Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Ngày cuối

"Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người... Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác." (Ga 1,9.16)

Ánh sáng của Chúa chiếu trên con suốt năm. Một năm nhiều tươi sáng, nhiều niềm vui. Bao nhiêu ơn rất sung mãn tràn ngập.
Nhưng bóng tối cũng làm chao đảo. Ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối thật mong manh.

Ngày cuối năm 2011 làm con liên tưởng đến ngày cuối đời con. Ngày cuối phải là đỉnh cao tươi đẹp. Xem ra chưa được. Kế hoạch cho sự hoàn thiện bản thân bị đánh giá là chưa hoàn thành. Cần nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2011
Mùa xuân Ả-rập
Thảm họa Động đất - Sóng thần tàn phá Nhật Bản
Tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden
Khủng hoảng nợ công châu Âu
Thảm sát Na Uy
Thế giới chào đón công dân thứ 7 tỉ
http://www.zing.vn/news/the-gioi/6-su-kien-the-gioi-noi-bat-nhat-nam-2011/a137867.html

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Tiến dâng

Bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa (Lc 2,22)

Dâng tiến con cho Chúa là dâng tất cả tình yêu và hoa trái tình yêu cho Chúa, dâng cả gia đình và đời mình cho Chúa. Tất cả đều đã thuộc về Chúa và là của Chúa. Tất cả ở trong tay Chúa, Chúa sử dụng tuỳ ý Chúa. Tất nhiên là ở dưới sự chăm sóc của Chúa, nên rất bình an. Tuy nhiên cần ý thức là phải được sử dụng theo ý Chúa, không phải là theo ý mình. Maria và Giuse ý thức rất rõ điều này.

Con đã dâng mình cho Chúa, nên luôn cần theo ý Chúa. Mà có gì đẹp hơn ý Chúa đâu? Xin cho con luôn đặt câu hỏi: Ý Chúa là thế nào về việc này, về người này, về thời gian này của con...? Xin sử dụng con theo ý Chúa.

Đảo Samoa ở phía Đông Thái Bình Dương chuyển ranh giới từ giờ quốc tế phía Đông sang phía Tây, khiến người dân đi ngủ hôm nay thứ Năm 29/12 sẽ thức dậy vào ngày mới là thứ Bảy 31/12.
Toàn bộ ngày thứ Sáu 30/12 bị xóa khỏi đồng hồ và lịch trên hòn đảo 180 nghìn dân, nằm giữa New Zealand và Hawaii.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Samoa chuyển múi giờ.
Gần 120 năm trước đảo này đổi sang giờ phía Đông để dễ làm ăn với Hoa Kỳ và châu Âu.
Nay, tình hình xoay chuyển ngược lại và Samoa hướng sang các bạn hàng thương mại chính là Úc và New Zealand.
Cả hai quốc gia láng giềng này đều nằm trong khu vực phía Tây, tính về thời gian.
Theo lịch cho tới nay, Samoa bị lệch ngày khi giao thương với Úc và New Zealand.
Khi ở Samoa vẫn là thứ Sáu thì người dân tại Úc và New Zealand đã sang ngày thứ Bảy.
Thủ tướng Samoa, Tuila'epa Sailele Malielegaoi nêu ví dụ rằng khi người Samoa vẫn đi lễ nhà thờ vào Chủ Nhật thì dân Úc và New Zealand đã đi làm vào thứ Hai, bắt đầu một tuần mới.
Nhưng từ dịp cuối tuần này, kết thúc năm 2011, chuyện đó sẽ không còn nữa.
Sức cuốn hút của các nền kinh tế láng giềng mạnh hơn khiến Samoa đổi cả chiều lái xe trên đường xá của họ.
Năm 2009, Samoa thay luật giao thông từ tay lái bên phải như châu Âu lục địa và Hoa Kỳ sang tay lái nghịch để thuận tiện cho việc nhập xe từ Úc và New Zealand.
Úc và New Zealand có truyền thống theo Anh này áp dụng luật giao thông ưu tiên bên trái như ở Anh, Ấn Độ và một số cựu thuộc địa của Anh Quốc.
Samoa không phải thuộc địa Anh và chịu ảnh hưởng nhiều từ Hoa Kỳ (đảo Tây Samoa tuy cùng chủng tộc nhưng nay là lãnh thổ của Mỹ) nhưng nay quyết định thay đổi thuần túy vì lý do kinh tế.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

40 ngày sau

Sau Têphanô, Gioan, Các Thánh Anh Hài, nhân vật thứ tư được đặc biệt nhắc tới sau lễ Giáng Sinh là ông già Simêon.
"Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông." (Lc 2,25)
Công chính và mong chờ dẫn đưa đến một điều tuyệt diệu là "Thánh Thần hằng ngự trên ông."
Chúa biết con mong chờ gì mỗi khi thức dậy?
Và sự công chính: tìm kiếm thánh ý Chúa: Con có hỏi ý kiến của  Chúa về những toan tính và công việc của con?
Con cảm nghiệm gì về Chúa Thánh Thần?

Quà tết của bà chủ nhà trọ
TT - Đã thành thông lệ, khi còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, bà Hoàng Thị Dinh (ấp 4, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM) lại rục rịch đi mua quà tết tặng những công nhân ở trọ nhà bà.
Năm nay làm ăn khó khăn, giá vé xe khách, tàu lửa lại tăng cao nên nhiều công nhân về quê sớm. Vì thế, bà cũng đi mua quà sớm hơn.
Trưa 18-12, chị Huyền, con dâu của bà Dinh, cũng có phòng trọ cho thuê, cầm trên tay hai phiếu giảm giá mua hàng tại siêu thị đến đón mẹ đi mua hàng. Hai mẹ con ngồi bệt xuống sàn nhà, lấy giấy bút liệt kê những thứ cần mua. Tính nhẩm bằng những đầu ngón tay, bà cho biết đầu tuần sau có sáu người về quê sớm. “Má nói năm nay khó khăn chung cả. Nhưng tội nghiệp nhất vẫn là những người công nhân đi làm sớm tối. Món quà cũng rẻ thôi nhưng là chút tấm lòng với những người lao động nghèo” - chị Huyền chia sẻ.
Những năm trước bà Dinh thường mua bánh mứt, hạt dưa làm quà. Nhưng năm nay quà tết được thay bằng bột ngọt, dầu ăn, đường. Những thứ mà theo bà là cần thiết với người công nhân trong thời buổi này. Chứ còn bánh kẹo, mứt, hạt dưa tuy giá cũng ngang nhau nhưng người ta chỉ thấy ngon khi cái bụng đã no cơm, no thịt. Bà cẩn thận chia thành bảy gói quà, rồi lấy giấy bọc bên ngoài, ghi tên người nhận kèm theo lời chúc tết.
Sự san sẻ với công nhân ở trọ của bà Dinh không phải đợi đến ngày tết. Đầu năm 2011 mới có phong trào vận động không tăng giá phòng trọ nhưng đã hơn hai năm nay, bà không tăng giá phòng, giá điện. Mấy hôm nay đọc báo có thông tin tăng giá điện, bà nhờ đứa cháu xem bảng giá, tính thêm cả các loại thuế rồi mới thông báo cho từng phòng. “Cũng là người miền Trung từng đi làm thuê, làm mướn nên tui thấy thương cho người công nhân thời buổi này. Lương thì bèo bọt mà cái gì cũng tăng giá. Mà lại tăng vào thời điểm cuối năm mới đắng họng chứ” - bà tâm sự.
Cái tình đó của bà Dinh khiến nhiều công nhân đến thuê phòng gắn bó với bà nhiều năm nay. Nhiều công nhân đến ở, về quê cưới vợ, lấy chồng rồi lại quay về phòng trọ của bà sinh sống, làm ăn, sinh con cái. “Năm trước mình không đủ tiền mua vé xe về quê, cô Dinh cho thiếu lại tiền trọ tháng cuối để có tiền về. Rồi lại dúi món quà vào tay tôi vì sợ tôi ngại không dám nhận” - chị Tình, quê Hà Tĩnh, một công nhân ở trọ, xúc động kể.
Những món quà của bà Dinh như một ngọn lửa dù nhỏ cũng khiến nhiều công nhân thấy ấm lòng. Bởi trong hành lý của những công nhân ấy, ngoài những món hàng tết mang về quê mà họ mua được bằng mồ hôi nước mắt, còn có thêm một gói quà đầy tình người.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/471298/Qua-tet-cua-ba-chu-nha-tro.html



Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Cận kề & đầu tiên

Ba khuôn mặt liền sau lễ Giáng sinh: Têphanô, Gioan, Các Thánh Anh Hài. Gioan cận kề bên lòng Chúa, Têphanô là vị tử đạo đầu tiên sau khi Chúa về trời, còn Các Thánh An Hài đổ máu vì Chúa ngay sau khi Chúa giáng trần.
Giây phút đầu ngày của con, rất tinh khôi, xin được là đầu tiên và cận kề: những gì là đầu tiên xin được hiện diện trọn vẹn với Chúa, cận kề bên lòng Chúa.
"Bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa." (Mt 2,18) Nỗi thương đau đã xuất hiện ngay lúc Chúa Giáng Sinh. Bà Rakhen đau đớn, Mẹ Maria cũng trải qua đớn đau. Và Giêsu cũng đớn đau long đong ngay từ lúc chào đời. Hiện diện và cận kề của tình yêu đi liền với những hy sinh, những thương đau dành cho nhau. Nhưng những thương đau sẽ qua mau. Để ngay lúc đó lòng vẫn tràn niềm vui được cận kề, được biến đổi trong nhau và sinh muôn ngàn hoa trái đời này. Đồng thời sẽ được vinh quang trọn vẹn đời sau.
Hy sinh cũng xuất hiện ngay lúc khởi đầu của một ngày sống. Đấy là một hy sinh ngọt ngào để những gì đầu tiên cũng diễn tả được sự hiện diện trọn vẹn với Chúa, cận kề mà lắng nghe tiếng lòng của Chúa và của anh em mình.

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Hiện diện

Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em (Lc 2,11)
Chúa xuống trần gian để diễn tả tình thương của Ngài, một tình thương hiện diện để chở che chăm sóc chia sẻ.
Ngài luôn hiện diện như thế với con. Còn con, con có hiện diện với Chúa không?
Gioan đã hiện diện với Chúa, cận kề bên lòng Chúa. Còn con thì sao? Mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên con nghĩ đến là gì? Là công việc? Là một vài người nào đó? Còn Chúa thì sao? Chúa có phải là người đầu tiên con nhớ đến? Con có hiện diện với Chúa, và để cho Chúa chia sẻ mọi công việc và mọi nỗi ưu tư của con?

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Mẹ cận kề

"Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà." (Lc 1,57-58)
Láng giềng và thân thích chia vui với bà Êlisabét hôm đó có Đức Maria. Mẹ không chỉ chia vui, mà đã có mặt suốt mấy tháng trước đó - bên cạnh bà Êlisabét - để giúp bà sinh nở được "mẹ tròn con vuông".
Chắc chắn Mẹ cũng có mặt bên những người con khác của Mẹ trong suốt dòng lịch sử, để họ sinh sản những đứa con khác nhau - sinh ra những trẻ bé hay sinh ra những tác phẩm.
Con xin phó thác cho Mẹ những tác phẩm, những sự kiện sắp chào đời. Ý thức được có Mẹ cận kề, con thấy an tâm.