Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Chạy










"Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin." (Ga 20,4-8)






Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Gánh chịu thay

"Chính người đã mang lấy
những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu
những đau khổ của chúng ta...
Chính người đã bị đâm
vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát
vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị
để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích
cho chúng ta được chữa lành..."
(Is 53,4-6)
Khủng hoảng đầu tiên của nhân loại gây ra do tội Adam, kéo theo và cộng với trùng trùng điệp điệp những khủng hoảng tội lỗi khác, đã gây ra biển cả mênh mông của khổ đau lầm than. Tất cả phát xuất từ con tim chai cứng của con người, chai cứng do tội Ađam, và chai cứng từ đời này sang đời khác. Triền miên, triền miên... Tạo ra muôn vàn tội lỗi, muôn vàn khổ đau.
Làm thế nào để xử lý trùng điệp khủng hoảng của con tim này? Tim đã chai cứng, con người hoàn toàn bất lực. Vì yêu con người, Thiên Chúa đã đảm nhận việc xử lý này.
Và việc Ngài làm, thật không hiểu nổi.
Ngài xử lý ngược với phong cách của Ađam. Nếu Ađam tội lỗi đã đổ tội cho Eva, thì ngược lại, Giêsu vô tội đã gánh chịu tội lỗi thay cho toàn nhân loại. Mọi đau khổ của tội lỗi đổ xuống đầu ngài. Đòn thù dã man ập xuống, dập vùi, xé nát tấm thân Ngài.
Đôi tay rách nát của Giêsu giang ra trên thập tự. Giang ra để ôm lấy mọi tội lỗi con người. Giang ra để ấp ủ con người, mời gọi con người nhìn vào trái tim của Ngài. Trái tim bị đâm, chảy ra máu và nước, là nguồn Thánh Thể và Thánh Tẩy, mang sức mạnh biến đổi trái tim bằng đá của con người thành trái tim bằng thịt, mềm mại, yêu thương...
Khủng hoảng tội lỗi trùng điệp của con người đã được xử lý một cách hữu hiệu và kỳ diệu bằng cách ấy:
"Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta..."

Đỉnh đồi yêu thương










"Chính Người vác lấy Thập Giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào Thập Giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giêsu thì ở giữa." (Ga 19,17-18).


Trên thập giá ở đỉnh đồi Cái Sọ, đau đớn tột cùng đã diễn ra, nhục nhã kinh hoàng đã phủ kín. Làm sao hiểu được tình yêu này?

Phải chiêm ngắm lâu lắm, cận kề lâu lắm mới phần nào hiểu ra, mới đôi chút đồng hành được với Ngài.

Và Ngài muốn thế, muốn con hiểu hơn, đồng hành hơn. 
Bớt vô cảm đi. Bớt dửng dưng, bớt thờ ơ...

Mẹ Maria trinh trong nên rất nhạy cảm. Bên thập giá, Mẹ đau đớn tận cùng với Con mình. Có những tranh vẽ Đức Mẹ ngã xỉu vì không chịu đựng nổi trước nỗi đau của con. Nhiều người dựa vào câu Stabat Mater của Kinh Thánh để chỉ trích điều này: Mẹ vẫn đứng vững. Vâng Mẹ vẫn đứng vững, dù nỗi đau đang đè nặng khiến Mẹ chỉ muốn ngã xỉu vì Mẹ đang ở trong một cơn động đất kinh hoàng của nỗi đau...

Nhưng tận sâu thẳm trong lòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria vào lúc ấy, vẫn loé lên đốm sáng của niềm vui, vui vì những đau khổ trong yêu thương của mình đã mang lại ơn cứu độ cho nhân loại...

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Yêu đến cùng

"Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng." (Ga 13,1)
"Yêu đến cùng" được thể hiện trong việc rửa chân. Nhưng rửa chân cũng chỉ là một hành động tượng trưng. Chưa đủ thuyết phục.
"Yêu đến cùng" được thể hiện nơi bí tích Thánh Thể. Nhưng, cho dù là một thực tại hữu hiệu, bí tích nhìn bề ngoài cũng chỉ là một dấu chỉ, một nghi thức. Chưa đủ thuyết phục.
"Yêu đến cùng" được thể hiện nơi cái chết trên thập tự. Chết cho người mình yêu, đây đúng là một thể hiện cụ thể, rõ ràng, mãnh liệt và có thực không thể chối cãi.
Rửa chân, Thánh Thể và Thập Giá là ba thể hiện của một tình yêu tận cùng duy nhất. Và là một tình yêu rất thực mà Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không còn tiếc gì, không còn nề quản gì với con người nữa.
Trước khi chết cho người mình yêu, điểm dừng bên nhau trong bữa tiệc ly quả là vô cùng xúc động. Bữa tiệc ly đã được Thánh Gioan thuật lại với đầy đủ mọi nét tâm tình sôi bỏng của trái tim Thiên Chúa dành cho con người, với đầy đủ mầu sắc để dẫn vào một biến cố bi hùng bậc nhất của lịch sử nhân loại...
Trong Bữa Tiệc Ly: ba thể hiện của một tình yêu tận cùng và rất thực đang được cảm nghiệm: Rửa chân, Thánh Thể và Thập Giá. Thầy trò chia sẻ với nhau những cảm nghiệm này, để đưa nhau vào tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa và nhân loại.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Như người môn đệ

Đức Chúa
là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng
như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời
nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng
Người đánh thức,
Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe
như một người môn đệ.
(Is 50,4)

Như người môn đệ, sáng sáng tôi được Người đánh thức, gọi dậy để lắng nghe Lời Người. Hạnh phúc biết bao!
Như người môn đệ, tôi được Người hướng dẫn dìu dắt để biết lựa lời nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức. Cao cả và vinh dự biết bao! Nhưng cũng là một thách đố khó khăn biết bao!
Giêsu đã làm như vậy. Và tôi cũng cùng làm như thế. Với Giêsu.

Gioan, Phêrô và Giuđa

"Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: 'Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?'...Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt." (Ga 13,23-26)


Gioan, Phêrô và Giuđa là ba khuôn mặt nằm trong chính bản thân của tôi.
Gioan tựa bên lòng Chúa, sau đó đã bỏ Chúa để chạy trốn. Phêrô, được Chúa trao chìa khoá Nước Trời, sau đó đã ba lần hèn nhát chối Chúa trước một phụ nữ tầm thường. Giuđa, được Chúa tín cẩn cho làm quản lý, lại bán Chúa.
Chúa vẫn thương họ. Sau những khủng hoảng, gặp lại Chúa Phục Sinh và đón nhận Thánh Thần, Gioan thành Thánh ký Tin Mừng, Phêrô thành Giáo hoàng đầu tiên. Chỉ có Giuđa, có lẽ đã không tin vào tình thương tha thứ của Chúa, treo cổ tự vẫn. Biết đâu, trước khi chết, Giuđa sực tỉnh và sám hối...

Tôi đã từng cận kề bên lòng Chúa, được Chúa tín cẩn trao những sứ mạng...
Và một cách nào đó, tôi cũng đã từng có chút nào đó bỏ Chúa, chối Chúa, bán Chúa. 
Và đây là điều tôi cần mang ra xét mình, không phải để nguyền rủa bản thân mình, nhưng là để vui mừng cảm nhận sâu xa tình thương bao dung của Chúa.
Chúa vẫn thương tôi đến tận cùng, vẫn cho tôi chung chia mọi sự với Chúa, sau khi ban ơn vớt tôi ra khỏi những khủng hoảng tâm linh của mình.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Không tiếc

Thánh Luca kể:
"Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng
nguyên chất và quý giá
xức chân Đức Giêsu"
(Lc 12,3)

Xức vài giọt dầu thơm
đã là thơm lắm rồi.
Vậy mà Maria đổ cả một cân dầu thơm
xức chân Chúa.


Thánh Maccô còn nói thêm:
"Cô mang theo một bình bạch ngọc
đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất
thứ đắt tiền.
Cô đập ra,
đổ dầu thơm trên đầu Người.
(Mc 14,4)".

Đập bỏ luôn cả bình bạch ngọc.
Nghĩa là không còn tiếc gì nữa.
Cho Chúa hết.
Giống như Giêsu,
vì yêu nhân loại,
nên đập bỏ cả đời mình.

Con còn tiếc gì với Chúa không?

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Vẫn ở với tôi

"Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người." (Ga 8,28-29)

Cảm động thay mối quan hệ mật thiết giữa Giêsu với Cha Ngài. Nói những điều Cha dạy, luôn làm đẹp lòng Cha và luôn ở với Cha.

Cha cũng luôn ở với Giêsu, không bao giờ để Giêsu phải cô độc.

Tuy nhiên cũng có lần, trong đau đớn tận cùng, Giêsu phải kêu lên: "Lạy Cha, sao Cha bỏ con?" Nhưng đó là câu đầu của một Thánh Vịnh sẽ dẫn tới câu cuối là một niềm phó thác tin tưởng. Giêsu đã kết thúc cuộc đời trong niềm tín thác này: "Con xin phó thác hồn con trong tay Cha".

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Lời kinh thống hối

Tình yêu Chúa làm con hân hoan, vì biết mình luôn được chúc phúc.

Niềm hân hoan này cũng thấm vào trong từng lời kinh thống hối của con. Lời kinh con dâng lên có khi giống như đẫm lệ ăn năn vì biết tình thương ngọt ngào của Chúa vẫn bao trùm ấp ủ con ngay trong lúc con đang yếu đuối, sa đà, tội luỵ...

"Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi." (Lc 18,13) Xin thương xót con, xin thương xót con...

Lời kinh xin thương xót của con chìm trong dòng chảy cầu nguyện của Chúa Giêsu hằng dâng lên Chúa Cha... Chúa Giêsu đưa tất cả tội lỗi và nỗi đau của nhân loại đi vào trong dòng chảy cầu nguyện liên lỷ của Ngài...

Những lời kinh run rẩy thống hối của con, và cả những lời kinh khô khan vô vị của con nữa, cũng đều được chìm trong dòng chảy cầu nguyện nồng nàn của Giêsu: cảm nhận này khiến con vô cùng hạnh phúc...