Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Tôi đã không biết Ngài

Tôi đã không biết Ngài. Nếu biết Ngài, tôi đã không làm như thế, không nói như thế, không nghĩ như thế.
Cuộc sống của tôi thay đổi như thế nào là tuỳ ở mức độ tôi biết về Ngài nhiều hay ít.
Tôi đã biết Ngài quá ít. Vì tôi ít quan tâm đến Ngài. Vì con tim và đầu óc tôi bị những sự phù phiếm thế gian cuốn hút.
Quan tâm để ý đến Ngài là một trong những điều kiện thiết yếu để biết Ngài. Một sự quan tâm của tình bạn.
Ngài, một người bạn chẳng tiếc gì với tôi, cho tôi cả mạng sống, sẵng sàng gánh tội của tôi. Một người bạn bao dung, không chấp nhất. Một người bạn hiền như con chiên. Một người bạn luôn ở với tôi, trong lòng tôi. Và tôi trong Ngài.
Ôi, bạn Giêsu, Chiên Thiên Chúa, xin thương xót, xin thương xót...

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Tiếng gọi

Tôi rất thích hai từ "tiếng gọi". Nó hàm chứa những gì rất dịu ngọt phát xuất từ tình yêu.

Có những khi con người thấy mình thoát chết nhờ tiếng gọi ở một nơi xa xăm nào đó.

"Cô Maria người Mỹ kể lại, trong một lần khi cô đi mua sắm và bước vào một cửa hiệu. Ngay sau khi vào đến góc cửa hiệu này thì cô nghe có tiếng người gọi tên mình 2 lần ở phía trước. Chưa nhận ra giọng ai nhưng cô nghĩ đó là một người quen nên đã chạy đến. Tuy nhiên, cô Maria hết sức ngạc nhiên bởi chẳng có ai ở nơi phát ra tiếng gọi cô cả. Kỳ lạ hơn là khi cô định quay lại vị trí cũ thì đúng lúc đó có tiếng đổ ầm ầm. Và tiếng đổ ấy được phát ra bởi chiếc cột nhà đã bị đổ do sức mạnh của một chiếc thùng phuy lăn từ trên xe tải xuống."

“Tôi thấy mình may mắn bởi đã thoát chết nhờ tiếng gọi bí ẩn ấy. Tôi không thấy sợ mà thấy mình hạnh phúc vì… tuổi thọ cao. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu sao mình lại nghe thấy tiếng gọi chẳng phải… của ai đó”, cô Maria cười nói.

Lê Vi thoát khỏi nanh vuốt của tiền bạc, của cõi chết đời đời, nhờ nghe được tiếng gọi của Chúa. Ông trở thành người viết "Sách Hằng Sống". Biết bao người đã đọc sách đó mà thoát chết đời đời. Họ nghe thấy tiếng gọi của Chúa khi đọc sách này.

Chúa vẫn gọi con. Xin cho con nghe được tiếng gọi của Chúa. Và đi theo, can đảm đi theo...

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Có bốn người khiêng

Tôi nhớ đến chuyện một học trò miền Trung, suốt mấy năm trời cõng bạn đến trường. Đường đi thì gồ ghề, quanh co... Tình bạn và niềm tin của em vào tương lai cho bạn mình quả thật quá lớn!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, có bốn người khiêng người bạn bại liệt của mình đến với Chúa Giêsu. Họ vượt tường, gỡ mái...
Chúa ngạc nhiên vì niềm tin của cả năm người. Và phép lạ diễn ra.

Niềm tin và tình bạn nuôi dưỡng nhau. Tình bạn đẹp nhờ niềm tin, và niềm tin lớn lên nhờ tình bạn.

Con có những tình bạn đẹp ở trần gian. Con có tình bạn với các thánh. Con có tình bạn thật đẹp với thiên thần bản mệnh. Niềm tin con lớn lên nhờ những tình bạn này.
Và trên hết là tình bạn của con với Chúa...

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Được chữa lành

Khi Chúa Giêsu sống ở Palestine cách đây 2000 năm, số người bệnh được Chúa chữa lành quả là quá ít so với vô vàn vô số những bệnh nhân trên thế giới qua muôn thời đại, nên đôi khi tôi tự hỏi: Được Chúa Giêsu đặt tay chữa lành, điều đó mang ý nghĩa gì?
Nhận một phép lạ?
Nhận một tình thương?
Gặp gỡ một Đấng cần gặp?
Có cần theo Ngài?
Và đổi đời?

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Một ngày - Một đời

Tôi muốn sống một đời đẹp.
Nhưng một đời người thì dài quá.
Cái đẹp của cả một đời xem ra xa vời, mênh mông,
khó thực hiện.
Nên chỉ dám mong một ngày đẹp.
Sống ngày hôm nay cho đẹp, thế là đủ.
Và coi từng ngày một là chính cuộc đời của mình.

Một ngày có trò chuyện với Chúa,
cho một đời cầu nguyện.
Một ngày có chia sẻ Lời Chúa,
cho một đời rao giảng Tin Mừng.
Một ngày có kể chuyện Giêsu,
cho một đời yêu Giêsu.
Một ngày có đổi mới bản thân,
cho một đời hoán cải.
Một ngày có yêu thương,
để một đời con tim mở rộng.

Hôm nay, con ngắm nhìn một ngày sống của Chúa (Mc 1,29-39)
và mong được ngắm nhìn Chúa mãi mãi.

Each day holds a surprise. But only if we expect it can we see, hear, or feel it when it comes to us. Let's not be afraid to receive each day's surprise, whether it comes to us as sorrow or as joy. It will open a new place in our hearts, a place where we can welcome new friends and celebrate more fully our shared humanity.

Hôm nay, cả miền Bắc đã chìm trong giá lạnh. Tại những vùng cao Lào Cai, Lạng Sơn... băng tuyết phủ trắng cành cây, ngọn cỏ. Đỉnh đèo Ô Quý Hồ, cách Sa Pa hơn 10km (giáp ranh Lào Cai và Lai Châu), ngập trắng băng tuyết. Băng tuyết rải trắng trên thảm cỏ sát mặt đất, bám trên những bụi cây ven quốc lộ 4D từ Sa Pa đi Lai Châu, phủ trắng trên những cánh rừng của dãy Hoàng Liên

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Cao Bằng, đến 16g ngày 11-1 toàn tỉnh đã có trên 900 con gia súc bị chết do rét. Các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là Hạ Lang với 267 con trâu, bò và ngựa bị chết; tiếp đến là Nguyên Bình bị chết 131 con trâu, bò; Trà Lĩnh chết 109 con, Thông Nông 96 con, Bảo Lạc 89 con...
Hà Nội: nhiều trường đồng loạt cho học sinh nghỉ. Sáng 11-1, nhiệt độ tại Hà Nội xuống thấp, trời mưa, giá buốt, hàng ngàn học sinh mầm non, tiểu học không đến trường.
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/419972/Mie%CC%80n-Ba%CC%81c%C2%A0chim-trong-gia-lanh.html
Một ngày hướng lòng về đồng bào giá rét, ấp ủ những nỗi giá băng. Xin Chúa sưởi ấm họ, Chúa ơi...

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Lời đầy sức mạnh

Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền (Mc 1,22)
Lời nói có sức mạnh gì? Ngày nay người ta nói với nhau ra sao? Hãy để ý các cháu tuổi teen hôm nay nói chuyện với nhau:

"Các em các cháu lứa 8X, 9X giờ hay dùng tiếng lóng, nhất là lúc nhắn tin. Có cháu nhắn tin cho bạn trai: “Anh xã ơi, tiếc lè em hông coá bít nấu nhưng en thì bít zì zậy nhè mình nên kím osin đi”! Trình độ đại học chữ to như mình mà dịch mãi không biết cháu nói gì, mãi rồi các cháu mới dịch sang tiếng Việt cho là: “Anh xã ơi, tiếc là em không có biết nấu, nhưng ăn thì biết, vì vậy nhà mình nên kiếm osin đi”. Người Việt nói tiếng Việt với người Việt, thế mà không hiểu nhau, mới là lạ!

Nhưng thôi, bỏ qua cho các cháu, tuổi trẻ thích cái mới, mặc dù không phải cái mới nào cũng hay.
Lứa chúng tớ hay nghe thấy loại tiếng lóng văn hoa. Cụm từ “như thế nào”, bây giờ người sành điệu Hà Nội phải nói “dư lào”, mới hay, mới rút gọn, mới thể hiện là mình... không nói ngọng.
Muốn “đuổi khéo” đám khách không mời mà đến, hoặc rủ nhau đi về, thì câu cửa miệng là “bánh cuốn”, hoặc “xôi xéo” đi. Toàn tên các món ăn dân tộc, quốc hồn quốc túy nhé, chứ không phải đuổi, phải chê gì đâu nhé!

“Rau sạch” thì bà nội trợ nào chả thích, rau sạch ăn vừa lành vừa ngon, lại không sợ nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng... Ấy thế mà nói chuyện “rau sạch” với các anh, cẩn thận lại bị cười mình quê mùa, kém hiểu biết, vì với các anh giai, bây giờ “rau sạch” lại là từ dùng để chỉ các cô con gái nhà lành, chưa “gì” cả. “Rau sạch” chắc chắn khác với “hàng”, “hàng” mà không phải hàng hóa, hàng họ mới lạ chứ! Ở đây là chỉ người, chỉ các cô có tính chơi bời một chút, thế mới khó chứ!

Thấy ai giỏi, ai tài, ngôn ngữ lóng hay bảo người ta là “tanh tưởi”. Thấy kém thấy yếu, hay xấu xí đáng chê thì kêu là “phọt phẹt”, “vãi linh hồn”, “ca la nhe”, hoặc “dở hơi ăn cám lợn”. Thấy ngon, thấy đẹp, người ta khen “ngất ngây con gà Tây”. Cô gái nào dáng cao, người xinh đẹp, các anh đặt cho biệt danh chung là “chân dài”, ở Hà Nội thì “Em chân dài như phố Bà Triệu”, hoặc “chân dài đến nách”.
Người ta yêu nhau mà bỏ nhau, duyên không thành nợ không có, thời nay gọi là “bong”! Các bạn trẻ Hà Nội ngày nay yêu nhau (mới “yêu” thôi nhé!), đã xưng hô với nhau là “vợ” và “chồng”, nói dại mồm dại miệng vợ chồng mà “bong”, lại phải tìm “vợ” tìm “chồng” khác thì cũng mệt mỏi nhỉ?

Đã sành điệu ăn củ kiệu, thì phải có tiếng Tây chen vào mới thích! Nhắn tin, giờ sành điệu phải nhắc nhau là “SMS nhé!”. Chúc ngủ ngon, đích thị là “G9” rồi. Có hôm, một chị đệ tử rất sính cúng bái, tín ngưỡng, nhắn tin cho sư thầy trụ trì chùa chị hay tới lễ lạt hỏi thăm, khi kết thúc lại nhắc thầy “G9”. Khiến thầy chả hiểu gì, lại tưởng chị này nhắn bằng ám hiệu, cứ hỏi thăm “G9” là ám hiệu gì, khiến đám thanh niên cười mãi.

Nhiều người lo ngại tiếng lóng sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng hãy xem lại những từ “pê-đan”, “ghi-đông”, nan hoa ở xe đạp cũng vốn là từ mượn, giờ người Việt khắp thôn quê thị xã, thị tứ đều dùng như một từ tiếng Việt chính hiệu. Hay chúng ta chả nói hàng trăm hàng ngàn từ Hán Việt mỗi ngày, cũng đâu có làm mất đi sự trong sáng của ngôn ngữ mẹ đẻ.
Chỉ có chút chuyện là đúng lúc đúng chỗ thì ngôn ngữ mới phát huy được thế mạnh của nó, chứ không như câu chuyện một anh đem bạn gái về nhà giới thiệu với mẹ, nói cô ấy làm nghề “pi-a” (PR - quan hệ công chúng). Bà mẹ quê mùa nghe không rõ, tưởng cô gái làm nghề bi-a, cho là chỗ đó ăn chơi, không ra gì, không cho anh con trai gặp gỡ nữa. Mối duyên lành, đáng lẽ rất đẹp đôi, lại thành ra là truân chuyên, trắc trở thì phí mất!"
http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=417008&ChannelID=372

Chúa ạ, khi con lắng nghe người trẻ hôm nay, con có thể thấy được "dấu chỉ thời đại" nơi ngôn ngữ của họ không? "Dư lào" con mới hiểu được họ? Và gặp họ, con có được ăn "xôi xéo", vì hơi bị... ngọng không?