Hiển thị các bài đăng có nhãn Chúa nhật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chúa nhật. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Vườn nho

- Bánh và rượu trên bàn thờ:
. Bánh tượng trưng cho sự sống
. Rượu tượng trưng cho sự nồng nàn say đắm của tình yêu.
- Vườn nho: không gian của tình yêu => Nước Trời là không gian của tình yêu Chúa.
..."Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không muốn đâu!" ...(Lc 21,28-29)
- Làm vườn nho: đi vào không gian của tình yêu, thưởng thức tình yêu và xây dựng tình yêu.
- Đứa con thứ nhất nói không đi rồi lại đi. Nói không đi vì chưa hiểu được vẻ đẹp tuyệt vời của "vườn nho". Khi gặp được Giêsu, nó hiểu ra, và dấn thân tất cả cho Nước Trời.
- Đứa con thứ hai nói đi rồi lại không đi. "Hứa cho nhiều rồi lại quên. Anh biết tin ai bây giờ?" Chúa trách yêu, nhưng họ không chịu nổi nên đã treo Chúa trên thập tự. Hứa rồi quên, và ở lỳ trong sự quên lãng có thể đưa đến hậu quả bi thảm như thế.
- Chủng viện, tu viện là không gian đậm đặc hương vị tình yêu Thiên Chúa...

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Tối nay ăn gì?

Phim Hàn Quốc "Tối nay ăn gì?" đang được chiếu lại trên màn hình TV. Ai xem lần đầu sẽ rất bức xúc với hoàn cảnh bà vợ bị người chồng ngoại tình bạc đãi, đẩy người vợ đi vào nỗi căm thù. Và sự căm thù này có ích lợi gì trong việc giải quyết vấn đề gia đình không?
Bài Tin Mừng Chúa nhận 23 TNA nói về việc sửa lỗi kiên trì dựa trên tình yêu:
"Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế." (Mt 18,15-17)

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Theo

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (Mt 16,24)
Theo Chúa để đi đâu? Mục đích sau cùng của đời người là đi đến đó: hạnh phúc thiên đàng - chung sống với Chúa Ba Ngôi - đời sau và đời này.
Để đạt mục đích này phải có chiến lược: đấy là đi theo Giêsu trên con đường tình yêu của Ngài, cũng là con đường Thánh giá, con đường hy sinh cho tình yêu cùng với Giêsu.
Giêsu chiếm trọn con tim. Giêsu sống động trong cả cuộc đời, trong từng công việc. Giêsu thúc đẩy yêu thương phục vụ, hy sinh trong niềm vui, cho đi trong bình an.
Thực ra, hy sinh nào có dễ đâu. Tự chế bản thân là điều cực khó. Ai cũng muốn thoả mãn những ham muốn của mình. Phải có ơn thiêng từ Giêsu, và phải rèn luyện đêm ngày, ngã xuống đứng lên dập dụi rất nhiều, kinh qua nhiều thất bại mới học được tập quán chế ngự sự lăng loàn nổi loạn của bản thân, chết đi chính mình, để thực hiện được chiến lược theo Chúa.
Con khẩn xin đêm ngày, lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ chính mình, vượt qua được những ham muốn ích kỷ kiêu ngạo của bản thân, để cùng Chúa tiến lên trên con đường yêu thương của cõi thiên đàng, trong từng ngày sống...

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Chìa khóa cuộc đời

Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". (Mt 16,19)
Sau lời tuyên xưng của Phêrô, "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa", Đức Giêsu đã tìm được chìa khoá cho cơ cấu nhân sự của Nước Trời: đó chính là con người Phêrô. Khi Chúa trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô giữ gìn, Ngài cũng muốn cho mọi người thấy Phêrô chính là "chìa khóa nhân sự" của Ngài.
Về phần mình, vừa khi xác định được mầu nhiệm căn bản nơi Thầy Giêsu, Phêrô hẳn là bỡ ngỡ khi thấy mình lập tức được chọn thành nhân vật làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội của Chúa.
Dù thế nào đi nữa, Phêrô cũng cảm thấy rất vui vì, tuy chưa rõ con đường Thầy đi, ông cũng đã xác định được căn tính của Thầy mình. Thầy là Đấng Kitô, nguồn ơn cứu độ trần gian. Thầy là Con Thiên Chúa, Đấng mà mọi người cần gặp để tìm được phẩm giá Con Thiên Chúa  cao cả của họ. Xác định được điều này là xác định được hướng đi của cả cuộc đời.
Phêrô đã tìm được chìa khoá để mở ra tương lai cho chính mình. Và rồi ngay sau đó, ông nhận được chìa khoá trong tay Chúa để mở được cánh cửa đi vào tương lai tươi sáng cho rất nhiều, rất nhiều người khác nữa.
Như vậy, biết Chúa, xác định được vị trí của Chúa trong đời mình, điều này thật quan trọng. Chìa khóa cuộc đời nằm ở chỗ đó.
Đức Giêsu lại hỏi : "Còn anh em , anh em bảo Thầy là ai?"
Ông Si-mon Phê rô thưa: " Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Đức Giêsu nói với ông: "Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời." 
(Mt 16,15-17)

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Xót xa

Xót xa: Người VN xếp hàng bán thận ở TQ
Thượng tá Nguyễn Phú Thương, Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Cần Thơ, Trưởng ban chuyên án, cho biết, đối với những người vượt biên bán thận, trong lúc gây mê để lấy thận, bác sĩ bên TQ có thể cắt thêm bất cứ bộ phận nào trong nội tạng như gan, tụy... để ghép cho người khác mà nạn nhân không hề hay biết và không biết khiếu kiện với ai.
Bên cạnh đó bất cứ việc phẫu thuật nào trong ngành y tế cũng đều có thể gặp sự cố liên quan đến tính mạng BN. Chưa kể, việc vượt biên sang TQ để bán thận tại một BV không được phép của chính phủ nước sở tại lại càng nguy hiểm hơn...
Lúc nào cũng có cả chục người VN chờ bán thận
Sáng 11-8, PV tiếp xúc với anh Võ Văn Công (18 tuổi) và Trần Văn Đại (21 tuổi, cùng ngụ xã Đông Bình, H.Châu Thành, Hậu Giang), hai trong số 3 nạn nhân ở địa phương này vừa qua TQ bán thận trở về.
Sang đến đất TQ, cả ba được một người bản địa dẫn lên xe đò, đi khoảng 1 ngày 1 đêm thì đến TP Quảng Châu. Sau đó, họ dồn cả ba vào ở trong một căn phòng rộng khoảng 20m2, trong đó có sẵn 7-8 người đến từ TP.HCM nằm chờ tới lượt bán thận... Anh Đại cho biết, tại nhà trọ lúc nào cũng có sẵn gần chục người từ VN sang nằm chờ bán thận...

http://hcm.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/xot-xa-nguoi-vn-xep-hang-ban-than-o-tq-c46a397222.html
Người VN xếp hàng bán thận ở TQ, điều này thật xót xa. Bài Tin Mừng hôm nay cũng gợi lên những niềm xót xa:
Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đon,  thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!" Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!" Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà ít-ra-en mà thôi. Bà ấy đến lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài xin cứu giúp tôi!" Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" Bà ấy nói: "Thưa Ngài đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống". Bấy giờ Đức Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy". Từ giờ đó, con gái bà được khỏi. (Mt 15,21-22)
Nhìn đứa con bị quỷ ám hành hạ, bà mẹ xót xa.
Đọc những câu thoại giữa bà mẹ này và Chúa Giêsu, thoạt đầu người ta cũng có thể cảm thấy xót xa trước thử thách đến tận cùng mà bà phải chịu từ những lời nói của Chúa. Bất chấp thái độ xem ra rất lạnh lùng của Chúa Giêsu, bà vẫn không hề nản lòng. Cuối cùng người ta thở phào nhẹ nhõm: 'Bấy giờ Đức Giêsu đáp : "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy". Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.'
Chúa đã thưởng công bà. Bà chỉ mong tìm được những mẩu bánh vụn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã ban cho bà trọn vẹn tấm bánh thơm ngon của những đứa con. Bà chỉ mong được như lũ chó con chực chờ thức ăn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã cho bà và con gái bà được đồng bàn với con cái Chúa. Chúa đã ban cho bà tấm bánh hạnh phúc. Đó là tấm bánh cứu độ.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Đông đảo

Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. (Mt 14,19-21)


Với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã cung cấp cấp lương thực cho năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
Ngày nay, nhờ blog và mạng xã hội, với đôi dòng chia sẻ Lời Chúa, dù là thô thiển, tôi cũng có thể có cơ may chia sẻ đôi chút lương thực thiêng liêng - tuy có thể khó nuốt - cho ít nhiều người nào đấy bất chợt vơ vẩn đồng cảm với tôi trên không gian mạng internet.
Như vậy, khi chuyển tải Lời Chúa, blog và mạng xã hội có cơ may được trở nên như phép lạ hoá bánh ra nhiều, và như một phương tiện truyền giáo đầy hứa hẹn. Tất nhiên, trên không gian mạng internet có đầy dẫy những nguy cơ và cạm bẫy. Vì thế cần có sự hiểu biết để tôi có thể giúp cho bản thân và người khác không bị vướng bẫy trên đó. Có một nguy cơ luôn cần quan tâm: "rao giảng trên mạng" không được phép thay thế cho "rao giảng trực diện"...
Vâng, lạy Chúa, con đường truyền giáo nào mà không có những nguy cơ, những cạm bẫy? Đường của thế giới thực cũng như của thế giới ảo... Nhưng không vì thế mà con không cất bước lên đường... Xin giúp con...

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Thương hiệu

Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.(Mt 13,45-46)

...Chợ đá quý Lục Yên chính là đầu mối mua bán đá quý từ các bãi khai thác đá quý của huyện Lục Yên. Theo lời dân địa phương, chợ này phát triển nhất vào những năm 1991, 1992 là những năm đầu người ta phát hiện ra Lục Yên có đá quý. Dân các nơi đổ đến đào đãi đá. Dân địa phương cũng bỏ nghề làm ruộng, đi rừng để tìm đá. Ai đi đào đãi được chút ít lại mang về chợ bán. Khi đó, chợ đá Lục Yên có hàng trăm gian hàng lớn, nhỏ. Người ở tứ phương, thậm chí ở các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore cũng đến tìm mua. Đã có 2 công ty liên doanh khai thác đá quý Việt - Nga, Việt - Thái vào khai thác mấy năm. Tuy nhiên, những bãi đá quý, ngọc ở Lục Yên lại không thích hợp cho việc khai thác đá quy mô lớn mà chỉ phù hợp với lối khai thác thủ công nên đến cuối năm 2000, các công ty này cũng đã rút khỏi Lục Yên, để lại mỏ cho dân tự do khai thác. Và chính những người nông dân lam lũ, cứ ngày ngày cặm cụi, đào, đãi không mệt mỏi trên các bãi đá, suối sâu ở đây đã tạo nên nguồn hàng không bao giờ thiếu cho chợ đá quý.
(http://vietbao.vn/Doi-song-Gia-dinh/Cho-da-quy-o-Luc-Yen/45138097/111/ )

Nói đến ngọc quý là nghĩ đến những gì rất đắt giá đến nỗi Tin Mừng bảo rằng phải bán hết những gì mình có để mua. Ngày nay, có những thương hiệu được coi như ngọc quý, rất cao giá, ví dụ Coca Cola...
...Coca-Cola là thương hiệu đắt giá nhất thế giới năm 2009, với trị giá lên tới 68,7 tỷ USD, tăng 3% so với năm ngoái. Đây là kết quả trong xếp hạng những thương hiệu có giá trị cao nhất thế giới do hãng tư vấn Interbrand thực hiện. 
(http://www.vietnamepro.vn/press_detail.asp?cat=1&new=52) 

Từ thương hiệu Coca Cola, tôi nghĩ gì về "thương hiệu" Kitô hữu, Con Thiên Chúa... phát xuất từ "Viên ngọc quý Giêsu"?

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Đang ngủ





Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (Mt 13,25)

Nhà báo bị đốt khi đang ngủ đã ra đi
TTO - Khoảng 14g ngày 29-1 (26 tháng Chạp), nhà báo Lê Hoàng Hùng (bút danh Hoàng Hùng, báoNgười Lao Động TP.HCM) đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau 10 ngày bị nạn và điều trị tại đây.
Hơn một tuần qua, sức khoẻ của nhà báo Hoàng Hùng là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Thông tin về tình trạng sức khoẻ của anh được anh em nhà báo tại TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cập nhật hàng ngày, thậm chí là hàng giờ. Tối 27-1 nhiều đồng nghiệp của anh ở TP.HCM, Long An, Tiền Giang rất lo lắng khi hay tin anh bị hôn mê phải thở máy.
Đến chiều 28-1, thông tin cho biết tình trạng sức khoẻ của anh rất xấu, có khả năng không qua khỏi đã được truyền đi rất nhanh. Nhiều bữa tiệc tất niên của các cơ quan báo chí chiều 28-1 đã kết thúc sớm để sắp xếp đi thăm anh lần cuối.
Và điều đau xót đã đến: khi không khí tết bên ngoài bệnh viện đang rộn ràng thì anh ra đi mãi mãi khi bước sang tuổi 51, để lại hai đứa con gái 12 tuổi và 17 tuổi.
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/423086/Nha-bao-bi-dot-khi-dang-ngu-da-ra-di.html

Đã 23 ngày sau đêm định mệnh nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, rồi từ trần tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ quan điều tra vẫn chưa kết luận được hung thủ là ai. Trong khi dư luận lại râm ran: bà Trần Thị Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng) chính là người ra tay thủ ác?!
http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/527528/Vu-nha-bao-bi-dot--Thu-pham-la-nguoi-than.html
http://ttngbt.blogspot.com/2011/01/vu-mot-nha-bao-bi-ot-chay-trong-phong.html


Có thể tôi đang ngủ thì Chúa gọi tôi về. Điều đó tôi không lường trước được. Nhưng điều tôi có thể kiểm sóat được ngay từ bây giờ là rà soát xem trong tôi có bao nhiêu cỏ lùng để gấp rút nhổ nó lên, gom lại và đốt đi. Chúa kiên nhẫn chờ tôi làm việc này. Hãy làm ngay đi kẻo muộn...

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Kể chuyện

Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: "Kìa người gieo giống ra đi gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất..."(Mt 13,3-4)
Khi Chúa kể đến đây, người ta chắc chắn sẽ thắc mắc: Rồi sao nữa? Và họ tò mò lắng nghe tiếp câu chuyện...
Chúa quả là người nắm vững nghệ thuật rao giảng, nghệ thuật kể chuyện khi loan Tin Mừng.
Các phóng viên mục vụ cần phải học tập với Chúa Giêsu khi họ viết tin, viết bài hoặc phóng sự. Khi viết bài (với chi tiết đặc biệt - feature story), cần tạo ra những narrative hooks (kỹ thuật cầm chân người nghe/đọc) và ledes for feature (nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện) nhằm lôi cuốn người nghe đi vào câu chuyện. Cần làm cho họ tò mò tự hỏi: Rồi sao nữa? - một câu hỏi thúc đẩy người đọc/nghe  say mê theo dõi diễn tiến câu chuyện.

Một câu chuyện với nghệ thuật gây tò mò cho người đọc:

QUÁN CƠM CHỈ

Chiều Chủ nhật, tôi bỗng dưng nổi cơn lười không muốn vào bếp nấu cơm nữa. Tôi nói Thảo ghé ngang quán hàng bán bánh mì, cơm chỉ gần góc đường Bolsa và Brookhurst (Quận Cam, California, nơi rất đông người Việt - BT) để mua hai phần bánh xèo về ăn, tiện thể, tôi cũng muốn mua vài cái bánh tiêu ăn thử, xem món bánh tiêu của quán hàng này ngon như thế nào mà cô em của Thảo nói là “phải” ghé mua mỗi lần đi xuống Little Sài Gòn.
Tôi đặt mua hai phần bánh xèo trước, rồi quay sang quầy hàng thức ăn ngọt để mua bánh tiêu. Đã có một người khách đứng ở quầy hàng trước tôi, và bà đang bảo bà bán hàng gói cho bà “tất cả” những cái bánh tiêu nằm trong khay bánh. Tôi hấp tấp hỏi bà bán hàng còn bánh tiêu không thì bà bảo là hết rồi. Tôi buồn tình buông hai tiếng - “Thế à!”, rồi đứng qua một bên, không xếp hàng nữa. Thấy vậy, người khách hàng đang “gồm thâu” hết mười mấy cái bánh tiêu trong khay quay lại hỏi tôi:
- Chị muốn mua mấy cái?
Tôi trả lời:
- Tôi chỉ muốn hai cái thôi.
Bà khách, mà tôi quên hỏi tên, nên tôi tạm gọi là “bà khách bánh tiêu”, nói với bà bán hàng:
- Dì để lại cho chị này hai cái đi.
Tôi quay sang cười với bà khách hàng, nói:
- Cám ơn chị. Tôi nghe cô em chồng quảng cáo bánh tiêu ở đây ngon nên muốn thử cho biết.
Bà khách bánh tiêu cũng cười:
- Chị không thấy tôi mua hết nguyên khay sao?
Bà khách bánh tiêu nhìn qua quầy hàng thức ăn mặn nói:
- Cho con hai hộp lớn sườn ram, một hộp canh khổ qua, và đổ cho con thêm hai phần bánh xèo.
Bà bán hàng ngoái cổ vào phía nhà bếp gọi lớn trước khi bước sang quầy hàng cơm chỉ:
- Hai phần bánh xèo nữa Tám ơi.
Sau khi mua xong thức ăn rồi, bà khách bánh tiêu cũng đứng vào một góc quán hàng, gần tôi, chờ bánh xèo. Bà nói:
- Bánh tiêu ở quán này ngon nhất vùng Little Saigon đó. Để qua đêm nướng lại ăn cũng còn ngon.
Vừa lúc đó có một người Mễ và một người Việt Nam bước vào. Ông Mễ chậm chạp với cái gậy chống trên tay, nhường bước cho người Việt Nam đứng xếp hàng trước. Anh chàng Việt Nam này còn rất trẻ, chắc khoảng chừng trên dưới ba mươi tuổi, nhưng ăn mặc bê bối luộm thuộm và dơ dáy làm sao. Anh gọi mua một hộp cơm phần ba món, có cả canh, một hộp cơm rang, thêm mấy món mặn nữa để riêng. Bà bán hàng vừa múc thức ăn vào hộp vừa nói với anh:
- Nhiều quá ăn sao hết.
Nhưng người khách hàng không đếm xỉa gì đến lời nói của bà bán hàng, anh chạy sang tủ nước lấy mấy lon coke lạnh đưa cho bà. Anh có vẻ vội vã như sắp phải đi ngay. Bà bán hàng vừa gói thức ăn vừa nói như phân bua với tôi và bà khách bánh tiêu:
- Mấy người này là vậy đó, có ai cho thì mua lung tung, mua nhiều quá hổng biết làm sao ăn hết.
Tôi ngạc nhiên nhìn bà bán hàng, rồi nhìn bà khách bánh tiêu như thầm hỏi: “Ai lại bán hàng mà phàn nàn là khách mua nhiều bao giờ”. Bà khách bánh tiêu có vẻ hiểu ý tôi nên thì thào giải thích:
- Anh chàng này là một trong những người homeless (vô gia cư, không nhà cửa. BT) đó, họ cứ đứng xớ rớ trước cửa mấy tiệm bán đồ ăn chờ xem có ai cho gì không.
Bà bán hàng cầm mấy cái túi thức ăn và nước để trên mặt quầy nhưng chưa giao cho người khách homeless, bà nói: - “Hết thảy $17.5” -, rồi chờ thâu tiền. Tôi cũng đứng nhìn xem anh homeless này có chừng bao nhiêu tiền mà dám tiêu nhiều như vậy cho một bữa cơm chiều. Nhưng không có dấu hiệu gì chứng tỏ là anh sẽ lấy tiền ra trả. Bà bán hàng nói lớn, trống không:
- Ai trả tiền cho “nó” đây?
 Tôi nhìn quanh quất không biết bà hỏi ai, vì ở trong quán hàng này, ngoài bà bán hàng, có tôi, bà khách bánh tiêu, và ông Mễ, thì đâu còn ai nữa. Bà bán hàng nhìn người khách homeless đang giơ tay chờ đợi giao hàng, rồi nhìn sang bà khách bánh tiêu:
- Cô trả cho “nó” hả?
 Bà khách bánh tiêu lắc đầu nói không, rồi quay sang tôi nói nhỏ:
- Tôi mới cho anh ta tiền hồi nãy.
 Ông Mễ, tay cầm một tờ $20, nãy giờ đứng yên lặng trước quầy hàng, thấy ồn ào nên lên tiếng hỏi:
- What are you guys saying? I don’t understand. (Các vị đang nói chuyện gì vậy? Tôi không hiểu. BT)
 Bà bán hàng lặng im, bà không biết phải trả lời ông Mễ ra sao, bà đưa mắt nhìn bà khách bánh tiêu như nhờ bà nói giúp. Bà khách bánh tiêu quay sang ông Mễ giải thích:
- We are talking about this man. He bought too much food, but he has no money to pay. What can we help you, sir? Do you need to buy anything? (Chúng tôi đang nói về anh chàng này. Anh ta lấy quá nhiều đồ ăn nhưng không có tiền trả. Chúng tôi có thể giúp gì, thưa ông. Ông có cần mua gì không ạ?. BT)
 Ông Mễ lắc đầu:
- No, I don’t need anything. I promised to buy this man dinner. Just give him the food he wants. I will pay. (Không, tôi không cần mua gì. Tôi đã hứa sẽ mua bữa tối cho anh này. Bà hãy đưa đồ ăn cho anh ấy. Tôi sẽ trả tiền. BT)
 Bà khách bánh tiêu quay lại nói với bà bán hàng:
- Ông Mễ nói ổng trả tiền cho người này.
 Bà bán hàng há hốc miệng nhìn người khách Mễ, nhưng vẫn chưa chịu đưa mấy gói thức ăn cho người khách homeless. Bà khách bánh tiêu nhắc lại:
- Ông Mễ nói dì đưa đồ ăn cho người ta, ổng trả tiền.
 Bà bán hàng luống cuống thả hai gói thức ăn và bịch nước trên quầy. Người khách homeless nhanh tay chộp lấy rồi phóng nhanh ra cửa.
 Tôi ngạc nhiên nhìn ông Mễ, người đã rộng lòng chia chén cơm chiều nay cho người homeless. Ông chừng khoảng trên dưới bốn mươi tuổi thôi, khuôn mặt trắng trẻo, thân hình thon gọn, mạnh khỏe, nhưng hình như là hơi bị tật ở chân, vì ông phải nhờ vào chiếc gậy chống trên tay trong mỗi bước đi khập khễnh. Ông vừa cầm tiền thối lại vừa cau mày hỏi:
- What is going on? Why was there so much commotion in here? Why didn’t she give the food to the customer? (Có chuyện gì đang xảy ra vậy. Sao ồn ào thế? Sao bà ta không đưa thức ăn cho khách?. BT)
 Một lần nữa bà khách bánh tiêu phải trả lời giúp bà bán hàng:
- Because the saleswoman did not know who would pay for the food. That man is homeless, you know. (Bởi vì bà ấy không biết ai sẽ trả tiền đồ ăn. Anh chàng này là dân lang thang mà, ông thấy đấy!. BT)
 Tôi thêm vào:
- That man ordered too much food for one person to eat. The saleswoman was just afraid that the homeless man was taking advantage of the people who were trying to help him. (Anh ta yêu cầu quá nhiều đồ ăn mà một người có thể ăn được. Bà bán hàng e ngại ông ta lợi dụng những người có lòng tốt. BT).
 Ông Mễ lắc đầu nói:
- It’s ok. We still have jobs, we still have money. It is good that we can share with the less fortunate. We do whatever our heart says. How people act is their business. Don’t judge them if we don’t know their circumstances. Maybe he got more food because he wanted to save some for tomorrow, or perhaps to share with those who are in the same boat. (Không sao mà. Chúng ta vẫn còn có việc làm. Chúng ta vẫn còn có tiền. Chia sẻ cho những người có số phận không may là điều tốt. Chúng ta làm những điều mà trái tim mách bảo. Còn họ cư xử thế nào đó là việc riêng của họ. Đừng kết tội họ nếu ta không biết rõ tình trạng người ta thế nào. Có thể anh ấy lấy nhiều đồ ăn vì muốn để dành cho ngày mai hoặc có thể để chia cho những người cùng cảnh ngộ. BT)
 Nói xong, ông Mễ chống gậy chậm chạp bước khỏi quán hàng. Tôi, bà khách bánh tiêu, và bà bán hàng, đứng yên không nói được lời nào. Sự im lặng bao trùm lấy chúng tôi mãi đến mấy phút sau, khi bà bếp đem mấy phần bánh xèo ra để lên quầy hàng trước mặt, chúng tôi mới hết nỗi bàng hoàng.
 Tôi với tay lấy túi thức ăn của mình, trả tiền rồi chào bà khách bánh tiêu đi ra xe. Tôi kể cho Thảo nghe chuyện người Mễ trả tiền cơm cho người homeless Việt Nam. Thảo gật gù khen:
- Ông Mễ đó thiệt hay nghen.
 Suốt một quãng đường về tôi im lặng nghĩ lại chuyện vừa xảy ra trong quán hàng cơm chỉ. Tôi cảm thấy có chút hổ thẹn vì mình đã không có được một tấm lòng quảng đại như ông Mễ đó, một người khác chủng tộc đã giúp đỡ người đồng hương của tôi. Tôi đã không nghĩ đến cái việc nhỏ nhoi tôi có thể làm là mua cho người đồng hương khốn khổ đó một phần cơm. Không những thế, tôi còn có những ý nghĩ coi thường người khách homeless vì... trẻ mà không chịu tìm việc đi làm, chỉ biết sống nương nhờ vào người khác, vì... người gì đâu mà....
 Tôi ngượng ngùng khi nhớ lại thái độ của mình khi đã cố tình bước lùi xa thêm một chút nữa, để “rộng chỗ” cho người đồng hương homeless khỏi “đụng chạm” vào tôi trong lúc anh lăng xăng chạy từ quầy hàng sang tủ nước. Ừ nhỉ, tại sao tôi lại nông nổi đến thế? Tôi không nghĩ được như ông Mễ: “Đừng xét đoán người khi không biết rõ hoàn cảnh của họ”.
 Tại sao tôi không băn khoăn tự hỏi, biết đâu những người homeless này có những cái khó khăn mà họ đang phải phấn đấu để vượt qua?
 Tại sao tôi không nghĩ là có thể vì một lý do nào đó nên họ không có cơ hội để tìm kiếm, giữ vững được công việc làm? Cũng có thể vì tuổi trẻ lầm lỡ, nên họ đã vướng mắc vào vòng lao lý, rồi vì cái quá khứ đen tối đó đã đưa họ vào tình cảnh hôm nay? Cũng có thể vì thất cơ lỡ vận nên họ mới trở thành homeless, không có một chốn nương thân, không biết ngày mai có gì ăn để sống?!
 Ông Mễ tôi gặp chiều nay cao thượng quá, có một trái tim to lớn quá. Ông giúp người mà không cần biết là có bị lợi dụng hay không. Ông cũng chẳng quản ngại là cái người được ông giúp không cùng chung một quê hương, xứ sở với ông. Tôi cũng cầu mong cho người homeless Việt Nam trẻ đó có thể thoát qua cơn đói nghèo hôm nay và sau này anh cũng sẽ bắt chước ông Mễ ngày nào, đem bát cơm Phiếu Mẫu chia cho những người bất hạnh hơn anh.
Bảo Trân


Những narrative hooks gây tò mò: "Ngon như thế nào mà cô em của Thảo nói là “phải” ghé mua mỗi lần đi xuống Little Sài Gòn", "Mấy người này là vậy đó, có ai cho thì mua lung tung, mua nhiều quá hổng biết làm sao ăn hết."... Người đọc sẽ tự hỏi: Mấy người này là ai? Đồ ăn ở đây có ngon thật không?...
Và câu chuyện - với những trích dẫn đối thoại đúng với cách nói chuyện của từng nhân vật - là ledes for feature để dẫn đến những suy tư mà người kể chuyện muốn đưa ra...

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Bé mọn

"Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn." (Mt 11,25)
Truyền thông với tâm hồn trẻ thơ bé nhỏ và truyền thông cho những tâm hồn thơ trẻ đơn sơ. Đấy là điều kiện lý tưởng.
Vấn đề là làm sao cho tâm hồn mình luôn trẻ thơ, và sứ điệp của mình được người ta đón nhận với tâm tình thơ trẻ?
Trẻ thơ có tâm tình phó thác vì cảm nhận cha mạnh mẽ, cha thương mình. Mình nằm ở trong tâm điểm của trái tim cha. Vâng con tin Cha của con trên trời mạnh mẽ toàn năng và yêu con như thế.
Con luôn nhỏ bé, vì con chỉ là hư vô. Và Cha là tất cả của con.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Thiên đàng trong tôi


Chúa Ba Ngôi là nguồn mọi sự.
Ngài chỉ có một, nhưng không đơn độc, vì Ngài là tình yêu. Một bản thể vô biên được ba ngôi vị đón nhận và thông chia trọn vẹn cho nhau. Trọn vẹn cho cả ba, và trọn vẹn cho từng ngôi vị.
Là Cha và Con và Thánh Thần, những tên gọi xem ra có vị trí khác nhau, nhưng bằng nhau, như nhau mọi đàng.
Là một gia đình, trong đó mọi thành viên có chung một hoạt động, nhưng thể hiện ra bên ngoài cách khác nhau cho các thụ tạo.
Ba Ngôi yêu nhau đến tận cùng, truyền thông cho nhau cách trọn vẹn đến nỗi chỉ còn là một. Ngài là nguồn gốc và mẫu mực của truyền thông.
Ngài vô cùng diễm lệ, vô cùng ngọt ngào. Mọi sự diễm lệ, ngọt ngào trên thế gian đều được Ngài dựng nên, và chỉ là phản ánh rất mờ nhạt của Ngài.
Ngài vô biên vô tận, nhưng đang ngự trị ở nơi Ngài thích nhất, đấy là tâm hồn từng người.
Ngài đang ngự trong tâm hồn tôi, âu yếm ngắm nhìn từng chi tiết đời tôi với sự bao dung vô tận. Và chờ đợi tôi trở về gặp gỡ Ngài là thiên đàng đích thực của tôi.
Thiên đàng không ở đâu xa. Thiên đàng là chính Chúa Ba Ngôi đang ngự trị trong lòng tôi.


Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Có Giêsu

Trong bữa Tiệc ly, các môn đệ lo âu: không biết Thầy đi đâu?
"Thầy đi dọn chỗ cho anh em."
"Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."
"Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống."
"Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy"
"...Để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó."




Cứ nhìn vào Giêsu thì biết đường lên trời, thấy được Chúa Cha. Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Tất cả trở nên dễ dàng nhờ một chìa khoá duy nhất: Giêsu. Chúa Cha đã ban Giêsu cho ta để mọi sự trở nên đơn giản: Có Giêsu là mọi sự được soi sáng.
Tuy nhiên, làm sao để có được Giêsu? Giêsu là cả một đại dương vô tận, không bao giờ múc cho cạn. Giêsu là cả cả một bầu trời mênh mông bao la, có đấy, nhưng không bao giờ vươn tới hết.
Nhưng vẫn có Ngài trọn vẹn cho từng phút giây đời con, nếu con biết mở lòng ra đón nhận...

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Giết & Giận

"Luật dạy: Chớ giết người... Còn Thầy, Thầy bảo: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà." (Mt 5,21-22)

Giận là nguyên nhân của giết người. Cần phải khử nguyên nhân, cần diệt tội từ gốc. Vì thế, con tim không giận ghét, đấy là điều Chúa muốn.

Ra khỏi Vườn Địa Đàng của yêu thương, con tim loài người đã ra hư hỏng, chai lỳ. Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng cũng vì đó. Để xử lý khủng hoảng triền miên này, Chúa đã đến trần gian để chữa trị con tim loài người bằng cách đặt trái tim Ngài cận kề trái tim con người: trái tim nói với trái tim. Gioan cận kề bên lòng Chúa, đấy là một hình ảnh của trái tim nói với trái tim.

Những câu Lời Chúa mang đầy tính lề luật hôm nay (Mt 5, 17-37) cũng đều là những lo lắng của trái tim Giêsu, muốn cho trái tim con người mềm ra, đẹp ra. Để rồi, hành vi của con người cũng sẽ tốt hơn, đẹp hơn.

Xin cho con nghe được tiếng nói của trái tim Chúa, những tiếng nói có sức mạnh biến đổi trái tim con. Xin cho con nghe được tiếng nói của trái tim tha nhân, những tiếng nói có khả năng biến đổi cách ứng của con. Và xin cho con nghe được tiếng nói của trái tim con, để con hiểu rằng con cần Chúa biết bao...

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Chúa hay Tôi?

"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm" (Mt 5,1.3)

Câu Tin Mừng trên đây xem ra đi ngược với Lời Chúa hôm nay: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm" (Mt 5,16). Để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, đấy chẳng phải là phô trương thanh thế hay sao?

Thực ra, Chúa luôn ở trong từng người. Như vậy nơi bản thân tôi có hai "nhân vật": Tôi và Chúa. Thánh Augustinô nói: Khi ở trong tôi, Chúa còn là Tôi hơn cả chính tôi nữa. Ngài là phần tốt đẹp nhất của tôi, cần được toả sáng, cần phải được chiếu giãi ra, cần phải được đưa lên cao cho mọi người trông thấy qua những việc làm phúc đức của tôi. Còn cái Tôi ích kỷ kiêu ngạo trong tôi, thì không được lợi dụng các việc lành để phô trương nó ra. "Ngài cần phải lớn lên, còn Tôi cần phải nhỏ đi."

Công việc của Mục vụ PR là làm cho hình ảnh của Chúa mỗi ngày một rõ hơn, một sáng hơn nơi bản thân của tôi, nơi cộng đoàn của tôi. Tôi cần lên kế hoạch và dùng mọi phương tiện truyền thông để thực hiện điều này. Và tôi phải luôn tự hỏi: ai đang sáng lên, Chúa hay Tôi? Thường thì tôi hay làm cho Tôi sáng lên, và Chúa thì người ta chẳng thấy đâu cả! Điều này thực tai hại, nhưng đáng buồn là nó vẫn cứ luôn xẩy ra!

"Để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời". Vâng, "mà tôn vinh Cha của anh em", đấy là mục tiêu...

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Diện mạo Nước Trời

Điều chính yếu mà mục vụ PR cần phải quan tâm là công luận. Phải góp phần xây dựng một công luận đúng đắn khởi đi từ giới công chúng cụ thể có liên hệ thường xuyên với mình. Công chúng nghĩ gì, công chúng có hình ảnh gì về Giáo Hội và về Nước Trời của Chúa Giêsu? Đây là câu hỏi mà tôi cần thường xuyên đặt ra trong đầu.

Trong bài Tin Mừng Bát Phúc hôm nay, Chúa Giêsu phác hoạ hình ảnh của Nước Trời. Nước Trời mang diện mạo của chính Chúa Giêsu với:
- Tinh thần khó nghèo, hiền lành, mang nỗi khổ của trần gian (khóc lóc) mà vẫn khát khao sống đời công chính và thương xót mọi người.
- Cõi lòng trong sạch, ra đi xây dựng an bình và hoà bình, sẵn lòng chấp nhận những bách hại vì lẽ công chính.

Đây là hình ảnh mà con cần phải xây dựng được nơi cá nhân con và cộng đoàn của con, đồng thời làm cho công chúng phát hiện ra diện mạo đó của Nước Trời qua từng hành động của con. Bản thân con đầy yếu đuối thiếu sót, nên công việc xây dựng hình ảnh trên là nỗ lực của từng ngày sống: cầu nguyện, chiêm niệm, và hoàn thiện mình mỗi ngày một nhiều hơn. Xin giúp con, lạy Chúa, để mỗi ngày con nên giống Chúa, nên giống Nước Trời nhiều hơn...

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Có kế hoạch

Đọc Kinh Thánh, tôi thấy Chúa làm việc rất có kế hoạch, mà ngay cả các nhân viên PR lỗi lạc chuyên nghiệp nhất cũng cần phải chiêm ngưỡng, nghiên cứu, bắt chước và khâm phục:

- Kế hoạch sáng tạo được diễn tả thực hiện trong một tuần lễ rất thứ tự lớp lang. Tất nhiên, công cuộc sáng tạo vũ trụ không phải chỉ kéo dài trong một tuần. Đây chỉ là một cách diễn tả cho thích hợp với tầm hiểu biết và văn hoá của người đương thời. Nhưng cách diễn tả một tuần đã nói lên một mô hình, một kế hoạch rất bài bản.

- Kế hoạch cứu độ khởi đi từ Abraham đến ngày tận thế được mô tả rất tuyệt diệu trong suốt các sách Cựu Ước và Tân Ước.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa đi vào kế hoạch rao giảng rất "ngọt", từ địa điểm xuất phát, đối tượng, sứ điệp, đào tạo nhân sự, đến chương trình triển khai hoạt động:

- Xuất phát từ Caphanaum của Galilê, nơi là "ngã tư quốc tế" và cũng là nơi có đối tượng dân cư mang cái nhìn rất thoáng, không tự mãn và không bị đóng khung bởi lề luật Do Thái khắt khe quá khích. Quả là một môi trường rao giảng thích hợp cho một khởi điểm!

- Sứ điệp rao giảng rất rõ, rất gọn: Nước Trời + sám hối.

- Huấn luyện nhân sự: chọn những gã ngư phủ mạnh mẽ can đảm, quen đương đầu với sóng gió, và đơn sơ mộc mạc để cõi lòng dễ dàng mở ra với Tin Mừng.

- Chương trình triển khai hoạt động: đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Vâng, rất nhiều khi con làm việc tuỳ tiện, không động não, thiếu nghiên cứu, thiếu kế hoạch, sứ điệp và chương trình thường luộm thuộm, thiếu tôn trọng đối tượng. Con cần phải ngắm nhìn Chúa nhiều hơn trong những kế hoạch khôn ngoan của Chúa...

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Tôi đã không biết Ngài

Tôi đã không biết Ngài. Nếu biết Ngài, tôi đã không làm như thế, không nói như thế, không nghĩ như thế.
Cuộc sống của tôi thay đổi như thế nào là tuỳ ở mức độ tôi biết về Ngài nhiều hay ít.
Tôi đã biết Ngài quá ít. Vì tôi ít quan tâm đến Ngài. Vì con tim và đầu óc tôi bị những sự phù phiếm thế gian cuốn hút.
Quan tâm để ý đến Ngài là một trong những điều kiện thiết yếu để biết Ngài. Một sự quan tâm của tình bạn.
Ngài, một người bạn chẳng tiếc gì với tôi, cho tôi cả mạng sống, sẵng sàng gánh tội của tôi. Một người bạn bao dung, không chấp nhất. Một người bạn hiền như con chiên. Một người bạn luôn ở với tôi, trong lòng tôi. Và tôi trong Ngài.
Ôi, bạn Giêsu, Chiên Thiên Chúa, xin thương xót, xin thương xót...

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Hiển Linh & Năm Thánh

Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam đã đi đến thời điểm kết thúc.
Còn nhớ mới hôm nào tất bật chuẩn bị đi vào Năm Thánh, chuẩn bị Đại Hội Dân Chúa. Bây giờ Năm Thánh sắp đi vào dĩ vãng.
Tuy nhiên dĩ vãng không phải là biến mất. Bế mạc trong ánh sáng Hiển Linh, Năm Thánh đang làm cho Giáo Hội Việt Nam ngời sáng lên với những nỗ lực canh tân.
Sẽ còn đó và đang thấm vào cuộc sống của cộng đoàn: sứ điệp Đại Hội Dân Chúa, Văn Bản Hậu Đại Hội, các công nghị địa phương, những suy tư và những hiện thực Hậu Năm Thánh...
Năm Thánh bế mạc nhưng sẽ không tiêu tan. Tinh thần Năm Thánh sẽ sáng dần lên, sẽ rõ nét thêm trong ánh sáng Hiển Linh thể hiện trong cung cách sống của người tín hữu Việt Nam.

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Trong Giêsu

Trong Giêsu, tôi sống và làm việc.
Việc thì rất nhiều, tôi muốn coi tất cả là một trò chơi lớn, mệt nhưng vui, gắng sức nhưng không căng thẳng.
Việc thì chồng chất, nhưng làm mọi việc đó trong Giêsu, tất cả sẽ đều có một hướng đẹp và trở nên nhẹ nhàng. Đó là hướng đi của tình yêu, và nhẹ nhàng thay, vì bên cạnh luôn có một Đấng cùng gánh gồng với tôi.
Trong Giêsu, tôi ngắm gia đình Nadarét của ngài, một gia đình nghèo khó, khốn khó và phải đối diện nhiều điều khó chịu. Nhưng các nhân vật của gia đình đó không bùng nổ sự bực bội, vì khám phá ra rằng, đằng sau những nghèo khó, khốn khó và những điều khó chịu đó, luôn ẩn giấu một kế hoạch và một sứ mạng.
Xin cho con luôn có cái nhìn như thế, để đừng vội bực bội, nổi nóng cách thô thiển, thô lỗ...