Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc 14,11)
Cô gái Nhật tình nguyện chăm bệnh nhân Việt
Nụ cười niềm nở, thái độ ân cần của Ahshiro Atsuko luôn khiến bệnh nhân Việt an tâm, vui vẻ.
Sinh ra ở thành phố Okinawa (Nhật Bản), bố là bác sĩ bệnh viện Amy, nhưng Atsuko khao khát được đến những vùng đất mới để phục vụ. “Tôi nghe nói rất nhiều về người Việt Nam hiền lành, trung thực và mến khách. Tôi muốn đến một đất nước như vậy để cống hiến và được học nhiều hơn nữa”, Atsuko tâm sự.
Tháng 4, Atsuko cùng 10 tình nguyện viên khác của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đến Việt Nam với tư cách thiện nguyện viên. Với tấm bằng cử nhân điều dưỡng, cùng 5 năm kinh nghiệm, cô được phân về khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Cô y tá người Nhật nhỏ bé mà nhanh nhẹn, nhiệt tình nhanh chóng chiếm được cảm tình của bệnh nhân và người nhà, đồng nghiệp sau 6 tháng làm việc. Có người mến cô, mang tặng những món quà quê dân dã. Có cụ già đang trong giai đoạn điều trị hỗ trợ bằng máy thở, cảm động trước cô y tá tận tâm, bà đã rút máy thở trong phút chốc để trao cô nụ cười cảm mến, biết ơn khiến Atsuko xúc động. “Thật hiếm thấy một tình nguyện viên năng nổ, nhiệt tình lại khiêm tốn và hòa nhã như Atsuko. Thái độ làm việc cần mẫn và nghiêm túc, nhiệt tâm và rất bài bản của cô khiến cho đồng nghiệp rất yêu mến và nể phục”, BS. Nguyễn Đức Lư, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, nói.
Muốn được làm nhiều hơn nữa
“Bệnh nhân quá đông trong khi y tá không nhiều. Mình cảm giác có lỗi khi để người bệnh phải chờ đợi. Mình muốn làm được nhiều hơn nữa nhưng tiếc rằng không thể có thêm nhiều thời gian hơn cho mỗi ngày”, Atsuko nói.
Nói về quê hương, cô bùi ngùi nhắc lại thảm họa động đất, sóng thần hồi đầu tháng 3. Cô nói, sự sẻ chia và tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam và nhiều nước đã giúp Nhật Bản vượt qua hoạn nạn. Với Atsuko, đó là dịp thấm thía hơn bài học về tình yêu thương con người.
Ngày làm việc kết thúc lúc 17giờ, nhưng Atsuko có thói quen nán lại để dọn dẹp mọi thứ ngăn nắp. Và cũng để có nhiều cơ hội trò chuyện với bệnh nhân hơn. Với cô, hiểu và cảm thông hoàn cảnh của bệnh nhân cũng là liệu pháp tư tưởng, giúp họ mau lành bệnh. Về đến phòng nghỉ khi trời đã tối, Atsuko lại học tiếng Việt. Cô xem truyền hình Việt Nam và nói chuyện với chủ nhà, hàng xóm.
http://thaythuocvietnam.vn/vn/Co-gai-Nhat-tinh-nguyen-cham-benh-nhan-Viet-c1191-Co-gai-Nhat-tinh-nguyen-cham-benh-nhan-Viet-n3946
"Nguyện cho con ơn khôn khoan, lắng nghe, luôn cảm thông. Cho con trưởng thành và khiêm nhu nhiệt thành, nhiều sáng kiến để con tim luôn rộng mở."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét