Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Đến để phục vụ

Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 
(Mt 20,27)
Ai cũng thích làm lớn. Chẳng ai muốn làm đầy tớ cả. 
Nhưng Chúa lại muốn thế. Vì Ngài yêu. 
Như mẹ yêu con thơ, 
phục vụ con mình còn hơn cả đầy tớ, hơn cả nô lệ của nó!
Tình càng lớn, phục vụ càng nhiều. 
Tình con nhỏ quá, nên con ngại phục vụ biết bao...

Gần bên trái tim Chúa nhiều hơn, nhiều hơn nữa... 
để con lây nhiễm được tình yêu phục vụ của Ngài. 
Và gần bên anh em con nhiều hơn nữa, 
để con biết được anh em con đang cần, 
đang cần lắm... một tấm lòng.


Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Hãy xin

Hãy xin thì sẽ được.

Có những người phàn nàn: Xin hoài mà Chúa chẳng cho gì cả! Nhưng thực ra, họ có đang cầu xin Chúa không?
Có những người tưởng rằng mình đang cầu xin, nhưng thực ra họ chẳng cầu xin gì cả.

Xin là cầu nguyện, là ngước nhìn lên Chúa. Nếu tôi thực sự ngước nhìn lên Chúa và trông thấy ánh mắt của Chúa, tôi sẽ hiểu rằng, Chúa rất hiểu nhu cầu thực sự của tôi. Tôi sẽ nhận ra và nhận được những ơn còn cao cả hơn những gì tôi đang mong ước kêu nài. Những ơn đó sẽ đáp ứng đúng nhu cầu thực của tôi.

Nhưng khi cầu xin, tôi thường không nhìn lên ánh mắt của Chúa, mà chỉ chằm chằm nhìn vào những điều mình mong ước. Tôi chỉ chằm chằm nhìn vào chính bản thân của mình. Đó sẽ là lý do tôi không nhận ra được những ơn Chúa ban cho tôi.
Cầu xin mà không nhìn lên Chúa như thế thì có phải là cầu xin không?

Hãy xin đi, hãy nhìn lên Chúa đi! Hãy xin như thế thì sẽ được.

Dấu lạ

Con người ta có thông minh đến đâu đi nữa thì đầu óc của họ vẫn nhỏ xíu so với cả vũ trụ mênh mông bao la này. Vì có biết bao điều mới lạ mà con người chưa biết, biết bao điều kỳ thú mà con người chưa khám phá ra. Vì thế mỗi ngày đều có muôn điều mới lạ kỳ thú chờ đợi ta khám phá, thưởng thức. Và điều mới lạ kỳ thú nhất là chính bản thân Đức Giêsu, nguồn của vũ trụ tuyệt vời này. Đó cũng là nội dung Lời Chúa hôm nay.

Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ để tin. Chúa nói, sẽ chẳng ban cho họ dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giona. Chính bản thân Giona là dấu lạ cho thành Ninivê. Vào thời Các Vua, chính bản thân vua Salomon là dấu lạ khiến nữ hoàng phương nam phải đến chiêm ngắm. Và Chúa Giêsu nói: ở đây còn có người tuyệt diệu hơn cả Giôna và Salomon nữa. Kẻ ấy chính là Chúa Giêsu. Bản thân Ngài là dấu lạ tuyệt vời.

Mỗi sáng thức dậy, tôi rất vui vì bao dấu lạ, bao điều mới lạ kỳ thú đang chờ đợi tôi chiêm ngắm, thưởng thức. Và điều kỳ thú nhất tôi sẽ được thưởng thức là chính Chúa Giêsu. Tôi sẽ khám phá và thưởng những kỳ thú nhiều hơn về Giêsu trong Lời Chúa, trong Thịt Máu Chúa, trong sự hiện của Giêsu nơi thẳm sâu lòng tôi, nơi anh em tôi, nơi vũ trụ quanh tôi và nơi mọi biến cố vui buồn xẩy ra cho tôi hôm nay.

Xin Chúa cho con biết thưởng thức Giêsu mỗi ngày một nhiều hơn.

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Ba ơi!

Bài Tin Mừng về Kinh Lạy Cha hôm nay khiến tôi liên tưởng đến một đứa bé mới mấy tháng tuổi, chưa biết nói. Cha mẹ bé dạy bé những tiếng nói đầu tiên: Ba! Mẹ! Và khi đôi môi nhỏ xíu, xinh xắn của bé bật lên tiếng nói: Ba! Mẹ! thì tâm hồn của người cha, người mẹ của bé tràn ngập một niềm hạnh phúc ngọt ngào như chưa bao giờ hạnh phúc đến vậy!

Tôi cũng thế. Cho dù tôi có lớn đến đâu, già đến mấy, tôi cũng chỉ là đứa con bé bỏng trước mặt Cha trên trời. Nên mỗi khi tôi đọc Lạy Cha, Abba, Ba ơi! thì tôi biết cõi lòng Thiên Chúa cũng tràn ngập một niềm vui khôn tả!

Thánh Têrêra Hài Đồng cảm nhận được điều này, nên mỗi khi đọc hai chữ Lạy Cha, Thánh nhân lúc nào nước mắt ròng ròng vì cảm động.

Những câu tiếp theo của Kinh Lạy Cha diễn tả tâm tình và cuộc sống người con đích thực của Cha trên trời. Người con đích thực ấy là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu luôn sống để làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Đức Giêsu cũng là người, nên Ngài cũng có nhu cầu cơm bánh hằng ngày. Ngài luôn biết tha thứ và bị cám dỗ thử thách.

Do đó, khi tôi đọc Kinh Lạy Cha là tôi mang lấy tâm tình, mang lấy cuộc sống của chính Chúa Giêsu để trở nên một với Ngài.

Xin Chúa cho con có một cảm nghiệm như thế khi đọc Kinh Lạy Cha. Để con làm cho Cha trên trời tràn ngập niềm vui với tiếng Ba ơi! Và để con được nên một với Chúa Giêsu.

Bản thân

Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Ngài rất vui sướng khi thấy hình ảnh của Ngài nơi họ.

Nhưng Thiên Chúa không muốn dừng lại ở đó. Vì yêu thương con người, Ngài không chỉ muốn con người giống hình ảnh của mình, mà còn muốn coi họ như chính bản thân của Ngài.
Ta đói, các ngươi đã cho ăn. Ta khát, các ngươi đã cho uống. Ta khốn khổ, các ngươi đã quan tâm... Kẻ khốn khổ phần xác là người đói khát. Kẻ khốn khổ phần hồn là người tội lỗi. Tất cả, Chúa đều coi như chính bản thân của mình.
Điều này làm tôi rất vui và rất bình an, dù ở trong hoàn cảnh nào. Vì dẫu tôi có là kẻ bần cùng tội lỗi, tôi vẫn được Chúa yêu thương như chính bản thân Ngài.

Lời Chúa hôm nay cũng nhắc tôi phải cư xử như Chúa, phải coi những kẻ đói khát bần cùng như chính bản thân mình. Để quan tâm đến họ như quan tâm đến chính bản thân của tôi.
Xin Chúa cho con luôn cảm nghiệm được tình thương của Chúa để lòng con luôn bình an. Và xin cho con biết đem bình an đến cho người khác bằng tình thương của con.

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Chúa bênh vực con

Hành trình sám hối theo Chúa của Lêvi đi từ việc ham mê tiền của đến yêu mến Thiên Chúa, từ việc mân mê đồng bạc đến miệt mài với cây bút viết lên Tin Mừng.

Hành trình đó gặp khó khăn ngay từ đầu. Sự khinh bỉ của người khác vẫn đi theo Lêvi, tìm cách cản trở bước đường theo Chúa của ông. Ông nghe những lời bàn tán chê bai: "Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?" (Mt 5,30)

Nhưng ông nhận được sự bênh vực bảo vệ của Chúa: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Mt 5,31-32)

Vâng dù con thế nào đi nữa, con có tội lỗi, hay yếu đuối, Chúa vẫn bênh vực con. Miễn là con luôn nỗ lực quay về với Chúa, nỗ lực tìm về và bước theo Ngài.

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Vác thập giá & ăn chay

Chung một thập giá với Chúa Giêsu,
đấy là ông Simêon.
Con cũng muốn thế,
không những vác thập giá theo Chúa
mà còn chung một thập giá với Chúa nữa.

Ăn chay là một hình thức vác thập giá,
bác ái và cầu nguyện cũng thế.

Ăn chay, cầu nguyện và bác ái cùng với Chúa.
Cận kề bên Chúa với thập giá hằng ngày,
điều này làm cho lòng con dịu dàng hơn,
dẫu cho thập giá rất cứng,
rất sần sùi.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Sám hối

Ngày mai thứ tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Chay 2011.

Sứ điệp Mùa Chay dành cho linh mục:
- Hoán cải từ sự miệt mài "hoạt động" 
 thành thái độ "ở với Chúa Giêsu", 
ngày càng tham dự vào cuộc sống của Chúa 
một cách có ý thức.
- Sống Mùa Chay với một cảm thức sâu xa về Giáo Hội, 
tái khám phá vẻ đẹp 
được ở trong một cuộc xuất hành của Dân Chúa.
- Hoán cải bằng cách tham dự hằng ngày 
vào Hy tế của Chúa Kitô trên Thánh Giá.
- Thanh thản sống như hối nhân trước Bí Tích Cực Thánh.

Vâng, con xin phó thác hành trình Mùa Chay này cho Mẹ Maria.
Xin Mẹ giúp con biết thực sự tham dự
vào cuộc Vượt Qua của Đức Kitô
và của Dân Chúa trong Mùa Chay này.

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Cạm bẫy

"Thưa Thầy, 
chúng tôi biết Thầy 
là người chân thật."
Bằng những lời này,
một cạm bẫy đã được giăng ra.

Cạm bẫy giăng mắc khắp nơi.
Tỉnh táo để khỏi sập bẫy là chuyện không dễ.
Biết bao nhiêu chuyện sập bẫy được kể lại.
Biết bao nhiêu nước mắt
và ân hận nằm ở đoạn kết.

Chúa luôn phải đối diện với cạm bẫy,
 và ngài luôn tỉnh táo để vượt qua.
Còn con, làm thế nào để có thể luôn tỉnh táo ...?

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Vườn nho

Có người kia trồng được một vườn nho; 
ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho
 và xây một tháp canh. (Mc 12,1)

Có những vườn nho thật đẹp của Chúa:
hồn tôi, sứ mạng của tôi,
những người chung quanh tôi, cộng đoàn của tôi.
Chúa ân cần chăm sóc những vườn nho này.
Chúng nằm trong trái tim của Chúa.
Nhưng rất nhiều khi
tôi đã làm hư hỏng những vườn nho đó.
Tôi đã làm tim Chúa đau điếng.
Nhưng mấy khi tôi cảm được
nỗi đau này của Chúa...

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Tôi cũng không nói

- Chúng tôi không biết!
- Tôi cũng không nói! ( Mc 11,27-33)
Ăn miếng trả miếng, anh im miệng thì tôi cũng im tiếng, thế là huề, có phải Chúa muốn ứng xử như thế chăng? Tất nhiên là không rồi vì Chúa đâu có thích chuyện "trả đũa". Nhưng người ta cứ nhất định đóng cửa lòng lại, làm sao lời Chúa có thể lọt vào được? Nên trả lời cũng vô ích thôi! Và đó là nỗi đau tình phụ: "Bao nhiêu lần ta muốn ấp ủ các ngươi như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh, nhưng..."

Sự từ chối trả lời của Chúa cũng là tiếng chuông thức tỉnh, muốn người đối diện phải suy nghĩ. Và sau đó Chúa tiếp tục chờ đợi. Như người cha đợi chờ đứa con trở về...
Con có cảm được sự chờ đợi của Chúa không, lạy Chúa? Con có để cho Chúa phải thất vọng, phải mòn mỏi? Và với anh em con, con có biết kiên nhẫn, biết đợi chờ?
Trong mục vụ PR, để truyền cho thông, sự kiên nhẫn đợi chờ luôn cần thiết, vì nôn nóng vội vàng có khi làm tiêu tan mọi nỗ lực vun đắp trước đây...

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Bám

Anh mù liền vất áo choàng lại, 
đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu (Mc 10,50)
Một đức tin vững mạnh, kiên trì.
Người ta cấm cản, người mù vẫn không nản.
Anh sẵn sàng vất cả áo choàng đa năng
rất cần thiết cho người mù
để đến với Chúa.
Và sau khi Chúa chữa anh hết mù,
anh đi theo Chúa.

Con cũng muốn bám vào Chúa như thế.
Con rất sợ phải giống như cây vả không trái.
Con mong từng ngày đời con
phát sinh hoa trái từ Lời Chúa,
 từ việc suy niệm Lời Chúa hằng ngày
với 5 bước:
- Bước 1: Lectio, đọc nhẩn nha từng câu Lời Chúa như đọc thư tình.
- Bước 2: Meditatio, nhai đi nhai lại để
Lời Chúa thấm dần và cảm nhận nỗi sung sướng.
- Bước 3: Oratio, dâng lên những tâm tình trìu mến thiết tha.
- Bước 4: Contemplatio, hạnh phúc sững sờ, lời nói bất lực, nên ngây ngất chiêm ngắm.
- Bước 5: Actio, cảm thấy cần làm một điều gì đó để đáp trả.
Ước gì, ước gì được sinh hoa trái từng ngày trong Lời Chúa, trong niềm tin sắt son...

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Phục vụ

"Khách hàng là Thương Đế",
phải phục vụ Thượng Đế hết mình.
Đó là châm ngôn của các cửa hàng,
của kinh doanh.
Ước gì được như vậy!

Trong thực tế, không phải vậy!
Và nếu được như thế,
thì chỉ là vỏ bên ngoài.
Tự thâm tâm,
người ta tìm hết cách
để "móc hầu bao" của khách hàng Thượng Đế.
Chúa thì khác.
Khi Chúa nói:
"Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ" (Mc 10,45),
Chúa nói từ con tim
và từ cách sống yêu thương, hy sinh phục vụ của Chúa.
Chúa nói như thế với các môn đệ đang tranh dành địa vị.
Chúa nói như thế với con.
Và con phải làm sao, lạy Chúa?