Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Lời đầy sức mạnh

Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền (Mc 1,22)
Lời nói có sức mạnh gì? Ngày nay người ta nói với nhau ra sao? Hãy để ý các cháu tuổi teen hôm nay nói chuyện với nhau:

"Các em các cháu lứa 8X, 9X giờ hay dùng tiếng lóng, nhất là lúc nhắn tin. Có cháu nhắn tin cho bạn trai: “Anh xã ơi, tiếc lè em hông coá bít nấu nhưng en thì bít zì zậy nhè mình nên kím osin đi”! Trình độ đại học chữ to như mình mà dịch mãi không biết cháu nói gì, mãi rồi các cháu mới dịch sang tiếng Việt cho là: “Anh xã ơi, tiếc là em không có biết nấu, nhưng ăn thì biết, vì vậy nhà mình nên kiếm osin đi”. Người Việt nói tiếng Việt với người Việt, thế mà không hiểu nhau, mới là lạ!

Nhưng thôi, bỏ qua cho các cháu, tuổi trẻ thích cái mới, mặc dù không phải cái mới nào cũng hay.
Lứa chúng tớ hay nghe thấy loại tiếng lóng văn hoa. Cụm từ “như thế nào”, bây giờ người sành điệu Hà Nội phải nói “dư lào”, mới hay, mới rút gọn, mới thể hiện là mình... không nói ngọng.
Muốn “đuổi khéo” đám khách không mời mà đến, hoặc rủ nhau đi về, thì câu cửa miệng là “bánh cuốn”, hoặc “xôi xéo” đi. Toàn tên các món ăn dân tộc, quốc hồn quốc túy nhé, chứ không phải đuổi, phải chê gì đâu nhé!

“Rau sạch” thì bà nội trợ nào chả thích, rau sạch ăn vừa lành vừa ngon, lại không sợ nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng... Ấy thế mà nói chuyện “rau sạch” với các anh, cẩn thận lại bị cười mình quê mùa, kém hiểu biết, vì với các anh giai, bây giờ “rau sạch” lại là từ dùng để chỉ các cô con gái nhà lành, chưa “gì” cả. “Rau sạch” chắc chắn khác với “hàng”, “hàng” mà không phải hàng hóa, hàng họ mới lạ chứ! Ở đây là chỉ người, chỉ các cô có tính chơi bời một chút, thế mới khó chứ!

Thấy ai giỏi, ai tài, ngôn ngữ lóng hay bảo người ta là “tanh tưởi”. Thấy kém thấy yếu, hay xấu xí đáng chê thì kêu là “phọt phẹt”, “vãi linh hồn”, “ca la nhe”, hoặc “dở hơi ăn cám lợn”. Thấy ngon, thấy đẹp, người ta khen “ngất ngây con gà Tây”. Cô gái nào dáng cao, người xinh đẹp, các anh đặt cho biệt danh chung là “chân dài”, ở Hà Nội thì “Em chân dài như phố Bà Triệu”, hoặc “chân dài đến nách”.
Người ta yêu nhau mà bỏ nhau, duyên không thành nợ không có, thời nay gọi là “bong”! Các bạn trẻ Hà Nội ngày nay yêu nhau (mới “yêu” thôi nhé!), đã xưng hô với nhau là “vợ” và “chồng”, nói dại mồm dại miệng vợ chồng mà “bong”, lại phải tìm “vợ” tìm “chồng” khác thì cũng mệt mỏi nhỉ?

Đã sành điệu ăn củ kiệu, thì phải có tiếng Tây chen vào mới thích! Nhắn tin, giờ sành điệu phải nhắc nhau là “SMS nhé!”. Chúc ngủ ngon, đích thị là “G9” rồi. Có hôm, một chị đệ tử rất sính cúng bái, tín ngưỡng, nhắn tin cho sư thầy trụ trì chùa chị hay tới lễ lạt hỏi thăm, khi kết thúc lại nhắc thầy “G9”. Khiến thầy chả hiểu gì, lại tưởng chị này nhắn bằng ám hiệu, cứ hỏi thăm “G9” là ám hiệu gì, khiến đám thanh niên cười mãi.

Nhiều người lo ngại tiếng lóng sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng hãy xem lại những từ “pê-đan”, “ghi-đông”, nan hoa ở xe đạp cũng vốn là từ mượn, giờ người Việt khắp thôn quê thị xã, thị tứ đều dùng như một từ tiếng Việt chính hiệu. Hay chúng ta chả nói hàng trăm hàng ngàn từ Hán Việt mỗi ngày, cũng đâu có làm mất đi sự trong sáng của ngôn ngữ mẹ đẻ.
Chỉ có chút chuyện là đúng lúc đúng chỗ thì ngôn ngữ mới phát huy được thế mạnh của nó, chứ không như câu chuyện một anh đem bạn gái về nhà giới thiệu với mẹ, nói cô ấy làm nghề “pi-a” (PR - quan hệ công chúng). Bà mẹ quê mùa nghe không rõ, tưởng cô gái làm nghề bi-a, cho là chỗ đó ăn chơi, không ra gì, không cho anh con trai gặp gỡ nữa. Mối duyên lành, đáng lẽ rất đẹp đôi, lại thành ra là truân chuyên, trắc trở thì phí mất!"
http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=417008&ChannelID=372

Chúa ạ, khi con lắng nghe người trẻ hôm nay, con có thể thấy được "dấu chỉ thời đại" nơi ngôn ngữ của họ không? "Dư lào" con mới hiểu được họ? Và gặp họ, con có được ăn "xôi xéo", vì hơi bị... ngọng không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét