Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Giàu nghèo

"Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta." (Lc 16,19-21)

Đám cưới “khủng” ở Hà Tĩnh
TT - Trong hai ngày 29-2 và 1-3, đám cưới con của một đại gia phố núi đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người dân thị trấn Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) khi có sự tham gia của các ca sĩ hải ngoại và trong nước.
Sáng 29-2, đường về thị trấn Sơn Tây đã tắc nghẽn giao thông khi người dân đổ ra hai bên quốc lộ 8A xem dàn siêu xe rước dâu như Audi A5 Sportback, Mercedes GLK, Mercedes C250 CGI, Porsche Cayenne, BMW...
Đây là đám cưới của H. (25 tuổi, con một đại gia ở huyện Hương Sơn) với L. (20 tuổi, con một đại gia ở Hà Nội).
Cả cô dâu và chú rể đang du học tại Singapore.
Ở đám cưới này, gia chủ đã bỏ tiền tỉ thuê cả một dàn sao gồm các nghệ sĩ hải ngoại như Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Quang Lê cùng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và dàn âm thanh, ánh sáng từ Hà Nội về biểu diễn.

Đám cưới “siêu khủng” ở Hà Tĩnh được nhiều người ví là có giá đến 25 bệnh xá cho xã vùng sâu (1 tỉ đồng/bệnh xá) hoặc 830 căn nhà tình nghĩa.

Hiện nay, ở nước ta không khó để nhận ra sự chênh lệch mức sống trong các nhóm dân cư. Có một số ít người hiện rất giàu và họ sẵn sàng bỏ hàng chục tỉ đồng để sắm những phương tiện đắt tiền (máy bay, xe hơi, du thuyền...) nhưng cũng có không ít người phải chạy ăn từng bữa.
Đặc biệt, với đồng bào vùng thường bị thiên tai, giữ được tính mạng đã quý, còn lại gần như trắng tay sau những đợt mưa lũ. Họ có thể nghèo trở lại sau thời gian cố gắng vươn lên. Kèm theo đó, dĩ nhiên chất lượng sống của họ không được đảm bảo và có chênh lệch lớn so với những người giàu có.
Tình trạng cách biệt giàu nghèo diễn ra khắp nơi trong nước ta với những mức độ khác nhau; ở nông thôn có sự cách biệt của nông thôn, ở thành thị có sự cách biệt của thành thị. Và giữa hai “đầu mút” của nông thôn và thành thị lại cách nhau rất xa.
Đó là một thực tế xót xa. Nhìn toàn cảnh, xã hội ta ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người vẫn không ngừng tăng trưởng, thế và lực của đất nước ngày càng được cải thiện... Đó là xu hướng tích cực mang tính tất yếu và cũng là mong mỏi của tất cả người Việt Nam.
Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo cũng theo đó tăng lên. Những người giàu ngày càng có xu hướng giàu thêm bởi họ có nhiều điều kiện thuận lợi, còn những người nghèo tuy có thể không nghèo hơn nhưng rất khó có sự cải thiện lớn về thu nhập do hạn chế về vốn, trình độ văn hóa, tay nghề...
Từ chênh lệch thu nhập sẽ kéo theo chênh lệch về khả năng được đáp ứng yêu cầu về giáo dục, y tế, giải trí... Tức là chất lượng sống của một bộ phận đông đảo người dân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Hiện nay, với giá cả sinh hoạt đang tăng cao thì áp lực đời sống lên người nghèo lại càng lớn. Sự tăng giá với một số gia đình nghèo sẽ như chiếc áo chất thêm lên lưng con lừa đã chở quá nặng!
Năm 2007, có người đã đặt ra tình huống hai người ăn một con gà nhưng kỳ thực chỉ có một người ăn nguyên con, còn người kia... đứng nhìn. Đến nay, sau gần năm năm với kinh tế phát triển thì tình hình hẳn khác đi, theo xu hướng ba người ăn hai con gà. Tính bình quân một người ăn được hơn nửa con, nhưng liệu có phải đang có tình huống một người ăn cả hai con, còn hai người kia đứng nhìn; hoặc một người ăn gần hết hai con, một người ăn phần còn lại và vẫn có một người nhịn?
Và nếu vậy, có lẽ sẽ không khó hình dung xu hướng thay đổi trong thời gian tới là: bốn người ăn ba con gà, năm người ăn bốn con gà, 100 người ăn 99 con gà... với sự phân chia là một người trong số đó vẫn được ăn phần lớn số gà, và một số đông còn lại sẽ được ăn rất ít hoặc không ăn được tí nào. Ngay cả với một xu hướng phát triển tốt đẹp hơn, rõ ràng vẫn có một số đông người gần như đứng ngoài cuộc trong sự phát triển đó, nếu như không có những biện pháp ngăn chặn có hiệu quả.
Điều tiết sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo phải bằng những chính sách mang tầm chiến lược, chứ không thể đơn lẻ ở từng địa phương hoặc từng thời điểm cụ thể. Trước hết phải có một quan điểm nhất quán và xuyên suốt về công bằng xã hội. Công bằng hoàn toàn không phải là cào bằng mà phải có sự quan tâm đúng mức, đồng bộ và thỏa đáng đến tất cả các nhóm cư dân trong xã hội.
Chẳng hạn, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng phải có biện pháp giúp đỡ nông dân, chăm lo cho các đối tượng thuộc diện chính sách, bảo trợ xã hội. Hay chính sách thuế cũng cần linh hoạt và nhân văn hơn, như miễn hoặc giảm thuế đối với người buôn bán nhỏ, nông dân sản xuất quy mô nhỏ (không phải trang trại), tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng xa xỉ, xem xét lại mức khởi điểm để tính thuế thu nhập cá nhân... Đồng thời mở rộng hình thức và số vốn cho vay đối với loại hình kinh tế hộ gia đình, nông dân...
Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng chất lượng cuộc sống của người dân, xem đó là mục tiêu của việc giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo, chứ không phải chỉ xét ở vấn đề thu nhập.
http://tuoitre.vn/Ban-doc/480649/Can-rut-ngan-khoang-cach-giau-ngheo.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét