Hiển thị các bài đăng có nhãn Media. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Media. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Công việc

“Thưa Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy cũng không coi sao ư? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! Chúa đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." ” (Lc 10,38-42)
Công việc là điều không thể lơ là, nhưng đừng vì công việc mà hạ Chúa Kitô xuống hàng thứ yếu. Ngay cả những công việc của Chúa cũng đừng làm tôi quên mất Chúa. Mác-ta sẽ không bao giờ quên được lời nhắc nhở thân thiết ấy của Chúa.
Những hoạt động và lo toan của tôi mặc dù trực tiếp qui hướng về Chúa, nhưng tôi cũng đừng bao giờ vì chúng mà quên lãng điều duy nhất cần thiết: đó là chính Chúa Kitô. 

Trong cuộc sống thường ngày, đừng bao giờ để những điều xem ra hết sức quan trọng, chẳng hạn như công việc, thu nhập tài chánh, những tương giao xã hội, vượt quá địa vị của cuộc sống gia đình. Những điều ấy không đáng buôc cuộc sống gia đình phải chịu tổn thiệt. Chỉ trong những hoàn cảnh ngoại thường, người gia trưởng mới phải làm việc xa nhà, chẳng hạn như những người di cư hoặc thủy thủ. Nếu người cha hoặc người mẹ trong gia đình kiếm được nhiều tiền mà thiếu sót bổn phận đối với con cái, thử hỏi kết quả sẽ như thế nào?
Cũng vậy, trong lãnh vực Truyền thông hoặc PR, truyền thông trực diện - diện đối diện - là quan trọng nhất. Nếu có vô số bạn bè trên thế giới ảo, mà trong ngày sống, không có được những gặp gỡ tương quan thân thiết với thân nhân bạn hữu, thì cuộc sống của tôi cũng mất nền tảng, hụt hẫng...
Tuy nhiên trong thế giới hôm nay, còn được gọi là Thế giới phẳng, Thế giới Toàn cầu hoá 3.0, nếu tôi không biết tận dụng các nén bạc Chúa trao là các mạng xã hội và blog để tạo sự hiệp thông toàn cầu, để có bạn bè trên toàn thế giới, tôi có lỗi với Chúa không?
Nên phải cần đến cả hai. Cần tạo tương giao toàn cầu qua mạng. Và tương giao này đặt nền trên tương giao trực diện, tương giao thân thiết ấm tình mỗi ngày với thân nhân và thân hữu quanh tôi.
Trong tương giao trực diện cũng cần phải hết sức thận trọng: chọn bạn mà chơi, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Huống hồ là trong tương giao toàn cầu... Tuy nhiên không thể vì thận trọng mà "bế quan toả cảng", không thể chôn giấu nén bạc hôm nay, không thể từ chối quà tặng hiện đại của Chúa...

(Trong mối tương quan trực diện, cảm nhận được nỗi bức xúc của người đang đối thoại với mình là chuyện phải có, ví dụ nỗi bức xúc "Thời bão giá":
 Sáng nay vợ đi chợ về
Nét mặt nặng nề có vẻ đăm chiêu
Thương vợ, chồng hỏi đôi điều:
Vợ rằng, ngoài chợ, giá nhiều thứ tăng
Thịt, cá tăng theo giá xăng
Sữa, thuốc đổ lỗi tại thằng đô-la
Mắm muối cùng với tương cà
Cũng ăn theo giá, tà tà mà lên...
http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=432275&ChannelID=377 
Đấy là những nỗi lo của Thánh Mác-ta.)

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Kể chuyện

Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: "Kìa người gieo giống ra đi gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất..."(Mt 13,3-4)
Khi Chúa kể đến đây, người ta chắc chắn sẽ thắc mắc: Rồi sao nữa? Và họ tò mò lắng nghe tiếp câu chuyện...
Chúa quả là người nắm vững nghệ thuật rao giảng, nghệ thuật kể chuyện khi loan Tin Mừng.
Các phóng viên mục vụ cần phải học tập với Chúa Giêsu khi họ viết tin, viết bài hoặc phóng sự. Khi viết bài (với chi tiết đặc biệt - feature story), cần tạo ra những narrative hooks (kỹ thuật cầm chân người nghe/đọc) và ledes for feature (nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện) nhằm lôi cuốn người nghe đi vào câu chuyện. Cần làm cho họ tò mò tự hỏi: Rồi sao nữa? - một câu hỏi thúc đẩy người đọc/nghe  say mê theo dõi diễn tiến câu chuyện.

Một câu chuyện với nghệ thuật gây tò mò cho người đọc:

QUÁN CƠM CHỈ

Chiều Chủ nhật, tôi bỗng dưng nổi cơn lười không muốn vào bếp nấu cơm nữa. Tôi nói Thảo ghé ngang quán hàng bán bánh mì, cơm chỉ gần góc đường Bolsa và Brookhurst (Quận Cam, California, nơi rất đông người Việt - BT) để mua hai phần bánh xèo về ăn, tiện thể, tôi cũng muốn mua vài cái bánh tiêu ăn thử, xem món bánh tiêu của quán hàng này ngon như thế nào mà cô em của Thảo nói là “phải” ghé mua mỗi lần đi xuống Little Sài Gòn.
Tôi đặt mua hai phần bánh xèo trước, rồi quay sang quầy hàng thức ăn ngọt để mua bánh tiêu. Đã có một người khách đứng ở quầy hàng trước tôi, và bà đang bảo bà bán hàng gói cho bà “tất cả” những cái bánh tiêu nằm trong khay bánh. Tôi hấp tấp hỏi bà bán hàng còn bánh tiêu không thì bà bảo là hết rồi. Tôi buồn tình buông hai tiếng - “Thế à!”, rồi đứng qua một bên, không xếp hàng nữa. Thấy vậy, người khách hàng đang “gồm thâu” hết mười mấy cái bánh tiêu trong khay quay lại hỏi tôi:
- Chị muốn mua mấy cái?
Tôi trả lời:
- Tôi chỉ muốn hai cái thôi.
Bà khách, mà tôi quên hỏi tên, nên tôi tạm gọi là “bà khách bánh tiêu”, nói với bà bán hàng:
- Dì để lại cho chị này hai cái đi.
Tôi quay sang cười với bà khách hàng, nói:
- Cám ơn chị. Tôi nghe cô em chồng quảng cáo bánh tiêu ở đây ngon nên muốn thử cho biết.
Bà khách bánh tiêu cũng cười:
- Chị không thấy tôi mua hết nguyên khay sao?
Bà khách bánh tiêu nhìn qua quầy hàng thức ăn mặn nói:
- Cho con hai hộp lớn sườn ram, một hộp canh khổ qua, và đổ cho con thêm hai phần bánh xèo.
Bà bán hàng ngoái cổ vào phía nhà bếp gọi lớn trước khi bước sang quầy hàng cơm chỉ:
- Hai phần bánh xèo nữa Tám ơi.
Sau khi mua xong thức ăn rồi, bà khách bánh tiêu cũng đứng vào một góc quán hàng, gần tôi, chờ bánh xèo. Bà nói:
- Bánh tiêu ở quán này ngon nhất vùng Little Saigon đó. Để qua đêm nướng lại ăn cũng còn ngon.
Vừa lúc đó có một người Mễ và một người Việt Nam bước vào. Ông Mễ chậm chạp với cái gậy chống trên tay, nhường bước cho người Việt Nam đứng xếp hàng trước. Anh chàng Việt Nam này còn rất trẻ, chắc khoảng chừng trên dưới ba mươi tuổi, nhưng ăn mặc bê bối luộm thuộm và dơ dáy làm sao. Anh gọi mua một hộp cơm phần ba món, có cả canh, một hộp cơm rang, thêm mấy món mặn nữa để riêng. Bà bán hàng vừa múc thức ăn vào hộp vừa nói với anh:
- Nhiều quá ăn sao hết.
Nhưng người khách hàng không đếm xỉa gì đến lời nói của bà bán hàng, anh chạy sang tủ nước lấy mấy lon coke lạnh đưa cho bà. Anh có vẻ vội vã như sắp phải đi ngay. Bà bán hàng vừa gói thức ăn vừa nói như phân bua với tôi và bà khách bánh tiêu:
- Mấy người này là vậy đó, có ai cho thì mua lung tung, mua nhiều quá hổng biết làm sao ăn hết.
Tôi ngạc nhiên nhìn bà bán hàng, rồi nhìn bà khách bánh tiêu như thầm hỏi: “Ai lại bán hàng mà phàn nàn là khách mua nhiều bao giờ”. Bà khách bánh tiêu có vẻ hiểu ý tôi nên thì thào giải thích:
- Anh chàng này là một trong những người homeless (vô gia cư, không nhà cửa. BT) đó, họ cứ đứng xớ rớ trước cửa mấy tiệm bán đồ ăn chờ xem có ai cho gì không.
Bà bán hàng cầm mấy cái túi thức ăn và nước để trên mặt quầy nhưng chưa giao cho người khách homeless, bà nói: - “Hết thảy $17.5” -, rồi chờ thâu tiền. Tôi cũng đứng nhìn xem anh homeless này có chừng bao nhiêu tiền mà dám tiêu nhiều như vậy cho một bữa cơm chiều. Nhưng không có dấu hiệu gì chứng tỏ là anh sẽ lấy tiền ra trả. Bà bán hàng nói lớn, trống không:
- Ai trả tiền cho “nó” đây?
 Tôi nhìn quanh quất không biết bà hỏi ai, vì ở trong quán hàng này, ngoài bà bán hàng, có tôi, bà khách bánh tiêu, và ông Mễ, thì đâu còn ai nữa. Bà bán hàng nhìn người khách homeless đang giơ tay chờ đợi giao hàng, rồi nhìn sang bà khách bánh tiêu:
- Cô trả cho “nó” hả?
 Bà khách bánh tiêu lắc đầu nói không, rồi quay sang tôi nói nhỏ:
- Tôi mới cho anh ta tiền hồi nãy.
 Ông Mễ, tay cầm một tờ $20, nãy giờ đứng yên lặng trước quầy hàng, thấy ồn ào nên lên tiếng hỏi:
- What are you guys saying? I don’t understand. (Các vị đang nói chuyện gì vậy? Tôi không hiểu. BT)
 Bà bán hàng lặng im, bà không biết phải trả lời ông Mễ ra sao, bà đưa mắt nhìn bà khách bánh tiêu như nhờ bà nói giúp. Bà khách bánh tiêu quay sang ông Mễ giải thích:
- We are talking about this man. He bought too much food, but he has no money to pay. What can we help you, sir? Do you need to buy anything? (Chúng tôi đang nói về anh chàng này. Anh ta lấy quá nhiều đồ ăn nhưng không có tiền trả. Chúng tôi có thể giúp gì, thưa ông. Ông có cần mua gì không ạ?. BT)
 Ông Mễ lắc đầu:
- No, I don’t need anything. I promised to buy this man dinner. Just give him the food he wants. I will pay. (Không, tôi không cần mua gì. Tôi đã hứa sẽ mua bữa tối cho anh này. Bà hãy đưa đồ ăn cho anh ấy. Tôi sẽ trả tiền. BT)
 Bà khách bánh tiêu quay lại nói với bà bán hàng:
- Ông Mễ nói ổng trả tiền cho người này.
 Bà bán hàng há hốc miệng nhìn người khách Mễ, nhưng vẫn chưa chịu đưa mấy gói thức ăn cho người khách homeless. Bà khách bánh tiêu nhắc lại:
- Ông Mễ nói dì đưa đồ ăn cho người ta, ổng trả tiền.
 Bà bán hàng luống cuống thả hai gói thức ăn và bịch nước trên quầy. Người khách homeless nhanh tay chộp lấy rồi phóng nhanh ra cửa.
 Tôi ngạc nhiên nhìn ông Mễ, người đã rộng lòng chia chén cơm chiều nay cho người homeless. Ông chừng khoảng trên dưới bốn mươi tuổi thôi, khuôn mặt trắng trẻo, thân hình thon gọn, mạnh khỏe, nhưng hình như là hơi bị tật ở chân, vì ông phải nhờ vào chiếc gậy chống trên tay trong mỗi bước đi khập khễnh. Ông vừa cầm tiền thối lại vừa cau mày hỏi:
- What is going on? Why was there so much commotion in here? Why didn’t she give the food to the customer? (Có chuyện gì đang xảy ra vậy. Sao ồn ào thế? Sao bà ta không đưa thức ăn cho khách?. BT)
 Một lần nữa bà khách bánh tiêu phải trả lời giúp bà bán hàng:
- Because the saleswoman did not know who would pay for the food. That man is homeless, you know. (Bởi vì bà ấy không biết ai sẽ trả tiền đồ ăn. Anh chàng này là dân lang thang mà, ông thấy đấy!. BT)
 Tôi thêm vào:
- That man ordered too much food for one person to eat. The saleswoman was just afraid that the homeless man was taking advantage of the people who were trying to help him. (Anh ta yêu cầu quá nhiều đồ ăn mà một người có thể ăn được. Bà bán hàng e ngại ông ta lợi dụng những người có lòng tốt. BT).
 Ông Mễ lắc đầu nói:
- It’s ok. We still have jobs, we still have money. It is good that we can share with the less fortunate. We do whatever our heart says. How people act is their business. Don’t judge them if we don’t know their circumstances. Maybe he got more food because he wanted to save some for tomorrow, or perhaps to share with those who are in the same boat. (Không sao mà. Chúng ta vẫn còn có việc làm. Chúng ta vẫn còn có tiền. Chia sẻ cho những người có số phận không may là điều tốt. Chúng ta làm những điều mà trái tim mách bảo. Còn họ cư xử thế nào đó là việc riêng của họ. Đừng kết tội họ nếu ta không biết rõ tình trạng người ta thế nào. Có thể anh ấy lấy nhiều đồ ăn vì muốn để dành cho ngày mai hoặc có thể để chia cho những người cùng cảnh ngộ. BT)
 Nói xong, ông Mễ chống gậy chậm chạp bước khỏi quán hàng. Tôi, bà khách bánh tiêu, và bà bán hàng, đứng yên không nói được lời nào. Sự im lặng bao trùm lấy chúng tôi mãi đến mấy phút sau, khi bà bếp đem mấy phần bánh xèo ra để lên quầy hàng trước mặt, chúng tôi mới hết nỗi bàng hoàng.
 Tôi với tay lấy túi thức ăn của mình, trả tiền rồi chào bà khách bánh tiêu đi ra xe. Tôi kể cho Thảo nghe chuyện người Mễ trả tiền cơm cho người homeless Việt Nam. Thảo gật gù khen:
- Ông Mễ đó thiệt hay nghen.
 Suốt một quãng đường về tôi im lặng nghĩ lại chuyện vừa xảy ra trong quán hàng cơm chỉ. Tôi cảm thấy có chút hổ thẹn vì mình đã không có được một tấm lòng quảng đại như ông Mễ đó, một người khác chủng tộc đã giúp đỡ người đồng hương của tôi. Tôi đã không nghĩ đến cái việc nhỏ nhoi tôi có thể làm là mua cho người đồng hương khốn khổ đó một phần cơm. Không những thế, tôi còn có những ý nghĩ coi thường người khách homeless vì... trẻ mà không chịu tìm việc đi làm, chỉ biết sống nương nhờ vào người khác, vì... người gì đâu mà....
 Tôi ngượng ngùng khi nhớ lại thái độ của mình khi đã cố tình bước lùi xa thêm một chút nữa, để “rộng chỗ” cho người đồng hương homeless khỏi “đụng chạm” vào tôi trong lúc anh lăng xăng chạy từ quầy hàng sang tủ nước. Ừ nhỉ, tại sao tôi lại nông nổi đến thế? Tôi không nghĩ được như ông Mễ: “Đừng xét đoán người khi không biết rõ hoàn cảnh của họ”.
 Tại sao tôi không băn khoăn tự hỏi, biết đâu những người homeless này có những cái khó khăn mà họ đang phải phấn đấu để vượt qua?
 Tại sao tôi không nghĩ là có thể vì một lý do nào đó nên họ không có cơ hội để tìm kiếm, giữ vững được công việc làm? Cũng có thể vì tuổi trẻ lầm lỡ, nên họ đã vướng mắc vào vòng lao lý, rồi vì cái quá khứ đen tối đó đã đưa họ vào tình cảnh hôm nay? Cũng có thể vì thất cơ lỡ vận nên họ mới trở thành homeless, không có một chốn nương thân, không biết ngày mai có gì ăn để sống?!
 Ông Mễ tôi gặp chiều nay cao thượng quá, có một trái tim to lớn quá. Ông giúp người mà không cần biết là có bị lợi dụng hay không. Ông cũng chẳng quản ngại là cái người được ông giúp không cùng chung một quê hương, xứ sở với ông. Tôi cũng cầu mong cho người homeless Việt Nam trẻ đó có thể thoát qua cơn đói nghèo hôm nay và sau này anh cũng sẽ bắt chước ông Mễ ngày nào, đem bát cơm Phiếu Mẫu chia cho những người bất hạnh hơn anh.
Bảo Trân


Những narrative hooks gây tò mò: "Ngon như thế nào mà cô em của Thảo nói là “phải” ghé mua mỗi lần đi xuống Little Sài Gòn", "Mấy người này là vậy đó, có ai cho thì mua lung tung, mua nhiều quá hổng biết làm sao ăn hết."... Người đọc sẽ tự hỏi: Mấy người này là ai? Đồ ăn ở đây có ngon thật không?...
Và câu chuyện - với những trích dẫn đối thoại đúng với cách nói chuyện của từng nhân vật - là ledes for feature để dẫn đến những suy tư mà người kể chuyện muốn đưa ra...

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Chạm đến

Nghe đâu các linh mục Mỹ ngày nay rất sợ, không dám để cho trẻ em quấn quýt bên mình, vì sợ bị kết án "quấy rối tình dục trẻ vị thành niên".

Dẫu sao, việc tiếp xúc, gặp gỡ, đụng chạm vẫn là nhu cầu của bản năng truyền thông nơi con người. Thánh Matthêu thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay:

 "Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người vì bà nghĩ bụng: Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu! Đức Giêsu quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa"   "...Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy". (Mt 9,20-25)

Sờ vào tua áo, cầm lấy tay con bé, những tiếp xúc đụng chạm ấy phát sinh từ những thôi thúc mãnh liệt, trở thành những nhu cầu và đã phát sinh những hiệu quả kỳ diệu.

Người ta có thể truyền thông bằng nhiều cách, với nhiều phương tiện, nhưng căn bản vẫn là tiếp xúc diện đối diện, tay bắt mặt mừng. Với truyền thông Kitô giáo, khi tiếp xúc còn cần kèm theo lời cầu nguyện, cần đưa người đối diện vào tâm hồn mình, để Chúa trong tâm hồn mình đụng chạm vào họ, như khi xưa Chúa đã chạm vào tay bé gái, cầm lấy tay con bé để làm cho bé trỗi dậy...

Khi gặp gỡ, cần có thêm sự đụng chạm bằng lời cầu nguyện như thế. Sự đụng chạm thần linh với Chúa Giêsu, cùng Chúa Giêsu và của Chúa Giêsu. Và đấy là căn bản của mục vụ truyền thông.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Cây lành trái ngọt

"Cây tốt thì sinh quả tốt." (Mt 7,17).

Một cuộc sống thánh thiện lúc nào cũng có âm hưởng trên người khác, một chứng tá đức tin luôn có sức đánh động người khác.

Làm PR bằng chính đời cầu nguyện, lối sống bao dung, bác ái yêu thương, cung cách tôn trọng tế nhị. PR như thế luôn có hiệu quả tốt. Như hoa lành sinh trái ngọt vậy.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Thầy đã nói

"Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã." (Ga 16,1)

Thầy đã nói, và chính Thầy đã trải qua như vậy. Những gian truân khốn khó là điều không lạ.

Điều an ủi là luôn có Thầy bên cạnh, luôn có Chúa Thánh Thần tăng sức.

Và nếu gánh chịu tất cả để làm chứng cho Thầy, những gian truân sẽ luôn dẫn đến kết quả tốt đẹp, đó là mang ơn cứu độ đến cho người khác, và hạnh phúc muôn đời cho chính bản thân.

Vất vả gian truân như vậy chính là công cụ PR cho Chúa.

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Con người

Sir 17,1-13 là một bài ca tuyệt vời về con người:
" ...Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó... Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ.
Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh,
tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu.
Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng,
để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người..."

Internet là một ví dụ về sự thông minh của con người:
"Internet là phương tiện mới nhất và mạnh mẽ nhất trong hàng ngũ các phương tiện truyền thông - điện tín, điện thoại, truyền thanh, truyền hình – mà đối với nhiều người đã giúp loại bỏ dần thời gian và không gian xét như những rào cản cho truyền thông trong suốt một thế kỷ rưỡi qua" (Ethics in Internet).

Xoá bỏ dần rào cản không gian và thời gian, điều này thật kinh khủng. Mà con người đang làm được qua mạng Internet.

Ở Việt nam số người vào mạng Internet ngày càng cao:
Ở khu vực thành thị khoảng 50% dân số truy cập internet, tại Hà Nội, TP.HCM thì tỷ lệ này còn cao hơn. Kết quả khảo sát của Cimigo cho thấy 2/3 số người được hỏi truy cập mạng hằng ngày và thời gian dành cho lướt web trung bình mỗi ngày là 2 giờ 20 phút.
Nghiên cứu về các hoạt động trực tuyến cho thấy trên 90% là đọc tin tức, sử dụng trang web tìm kiếm thông tin; nghe nhạc (76%), nghiên cứu phục vụ việc học và công việc (73%), chat, e-mail (68%)... sử dụng ngân hàng trực tuyến xếp cuối bảng thống kê (10%).
Khảo sát về blog và mạng xã hội cho thấy hai sự khác biệt: nữ giới xem và viết blog nhiều hơn, còn nam giới thì tham gia mạnh hơn ở các diễn đàn. Về mạng xã hội, nghiên cứu cho thấy Facebook được ưa chuộng nhất (47%), còn các trang web sử dụng cho blog thì Yahoo 360 Plus dẫn đầu (53%) kế đến mới tới Facebook (31%).
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201015/20100408020507.aspx
http://vtc.vn/congnghe/557-278137/cong-nghe/31-dan-viet-su-dung-internet.htm
Hamadoun Toure, Tổng Thư ký Tổ chức viễn thông quốc tế (ITU) của Liên Hợp Quốc, ngày 26/1 cho biết số người sử dụng Internet trên toàn thế giới đã cán mốc hai tỷ người.
Trong khi đó, số thuê bao di động cũng đạt ngưỡng ấn tượng là năm tỷ.
Phát biểu với các phóng viên, ông Toure nói: “Vào đầu năm 2000, mới chỉ có 500 triệu thuê bao di động trên toàn cầu và 250 triệu người sử dụng Internet. Đến đầu năm 2011 này, con số này đã tăng lên hơn 5 tỷ thuê bao di động và hai tỷ người sử dụng Internet”.
Cụ thể, dữ liệu mới nhất được ITU đăng tải trực tuyến cho thấy con số ước tính người dùng Internet đến cuối năm 2010 đạt 2,08 tỷ so với 1,86 tỷ của năm 2009 còn con số ước tính thuê bao di động trên toàn thế giới đến cuối năm 2010 đạt 5,28 tỷ người so với con số 4,66 tỷ của năm 2009.
Với dân số thế giới hiện này là hơn 6,8 tỷ người, như vậy tính trung bình cứ ba người thì có một người lướt web. 57% số người sử dụng Internet là ở các nước đang phát triển.
http://thethaovanhoa.vn/350N20110127083445033T0/da-co-2-ty-nguoi-su-dung-internet-tren-toan-the-gioi.htm
Con đã làm được gì với Internet để loan báo Lời Chúa?

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Ngai toà

Truyền thông để dẫn đến hiệp thông và hiệp nhất.

Dấu chỉ của sự hiệp nhất toàn cầu, qua mọi thời đại là ngài, Đấng ngự trên ngai toà Thánh Phêrô.

Còn gì đẹp hơn dấu chỉ đó?

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Công cụ PR của Chúa

Ngựa, là phương tiện di chuyển của Phaolô, đã trở thành phương tiện truyền thông của Chúa. Chúa đã dùng phương tiện này để truyền thông sứ điệp mời gọi hoán cải của Ngài.

Mãi mãi Phaolô sẽ nhớ về lần ngã ngựa ở Damas như một lời mời gọi yêu thương rất mạnh mẽ. Để Phaolô thay đổi hoàn toàn cuộc sống, thay đổi 180 độ.

Mãi mãi người ta sẽ nhớ về việc Phaolô ngã ngựa như một hình ảnh đặc trưng của sự trở về. Hình ảnh ngã ngựa rất ấn tượng nhằm truyền thông hữu hiệu một sứ điệp căn bản của Tin Mừng: Hãy trở về!

Ngã ngựa, để Phaolô không còn tin tưởng vào sự vững chắc của bản thân nữa, mà chỉ tin cậy vào sự vững bền của Chúa: "Sống, đối với tôi, là Đức Kitô." Ngã ngựa, khởi đầu cho sự tin cậy vào Chúa. Mà tạo sự tin cậy là công việc của PR, nên biến cố "ngã ngựa" đúng là công cụ PR của Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng nhắc đến những phương tiện truyền thông mà các tông đồ có thể sử dụng khi loan báo Tin Mừng: trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm được rắn, uống được thuốc độc, chữa bệnh... Tất cả chỉ là những phương tiện nhằm tạo sự tin cậy nơi công chúng, giúp công chúng dễ dàng "tin, chịu phép rửa và được cứu độ" (Mt 16, 16-18). Vì nhằm tạo được sự tin cậy, nên những việc trên (trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm được rắn, uống được thuốc độc, chữa bệnh...) chính là những công cụ PR của Chúa.

Ngày hôm qua, lễ Thánh Phaolô Salêsiô, trong sứ điệp Ngày Quốc tế Truyền Thông, ĐTC cũng nhắc đến một phương tiện truyền thông hiện đại là mạng internet:
"Các công nghệ mới cho phép người ta gặp nhau vượt qua giới hạn không gian và nền văn hóa của riêng mình, tạo ra một thế giới tình bạn tiềm tàng hoàn toàn mới mẻ. Đây là một cơ hội to lớn, nhưng nó cũng đòi hỏi phải lưu tâm nhiều hơn và ý thức về những nguy cơ có thể có. Ai là “người thân cận” của tôi trong thế giới mới này? Liệu có mối nguy cơ là chúng ta có thể ít hiện diện hơn với những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày? Liệu có nguy cơ chúng ta trở nên xao lãng hơn, bởi vì sự chú ý của chúng ta bị phân mảnh và bị mất hút trong một thế giới “khác” với thế giới chúng ta đang sống? Chúng ta có còn thời gian suy nghĩ nghiêm túc về các chọn lựa của mình và nuôi dưỡng các mối tương quan nhân bản thực sự sâu xa và bền vững không? Điều quan trọng là luôn nhớ rằng việc tiếp xúc ảo không thể và không được thay thế cho việc tiếp xúc nhân vị trực tiếp với những con người ở mọi bình diện của cuộc sống của chúng ta."
Vâng, lạy Chúa, những phương tiện truyển thông mới, những công cụ PR hiện đại, luôn vừa là cơ hội vừa là thách đố... Giống như trường hợp Phaolô, ngã ngựa có thể làm cho ông trở lại, nhưng cũng có thể làm cho ông bực bội phẫn nộ. Rất may, Phaolô đã chọn thái độ thứ nhất...

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Tông đồ và PR

Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.

Gọi, đến, ở với. Những hành động của tình yêu. Và tình yêu làm nên những tông đồ, những nhà truyền giáo đích thực.

Tôi đang suy nghĩ về Mục vụ PR. Nghiên cứu PR, thấy người ta nói rất nhiều đến những kỹ xảo. Nhưng chưa thấy nói đến tình yêu. Thiếu tình yêu, người ta có hết lòng làm PR cho công ty của mình không? Thiếu tình yêu Chúa, người ta có dám hy sinh để làm PR hết mình cho Giáo Hội không?

Nhưng đồng thời, sống trong thế giới hiện đại mà con không tận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại như PR để làm tông đồ đắc lực cho Chúa, thì tình yêu của con đối với Chúa đã trọn vẹn chưa, lạy Chúa?

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Bại tay

Có một thời tay tôi đau buốt. Cả mấy tháng không chạy xe Honda được. Thật quá buồn.

Có nhiều khi đôi tay mình không vươn đến Chúa được. Bao nhiêu năm theo Ngài, mà vẫn thấy vời vợi xa...

Có nhiều khi chẳng hiểu được người đối diện, chẳng hiểu được xã hội và thời đại của mình. Đôi tay này chẳng chạm được ai, chẳng cảm nhận được gì khi đứng trước thế sự vẫn đang nóng bỏng chảy trôi trước mắt mình.

Đôi tay con thường khi tê bại như thế. Khẩn cầu xin Chúa phán một lời, tha thiết xin Chúa cứu chữa tay con...

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Fast & Feast

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?

Tôi đang trên đường về quê trời, nhưng cũng đã đang dự tiệc cưới Nước Trời rồi.
Đã thưởng thức hương vị Nước Trời trong bí tích Thánh Thể, trong sự kết hiệp với Chúa Ba Ngôi rồi.
Nhưng những hương vị quyến rũ của trần gian cũng vẫn có thể lôi cuốn tôi xa rời Nước Trời, đánh mất tiệc cưới vĩnh cửu.

Vì thế trong bầu khí hân hoan của tiệc cưới Nước Trời hôm nay, sự chay tịnh cũng cần thiết như một phương thế giúp tôi từ chối những quyến rũ của trần gian. Chay tịnh như một lời từ chối với những ham hố nhớp nhơ nhầy nhụa. Từ chối những ham hố bất xứng vì niềm vui đích thực của Nước Trời đang rất mạnh mẽ trong tôi.

"Khi tới ngày chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó". Xin cho con biết chay tịnh mà niềm vui của yêu thương vẫn lan toả dịu dàng, ngọt ngào, thanh thản, trong sáng...

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Lời đầy sức mạnh

Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền (Mc 1,22)
Lời nói có sức mạnh gì? Ngày nay người ta nói với nhau ra sao? Hãy để ý các cháu tuổi teen hôm nay nói chuyện với nhau:

"Các em các cháu lứa 8X, 9X giờ hay dùng tiếng lóng, nhất là lúc nhắn tin. Có cháu nhắn tin cho bạn trai: “Anh xã ơi, tiếc lè em hông coá bít nấu nhưng en thì bít zì zậy nhè mình nên kím osin đi”! Trình độ đại học chữ to như mình mà dịch mãi không biết cháu nói gì, mãi rồi các cháu mới dịch sang tiếng Việt cho là: “Anh xã ơi, tiếc là em không có biết nấu, nhưng ăn thì biết, vì vậy nhà mình nên kiếm osin đi”. Người Việt nói tiếng Việt với người Việt, thế mà không hiểu nhau, mới là lạ!

Nhưng thôi, bỏ qua cho các cháu, tuổi trẻ thích cái mới, mặc dù không phải cái mới nào cũng hay.
Lứa chúng tớ hay nghe thấy loại tiếng lóng văn hoa. Cụm từ “như thế nào”, bây giờ người sành điệu Hà Nội phải nói “dư lào”, mới hay, mới rút gọn, mới thể hiện là mình... không nói ngọng.
Muốn “đuổi khéo” đám khách không mời mà đến, hoặc rủ nhau đi về, thì câu cửa miệng là “bánh cuốn”, hoặc “xôi xéo” đi. Toàn tên các món ăn dân tộc, quốc hồn quốc túy nhé, chứ không phải đuổi, phải chê gì đâu nhé!

“Rau sạch” thì bà nội trợ nào chả thích, rau sạch ăn vừa lành vừa ngon, lại không sợ nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng... Ấy thế mà nói chuyện “rau sạch” với các anh, cẩn thận lại bị cười mình quê mùa, kém hiểu biết, vì với các anh giai, bây giờ “rau sạch” lại là từ dùng để chỉ các cô con gái nhà lành, chưa “gì” cả. “Rau sạch” chắc chắn khác với “hàng”, “hàng” mà không phải hàng hóa, hàng họ mới lạ chứ! Ở đây là chỉ người, chỉ các cô có tính chơi bời một chút, thế mới khó chứ!

Thấy ai giỏi, ai tài, ngôn ngữ lóng hay bảo người ta là “tanh tưởi”. Thấy kém thấy yếu, hay xấu xí đáng chê thì kêu là “phọt phẹt”, “vãi linh hồn”, “ca la nhe”, hoặc “dở hơi ăn cám lợn”. Thấy ngon, thấy đẹp, người ta khen “ngất ngây con gà Tây”. Cô gái nào dáng cao, người xinh đẹp, các anh đặt cho biệt danh chung là “chân dài”, ở Hà Nội thì “Em chân dài như phố Bà Triệu”, hoặc “chân dài đến nách”.
Người ta yêu nhau mà bỏ nhau, duyên không thành nợ không có, thời nay gọi là “bong”! Các bạn trẻ Hà Nội ngày nay yêu nhau (mới “yêu” thôi nhé!), đã xưng hô với nhau là “vợ” và “chồng”, nói dại mồm dại miệng vợ chồng mà “bong”, lại phải tìm “vợ” tìm “chồng” khác thì cũng mệt mỏi nhỉ?

Đã sành điệu ăn củ kiệu, thì phải có tiếng Tây chen vào mới thích! Nhắn tin, giờ sành điệu phải nhắc nhau là “SMS nhé!”. Chúc ngủ ngon, đích thị là “G9” rồi. Có hôm, một chị đệ tử rất sính cúng bái, tín ngưỡng, nhắn tin cho sư thầy trụ trì chùa chị hay tới lễ lạt hỏi thăm, khi kết thúc lại nhắc thầy “G9”. Khiến thầy chả hiểu gì, lại tưởng chị này nhắn bằng ám hiệu, cứ hỏi thăm “G9” là ám hiệu gì, khiến đám thanh niên cười mãi.

Nhiều người lo ngại tiếng lóng sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng hãy xem lại những từ “pê-đan”, “ghi-đông”, nan hoa ở xe đạp cũng vốn là từ mượn, giờ người Việt khắp thôn quê thị xã, thị tứ đều dùng như một từ tiếng Việt chính hiệu. Hay chúng ta chả nói hàng trăm hàng ngàn từ Hán Việt mỗi ngày, cũng đâu có làm mất đi sự trong sáng của ngôn ngữ mẹ đẻ.
Chỉ có chút chuyện là đúng lúc đúng chỗ thì ngôn ngữ mới phát huy được thế mạnh của nó, chứ không như câu chuyện một anh đem bạn gái về nhà giới thiệu với mẹ, nói cô ấy làm nghề “pi-a” (PR - quan hệ công chúng). Bà mẹ quê mùa nghe không rõ, tưởng cô gái làm nghề bi-a, cho là chỗ đó ăn chơi, không ra gì, không cho anh con trai gặp gỡ nữa. Mối duyên lành, đáng lẽ rất đẹp đôi, lại thành ra là truân chuyên, trắc trở thì phí mất!"
http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=417008&ChannelID=372

Chúa ạ, khi con lắng nghe người trẻ hôm nay, con có thể thấy được "dấu chỉ thời đại" nơi ngôn ngữ của họ không? "Dư lào" con mới hiểu được họ? Và gặp họ, con có được ăn "xôi xéo", vì hơi bị... ngọng không?