Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Chân dung

"Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian." (Ga 1,29)

Gioan B. là một nhà truyền thông của Chúa. Ông mô tả chân dung của Chúa cho thời đại của ông: Chúa là con chiên cứu độ và là Đấng sở hữu Thánh Thần. Đây là những hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do Thái thời đó. Họ đã quá sức vui mừng, tuôn đến sa mạc để đón nhận phép rửa của ông. Ông là tia nắng ấm của mủa Xuân đối với họ: "Truyền thông như muôn tia nắng hồng của mùa Xuân cho chim ca bướm lượn, cho thắm nụ cười, cho thơm xinh ngàn hoa. Là truyền thông trong yêu thương dạt dào, trái tim mải mê đi theo chân lý..."

Những con người được kể dưới đây cũng là những người mang lại những tia nắng ấm của mùa Xuân.

Người bán vé số “chê” 6,6 tỉ đồng

Bán thiếu “bằng miệng” 20 tờ vé số cho một khách quen, đến khi số vé này trúng giải lên tới 6,6 tỉ đồng, người bán vé số nghèo vẫn giao đủ số vé cho người trúng.
Câu chuyện người bán vé số “đổi” 6,6 tỉ đồng (giá trị của 10 tờ vé trúng) lấy 200.000 đồng, rồi người trúng số tặng lại nguyên tờ vé trúng đến nay vẫn là đề tài bàn tán xôn xao của người dân thị trấn Bến Lức (H.Bến Lức, Long An) bởi cả 2 nhân vật chính đều khá nghèo: vợ chồng chị Lành vé số quê ở H.Hồng Ngự (Đồng Tháp), không có cục đất chọi chim nên dắt díu nhau lên Bến Lức thuê nhà trọ rồi đi bán vé số mưu sinh; người trúng số cũng nghèo, có “thâm niên chạy ba gác 25 năm”.

Tỉ phú bất ngờ
Chiều 15.11, đang hì hục vác mấy thanh sắt để giao cho khách hàng, chuông điện thoại của bác tài lái xe ba gác Đỗ Ngọc Tuấn (41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức) reo vang. Thấy màn hình hiện tên “Lành vé số”, anh Tuấn bấm nghe, trong bụng thầm nghĩ chắc người bán vé số gọi đòi nợ 20 tờ vé số mà anh mua thiếu. Đầu dây bên kia là giọng nữ hơi run run: “Anh cầm 200.000 đồng tới quán cà phê Cây Mai trả cho tui đi. Mấy tờ anh mua thiếu trúng độc đắc rồi nè”. “Thôi đừng có xạo. Đang kẹt tiền phải không? Để giao hàng xong tui lấy tiền người ta rồi đem lại trả”, dứt lời anh Tuấn tắt máy, tiếp tục vác cho hết đống sắt đang chất trên xe.
Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!

Chị Phạm Thị Lành
Khi nhận tiền công của khách hàng, anh Tuấn chạy xe tới quán Cây Mai để trả tiền cho Lành vé số (Phạm Thị Lành, 29 tuổi). Thấy ông chủ quán Cây Mai và nhiều người khác đang xôn xao, anh Tuấn còn tưởng cô bán vé số và mọi người đùa dai. Vừa ngồi xuống bàn, chị Lành tay run run mở cái túi nhỏ lấy ra xấp vé số đài Bến Tre giao cho anh Tuấn: “Anh cầm đi, lốc này có 10 tờ số đuôi 07 trúng hết rồi. Có 4 tờ trúng đặc biệt, còn lại là giải an ủi”. Dãy số 191207 trên tờ vé số trùng khít với con số ở giải đặc biệt trên cuốn sổ dò. Vẫn không tin vào mắt mình, anh Tuấn run run bấm điện thoại nhắn tin dò qua tổng đài. Tin nhắn kết quả sau đó vẫn là dãy số 191207. Rút ngay một tờ vé trúng kèm 200.000 đồng, anh Tuấn đưa cho Lành: “Tôi trả nợ cho cô, tặng cô một tờ để làm vốn”...
Chúng tôi tìm tới nhà anh Tuấn, thấy cảnh thợ hồ đang xây dựng lại căn nhà mới trên nền cũ để gia đình đón tết, còn anh đang chạy xe ba gác giao hàng. Một lúc sau anh Tuấn về. Cười rất tươi, anh cho biết trong một giây biến thành tỉ phú, anh vẫn là một người lao động bình thường, vẫn phải chạy ba gác vì đó là nghề nghiệp. “Hồi nhận mấy tờ vé trúng, tôi còn nói với cổ rằng nếu cổ không muốn đưa thì tôi cũng không làm gì được. Tôi nghe mấy người rành luật nói giao dịch này chưa hoàn thành, cổ có giữ lại tôi cũng không làm gì được. Mà nói thiệt, cô Lành không nói vợ chồng tôi cũng không biết”, anh Tuấn kể.

Chữ tín của “Lành vé số”
Mấy ngày qua, căn nhà nhỏ xíu rộng chưa đầy 30m2 của bà Phạm Thị Thèm (mẹ ruột chị Lành, 62 tuổi, ấp Long Hữu, xã Long Khánh A, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) đầy ắp tiếng cười. Ngoài tờ vé số được anh Tuấn “thưởng”, ngày hôm đó Lành cũng giữ cho mình một tờ và trúng đặc biệt. Sau khi đổi thưởng được gần 3 tỉ đồng (đã trừ thuế), hai vợ chồng Lành đem tiền về quê mua đất cất nhà cho người mẹ nghèo đang một nách nuôi 7 đứa cháu. Nhiều năm nay bà Thèm cùng các con là Hồ Văn Hiếu (sinh năm 1974), Hồ Văn Nguyên (sinh năm 1978) và Út Lành sống cùng căn nhà này. Hai người anh trai cùng mẹ khác cha của Lành đều bất hạnh. Nhà nghèo, vợ anh Hiếu chịu không nổi nên bỏ đi. Năm 2009, anh dắt 3 đứa con lên Bến Lức ở trọ cùng vợ chồng Lành để đi bán vé số. Cuối năm 2010, anh Hiếu mất, 3 đứa con nhỏ phải gửi về cho bà Thèm nuôi. Vợ anh Nguyên cũng chê anh nghèo bỏ đi, anh nửa điên nửa tỉnh đang điều trị ở Bệnh viện tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai), 3 đứa cháu cũng giao hết cho bà nội. “Em đang tính qua tết về quê đưa mẹ và 6 đứa cháu lên đây theo nghiệp vé số. Không ngờ trời thương, giờ em cất nhà cho mẹ, tiền thì gửi ngân hàng để mẹ lấy lãi nuôi bầy cháu. Em mừng vì bây giờ mấy đưa cháu côi cút sẽ được đi học”, Lành nói, gương mặt lấp lánh hạnh phúc.
“Nhiều người nói nếu chị không giao vé số cho anh Tuấn cũng không ai làm gì chị, bây giờ nghĩ lại chị có tiếc không?” - chúng tôi hỏi. Cười hồn hậu, “Lành vé số” trả lời không cần suy nghĩ: “Hồi đó tới giờ tôi bán vé số bị ế, anh Tuấn mua ủng hộ dù không trúng vẫn trả tiền đầy đủ. Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!”.
Bà Út Tèo - một đồng nghiệp bán vé số của chị Lành ở thị trấn Bến Lức - cho biết nhờ “uy tín” của “Lành vé số” mà thời gian qua những người bán vé số ở Bến Lức cũng “thơm lây”, lượng vé bán tăng hơn trước.
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20...6-ti-dong.aspx

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Tiếng hô

"Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi" (Ga 1,23)
Truyền thông là một tiếng hô.
Làm PR là thực hiện một tiếng hô.
Tiếng hô này chỉ có thể nghe rõ được nơi hoang địa. Giữa một chốn hội hè náo nhiệt, tiếng hô đó sẽ chìm lỉm giữa bao thanh âm hỗn tạp khác.
Vậy phải chọn lựa, sắp xếp hoặc chuẩn bị cho có được "hoang địa" nơi môi trường hoặc nơi lòng người: "Tôi là tiếng người hô trong hoang địa."
Môi trường phải được dọn dẹp sạch đẹp hơn, bớt ô nhiễm hơn, bớt rối rắm hơn.
Lòng người phải bớt những tiếng kêu ồn ào của tham lam ích kỷ dục vọng điên cuồng hằng gào thét ở tận đáy sâu tâm hồn.
Tiếng hô vang lên, tiếng hô vui mừng hân hoan loan báo một niềm hạnh phúc lớn lao được tặng ban cho nhân loại. Hỡi mọi người, và hỡi chính bản thân của tôi, xin đừng thờ ơ, xin đừng bỏ qua.
Đấy là tiếng hô tôi phải thực hiện mỗi ngày. Cho tôi. Và cho anh em tôi. Vâng, vì tôi là tiếng người hô trong hoang địa.

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Ngày đầu

Vậy là đã chia tay năm 2011 để bước vào Năm Mới 2012.
Ngày đầu năm là một khởi sự mới cho một kế hoạch mới. Nhưng cũng là một tiếp tục với những kinh nghiệm quý giá, những trả giá của năm cũ, nhằm giúp cho kế hoạch của năm mới có được sự tiến triển và phát triển thực thụ.
Kế hoạch của Năm Mới có thể tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay:
"Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng." (Lc 2,16-19)
Ngắm Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu để thấy hai hướng cần thực hiện cho kế hoạch năm nay: chiêm niệm (suy đi nghĩ lại) và hy sinh (đặt nằm trong máng cỏ).
Chiêm niệm: hiện diện với Chúa từ sáng sớm.
Hy sinh là điều không thể thiếu trong từng giây phút: hy sinh cho tình yêu, và thắng vượt những ham hố bất kham của bản thân. Thiếu hy sinh, mọi sự sẽ nên tồi tệ.
Trong Ý nghĩa của logo Công nghị TGP.TPHCM có hai chữ hy sinh:  “Giáo Hội sứ vụ” được diễn tả bằng tất cả mọi hình ảnh và mọi mầu sắc trong logo vì mọi sinh hoạt của Giáo Hội đều mang tính truyền giáo nếu được thực hiện một cách tốt đẹp trong sự hy sinh và trong mối tương quan hài hoà với anh em đồng loại:
Sự hy sinh được diễn tả bởi những đường viền màu đỏ của Nhà thờ Đức Bà, giống như những dòng máu thấm vào lòng đất để sinh ra muôn ngàn cây trái..."


Logo Công nghị TGP.TPHCM 2011


Vai trò của logo
Logo là tập hợp của các đường nét, màu sắc và hình ảnh rất đơn giản, dễ nhìn, giúp mọi người dễ nhớ những nội dung chính yếu của một sự kiện hay một tổ chức.


Ý nghĩa của logo Công nghị TGP.TPHCM 2011
Logo Công nghị TGP.TPHCM 2011 có những hình ảnh: Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn viền đỏ, cuốn sách màu trắng với đường viền đỏ, chim bồ câu trắng với 7 luồng sáng trắng và ba cây có tàn lá xanh phủ quanh thân nâu chụm đầu lại với nhau. Tất cả nằm trong một vòng tròn màu xanh: xanh nhạt ở trên là bầu trời và xanh đậm bên dưới là mặt đất. Vòng tròn được bao bọc bởi hai dòng chữ: “Công nghị Giáo phận TP.HCM” và “Đổi mới để hiệp thông và chu toàn sứ vụ”.


Logo Công nghị được triển khai để diễn tả: Giáo Hội mầu nhiệm, Giáo Hội hiệp thông và Giáo Hội sứ vụ.


1. “Giáo Hội mầu nhiệm” được diễn tả bằng những hình ảnh: Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, cuốn sách và chim bồ câu với 7 luồng sáng.
a. Hình Nhà thờ Đức Bà tượng trưng cho Giáo Hội tại TP.HCM. Nhà thờ cũng là nơi dành riêng để cầu nguyện và cử hành Phụng vụ: diễn tả mối tương quan thờ phượng với Chúa (tương quan mầu nhiệm).
b. Hình cuốn sách tượng trưng cho Lời Chúa: Giáo Hội được xây dựng và đổi mới trên nền tảng Lời Chúa.
c. Chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần: Chỉ nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mới có thể hiểu được Lời Chúa, mới thờ phượng Chúa cho phải đạo và mới thực hiện được việc canh tân đổi mới cách hữu hiệu.
d. Bảy luồng sáng toả xuống từ chim bồ câu tượng trưng cho bảy ơn Chúa Thánh Thần:
• Ba luồng sáng chiếu trên Nhà thờ Đức Bà tượng trưng cho ba ân huệ làm nên ba đặc tính Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ của Giáo Hội. Giáo Hội cần đổi mới ba mối tương quan: với Chúa (mầu nhiệm), với đồng đạo (hiệp thông) và với đồng loại (sứ vụ).
• Bốn luồng sáng còn lại tượng trưng cho bốn ân huệ làm nên bốn cột trụ: chân lý và tình yêu, công lý và hoà bình. Giáo Hội cần củng cố bốn cột trụ này.
Bảy luồng ánh sáng còn tượng trưng cho bảy Bí tích: Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa và các phép Bí tích.


2. “Giáo Hội hiệp thông” được diễn tả bằng những hình ảnh: ba cây chụm lại dưới bốn luồng sáng toả xuống từ chim bồ câu:
a. Ba cây chụm lại tượng trưng cho một mái ấm gia đình có cha, có mẹ và có con cái. Giáo Hội cũng là một gia đình cần được xây dựng theo mẫu mực của gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi
b. Mái ấm nhỏ tại gia hay mái ấm gia đình Giáo Hội đều cần được xây dựng trên bốn cột trụ: chân lý và tình yêu, công lý và hoà bình. Bốn cột trụ này cũng là bốn ân huệ đón nhận từ Chúa Thánh Thần (được diễn tả bằng bốn luồng sáng toả xuống từ chim bồ câu). Bốn cột trụ này sẽ làm cho sự hiệp thông được hiện hữu vững bền.


3. “Giáo Hội sứ vụ” được diễn tả bằng tất cả mọi hình ảnh và mọi mầu sắc trong logo vì mọi sinh hoạt của Giáo Hội đều mang tính truyền giáo nếu được thực hiện một cách tốt đẹp trong sự hy sinh và trong mối tương quan hài hoà với anh em đồng loại:
a. Sự hy sinh được diễn tả bởi những đường viền màu đỏ của Nhà thờ Đức Bà, giống như những dòng máu thấm vào lòng đất để sinh ra muôn ngàn cây trái.
b. Mối tương quan hài hoà với anh em đồng loại được diễn tả bởi màu xanh lơ đậm nhạt (ton sur ton) hài hoà của đất trời và màu xanh lá cây tươi thắm của ba lùm cây chụm lại cách đầm ấm. (Nhiều người còn nghĩ thêm rằng: ba cây màu xanh muốn nhắc nhở Giáo Hội cần dấn thân vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái, một vấn đề rất cấp bách trong thế giới hôm nay).

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Ngày cuối

"Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người... Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác." (Ga 1,9.16)

Ánh sáng của Chúa chiếu trên con suốt năm. Một năm nhiều tươi sáng, nhiều niềm vui. Bao nhiêu ơn rất sung mãn tràn ngập.
Nhưng bóng tối cũng làm chao đảo. Ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối thật mong manh.

Ngày cuối năm 2011 làm con liên tưởng đến ngày cuối đời con. Ngày cuối phải là đỉnh cao tươi đẹp. Xem ra chưa được. Kế hoạch cho sự hoàn thiện bản thân bị đánh giá là chưa hoàn thành. Cần nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2011
Mùa xuân Ả-rập
Thảm họa Động đất - Sóng thần tàn phá Nhật Bản
Tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden
Khủng hoảng nợ công châu Âu
Thảm sát Na Uy
Thế giới chào đón công dân thứ 7 tỉ
http://www.zing.vn/news/the-gioi/6-su-kien-the-gioi-noi-bat-nhat-nam-2011/a137867.html

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Tiến dâng

Bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa (Lc 2,22)

Dâng tiến con cho Chúa là dâng tất cả tình yêu và hoa trái tình yêu cho Chúa, dâng cả gia đình và đời mình cho Chúa. Tất cả đều đã thuộc về Chúa và là của Chúa. Tất cả ở trong tay Chúa, Chúa sử dụng tuỳ ý Chúa. Tất nhiên là ở dưới sự chăm sóc của Chúa, nên rất bình an. Tuy nhiên cần ý thức là phải được sử dụng theo ý Chúa, không phải là theo ý mình. Maria và Giuse ý thức rất rõ điều này.

Con đã dâng mình cho Chúa, nên luôn cần theo ý Chúa. Mà có gì đẹp hơn ý Chúa đâu? Xin cho con luôn đặt câu hỏi: Ý Chúa là thế nào về việc này, về người này, về thời gian này của con...? Xin sử dụng con theo ý Chúa.

Đảo Samoa ở phía Đông Thái Bình Dương chuyển ranh giới từ giờ quốc tế phía Đông sang phía Tây, khiến người dân đi ngủ hôm nay thứ Năm 29/12 sẽ thức dậy vào ngày mới là thứ Bảy 31/12.
Toàn bộ ngày thứ Sáu 30/12 bị xóa khỏi đồng hồ và lịch trên hòn đảo 180 nghìn dân, nằm giữa New Zealand và Hawaii.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Samoa chuyển múi giờ.
Gần 120 năm trước đảo này đổi sang giờ phía Đông để dễ làm ăn với Hoa Kỳ và châu Âu.
Nay, tình hình xoay chuyển ngược lại và Samoa hướng sang các bạn hàng thương mại chính là Úc và New Zealand.
Cả hai quốc gia láng giềng này đều nằm trong khu vực phía Tây, tính về thời gian.
Theo lịch cho tới nay, Samoa bị lệch ngày khi giao thương với Úc và New Zealand.
Khi ở Samoa vẫn là thứ Sáu thì người dân tại Úc và New Zealand đã sang ngày thứ Bảy.
Thủ tướng Samoa, Tuila'epa Sailele Malielegaoi nêu ví dụ rằng khi người Samoa vẫn đi lễ nhà thờ vào Chủ Nhật thì dân Úc và New Zealand đã đi làm vào thứ Hai, bắt đầu một tuần mới.
Nhưng từ dịp cuối tuần này, kết thúc năm 2011, chuyện đó sẽ không còn nữa.
Sức cuốn hút của các nền kinh tế láng giềng mạnh hơn khiến Samoa đổi cả chiều lái xe trên đường xá của họ.
Năm 2009, Samoa thay luật giao thông từ tay lái bên phải như châu Âu lục địa và Hoa Kỳ sang tay lái nghịch để thuận tiện cho việc nhập xe từ Úc và New Zealand.
Úc và New Zealand có truyền thống theo Anh này áp dụng luật giao thông ưu tiên bên trái như ở Anh, Ấn Độ và một số cựu thuộc địa của Anh Quốc.
Samoa không phải thuộc địa Anh và chịu ảnh hưởng nhiều từ Hoa Kỳ (đảo Tây Samoa tuy cùng chủng tộc nhưng nay là lãnh thổ của Mỹ) nhưng nay quyết định thay đổi thuần túy vì lý do kinh tế.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

40 ngày sau

Sau Têphanô, Gioan, Các Thánh Anh Hài, nhân vật thứ tư được đặc biệt nhắc tới sau lễ Giáng Sinh là ông già Simêon.
"Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông." (Lc 2,25)
Công chính và mong chờ dẫn đưa đến một điều tuyệt diệu là "Thánh Thần hằng ngự trên ông."
Chúa biết con mong chờ gì mỗi khi thức dậy?
Và sự công chính: tìm kiếm thánh ý Chúa: Con có hỏi ý kiến của  Chúa về những toan tính và công việc của con?
Con cảm nghiệm gì về Chúa Thánh Thần?

Quà tết của bà chủ nhà trọ
TT - Đã thành thông lệ, khi còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, bà Hoàng Thị Dinh (ấp 4, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM) lại rục rịch đi mua quà tết tặng những công nhân ở trọ nhà bà.
Năm nay làm ăn khó khăn, giá vé xe khách, tàu lửa lại tăng cao nên nhiều công nhân về quê sớm. Vì thế, bà cũng đi mua quà sớm hơn.
Trưa 18-12, chị Huyền, con dâu của bà Dinh, cũng có phòng trọ cho thuê, cầm trên tay hai phiếu giảm giá mua hàng tại siêu thị đến đón mẹ đi mua hàng. Hai mẹ con ngồi bệt xuống sàn nhà, lấy giấy bút liệt kê những thứ cần mua. Tính nhẩm bằng những đầu ngón tay, bà cho biết đầu tuần sau có sáu người về quê sớm. “Má nói năm nay khó khăn chung cả. Nhưng tội nghiệp nhất vẫn là những người công nhân đi làm sớm tối. Món quà cũng rẻ thôi nhưng là chút tấm lòng với những người lao động nghèo” - chị Huyền chia sẻ.
Những năm trước bà Dinh thường mua bánh mứt, hạt dưa làm quà. Nhưng năm nay quà tết được thay bằng bột ngọt, dầu ăn, đường. Những thứ mà theo bà là cần thiết với người công nhân trong thời buổi này. Chứ còn bánh kẹo, mứt, hạt dưa tuy giá cũng ngang nhau nhưng người ta chỉ thấy ngon khi cái bụng đã no cơm, no thịt. Bà cẩn thận chia thành bảy gói quà, rồi lấy giấy bọc bên ngoài, ghi tên người nhận kèm theo lời chúc tết.
Sự san sẻ với công nhân ở trọ của bà Dinh không phải đợi đến ngày tết. Đầu năm 2011 mới có phong trào vận động không tăng giá phòng trọ nhưng đã hơn hai năm nay, bà không tăng giá phòng, giá điện. Mấy hôm nay đọc báo có thông tin tăng giá điện, bà nhờ đứa cháu xem bảng giá, tính thêm cả các loại thuế rồi mới thông báo cho từng phòng. “Cũng là người miền Trung từng đi làm thuê, làm mướn nên tui thấy thương cho người công nhân thời buổi này. Lương thì bèo bọt mà cái gì cũng tăng giá. Mà lại tăng vào thời điểm cuối năm mới đắng họng chứ” - bà tâm sự.
Cái tình đó của bà Dinh khiến nhiều công nhân đến thuê phòng gắn bó với bà nhiều năm nay. Nhiều công nhân đến ở, về quê cưới vợ, lấy chồng rồi lại quay về phòng trọ của bà sinh sống, làm ăn, sinh con cái. “Năm trước mình không đủ tiền mua vé xe về quê, cô Dinh cho thiếu lại tiền trọ tháng cuối để có tiền về. Rồi lại dúi món quà vào tay tôi vì sợ tôi ngại không dám nhận” - chị Tình, quê Hà Tĩnh, một công nhân ở trọ, xúc động kể.
Những món quà của bà Dinh như một ngọn lửa dù nhỏ cũng khiến nhiều công nhân thấy ấm lòng. Bởi trong hành lý của những công nhân ấy, ngoài những món hàng tết mang về quê mà họ mua được bằng mồ hôi nước mắt, còn có thêm một gói quà đầy tình người.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/471298/Qua-tet-cua-ba-chu-nha-tro.html