Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Niềm vui nói được

Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gioan." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 1.63-64)

Giacaria nói được vì ông vừa có một đứa con được gọi là "Tiếng kêu trong sa mạc". Tiếng kêu này sẽ giới thiệu "Lời của Thiên Chúa cho loài người.

Niềm vui nói được cũng là niềm vui có đứa con làm tiền hô cho Chúa.

Làm truyền thông cho Chúa cũng mang lấy niềm vui dạt dào này.


Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Dối trá


Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. (Mt 6,33)

Dối trá từ mầm non
Thứ bảy 23/06/2012 08:11

Trẻ con đang trong kỳ nghỉ hè, nhưng cha mẹ đã mở cuộc chạy đua hết tốc lực để cho con vào mầm non và lớp 1 của các trường nổi tiếng. Không biết có nơi đâu trên thế giới này, con nít vào mầm non, lớp 1 mà cũng phải chạy, cũng xét tuyển không? Tin rằng chuyện này chỉ có ở Việt Nam.
Chạy vào lớp 1 trường điểm, phụ huynh phải chi cả chục, trăm triệu đồng. Nghe thất kinh, nhưng vẫn có không ít người dám chi. Các trường có giá cũng làm giá rất ghê, như việc bắt phụ huynh phải trình giấy chứng nhận tốt nghiệp mầm non của cháu mới được xét tuyển vào lớp 1. Thế là phụ huynh nào có con chưa tốt nghiệp mầm non phải chạy đi mua “bằng”. Giá trung bình 2 - 3 triệu đồng. Xã hội bát nháo, chuyện mua bán bằng cấp không chỉ ở các cấp học cao, mà ngay cả mầm non cũng phải mua giấy chứng nhận giả. Thử hỏi còn chi là giáo dục nữa?
Những đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ không có nhu cầu phải học trường điểm, trở thành nạn nhân của chính cha mẹ. Cha mẹ các cháu là nạn nhân của chính họ. Không ai bắt họ cả, tự họ tưởng tượng ra một chân trời to tát cho con họ, mai sau sẽ là những thiên tài. Họ lao vào cuộc chơi đó. Chơi thì phải tốn kém, họ có tiền nên họ sẵn sàng chiều chuộng sự tưởng tượng của mình.

Nhưng xã hội lại là nạn nhân của những người giàu trí tưởng tượng loại này. Vì họ muốn con cái học trường điểm, có nhiều tiền và muốn chi tiền, nên tạo ra thị trường mua bán, chung chi. Người này chạy trái tuyến được thì người khác chạy theo. Người này cho con vào trường điểm được thì người khác sốt ruột, sợ con mình thua con thiên hạ. Khi nhiều người chạy thì giá chung chi bị đẩy cao lên, nhân cách của con người càng hạ thấp xuống. Một xã hội mà chuyện học mầm non, lớp 1 cũng phải phong bao, phong bì thì còn ai tin ai, còn ai yêu kính thầy cô, còn ai “tôn sư trọng đạo” nữa. Vì thế, cái họa của nạn chạy trường chạy lớp chính là ở chỗ con người mất hết niềm tin vào sự công bằng, mà chỉ thấy sức mạnh của đồng tiền, của sự lừa lọc và dối trá. Từ mầm non đã dối trá thì xã hội sẽ thế nào đây?

Chuyện chạy trường chạy lớp không mới mẻ gì, nhưng lâu nay vẫn không thể dẹp được, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Ngành giáo dục cho rằng do nhận thức của phụ huynh chưa đúng về chuyện học hành của con cái nên tạo ra tập quán xấu, còn phụ huynh thì đổ cho ngành giáo dục không tổ chức được hệ thống trường mầm non, tiểu học có chất lượng đáp ứng nhu cầu của họ.

Cải thiện được nhận thức của phụ huynh để dẹp nạn chạy trường đã khó, cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục các cấp học còn khó hơn. Nhiều trí thức từng phải thét to khẩu hiệu về chấn hưng giáo dục, nhưng họ đã phải bất lực và càng đau đớn hơn khi nhìn thấy dân mình bỏ cả trăm triệu đồng để mua một chỗ ngồi cho con ở lớp 1. 
Lê Thanh Phong

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Để ý

“Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ” (Mc 4,31-32a).

Sáu người đứng chung quanh cây cải tại Nhà dòng Clara ở Nadarét, nơi Cha Charles Foucault đã từng sống suốt 3 năm để chia sẻ cảnh nghèo của Chúa Giêsu.

Lá cây cải này không ăn được. Như vậy cây cải này có lẽ chỉ được trồng để lấy bóng mát, làm đẹp thiên nhiên.

Chúa Giêsu đã để ý đến một cây rất tầm thường như thế, và ví nó như Nước Trời.

Tôi cũng thế thôi, bình thường và tầm thường. Nhưng Chúa đã để ý đến tôi...