Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm mục vụ đảo Lampedusa, cực nam Italia, sáng ngày 8-7-2013 vừa qua. Đây cũng là chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của Đức Thánh Cha ở Italia, ngoài Roma. Và đây cũng là sự kiện đầu tiên trong lịch sử, một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm Lampedusa.
Đức Thánh Cha cho biết mục đích ngài đến đảo này để tưởng niệm những thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả trên đường đi tìm cuộc sống; gặp gỡ những người di dân, và cử hành thánh lễ cho các tín hữu địa phương. Qua cuộc viếng thăm này, Đức Thánh Cha cũng muốn thức tỉnh lương tâm của nhiều người trên thế giới, đặc biệt là các giới hữu trách, về thảm trạng người di dân và tị nạn. (http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20130709/22305)
Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. 38 Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa". (Mt 9,36-37)
Niềm vui an ủi, thập giá Đức Kitô và lời cầu nguyện
Đức Thánh Cha nói: sứ mạng rao truyền Tin Mừng của chúng ta bắt đầu từ đâu? Các điểm tham chiếu của sứ mạng Kitô giáo là gì? Thưa từ 3 điểm: niềm vui an ủi, thập giá Đức Kitô và lời cầu nguyện.
Điểm tham chiếu thứ nhất là niềm vui an ủi. Tiên tri Isaia được sai đến với những thông điệp của niềm vui và bình an đến cho dân đang sống nơi lưu đày. Những đau khổ mà họ gánh chịu hiện nay sẽ không còn nữa bởi vì Thiên Chúa yêu thương, đoái nhìn đến họ. Đó là một lời mời tuyệt vời để mọi người vui lên. Tại sao? Vì lý do gì? Như mẹ hiền an ủi con thơ, Chúa sẽ an ủi dân Người như vậy. Thiên Chúa sẽ đem họ trở về Giêrusalem. Thành thánh sẽ trở nên như người mẹ hiền ấp ủ, bồng ẵm, nuôi dưỡng con cái bằng chính dòng sữa mẹ.
Mọi Kitô hữu, đặc biệt là các bạn và tôi, chúng ta được gọi là người mang sứ điệp hy vọng, sự thanh thản, niềm vui, và sự dịu hiền của Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng trước hết chúng ta phải là những người được Chúa an ủi, được Chúa yêu thương, sau đó chúng ta mới có thể mang lại niềm vui, tình yêu thương cho người khác. Điều này rất quan trọng để sứ mạng của chúng ta được kết quả.
Điểm tham chiếu thứ hai là Thập Giá Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Galata: ”Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Và thánh Phaolô nhắc đến các dấu tích Chúa Giêsu bị đóng đinh như là dấu ấn đặc biệt trong cuộc sống của người Tông Đồ. Trong sứ vụ của mình, thánh Phaolô đã trải qua những khổ đau, yếu đuối và thất bại..., nhưng vẫn thấy vui mừng và an ủi. Đây là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu: mầu chiệm của sự chết và sự sống lại. Chính việc để cho mình được nên đồng hình đồng dạng với cái chết của Chúa Giêsu khiến cho thánh Phaolô được tham dự vào sự phục sinh và chiến thắng của Chúa. Trong giờ phút của đen tối và thử thách, ánh sáng bình minh và sự cứu rỗi đã hiện diện và hoạt động. Mầu nhiệm vượt qua chính là trái tim của sứ mạng của Giáo Hội! Và nếu chúng ta sống mầu nhiệm đó, chúng ta sẽ được che chở khỏi quan niệm trần thế, cũng như tránh khỏi sự chán nản, ngã lòng có thể nảy sinh trước những thử thách và thất bại.
Thành quả của việc rao giảng Tin Mừng không được đo bằng sự thành công hay thất bại theo các tiêu chí đánh giá của con người, nhưng bằng cách trở nên giống với logic của Thập Giá của Chúa Giêsu, đó là logic của việc ra khỏi chính mình và làm tiêu hao chính mình. Logic của tình yêu. Thập Giá luôn luôn hiện diện với Đức Kitô - bảo đảm thành quả của sứ mạng của chúng ta. Và từ Thập Giá, hành động tối cao của lòng thương xót và tình yêu, mà chúng ta sẽ được tái sinh như "thụ tạo mới" (x. Gl 6,15).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét