Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân viên PR. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân viên PR. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Giơ tay ra

Một người đàn ông sùng đạo ở Ấn Độ khẳng định rằng tay phải của ông luôn trong tư thế giơ cao lên trời kể từ năm 1973.
Đến nay, tức 38 năm sau, cánh tay của ông Amar Bharati chỉ còn là một phần cơ thể xương bọc da không sử dụng được, nhưng nó đã trở thành một biểu tượng đối với những người sùng bái thần Shiva trên khắp đất nước Ấn Độ.
Năm 1970, ông Amar vẫn chỉ là một người đàn ông thuộc giai cấp trung lưu, sống một cuộc sống bình thường. Ông có nhà cửa, việc làm, vợ và ba người con. Nhưng sẽ không có gì đáng bận tâm nếu không có một buổi sáng nọ, ông thức dậy và quyết định rũ bỏ mọi thứ. Ông Amar bắt đầu lang thang trên các con đường ở Ấn Độ, trên người chỉ mặc bộ quần áo thánh nhân đơn giản và mang theo Trishula (chiếc đinh ba làm bằng kim loại).
Sau 3 năm, Amar nhận ra ông vẫn còn có nhiều ràng buộc với sự xa hoa và thú vui của cuộc sống trần thế, ông quyết định tự tách mình ra khỏi những thú vui đó bằng cách giơ cánh tay phải lên và cứ giữ nguyên tư thế ấy. 38 năm sau, tay ông vẫn giương cao tay nhưng không thể sử dụng được nữa.
Một số nguồn tin khác cho rằng ông Amar cảm thấy thất vọng bởi tất cả những xung đột đang diễn ra trên thế giới nên ông quyết định giơ cánh tay phải lên vì hòa bình. Ông Amar đã truyền cảm hứng cho những người khác giương cao cánh tay lên vì hòa bình và thuận hòa. Một vài người trong số họ đã giơ cánh tay trong suốt 7 năm, 13 năm, thậm chí là 25 năm qua.
Nhưng làm được như vậy không có nghĩa là ông Amar không biết đến những đau đớn. Amar cho hay ông đã trải qua đau đớn trong một thời gian dài, nhưng giờ thì không còn nữa. Đó là bởi tay ông hoàn toàn bị teo lại và mắc kẹt trong tư thế hơi thẳng đứng kì lạ, móng tay xoắn lại vì ông không bao giờ cắt. http://dantri.com.vn/c25/s132-476540/ky-la-nguoi-dan-ong-gio-canh-tay-len-troi-suot-38-nam.htm

Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! " Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giê-su nói với họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt? " Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: "Anh giơ tay ra! " Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không. 
(Lc 6,6-11)


Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Luật

Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát?" Đức Giê-su trả lời: "Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi." Rồi Người nói: "Con Người làm chủ ngày sa-bát." (Lc 6,1-5)
Bất cứ khoản luật nào cũng phải dẫn ta đến việc xây dựng tình yêu đối với Chúa và tha nhân, và tạo được một quan hệ nhân văn yêu thương tốt đẹp, bằng không, thì phải coi lại nội dung của khoản luật ấy. Luật giữ ngày sabbat của người Pha-ri-sêu không đếm xỉa gì đến cái bụng đói của con người thì tình yêu ở đâu, quan hệ giữa người với người ở đâu?
Mọi hành vi phải xây dựng được quan hệ tốt đẹp với Chúa, với mọi người. Vì thế tìm hiểu về "Mục vụ Quan hệ công chúng (PR)" là điều hết sức hữu ích. Có thể nói, người nào thực hiện "Mục vụ Quan hệ công chúng (PR)" cách hoàn hảo, sẽ là nhà truyền giáo tuyệt vời và là một ông thánh hiện đại !

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Vườn nho

Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, 
vừa tảng sáng đã ra mướn thợ 
vào làm việc trong vườn nho của mình. (Mt 20,1)

Vườn nho trong Kinh Thánh
là hình bóng Dân yêu thương của Chúa.
Mọi người, khi sinh ra, được đưa vào vườn nho
để cảm nhận được tình thương của Chúa,
để nhận ra rằng mình sinh ra để được chúc phúc,
sinh ra để được yêu thương đến tận cùng,
sinh ra để chia sẻ niềm vui được yêu thương,
sinh ra để diễn tả nét đẹp yêu thương
mà Chúa đang thể hiện nơi cuộc sống của mình
nơi gia đình của mình,
nơi cộng đoàn của mình...
Công việc của thợ làm vườn nho cho Chúa là như thế.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Kỳ đà cản mũi

"Kỳ đà cản mũi" là cụm từ được dùng với nghĩa là ngăn cản việc làm hay dự tính của người khác một cách cố ý.
Câu trên bắt nguồn từ sự mê tín của những người làm nghề sơn tràng (nghề khai thác các sản vật của rừng núi).
Ngày xưa, mỗi khi đoàn sơn tràng chuẩn bị vào rừng lên núi khai thác cảc sản vật như đốn cây, săn bắn thú rừng, họ thường làm lễ cầu khấn "Thần Rừng, Thần Núi" cho họ của cải của rừng núi. Sau đó họ lên đường. Nhưng trên đường đi, nếu gặp một con kỳ đà, thì lập tức họ ngưng ngay chuyến đi và quay về. Họ tin một truyền thuyết, theo đó, Vị Thần Rừng đã dùng con kỳ đà, một con vật của rừng núi, để cảnh báo không cho họ khai thác; nếu cố tình tiếp tục khai thác sẽ chuốc lấy tai hoạ và nguy hiểm cho bản thân và cho đoàn.


Phêrô rất thương Chúa nhưng lại trở thành "kỳ đà cản mũi" khi ông kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!"
Chúa nói với ông: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
Mỗi sáng dậy, tự nhủ: xin Chúa đi với con và đi trước con, dẫn đường cho con. Xin cho con biết đi theo Chúa, làm theo ý Ngài... Xin cho con đừng trở thành "kỳ đà cản mũi".

Ngày mai lễ Thánh Gioan Maria Vianey, bổn mạng các cha sở. Một hình ảnh rất đẹp, rất cảm động, gợi niềm cảm hứng nên thánh cho các linh mục... Gương sáng của ngài gợi nên nơi các linh mục - nơi bản thân tôi - một câu hỏi quan trọng: Đời sống linh mục của tôi đang lôi kéo người khác đến với Chúa hay đang là "kỳ đà cản mũi"?

Trong hoạt động PR, nhiều khi chính nhân viên PR trở thành kỳ đà cản mũi, vô tình hay cố ý ngăn cản công chúng đến với thân chủ của mình, do cách ứng xử không khéo của mình...

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Ô uế

 Anh em không hiểu rằng bất cứ cái gì vào miệng thì xuống bụng, rồi bị thải ra ngoài sao? Còn những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế... Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế." Sau đó, Đức Giê-su gọi đám đông lại mà bảo: "Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế." (Mt 15,1-21)


Người ta quá chú trọng về sự lây nhiễm bề ngoài và thể lý do bầu khí, nước uống, lỗ hổng trong lớp khí ozone; ngược lại, hầu như thinh lặng tuyệt đối về sự nhơ nhớp nội tâm và luân lý.
Chúng ta phẫn nộ khi thấy những con chim biển dưới nước nổi lên mình đầy những vết dầu lửa, mình phủ đầy chất nhựa và không thể bay, nhưng chúng ta không tỏ cũng một sự quan tâm đối với con cái chúng ta, bị bẩn và bị kiệt sức trong tuổi trẻ vì chiếc áo choàng đồi trụy đã trải dài tới mọi phương diện sự sống. 

Chúng ta nên rõ ràng hơn: Đây không phải là một vấn đề đối nghịch hai loại ô nhiễm. Cuộc tranh đấu chống sự ô nhiễm thể lý và sư lo lắng về vệ sinh, là một dấu phát triển và văn minh không nên bỏ bất cứ giá nào. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói với chúng ta, trong dịp này, chúng ta rửa tay, rửa chén và tất cả những gì còn lại thì chưa đủ, điều này không đi tới gốc rễ vấn đề.
Vậy Chúa Giêsu phát động chương trình sinh thái học của tâm hồn. Chúng ta xem một số việc “làm ô uế” Chúa Giêsu đã kể ra : sự vu khống với tật xấu liên hệ nói những sự dữ về người anh em mình.
Chúng ta thật sự muốn thực hiện nhiệm vụ chữa lành tâm hồn chúng ta không? Nếu vậy, chúng ta phải dốc toàn lực chiến đấu chống thói quen nói tầm phào, phê phán, phàn nàn những kẻ vắng mặt, đưa ra những phán đoán nhặm lẹ. Đó là một chất độc hầu như khó mà vô hiệu hoá một khi nó đã lan tràn.
Lần kia một người nữ đến xưng tội với Thánh Philip Neri, cáo mình đã nói xấu về một số người. Vị thánh đã giải tội cho bà, nhưng ra cho bà một việc đền tội kỳ lạ. Ngài dạy bà về nhà, bắt một con gà con và trở lại gặp ngài, nhưng lúc đi đàng thì nhổ lông nó. Khi bà trở lại gặp ngài, ngài nói với bà: “Bây giờ bà hãy về nhà và nhặt từng cái lông bà đã bỏ rớt dọc đàng lúc bà đến đây.”
“Không thể được!” người nữ đó than. “Trong lúc đó, gió đã thổi tung lông tứ phía.“ Đó là điểm Thánh Philip muốn làm.
“ Bây giờ bà thấy—ngài nói—không thể thu hồi sự phàn nàn và vu cáo một khi chúng đã ra khỏi miệng.”

http://www.vietcatholic.com/News/Html/37137.htm


Ô nhiễm bầu khí, nước uống, lỗ hổng trong lớp khí ozone... phát xuất từ sự nhơ nhớp nội tâm và luân lý như tham lam vô độ, ích kỷ, ngông cuồng, tàn ác... Chính những ô nhiễm bên trong đó khiến con người tạo ra ô nhiễm môi trường bên ngoài...
Xin Chúa nhắc con quan tâm hơn đến những ô nhiễm trong hồn con, trong trái tim con...

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Lửa

Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ...Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: "Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm." (Mt 14,1-12)
Giống như Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tẩy giả và các thánh khác đã là những ngọn lửa yêu thương bừng bừng cháy sáng. Trong họ luôn có lửa. Lửa của Tin Mừng, lửa của lòng nhiệt thành. Lửa nồng nàn chan chứa. Gioan Tẩy giả đặc biệt được mô tả là con người của lửa, giống như Êlia. Còn tôi thì sao?

"Ta ném lửa vào trần gian và mong cho ngọn lửa ấy cháy lên". Khi hiệp nhất với Giêsu, ngọn lửa tình yêu Giêsu cháy lên trong tôi. Khi hiệp thông với mọi người, những nhu cầu và thao thức của họ là những ngọn lửa không ngừng thôi thúc. Vậy mà trong tôi thường khi vẫn không có lửa? Thế nghĩa là sao?

Bài giảng nảy lửa theo cung cách Gioan Tẩy Giả
Vị giảng thuyết chính thức tại Phủ Giáo Hoàng đã trình bày một bài giảng nảy lửa tố cáo những sai trái của xã hội đương đại trong buổi cử hành phụng vụ tại Đền Thờ Thánh Phêrô Ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005.

Cha Raniero Cantalamessa, linh mục dòng Phanxicô, một vị giảng thuyết trong Phủ Giáo Hoàng, đã giảng trong thánh lễ. Cha Cantalamessa mạnh mẽ tố cáo rằng có “một tư duy thế tục nhất định” trong xã hội ngày nay cổ vũ cho sự thù hận mang tính bạo lực chống lại tôn giáo.
Liên hệ đến bí tích Thánh Thể như là “bí tích bất bạo động”, cha Cantalamessa nhận xét rằng dẫu sao “bạo lực chống lại ngài ngày nay không thể biện minh được trước sự khiêm nhường của Đức Kitô là điều khiến cho những thứ bạo lực này càng trở nên lạ lùng và quái đản”. 
Theo cha Cantalamessa, đức tin tôn giáo ngày nay đã bị coi là “dê tế thần” để đổ lỗi cho những vấn nạn xã hội. Cha dằn từng tiếng với những điệu bộ đi kèm. “Không phải chỉ là chuyện áp lực đòi gỡ bỏ thánh giá các nơi công cộng, hay gỡ bỏ máng cỏ khỏi truyền thống Giáng Sinh”, áp lực đó còn kèm theo “với những tiểu thuyết, phim ảnh, và kịch nghệ trong đó hình ảnh của Đức Kitô bị lèo lái trên cơ sở những khám phá về những tài liệu tưởng tượng ra hay không có thật”.
Việc tấn công đức tin Công Giáo “đang trở thành một thể loại văn chương mới”. “Khuynh hướng mặc cho Đức Kitô những tấm áo theo thời trang hay theo các chủ thuyết luôn luôn tồn tại bên cạnh chúng ta”. Tuy nhiên, “trong thời đại chúng ta, bị ám ảnh bởi tính dục”, con người đã xuyên tạc hình ảnh Chúa Giêsu tầm thường và xấu xa. Không thiếu trường hợp có những kẻ láo xược trình bày Chúa như một người đồng tính.
Bất chấp thái độ thù hận đối với Kitô Giáo trong xã hội này, “mầu nhiệm mà chúng ta cử hành trong những ngày này khích lệ chúng ta bẻ tan thái độ bị bách hại và đừng xây dựng thành trì hay rào cản giữa chúng ta và xã hội”. Đức tin đem đến cho người tín hữu hy vọng làm cho ta vững tin nơi chiến thắng cuối cùng và nơi phẩm giá cao trọng của mình...



Những tiếng nói như ngọn lửa thét gào trước những thảm cảnh hôm nay

Nạn đói trong vùng Sừng Phi châu ngày càng trầm trọng hơn. Hàng trăm ngàn người tuyệt vọng trốn chạy các vùng hạn hán và tìm đến các trại tị nạn ở bên kia biên giới Kenya. Số người tị nạn tìm đến trại tị nạn Dadaab bên Kenya đã vượt qúa con số 400.000. Và mỗi ngày đều có từ 1.500 đến 3.000 người nhập trại.
...Rất nhiều trẻ em đã chết vì đói khát trên đường tìm đến các trại tị nạn. Cũng có nhiều em bị thú dữ ăn thịt trên đường di cư. Nhiều gia đình đã mất hết con cái sau hàng tuần đi bộ qua các vùng khô cằn không có thực phẩm và nước uống. Hiện nay nạn đói đe dọa 11 triệu người trong đó có 2,4 triệu tai Kenya, 2,85 triệu tại Somalia, 4,56 triệu tại Etiopia, 120 mgàn tại Gibuti. Hàng chục ngàn người dân hai nước Uganda và nam Sudan cũng bị đe dọa.
...Vì các hoạt động quân sự tiếp diễn tại Somalia nên Chương trình thực phẩm thế giới sẽ không thể nào đến với 60% trên tổng số 3,7 triệu dân Somalia đang bị nạn đói đe dọa. Phiến quân hồi thuộc lực lượng Shabaab nhất định không cho đem phẩm vật cứu trợ tới cho dân chúng miền nam Somalia do họ chiếm đóng và kiểm soát. Họ khẳng định rằng ở đây không có đói kém. 
...Chính quyền thường cố ý để cho tình trạng đói kém kéo dài nhằm gây kiệt quệ cho các bộ lạc Nam Sudan.
Trong dải Gaza bên Palestina, các tổ chức nhân đạo quốc tế và các tổ chức phi chính quyền đã không làm gì để ngăn cản lực lượng Hamas phân chia các phẩm vật cứu trợ như họ muốn. Và như thế các phẩm vật cứu trợ không luôn luôn đến tay những người cần được trợ giúp. Đôi khi các tổ chức này tự nguyện làm như thế để có thể tiếp tục hiện diện trong vùng.http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110729/11822 


Kinh tế Việt Nam

Một tìm hiểu của UN thu thập từ các nghiên cứu về kinh tế Việt Nam cho thấy tình trạng đói nghèo tăng 2,1% kể từ sau đợt lạm phát cao hồi năm 2008.
Theo Thông tin nhanh của UN Việt Nam cho biết lạm phát trong tháng Tư tại Việt Nam ở mức 17,5% - cao nhất kể từ tháng 12/2008, tức tăng 3,3% so với tháng 3/2011 và vẫn tiếp tục gia tăng.
Ông Hendra cũng cho biết Việt Nam thuộc trong số 5 nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới, cao hơn so với các nền kinh tế ASEAN khác và gọi đây là "tình trạng nghiêm trọng".
"Nó sẽ gia tăng tỉ lệ nghèo đói, 1 hay 2% hoặc cao hơn thế", ông nói trong một cuộc gặp gỡ phóng viên tại Hà Nội, hôm thứ Ba, 10/5.
UN Việt Nam đánh giá việc chính phủ Việt Nam chủ động thực hiện các biện pháp nói trên là một điều tích cực nhưng ...
...Việt Nam chỉ thua một vài nước trên thế giới trong việc giảm tình trạng đói nghèo, tuy nhiên vẫn có những khu vực nghèo đói khó giải quyết, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, và ông kêu gọi chính phủ cần có một cách tiếp cận mới...Giới chức trách cần "giải quyết tình trạng bất bình đẳng và chênh lệch ngày càng gia tăng rõ rệt này".

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Cũ và Mới

"Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? " Họ đáp: "Thưa hiểu." Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ." (Mt 13,47-52)
Daniel đam mê nhiếp ảnh, đồ cổ, gỗ, thép, và tác phẩm của nhà thiết kế nội thất Andree Putman. Ông đã thiết kế căn hộ loft 200m2 trong không khí đậm chất New York, cứng cáp với phong cách công nghiệp đồng thời trộn lẫn với phong cách tối giản, và phong cách thiền của Nhật. Ông nói: “Tôi luôn tìm kiếm những chất liệu mới để hoàn thiện các bức tường ban đầu, nhưng cuối cùng tôi chỉ cần trang trí không gian, để lại đường nét chung mà không tốn kém”. “Tôi luôn tìm kiếm những chất liệu mới để hoàn thiện các bức tường ban đầu, nhưng cuối cùng tôi chỉ cần trang trí không gian, để lại đường nét chung mà không tốn kém”...Tất cả là một sự kết hợp giữa cổ điển với hiện đại, giữa cái cũ với cái mới. Ông tạo ra sự thống nhất trong trang trí, lấy cảm hứng từ các chức năng công nghiệp của toà nhà mới được chuyển đổi thành một căn nhà dạng loft. Phong cách của căn loft này có kiến trúc rất độc đáo, khác với căn hộ hoặc biệt thự truyền thống. Căn hộ loft lấy cảm hứng từ sự khác biệt bằng không gian sống riêng của nó. Trong thực tế, phong cách này được cho là một nơi dành riêng để hoạt động công nghiệp và thương mại: chẳng hạn như một nhà để xe lớn hay nơi hội thảo.
(http://land.cafef.vn/2011050802533065CA46/cu-va-moi.chn)
Daniel đã kết hợp giữa cổ điển với hiện đại, giữa cái cũ với cái mới trong ngôi nhà của mình. Chúa Giêsu thì:  "Một chấm một phết cũng không bỏ qua". Ngài đến không phải phá bỏ cái cũ, nhưng là để hoàn thiện nó, biến nó thành cái mới hoàn hảo. "Ngài không dập tắt cây sậy còn cháy".

Trong con còn bao điều dang dở, ngổn ngang, mới, cũ... Chúa không ngứa mắt, không đạp bỏ. Vậy thì con xin cùng Chúa xắn tay thu xếp để sử dụng cái cũ lẫn cái mới trong con mà làm cho gọn, làm cho đẹp, làm cho xong, làm cho hoàn hảo, làm thành một công trình của tình yêu luôn mới...

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Đang ngủ





Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (Mt 13,25)

Nhà báo bị đốt khi đang ngủ đã ra đi
TTO - Khoảng 14g ngày 29-1 (26 tháng Chạp), nhà báo Lê Hoàng Hùng (bút danh Hoàng Hùng, báoNgười Lao Động TP.HCM) đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau 10 ngày bị nạn và điều trị tại đây.
Hơn một tuần qua, sức khoẻ của nhà báo Hoàng Hùng là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Thông tin về tình trạng sức khoẻ của anh được anh em nhà báo tại TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cập nhật hàng ngày, thậm chí là hàng giờ. Tối 27-1 nhiều đồng nghiệp của anh ở TP.HCM, Long An, Tiền Giang rất lo lắng khi hay tin anh bị hôn mê phải thở máy.
Đến chiều 28-1, thông tin cho biết tình trạng sức khoẻ của anh rất xấu, có khả năng không qua khỏi đã được truyền đi rất nhanh. Nhiều bữa tiệc tất niên của các cơ quan báo chí chiều 28-1 đã kết thúc sớm để sắp xếp đi thăm anh lần cuối.
Và điều đau xót đã đến: khi không khí tết bên ngoài bệnh viện đang rộn ràng thì anh ra đi mãi mãi khi bước sang tuổi 51, để lại hai đứa con gái 12 tuổi và 17 tuổi.
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/423086/Nha-bao-bi-dot-khi-dang-ngu-da-ra-di.html

Đã 23 ngày sau đêm định mệnh nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, rồi từ trần tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ quan điều tra vẫn chưa kết luận được hung thủ là ai. Trong khi dư luận lại râm ran: bà Trần Thị Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng) chính là người ra tay thủ ác?!
http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/527528/Vu-nha-bao-bi-dot--Thu-pham-la-nguoi-than.html
http://ttngbt.blogspot.com/2011/01/vu-mot-nha-bao-bi-ot-chay-trong-phong.html


Có thể tôi đang ngủ thì Chúa gọi tôi về. Điều đó tôi không lường trước được. Nhưng điều tôi có thể kiểm sóat được ngay từ bây giờ là rà soát xem trong tôi có bao nhiêu cỏ lùng để gấp rút nhổ nó lên, gom lại và đốt đi. Chúa kiên nhẫn chờ tôi làm việc này. Hãy làm ngay đi kẻo muộn...

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Lúa chín

Lúa chín bỏ không trên cánh đồng mênh mông. Đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt. Thực trạng này tạo nên nỗi nhức nhối khôn nguôi trong lòng Chúa Giêsu. Nhưng đấy có phải là nỗi nhức nhối thường xuyên của tôi không?

Truyền giáo là bản chất của của Kitô giáo và của mọi người tin yêu Chúa, vì phát xuất từ tình yêu thương. Yêu thì tha thiết chia sẻ, nhất là chia sẻ niềm tin và xác tín. Yêu thì không thể để mặc đối tượng yêu sống trong bóng tối, đói khát những của ăn thần linh, và ở trong nguy cơ bị trầm luân. Yêu Giêsu thì chung một tâm tư với Ngài, khôn nguôi khao khát các linh hồn, khao khát đến với những cánh đồng lúa chín bỏ không, những đàn chiên bơ vơ, đói khát, tan tác...

Hoạt động truyền giáo cũng chính là hoạt động mục vụ PR, những hoạt động giúp người ta phát hiện và yêu mến Giêsu bằng cách làm cho người ta trông thấy vẻ đẹp của dung nhan và tình yêu Giêsu. Dung nhan đẹp của tình yêu Giêsu nơi bản thân con, nơi gia đình con, nơi cộng đoàn Giáo Hội của con, đang toả sáng: này con xin truyền thông...

Truyền thông hay truyền giáo như vậy cũng là kể chuyện về Giêsu. Dùng mọi phương tiện và hoạt động truyền thông để kể chuyện về Ngài. Kể chuyện và mô tả dung nhan của Ngài. Mô tả tình yêu bao la mãnh liệt của Ngài. Thuật lại những điều tuyệt diệu Ngài đang làm cho tôi, trong tôi, trong mọi người, mọi cộng đoàn...

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Vác chõng

Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. Bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác chõng đi về nhà!" (Mt 9,6)

Vác chõng diễn tả chân đã khoẻ, sức lức đã hồi phục. Không còn bại liệt bất toại nữa.

Tự mình vác chõng, tự mình cáng đáng đời mình.

Chúa đến để tôi có thể đi trên đôi chân của tôi.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Lại mở ra

Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gioan." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.(Lk 1:63-64)

Gioan có nghĩa là "Thiên Chúa nhân từ". Khi Giacaria mốn con mình là hiện thân của Thiên Chúa nhân từ, miệng lưỡi ông lại mở ra, và nói được. Lời đầu tiên của ông là chúc tụng Thiên Chúa.

Người làm PR là người làm đẹp cuộc đời. Họ cảm nhận được vẻ đẹp này nơi bản thân, nơi thân chủ và nơi công chúng. Cần thấy vẻ đẹp này phát xuất từ đâu: từ lòng nhân từ của Chúa.

Lòng nhân từ bao la của Chúa làm cho cuộc đời mãi mãi tươi đẹp, bất chấp mọi trở ngại. Điều này làm Giacaria xúc động, thốt lên lời ngợi khen... Với lời ngợi khen này, ông trở nên nhân viên PR của Chúa.

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Như người môn đệ

Đức Chúa
là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng
như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời
nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng
Người đánh thức,
Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe
như một người môn đệ.
(Is 50,4)

Như người môn đệ, sáng sáng tôi được Người đánh thức, gọi dậy để lắng nghe Lời Người. Hạnh phúc biết bao!
Như người môn đệ, tôi được Người hướng dẫn dìu dắt để biết lựa lời nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức. Cao cả và vinh dự biết bao! Nhưng cũng là một thách đố khó khăn biết bao!
Giêsu đã làm như vậy. Và tôi cũng cùng làm như thế. Với Giêsu.

Gioan, Phêrô và Giuđa

"Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: 'Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?'...Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt." (Ga 13,23-26)


Gioan, Phêrô và Giuđa là ba khuôn mặt nằm trong chính bản thân của tôi.
Gioan tựa bên lòng Chúa, sau đó đã bỏ Chúa để chạy trốn. Phêrô, được Chúa trao chìa khoá Nước Trời, sau đó đã ba lần hèn nhát chối Chúa trước một phụ nữ tầm thường. Giuđa, được Chúa tín cẩn cho làm quản lý, lại bán Chúa.
Chúa vẫn thương họ. Sau những khủng hoảng, gặp lại Chúa Phục Sinh và đón nhận Thánh Thần, Gioan thành Thánh ký Tin Mừng, Phêrô thành Giáo hoàng đầu tiên. Chỉ có Giuđa, có lẽ đã không tin vào tình thương tha thứ của Chúa, treo cổ tự vẫn. Biết đâu, trước khi chết, Giuđa sực tỉnh và sám hối...

Tôi đã từng cận kề bên lòng Chúa, được Chúa tín cẩn trao những sứ mạng...
Và một cách nào đó, tôi cũng đã từng có chút nào đó bỏ Chúa, chối Chúa, bán Chúa. 
Và đây là điều tôi cần mang ra xét mình, không phải để nguyền rủa bản thân mình, nhưng là để vui mừng cảm nhận sâu xa tình thương bao dung của Chúa.
Chúa vẫn thương tôi đến tận cùng, vẫn cho tôi chung chia mọi sự với Chúa, sau khi ban ơn vớt tôi ra khỏi những khủng hoảng tâm linh của mình.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Đến để phục vụ

Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 
(Mt 20,27)
Ai cũng thích làm lớn. Chẳng ai muốn làm đầy tớ cả. 
Nhưng Chúa lại muốn thế. Vì Ngài yêu. 
Như mẹ yêu con thơ, 
phục vụ con mình còn hơn cả đầy tớ, hơn cả nô lệ của nó!
Tình càng lớn, phục vụ càng nhiều. 
Tình con nhỏ quá, nên con ngại phục vụ biết bao...

Gần bên trái tim Chúa nhiều hơn, nhiều hơn nữa... 
để con lây nhiễm được tình yêu phục vụ của Ngài. 
Và gần bên anh em con nhiều hơn nữa, 
để con biết được anh em con đang cần, 
đang cần lắm... một tấm lòng.


Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Dấu lạ

Con người ta có thông minh đến đâu đi nữa thì đầu óc của họ vẫn nhỏ xíu so với cả vũ trụ mênh mông bao la này. Vì có biết bao điều mới lạ mà con người chưa biết, biết bao điều kỳ thú mà con người chưa khám phá ra. Vì thế mỗi ngày đều có muôn điều mới lạ kỳ thú chờ đợi ta khám phá, thưởng thức. Và điều mới lạ kỳ thú nhất là chính bản thân Đức Giêsu, nguồn của vũ trụ tuyệt vời này. Đó cũng là nội dung Lời Chúa hôm nay.

Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ để tin. Chúa nói, sẽ chẳng ban cho họ dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giona. Chính bản thân Giona là dấu lạ cho thành Ninivê. Vào thời Các Vua, chính bản thân vua Salomon là dấu lạ khiến nữ hoàng phương nam phải đến chiêm ngắm. Và Chúa Giêsu nói: ở đây còn có người tuyệt diệu hơn cả Giôna và Salomon nữa. Kẻ ấy chính là Chúa Giêsu. Bản thân Ngài là dấu lạ tuyệt vời.

Mỗi sáng thức dậy, tôi rất vui vì bao dấu lạ, bao điều mới lạ kỳ thú đang chờ đợi tôi chiêm ngắm, thưởng thức. Và điều kỳ thú nhất tôi sẽ được thưởng thức là chính Chúa Giêsu. Tôi sẽ khám phá và thưởng những kỳ thú nhiều hơn về Giêsu trong Lời Chúa, trong Thịt Máu Chúa, trong sự hiện của Giêsu nơi thẳm sâu lòng tôi, nơi anh em tôi, nơi vũ trụ quanh tôi và nơi mọi biến cố vui buồn xẩy ra cho tôi hôm nay.

Xin Chúa cho con biết thưởng thức Giêsu mỗi ngày một nhiều hơn.

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Phục vụ

"Khách hàng là Thương Đế",
phải phục vụ Thượng Đế hết mình.
Đó là châm ngôn của các cửa hàng,
của kinh doanh.
Ước gì được như vậy!

Trong thực tế, không phải vậy!
Và nếu được như thế,
thì chỉ là vỏ bên ngoài.
Tự thâm tâm,
người ta tìm hết cách
để "móc hầu bao" của khách hàng Thượng Đế.
Chúa thì khác.
Khi Chúa nói:
"Con Người đến không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ" (Mc 10,45),
Chúa nói từ con tim
và từ cách sống yêu thương, hy sinh phục vụ của Chúa.
Chúa nói như thế với các môn đệ đang tranh dành địa vị.
Chúa nói như thế với con.
Và con phải làm sao, lạy Chúa?

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Cho người nghèo

"Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." (M 10,21)

Lợi lộc là điều người ta thường nghĩ tới đầu tiên trong mọi công việc. Công việc PR cũng thế: có lợi cho công ty mình, hoặc khá hơn, hai bên cùng có lợi, đấy là điều người ta nhắm tới.

Nhưng Chúa lại muốn điều đầu tiên tôi cần nghĩ đến trong mọi hoạt động là người nghèo, nghèo vật chất hoặc tinh thần. Chỉ khi nghĩ được như vậy, tôi mới là người đang đi theo Chúa, đang là môn đệ của Chúa, đang làm PR cho Chúa.

Và khi dám nghĩ đến người nghèo, dám từ bỏ để theo Chúa để phục vụ người nghèo, con sẽ được gấp trăm, và được sống vĩnh cửu (Mc 10,30). Dù đó là điều mình không nghĩ tới...

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Không quên bao giờ

"Xi-on từng nói: "ĐỨC CHÚA đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi! "
Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ." (Is 49,14-15)

Đôi khi con cảm thấy mình thật bất xứng, nên đứng xa xa, không dám tới gần Chúa. Nhưng có người mẹ nào muốn con cách xa mình. Có người mẹ nào không muốn ôm con vào lòng, dù nó có thế nào đi nữa? Ngay cả khi có những trường hợp như vậy, Chúa cũng không quên con bao giờ. Trái tim Chúa thổn thức, cánh tay Chúa giang rộng...

Và con mang hình ảnh của Chúa, con cũng phải có tấm lòng như thế với anh em. Đấy là trái tim PR.

Một trái tim PR như vậy mới đủ khả năng làm sáng nên hình ảnh của Chúa nơi bản thân và nơi cộng đoàn của mình.

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Dung nhan tình yêu

Dung nhan tình yêu đích thực được nhận ra từ lòng bao dung tha thứ, từ sự hy sinh cho chính kẻ thù của mình.

Đây là điều vô cùng khó thực hiện. Nhưng đấy mới là một tình yêu tinh ròng, yêu vì là tình yêu, chứ không phải vì đối tượng. Nếu đối tượng xử tốt, tôi mới yêu, thì đấy là mua bán đổi chác rồi.

Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5,45). Đấy là dung mạo của Cha trên trời, và Giêsu đã có khuôn mặt thánh thiện đích thực ấy, đặc biệt trên thập giá - khi ngài bênh vực cho những kẻ tra tấn và đóng đinh Ngài: Xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết. Tội lỗi vẫn cứ phải đền bù, phải tránh xa, nhưng tội nhân thì luôn được tha thứ nếu biết quay trở về.

Con vẫn bộc lộ sự khó chịu đối với người con không ưa. Đôi khi con cũng coi bản thân mình như kẻ thù: chán ngán bản thân, bực bội nguyền rủa bản thân! Khuôn mặt của con những lúc đó không phải là dung mạo của tình yêu. Sự bực bội, khó chịu, chán nản, thất vọng đã bóp méo dung mạo đích thực của Chúa và của con...

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Dấu lạ

Dấu lạ luôn có trước mặt tôi, chung quanh tôi: tia nắng sớm, đoá hoa xinh, chiếc lá rung rinh, nụ cười thắm, ánh mắt lung linh... Những nét đẹp này ẩn giấu phía sau chúng một tình yêu toàn năng, một tình yêu chăm sóc ân cần tinh tế đến khôn lường...

Vậy thì có cần hạch hỏi Chúa những điềm thiêng dấu lạ trên trời chăng khi ngày nào của con cũng thấm đẫm tình yêu tuyệt diệu như ngày Valentine lãng mạn?

Khi con cứ nhắm mắt lại trước những nét đẹp hằng ngày, con sẽ không thể thấy được những dấu lạ của tình yêu Chúa, không thấy được dấu lạ vô cùng tuyệt vời là chính hình ảnh đẹp bất tận của Chúa nơi con. Và nơi người khác. Cặp mắt PR phải thấy được hình ảnh tuyệt vời này, để diễn tả và thông truyền...