho mình ngạc nhiên bởi rượu mới Chúa Giêsu ban cho ta, thì chúng ta mới có niềm vui trong tâm hồn, và mới thành chứng nhân cho niềm vui này. Kitô hữu phải hân hoan, họ không bao giờ được u sầu. Thiên Chúa ở bên cạnh chúng ta. Và chúng ta có một người Mẹ luôn cầu bầu cho cuộc sống của con cái Mẹ."

Xin cho con phát hiện được những điều kỳ diệu Chúa làm trong đời con, trong cộng đoàn của con. Đó là những kho báu khiến con ngạc nhiên giữa ngút ngàn tăm tối, ngạc nhiên và ngập tràn niềm vui:

"Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vui mừng trở về bán tất cả, mà mua thửa ruộng ấy." (Mt 13,44)

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Nho nhỏ

Hằng ngày, có những người miệt mài gieo lúa tốt, gieo những hành động yêu thương: Vớt 100 tấn lục bình, rác (TTO)


Lại cũng có những người thường xuyên gieo cỏ lùng, gieo những hành động hận thù, xấu xa: “Có những con số, những thông tin gây lo lắng và băn khoăn. Chẳng hạn tội phạm có dấu hiệu bảo kê của chính quyền cơ sở; tội phạm về tham nhũng tăng đến 27%." (Tuổi trẻ online); Đài truyền hình bị chỉ trích vì quay cảnh tự tử (TTO)

Tôi có thể gieo lúa tốt hằng ngày bằng những hành vi bác ái nho nhỏ, với từng bước đi nho nhỏ của tình yêu thương, và nhờ đó cũng nhổ bớt được những cỏ lùng trong tôi:

Small Steps of Love

How can we choose love when we have experienced so little of it?  
We choose love by taking small steps of love every time there is an opportunity.  
A smile, a handshake, a word of encouragement, a phone call, a card, an embrace, a kind greeting, a gesture of support, a moment of attention, a helping hand, a present, a financial contribution, a visit ...  all these are little steps toward love.

Each step is like a candle burning in the night.  
It does not take the darkness away, but it guides us through the darkness.  
When we look back after many small steps of love, we will discover that we have made a long and beautiful journey. 
(Nouwen M)

Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy (Mt 13,37-40).

Xin dạy con biết thường xuyên thực hiện nhiều cử chỉ yêu thương: nụ cười chào đón, bắt tay thân tình, lời nói động viên, chăm chú lắng nghe, nhanh nhẹn nâng đỡ... Đấy là những hạt giống tốt con gieo, cũng là cách con nhổ bớt cỏ lùng ích kỷ trong con.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Hối hả & hăng hái

Trong Thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới 2013, ĐTC nhắn nhủ: "Go and make disciples of all nations.Three simple ideas: Go, do not be afraid, and serve":

1. Go

- Careful, Jesus did not say: “if you would like to, if you have the time”, but: Go and make disciples of all nations, sharing the experience of faith, bearing witness to the faith, proclaiming the Gospel: this is a command that the Lord entrusts to the whole Church, and that includes you; it is a command that is born not from a desire for domination or power but from the force of love.

- Where does Jesus send us? There are no borders, no limits: he sends us to everyone.

2. Do not be afraid

- Some people might think: “I have no particular preparation, how can I go and proclaim the Gospel?” My dear friend, your fear is not so very different from that of Jeremiah, a young man like you, when he was called by God to be a prophet. We have just heard his words: “Ah, Lord God! Behold, I do not know how to speak, for I am only a youth”. God says the same thing to you as he said to Jeremiah: “Be not afraid ... for I am with you to deliver you” (Jer 1:7,8). He is with us!

- I would like to address you, dear priests... please to accompany them with generosity and joy, help them to become actively engaged in the Church; never let them feel alone!

3. Serve

Evangelizing means bearing personal witness to the love of God, it is overcoming our selfishness, it is serving by bending down to wash the feet of our brethren, as Jesus did.

Xin dạy con hối hả và hăng hái loan báo Tin Mừng bằng cách kể chuyện về Đức Giêsu với tất cả con tim và nhanh nhạy phục vụ trong khiêm tốn.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Xin thì được

Con gái ông Karl Marx có lần thú nhận với người bạn gái từ thủa nhỏ rằng: bà không được huấn luyện cho biết có tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như chính bà không cảm thấy mình có một tâm tình tôn giáo hay tin tưởng vào một thực tại vô hình nào. 

Nhưng bà tâm sự tiếp: một ngày kia, bà tình cờ đọc được một kinh của người Kitô, và bà đã thầm mong ước là những câu kinh ấy được biến thành sự thật.

Nghe nói thế, người bạn gái của bà không khỏi ngạc nhiên và tò mò hỏi: "Kinh gì mà hay thế?". 


Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, người con gái ông Karl Marx chậm rãi đọc bằng tiếng Ðức: "Vater unser im Hinmel. (Lạy Cha chúng con ở trên trời)". (Nguồn: Lẽ Sống)

Dù không biết gì về tôn giáo, con gái của Karl Marx vẫn thầm mong ước rằng những câu trong Kinh Lạy Cha - mà bà tình cờ nghe được - sẽ biến thành sự thật, vì những ý nguyện trong đó quá đẹp:
- Lạy Cha: Cha của tôi là Chúa cả trên trời ư? Một sự thật vượt mọi ước mơ!
- Danh Cha, Nước Cha, Ý Cha... được thể hiện, ôi thật tốt biết mấy!
- Có lương thực hằng ngày, được tha nợ tha tội, thắng chước cám dỗ, thoát khỏi sự dữ... Còn gì hân hoan hơn!
Xin cho mọi ước nguyện trên được trở nên sự thật!

Vâng, kinh Lạy Cha dạy con biết rằng: những khi con hiệp lòng với Giêsu mà cầu xin cùng Thiên Chúa thì đều được nhận lời, đều trở thành sự thật, vì Thiên Chúa toàn năng ở trên trời chính là người cha thân thương của Giêsu, cũng là cha kính yêu của con.

"Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho." (Lc 1,9)

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Tâm giao

Buồn buồn tôi rẽ sang vườn khác
Cái lạnh không mùa, lạnh khắp nơi
Quay về, không dám bơi thuyền nữa
Nước cũng dâng cao khí lạnh rồi.

Lạnh như tràn ngập tới hư vô
Gợn sóng lăn tăn phủ kín hồ
Tôi để con thuyền im ngủ đó
Sợ thuyền thêm lạnh lúc xa bờ.

Đấy là hai đoạn trong bài thơ “Lạnh” của Yến Lan. Cái lạnh “không mùa, lạnh khắp nơi” nếu thấm sâu buốt giá đến tận đáy tâm hồn thì thật là khủng khiếp. Hẳn là nhà thơ Yến Lan đã kinh qua cái lạnh này?

Rất may, nhà thơ này luôn có người bạn tri kỷ bên cạnh để sưởi ấm tâm hồn cho ông. Nhà văn Mang Viên Long đã viết về người bạn đời ấm áp ấy của Yến Lan như sau:

Bà Yến đã có đôi lần cho tôi biết, bà thường được ông đọc cho nghe các bài thơ khi còn ở dạng bản thảo hay còn dang dở. Bởi vậy bà Yến đã đọc hầu hết các tác phẩm của ông một cách say mê, có nhiều bài đã thuộc nằm lòng. Khi được gặp cả ông và bà thường thì bà luôn giúp chồng tiếp khách. Lúc ông nhắc kể đến bài thơ nào, sáng tác trong hoàn cảnh ra sao thì bà Yến đều có thể gợi nhớ cho ông ngay…

Trong những ngày cuối năm 1995, ông Yến Lan đau nặng hơn – người khô gầy, đôi tay thỉnh thoảng run rẩy, không thể tự tay cầm bút viết một bài thơ. Bà Yến lại luôn kề cận chồng, làm “thư ký riêng” cho chồng, ghi lại những sáng tác của ông đọc trong một quyển vở 100 trang. Viết xong, bà đọc lại cho ông nghe đôi ba lần, có chỗ nào ông cần sửa, bà luôn cẩn trọng sửa lại cho dù một chữ. Bà luôn luôn trân trọng, yêu quý từng câu thơ của ông! Ngày ông mất, đến thăm viếng, chia buồn với bà, bà Yến có cho biết – “Trước lúc mất hai hôm, ông nhà tôi cũng đọc cho tôi chép ba bài thơ cuối cùng…”

Tôi xin phép được trích ra đây hai đoạn của bài “Nhớ về anh” của bà :
“Nhớ lại buổi trưa hè nào đó,
Em thương chàng – nhà giáo làm thơ
Vào chùa lấy cớ xin me
Để em lại được nghe thơ của chàng…”
“… Về Bình Định, vài năm sau bị bệnh
Tay run run không chép được thơ mình
Bao năm ấy, tay em cầm bút viết
Thay tay chàng, em ghi lại những vần thơ”.

Một người bạn đời tri âm tri kỷ như vậy đã trở thành nguồn hạnh phúc thật lớn cho thi sĩ Yến Lan.

Chúa Giêsu là người bạn như thế đối với tôi. Và còn hơn thế rất nhiều:
- Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.
- Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
- Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.
- Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa.
(x. Ga 15,15-20; 14,12)

Với thân xác phục sinh thần thiêng, Chúa Giêsu luôn cận kề bên tôi, lắng nghe tôi, tìm cách sưởi ấm cõi lòng nhiều khi rất băng giá của tôi.

Chúa Giêsu cũng mong tôi trở thành tri âm tri kỷ của Ngài với cung cách như Maria trong bài Tin Mừng hôm nay:

Một hôm, Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
(Lc 10, 38-42)

Con cũng muốn có nhiều giờ ở bên Chúa, lắng nghe Chúa như Maria. Và lòng con cũng muốn cận kề tâm giao với Chúa ngay chính trong những lúc đang tất bật với công việc phục vụ như Mácta. Phục vụ trong bình an nhờ Lời của Ngài vẫn ngọt ngào rót vào tai con. Xin giúp con…