Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Sống với nụ cười của cái chết

Tôi thường nghĩ: Ai biết sống với nụ cười của cái chết, sẽ có một cuộc sống đẹp. Sống đẹp: vì luôn hướng tới cái chết như một nụ cười xinh. Và chết sẽ là một nụ cười xinh, khi là đỉnh điểm của một cuộc sống đẹp.

Khi nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá, tôi thấy nỗi đau của Ngài thật khủng khiếp. Chỉ có là gỗ đá mới không đau lòng và xúc động trước một tình yêu tự hiến vĩ đại như thế. Nhưng khi nghĩ về một tình yêu tự hiến, một câu hỏi thỉnh thoảng xuất hiện trong đầu tôi: Phải chăng trên thánh giá, khuôn mặt của Chúa chỉ có thương đau? Tôi có thể tìm thấy nụ cười của Ngài trên đó không, cho dù - trong cơn đau dữ dội của thân xác - những nụ cười ấy có lẽ chỉ thể hiện được cách nhẹ nhàng nơi ánh mắt, khóe môi?

Tôi đọc lại 7 lời sau cùng của Đức Giêsu trên đỉnh cao thập tự, để tìm ra những nụ cười của một cái chết đẹp nhất trần gian, đẹp nhất lịch sử loài người:
1. Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34)
2. Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trên thiên đàng (Lc 23,43)
3. Thưa Bà, đó là con Bà - Đây là Mẹ của con (Ga 19,26-27)
4. Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người bỏ con? (Mt 27,46; Mc 15,34)
5. Ta khát (Ga 19,28)
6. Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19,30)
7. Cha ơi, Con phó linh hồn của con trong tay Cha (Lc 23,46)

Lời thứ 6 và thứ 7 của Đức Kitô trên thánh giá chắc chắn phải là hai nụ cười mãn nguyện vì đã cứu độ được nhân loại sau những đớn đau khủng khiếp: "Mọi sự đã hoàn tất rồi. Cha ơi, Con phó linh hồn của con trong tay Cha". Không vui sao được khi một công trình vĩ đại nhất lịch sử hoàn vũ đã hoàn thành cách tuyệt mỹ?

Lời thứ 2 và thứ 3 của Chúa Giêsu bị đóng đinh hẳn phải kèm theo nụ cười hiền hậu gửi đến cho người trộm lành: "Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trên thiên đàng", và nụ cười thân thương động viên gửi đến Mẹ Maria cùng với Thánh Gioan đang tan nát cõi lòng: "Thưa Bà, đó là con Bà - Đây là Mẹ của con". Những nụ cười giao cảm giữa bao ác cảm của những kẻ đang thóa mạ Ngài!

Lời thứ nhất của Đấng Cứu Thế trên đồi Sọ phải chăng là một nụ cười nhẹ nhàng khoan dung hướng về những người đã lên án, đóng đinh và đang không ngừng chế diễu Chúa: "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm" ?

Lời thứ 4 của Ngôi Lời nhập thể trên cây thập tự chắc hẳn cũng kèm theo nụ cười yêu thương tha thiết - như đóa quỳnh nở ra trong đêm tối của tận cùng cô đơn - hướng về Ngôi Cha vô cùng yêu dấu: "Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, sao Người bỏ con?"

Và lời thứ 5 của Giêsu Nadarét trên đỉnh Canvê hẳn cũng là một nụ cười thương cảm và đồng cảm với những con người đang trầm luân đau đớn: "Con đang khát ư? Ta cũng vậy, Ta đang khát lắm đấy, con biết không?"

Dù đang ở trong tận cùng đau đớn, bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu - trước khi Ngài chết trên thập giá - phải chăng chính là bảy nụ cười đẹp của giờ chết, kết tinh của cung cách sống rất đẹp, thể hiện trong suốt cuộc đời tuyệt đẹp của Chúa?

Lời Chúa hôm nay nói về giờ chết, giờ Con Người đến phán xét: "Các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Lc 12,40).

Hãy sẵn sàng cho giờ Con Người đến: chính là luôn sống với nụ cười của cái chết. Nụ cười xinh mà ta muốn nở được trên môi trong giờ chết - khi ra trước tòa phán xét của Chúa - sẽ thúc đẩy ta luôn biết sống đẹp. Sống đẹp để dẫn đến một cái chết đẹp như cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, chết với những nụ cười đẹp bất chấp mọi đớn đau, những nụ cười mang lại hạnh phúc vĩnh cửu cho bản thân và mọi người.

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Hạt lúa mì

Hannah Smith

Bị quấy rối trên mạng, cô gái 14 tuổi treo cổ tự tử

Cha của nạn nhân Hannah Smith, 14 tuổi, cho biết cô bé đã nhận được khoảng 10 tin nhắn quấy rối trên trang xã hội ask.fm khiến em phải treo cổ tự tử tại nhà vào ngày 2-8.

Thủ tướng Anh David Cameron hôm 8-8 kêu gọi tẩy chay các trang mạng xã hội "hèn hạ" đã gây ra cái chết thương tâm của một cô gái trẻ bị quấy rối trên Internet.

Hannah Smith không phải là nạn nhân duy nhất mà là người thứ tư chết trong vòng một năm khi tham gia trang ask.fm (Tuổi Trẻ Online)
Câu chuyện thương tâm trên cho thấy các bậc phụ huynh cần biết những cách đối phó với những gây rối trên mạng internet để hướng dẫn con cái khỏi rơi vào hoàn cảnh như Hannah Smith. Tuy nhiên, điều muốn gợi lên để suy nghĩ nhiều hơn ở đây là: Còn có biết bao nhiêu người khác đã trở thành nạn nhân của các mạng xã hội xấu mà không hay. Tâm hồn họ trở thành nhơ nhớp, ứng xử của họ trở nên lệch lạc, linh hồn họ đã chết rồi mà chính họ cũng không biết. Những trang mạng xấu đầy dẫy trên thế giới ảo làm cho người xem mất cảm thức về tội, hủy diệt lương tâm, phá hỏng nền tảng và bản chất gia đình, ảnh hưởng tồi tệ trên xã hội hôm nay.

Những nhà truyền thông công giáo hẳn thấy được thực trạng đau lòng này và biết mình cần làm gì với sứ mạng truyền thông trong thế giới hiện đại.

Hiểu rằng thế giới internet là nơi mà ngày nay con người không thể không tham gia, nhiều người hằng ngày suy niệm Lời Chúa, và đưa những suy niệm đó lên mạng xã hội với ý thức: chính Lời Chúa có sức mạnh giúp họ đững vững trên thế giới ảo, đồng thời chiếu ánh sáng đẩy lui dần sức mạnh của bóng tối hôi hám dày đặc đang tung hoành trên thế giới internet. Đây là một nỗ lực giữa bao nhiêu hoạt động của những người thiện chí đang cố gắng làm cho "thế giới ảo" được sạch đẹp hơn.

Hy sinh 15 phút cầu nguyện với Lời Chúa đưa lên mạng mỗi ngày - một việc xem ra rất đơn giản mà ai cũng làm được - có thể là một ví dụ điển hình trong việc góp phần làm cho mạng xã hội của internet không những bớt phần đen tối mà còn trở thành "cửa vào sự thật và đức Tin, những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng" (Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47).

Tuy nhiên, dành dụm 15 phút mỗi ngày để đưa lên mạng một câu Lời Chúa cùng với một lời cầu nguyện nóng bỏng thôi, việc này cũng đòi hỏi những hy sinh nhất định. Nhưng "nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt" (Ga 12,24).

Xin giúp con dám hy sinh chút ít thời gian mở lòng cho Lời Chúa biến đổi con từng ngày và trở thành hạt lúa mì gieo vào lòng đất "ảo và thật" của thế giới hôm nay.

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Ích lợi chi?

Va chạm nhẹ, đâm chết người

Anh Lê Mạnh Đạt điều khiển xe gắn máy mang số BKS 51H4-2983 lưu thông tới giao lộ đường Ngô Quyền và 3 tháng 2 (quận 10) đã xảy ra va chạm với xe máy mang số BKS 52N1-7330 do một thanh niên điều khiển. Sau va quẹt nhẹ, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn và lớn tiếng với nhau.

Nhiều người đi đường đã can ngăn nhưng không thành. Khi thấy người thanh niên không xin lỗi mà lên xe chạy, anh Đạt phóng xe đuổi theo. Đến hẻm 272 Nguyễn Tiểu La (phường 8, quận 10) hai bên lao vào đánh nhau. Anh Đạt bị người thanh niên dùng vật nhọn đâm và gục ngã tại chỗ. Sau khi gây án, người thanh niên đã bỏ xe lại chạy khỏi hiện trường. (Báo Mới)


Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? (Mt 16,26). Thỏa mãn tự ái một chút rồi bị đâm chết hay bị truy nã, tù đầy nhục nhã thì ích lợi chi?


Nhiều diễn viên Hàn Quốc tự tử vì áp lực

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có số người tự tử cao nhất thế giới. Cứ trong 100.000 người Hàn có tới 21,5 người tự vẫn. Đặc biệt là trong giới giải trí khi áp lực của việc làm người nổi tiếng đè nặng lên các sao.

Trong những năm qua, có không ít những sao Hàn đã tìm đến cái chết để giải thoát mình khỏi những áp lực của cuộc sống. Đó là những cái tên như Choi Jin Sil, Park Jong Ha, Ahn Jae Hwan, Chae Dong Ha, Kim Chu Ryun… khiến làng giải trí Hàn Quốc rúng động và lấy đi biết bao nước mắt của người hâm mộ. (VOV)



Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? (Mt 16,26). Giàu có, xinh đẹp nhưng rồi tự giết mình vì không chịu nổi những áp lực thì ích lợi chi?

Giác ngộ

"Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"... Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của người đồng loại.

Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.

Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.

Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn. (Lẽ Sống)


"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. (Mt 16,24-25)

Xin cho con biết ra khỏi bản thân để quan tâm sống cho người khác. Chỉ như thế con mới có cuộc sống tươi đẹp và phong phú.

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

An toàn


Tại hội nghị bảo mật DEF CON lần thứ 21 vừa diễn ra tại Las Vegas, các chuyên gia bảo mật đã trình diễn những kỹ thuật để vô hiệu hóa Kwikset Smartkey - loại ổ khóa từng được cho là an toàn nhất thế giới.

...Tobias cho biết khi phát hiện cách khuất phục Kwikset Smartkey, ông đã đệ đơn khiếu nại nhà sản xuất từ 2 năm trước nhưng bất thành. Nhà sản xuất Kwikset Smartkey vẫn tích cực quảng cáo và khiến mọi người dùng tin rằng đây là loại khóa “bất khả xâm phạm”.

Tại DEF CON, Marc Weber Tobias và Toby Bluzmanis đã trình diễn đến 6 cách để mở một chiếc Kwikset Smartkey trong khoảng thời gian từ 15-30 giây mà không để lại dấu vết gì trên ổ khóa và rãnh khóa. (Tuổi Trẻ online)


Trên thế gian, chẳng có cái gì là an toàn vĩnh viễn để có thể an tâm cậy dựa mãi mãi, vì mọi sự đều là thụ tạo, đầy giới hạn, nay còn mai mất. Chỉ một mình Thiên Chúa tối cao toàn năng mới là điểm tựa an toàn vĩnh cửu của tôi. Vì thế cần đi theo Chúa. Mà để theo Chúa thì cần phải biết Chúa là ai:

Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16,15-16)

Theo Đức Kitô xem ra là đi vào sự bấp bênh tột cùng:

Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mt 16,21-23)

Nhưng thập giá Đức Kitô chính là chìa khóa mở được cánh cửa thiên đàng, nơi có hạnh phúc tột đỉnh và an toàn mãi mãi.

Jesus' Loneliness

When Jesus came close to his death, he no longer could experience God's presence. He cried out: "My God, my God, why have you forsaken me?" (Matthew 27:47). Still in love he held on to the truth that God was with him and said: "Father, into your hands I commit my spirit" (Luke 23:46).

The loneliness of the cross led Jesus to the resurrection. As we grow older we are often invited by Jesus to follow him into this loneliness, the loneliness in which God is too close to be experienced by our limited hearts and minds. When this happens, let us pray for the grace to surrender our spirits to God as Jesus did.


(Nouwen M)

Ngay trong những lúc cô đơn hoang mang trong đêm tối, xin cho con thấy đó là cơ hội để chia sẻ nỗi cô đơn của chính Chúa Giêsu, để gần Chúa hơn, từ đó cũng cảm nhận được sự an tòan trong nỗi bấp bênh nhỏ bé của bản thân.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Tiền

Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của con người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khoẻ tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cái cân công lý, là đồng chí thân thương, là đồng hương thân cận, là thời vận thanh xuân, là vui mừng phấn khởi....

Người ta nói với nhau như thế về sức hút vô cùng mãnh liệt của tiền bạc. Để có tiền, người ta dám làm mọi sự, kể cả những tội ác khủng khiếp nhất.

Tuy nhiên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh cáo:

"Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu."

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi." Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".

(Lc 12,15-21)

Trong Đại hội Giới Trẻ Thế Giới 2013, ĐTC Phanxicô nhận định:

"Đúng là hiện nay, ở một mức độ nào đó, tất cả mọi người, kể cả những người trẻ của chúng ta, cảm thấy bị thu hút bởi nhiều thần tượng đã chiếm lấy địa vị của Thiên Chúa và có vẻ như cống hiến cho họ niềm hy vọng: đó là tiền bạc, thành công, sức mạnh, khoái lạc. Thường thì một cảm giác cô đơn và trống rỗng cứ mãi gia tăng trong tim nhiều người đã khiến họ đi tìm kiếm sự thỏa mãn trong những thần tượng chóng qua. 

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy là ánh sáng của niềm hy vọng! Hãy duy trì quan điểm tích cực trên các thực tại. Hãy cổ võ sự quảng đại là tiêu biểu của giới trẻ và giúp họ tích cực làm việc để xây dựng một thế giới tốt hơn. Giới trẻ là một động lực mạnh mẽ cho Giáo hội và xã hội. Họ không chỉ cần những thứ vật chất, nhưng trên hết, họ cũng cần phải được giữ gìn trên những giá trị phi vật chất - là con tim thiêng liêng của một dân tộc, là ký ức của một dân tộc. Trong đền thánh này - được coi là một phần ký ức của Brasil - chúng ta gần như có thể đọc các giá trị đó: tâm linh, lòng quảng đại, sự liên đới, tính kiên trì, tình huynh đệ, niềm hân hoan; đấy là những giá trị mà gốc rễ sâu xa nhất của chúng nằm trong đức tin Kitô giáo."



Xin giúp con thoát khỏi nanh vuốt của thần tượng tiền bạc chóng qua, biết sử dụng nó chỉ như một phương tiện phục vụ cho hạnh phúc lâu bền là chính Chúa. Xin dạy con biết tiêu xài tiền bạc theo tiêu chuẩn của Tin Mừng, hầu xây dựng được một xã hội công bằng, bình an và đầy tình huynh đệ.

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Về quê

"Khi nói về bầu không khí gia đình, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Hôm nay, trong ngày lễ kính Thánh Gioakim và Anna này ở Brasil cũng như ở nhiều nước khác, chúng ta mừng lễ ông bà. Đời sống gia đình quan trọng biết bao trong việc truyền lại di sản nhân bản và đức tin, là điều thiết yếu cho tất cả mọi xã hội! Cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ, đặc biệt là trong gia đình, quan trọng biết bao. Tài Liệu Aparecida nhắc nhở chúng ta: “Các trẻ em và các bậc lão thành xây dựng tương lai của quốc gia, bởi vì các em sẽ mang theo mình những câu chuyện mà những vị cao niên truyền lại để có được kinh nghiệm và sự khôn ngoan của đời sống” (số 447). Mối tương quan này, cuộc đối thoại giữa các thế hệ này là một kho tàng mà chúng ta phải bảo toàn và nuôi dưỡng! 

Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới này, những người trẻ muốn chào hỏi ông bà. Chào hỏi các ngài với hết lòng kính yêu. Thưa ông bà, chúng con chào ông bà. Các em, những người trẻ, chào hỏi ông bà với lòng kính yêu và cảm ơn các ngài vì chứng tá về sự khôn ngoan mà các ngài liên tục ban cho chúng ta."

(Một ngày chỉ dành cho Giới Trẻ)

Thật là ấm cúng khi ĐTC nhắc giới trẻ chào hỏi ông bà cha mẹ ngay trong Đại hội Giới Trẻ thế giới.
Khi Đức Giêsu vê quê Nadarét, người ta cũng nhắc đến song thân và thân nhân của Chúa Giêsu:

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? (Mt 13,44-45)

Xin cho mọi Kitô hữu luôn cố gắng làm cho hơi ấm gia đình tỏa lan được tình Chúa. Xin cho người thân của con luôn an mạnh. Amen.