Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyền thông. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyền thông. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47

Tổng Giáo phận TP.HCM cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47

WGPSG -- Theo ý muốn của Công đồng Vatican II (sắc lệnh Inter Mirifica), Tổng Giáo phận TP.HCM (TGP) đã long trọng cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47 (TGTTXH) vào sáng thứ Bảy 11/5/2013 tại Trung tâm Mục vụ TGP. Hai vị đồng chủ tọa Buổi cử hành là ĐHY Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội (UBTTXH) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN). Và trách nhiệm tổ chức cử hành được trao cho Gia đình Mục vụ Truyền thông Sài Gòn (Gđ MVTT).

Đến tham dự Buổi cử hành có khoảng 600 người gồm Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, Cha Tổng đại diện GB Huỳnh Công Minh, một số linh mục trong ĐCV Thánh Giuse và Trung tâm Mục vụ TGP, một số cha Hạt trưởng cùng các linh mục giáo phận, quý thầy, quý nữ tu đại diện các dòng tu, các Cha Trưởng ban, Phó ban, Linh hướng và Đồng hành của Gđ MVTT, toàn thể thành viên và cộng tác viên Gđ MVTT cùng quý khách mời.

Từ 6 giờ sáng, các thành viên Gđ MVTT đã có mặt tại Trung tâm mục vụ TGP, quây quần ăn sáng chung trong nhóm với nhau, diễn tả niềm vui vì cả một năm mới có một lần gặp gỡ đầy đủ anh chị em trong Gia đình MVTT như thế này. Họ cùng nhau nhìn về năm cũ và phác họa những nét chính về MVTT cho năm mới. Trước đó hai tuần, các thành viên Gđ MVTT cũng đã có một buổi chiều “cử hành nội bộ”, học hỏi, tĩnh tâm, cầu nguyện và chầu phép lành chung với nhau.

Khai mạc

Lúc 8g, khách mời bắt đầu đến trong sự tiếp đón ân cần niềm nở của các thành viên Gđ MVTT. 8g15, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm tiến vào hội trường lớn của TTMV trong tiếng vỗ tay của cử tọa đã hiện diện khá đông đủ tại đây. Đúng 8g30, cha linh hướng Gđ MVTT cùng với 16 phó nhóm MVTT cung nghinh Lời Chúa lên lễ đài. Cha linh hướng MVTT công bố Lời Chúa, đặt sách Lời Chúa vào vị trí cao nhất của Buổi cử hành. Phút cầu nguyện khai mạc được thực hiện sau đó với bài hát “Tâm ca Truyền Thông”.

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm phát biểu khai mạc, giải thích lý do cử hành Ngày TGTTXH: để thực hiện lệnh truyền của Chúa Thăng Thiên. Cuối bài phát biểu, Đức cha Phêrô long trọng tuyên bố khai mạc Buổi cử hành trong tiếng vỗ tay hân hoan, kim tuyến tung bay cùng với tiếng kèn tây vang dội, nối tiếp bằng cử điệu múa hát “Niềm Vui Truyền Thông” rộn rã của cộng đoàn, tạo nên một khởi sự thật đẹp cho một lễ hội.

Triển khai Sứ Điệp Ngày TGTTXH lần thứ 47

Nét đặc thù của Buổi cử hành năm nay chính là việc triển khai Sắc lệnh Inter Mirifica và Sứ điệp Truyền thông xã hội lần thứ 47 dưới dạng “nửa tọa đàm, nửa đố vui”, kéo dài từ 9g đến 10g, được thực hiện với các nhân vật chính là hai MC Văn Quýnh & Kiều Mỹ cùng 15 đại diện các nhóm MVTT.

Đan xen phần “tọa đàm - đố vui” là những tiết mục thật sống động: bài hát “Nghĩa nặng tình sâu” của Cha Giuse Tiến Lộc, clip “Mạng xã hội: bước chuyển lớn của thời đại”, trò chơi “Mời bánh” của MC, tiểu phẩm “Facebook, ôi…!!!” của các sinh viên.

Kết thúc phần “tọa đàm - đố vui” là hình ảnh của các nhóm MVTT đang cùng nhau thực hiện giáo huấn về MVTT của Hội Thánh được chiếu lên màn hình. Buổi cử hành bỗng bùng nổ với vũ điệu “Ra Khơi” thật hoành tráng để mừng Lễ Chúa Thăng Thiên, Bổn mạng Gđ MVTT Sài Gòn (Xem video).

Thánh lễ

Sau khoảng nửa giờ giải lao, trò chuyện, chụp hình nhóm, mọi người trở về hội trường, sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn do Đức cha Phêrô chủ tế.

Chia sẻ Tin Mừng, Đức cha nhắc nhở các thành viên MVTT hãy tận dụng mọi phương tiện kỹ thuật hiện đại để loan báo Tin Mừng, biến những nẻo đường trần thế thành con đường dẫn tới trời cao. Vấn đề quan trọng không phải chỉ là kỹ thuật mà là con tim. Phải có trái tim sám hối của các tông đồ, để truyền thông tình thương tha thứ của Chúa. Phải xây dựng được chính con người truyền thông của mình như ý Chúa muốn để có thể sử dụng các phương tiện truyền thông một cách tốt đẹp. (nghe audio & xem video)

Tuyên hứa & Tuyên dương

Sau Thánh lễ, cả hội trường hân hoan đón chào Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn tiến vào để cùng Đức cha Phêrô chủ sự phần tuyên hứa và tuyên dương của Buổi cử hành.

Trong tiếng nhạc hùng tráng của bài ca dấn thân, toàn thể các thành viên MVTT tái tuyên hứa dấn thân sống như một Kitô hữu thực sự trưởng thành. Liền sau đó, các tân trưởng nhóm MVTT thề hứa tha thiết yêu thương phục vụ những người trong nhóm của mình. Quý cha đồng hành MVTT đã bước ra trao cho các tân trưởng nhóm hạt bức chân dung Trái Tim Chúa Giêsu, sẽ được treo ở vị trí trang trọng trong các buổi họp hằng tháng của các nhóm MVTT, nhắc nhở họ nhớ chính Chúa Giêsu là chủ tọa buổi họp. Rồi chính quý cha đồng hành MVTT cũng được ĐHY trao áo linh hướng và quy chế Gđ MVTT Sài Gòn để giúp các ngài hướng dẫn các thành viên chu toàn sứ vụ đúng ý Chúa và Giáo hội.

Phần tuyên hứa chính yếu là của gần 100 tân thành viên sắp học xong khóa Tổng hợp MVTT cấp I. ĐHY và Đức cha chủ tịch đã trao cho họ Tân Ước, quy chế Gđ MVTT Sài Gòn và cà-vạt MVTT, là dấu chỉ của người Kitô hữu trưởng thành trong Chúa Kitô.

Trong phần tuyên dương, các cựu nhóm trưởng MVTT, các thành viên và các cộng tác viên tích cực đã được quý Đức ông, Cha Tổng đại diện, các Cha Hạt trưởng và quý cha ân cần trao những món quà kỷ niệm.

Tiếp theo, Cha Trưởng ban MVTT trình bày những nét chính của chương trình MVTT năm tới mà Gđ MVTT Sài Gòn sẽ thực hiện, đồng thời gửi niềm tri ân đến ĐHY, Đức cha Phêrô, quý Đức ông, quý cha, quý ân nhân qua những bó hoa tươi thắm và những món quà lưu niệm. (Nghe audio)

Những bó hoa thật đẹp cũng đã được đại diện anh em truyền thông gửi đến Cha Trưởng ban, Cha Linh hướng, Cha Phó ban và Cha đồng hành Tán trợ của Gđ MVTT Sài Gòn.

(Xem hình ảnh)

Huấn dụ của ĐHY

Cuối cùng là huấn dụ của ĐHY. ĐHY dặn dò mọi người cần phải truyền thông “Tin Mừng” của Chúa, chứ không phải là “tin đồn (thất thiệt)” hay “tin tức (bực)”. Cần phải truyền thông với trái tim của Chúa theo gương mẫu của Đức Tân Giáo hoàng Phanxicô. (Nghe audio)

Bế mạc

Buổi cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47 đã kết thúc bằng một tấm hình chụp chung và một bữa cơm thân mật ấm tình gia đình. Bởi lẽ, những người sau cùng ra về lúc 14g30, ai cũng thấm mệt, nhưng lại rất vui, vì các thành viên đã thay phiên nhau phục vụ anh em và được anh em phục vụ lại như anh em một nhà.

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Thăm viếng & Lên trời

Trong ngày lễ Mẹ về trời, Giáo hội cho ta nghe đọc Bài Tin Mừng "Đức Mẹ thăm viếng Bà Êlisabét". "Mẹ thăm viếng" và "Mẹ về trời" có liên hệ với nhau?
Trong truyền thông, gặp gỡ trực diện luôn là quan trọng nhất và là căn bản của truyền thông.
Trong đời Kitô hữu, thăm viếng đích thực là gặp được cõi thiên đàng của nhau khi người ta thực sự đi vào cõi lòng của nhau. Cõi lòng con người không phải là thiên đàng sao? Không phải là nơi Chúa ngự trị hay sao?
Ta đã một chân bước vào thiên đàng khi biết thực sự thăm viếng nhau, chuyện trò giao tiếp với tất cả tâm hồn và đi vào được cõi lòng của nhau...


"Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."(Lc 1,39-45)

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Yêu đến cùng

"Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng." (Ga 13,1)
"Yêu đến cùng" được thể hiện trong việc rửa chân. Nhưng rửa chân cũng chỉ là một hành động tượng trưng. Chưa đủ thuyết phục.
"Yêu đến cùng" được thể hiện nơi bí tích Thánh Thể. Nhưng, cho dù là một thực tại hữu hiệu, bí tích nhìn bề ngoài cũng chỉ là một dấu chỉ, một nghi thức. Chưa đủ thuyết phục.
"Yêu đến cùng" được thể hiện nơi cái chết trên thập tự. Chết cho người mình yêu, đây đúng là một thể hiện cụ thể, rõ ràng, mãnh liệt và có thực không thể chối cãi.
Rửa chân, Thánh Thể và Thập Giá là ba thể hiện của một tình yêu tận cùng duy nhất. Và là một tình yêu rất thực mà Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không còn tiếc gì, không còn nề quản gì với con người nữa.
Trước khi chết cho người mình yêu, điểm dừng bên nhau trong bữa tiệc ly quả là vô cùng xúc động. Bữa tiệc ly đã được Thánh Gioan thuật lại với đầy đủ mọi nét tâm tình sôi bỏng của trái tim Thiên Chúa dành cho con người, với đầy đủ mầu sắc để dẫn vào một biến cố bi hùng bậc nhất của lịch sử nhân loại...
Trong Bữa Tiệc Ly: ba thể hiện của một tình yêu tận cùng và rất thực đang được cảm nghiệm: Rửa chân, Thánh Thể và Thập Giá. Thầy trò chia sẻ với nhau những cảm nghiệm này, để đưa nhau vào tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa và nhân loại.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Không tiếc

Thánh Luca kể:
"Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng
nguyên chất và quý giá
xức chân Đức Giêsu"
(Lc 12,3)

Xức vài giọt dầu thơm
đã là thơm lắm rồi.
Vậy mà Maria đổ cả một cân dầu thơm
xức chân Chúa.


Thánh Maccô còn nói thêm:
"Cô mang theo một bình bạch ngọc
đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất
thứ đắt tiền.
Cô đập ra,
đổ dầu thơm trên đầu Người.
(Mc 14,4)".

Đập bỏ luôn cả bình bạch ngọc.
Nghĩa là không còn tiếc gì nữa.
Cho Chúa hết.
Giống như Giêsu,
vì yêu nhân loại,
nên đập bỏ cả đời mình.

Con còn tiếc gì với Chúa không?

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Vẫn ở với tôi

"Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người." (Ga 8,28-29)

Cảm động thay mối quan hệ mật thiết giữa Giêsu với Cha Ngài. Nói những điều Cha dạy, luôn làm đẹp lòng Cha và luôn ở với Cha.

Cha cũng luôn ở với Giêsu, không bao giờ để Giêsu phải cô độc.

Tuy nhiên cũng có lần, trong đau đớn tận cùng, Giêsu phải kêu lên: "Lạy Cha, sao Cha bỏ con?" Nhưng đó là câu đầu của một Thánh Vịnh sẽ dẫn tới câu cuối là một niềm phó thác tin tưởng. Giêsu đã kết thúc cuộc đời trong niềm tín thác này: "Con xin phó thác hồn con trong tay Cha".

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Bám

Anh mù liền vất áo choàng lại, 
đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu (Mc 10,50)
Một đức tin vững mạnh, kiên trì.
Người ta cấm cản, người mù vẫn không nản.
Anh sẵn sàng vất cả áo choàng đa năng
rất cần thiết cho người mù
để đến với Chúa.
Và sau khi Chúa chữa anh hết mù,
anh đi theo Chúa.

Con cũng muốn bám vào Chúa như thế.
Con rất sợ phải giống như cây vả không trái.
Con mong từng ngày đời con
phát sinh hoa trái từ Lời Chúa,
 từ việc suy niệm Lời Chúa hằng ngày
với 5 bước:
- Bước 1: Lectio, đọc nhẩn nha từng câu Lời Chúa như đọc thư tình.
- Bước 2: Meditatio, nhai đi nhai lại để
Lời Chúa thấm dần và cảm nhận nỗi sung sướng.
- Bước 3: Oratio, dâng lên những tâm tình trìu mến thiết tha.
- Bước 4: Contemplatio, hạnh phúc sững sờ, lời nói bất lực, nên ngây ngất chiêm ngắm.
- Bước 5: Actio, cảm thấy cần làm một điều gì đó để đáp trả.
Ước gì, ước gì được sinh hoa trái từng ngày trong Lời Chúa, trong niềm tin sắt son...

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Ngoài tầm kiểm soát

Suốt thời học trò của mình, tôi chẳng bao giờ cần cha mẹ đưa đón đến trường. Bạn bè tôi cũng thế. Và chỉ trừ một vài trường cá biệt, còn bình thường, các phụ huynh chẳng hề lo lắng là mình không đưa đón thì con mình sẽ lêu lổng, đàn đúm, hư hỏng...

Ngày nay thì hoàn toàn khác. Cha mẹ mất quá nhiều thời gian để hằng ngày đích thân đưa rước con cái đến trường. Những cám dỗ giăng mắc khắp nơi, khắp nẻo. Vì vậy phải theo sát... Nhưng cha mẹ có thể theo sát con mình từng bước được không?

Điều quan trọng là phải làm cho tâm hồn con mình trở thành thửa đất tốt, và gieo hạt giống tốt trên mảnh đất này, để rồi "Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết." (Mc 4,27)

Trong mục vụ PR cũng vậy. Mình dùng những hoạt động truyền thông để tạo công luận chính xác đúng đắn. Tuy nhiên truyền thông không phải bao giờ cũng diễn ra như ý muốn của mình. Ngành PR chia truyền thông ra thành hai loại: kiểm soát và không kiểm soát:

Truyền thông kiểm soát: các dữ liệu và các kênh truyền thông do chính mình thực hiện và kiểm soát chặt chẽ:
- Nhờ quảng cáo có trả tiền để giới quảng cáo phải làm theo đơn đặt hàng của mình;
- Ấn phẩm do mình soạn và in: bản tin (newsletter), tờ gấp (brochure), tờ rời (leaflet), tờ bướm (flyer), báo cáo năm, thư trực tiếp...
- Video, Audio, Website do mình thực hiện…
Truyền thông không kiểm soát:
- Quan hệ với giới truyền thông và cung cấp tin/bài viết/thông cáo báo chí (dữ liệu có kiểm soát nói trên) cho họ, để họ sử dụng và 'xào nấu' như những dữ liệu truyền thông của họ;
- Giao tiếp cá nhân;
- Tổ chức Sự kiện (Event);
- Tài trợ (Sponsorship);
-...
Sứ điệp gửi đi rồi, dù là qua phương tiện kiểm soát hay không kiểm soát, vẫn lo lắng lắm, không biết rồi nó sẽ bị hoặc được xào nấu và loan truyền như thế nào, thuận lợi hay không thuận lợi? Cần theo dõi. Nhưng làm sao theo dõi hết được?

Sau khi làm hết sức mình, lạy Chúa, cuối cùng con chỉ còn cách cầu nguyện và phó thác: "Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết." (Mc 4,27)