Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Cầu nguyện

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. (Mc 1, 32-36)
Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. (Lc 9,18) 

Cầu nguyện là nhu cầu mỗi ngày của Thầy Giêsu. Bận bịu suốt ngày, nhưng Thầy không quên dậy sớm, đến nơi thanh vắng cầu nguyện. "Cầu nguyện cũng chính là một việc mục vụ. Lúc hết sức bận bịu chính là lúc cần cầu nguyện hơn bao giờ hết" (ĐTC. Bênêđictô). Càng làm mục vụ, càng cần cầu nguyện. Càng cầu nguyện, càng thấy mình sẵn sàng cho việc mục vụ.

Cầu nguyện đơn giản là dành giờ cho Chúa, sống một mình với Chúa, hỏi ý Chúa trước khi quyết định bất cứ việc gì. Chính nhờ cầu nguyện mà linh mục có khả năng khám phá ý Chúa trong những lúc tối tăm, đọc thấy ý Chúa giữa những xáo trộn và biến động, nhờ đó có thể truyền đạt ý Chúa cho giáo dân.

Cầu nguyện là lắng nghe tiếng Chúa như Maria ngồi dưới chân Chúa. Ngồi nghe không phải là thụ động vì sẽ phải đem ra thực hành. Vì thế, cầu nguyện có khi là một cuộc chiến đấu ác liệt vì có sự giằng co giữa ý Chúa và ý riêng mình (Chúa đổ mồ hôi máu trong vườn cây dầu). Và cũng nhờ thế, cầu nguyện giúp người ta thắng cám dỗ và trừ được quỷ.

Xin dạy con biết siêng năng cầu nguyện để nhờ đó con tìm được ánh sáng mới cho lời rao giảng, sốt sắng cử hành bí tích, giữ được sự bình tĩnh, điềm đạm, vui tươi, dám hy sinh, cũng như có thể sống vui, sống khỏe và sống lâu (nếu Chúa muốn)!
(Tóm ý Bài Giảng phòng cho nhóm linh mục cao niên chiều 20.8.2013)


Siêu thoát

Có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! "Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?"Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện. (Lc 13,10-17)

"Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?"
Người phụ nữ được "cởi xiềng xích", đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. Trước đó, suốt mười tám năm, lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Bà bị "trói buộc xiềng xích" suốt 18 năm.

Ở trên đời có những sự xem ra là tốt đẹp, nhưng khi con dính bén và gắn chặt vào chúng, chúng sẽ trói buộc xiềng xích con lại, khiến con còng lưng, úp mặt xuống để chỉ thấy sự thấp hèn, không còn ngẩng lên để thấy được Thiên Chúa và trời cao. Đấy là:
- Của cải vật chất: tiền bạc, tiện nghi, cơ sở, sự an toàn...
- Của cải tinh thần: tiếng tăm, uy tín, địa vị, chức vụ, tài năng, thành công...
- Của cải thiêng liêng: ơn riêng Chúa ban khi làm mục vụ, nhân đức...
- Cá tính: sở thích, ước mơ, đam mê, lối nghĩ, lối đánh giá, thói quen, khuynh hướng, tương lai, kỷ niệm, ý riêng...

Tất cả những thứ trên đều có thể được gọi là của cải, những thứ con sở hữu. Cho dù xem ra chúng rất hữu ích, con cũng phải giữ được một khoảng cách với chúng, nếu không muốn bị chúng "trói buộc xiềng xích" lại.
Xin cho con chỉ ước muốn và lựa chọn những gì dẫn đưa con tới cùng đích của con là chính Chúa.

(Tóm ý Bài Giảng phòng cho nhóm linh mục cao niên sáng 20.8.2013)



Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Tự do

Thường xuyên bị trói buộc bởi sự ích kỷ, kiêu ngạo, con không thể bay cao trong bầu trời của tình yêu để phát huy toàn diện con người đích thực của con trong Thiên Chúa. Xin giúp con suy nghĩ nhiều hơn lời của Đức Giêsu nói với người thanh niên giàu có:

"Hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta." (Mt 19,21)

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Truyền lửa hôm nay



Tại sao tôi lại phải ra đi đến tận cùng thế giới - như Lời Chúa Giêsu dạy - để rao giảng Tin Mừng (Mt 28,19) khi có vẻ như người ta chẳng cần đến Đức Giêsu cũng sống hạnh phúc?

Thưa bởi vì tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người sự phong phú vô biên của tình yêu và niềm hy vọng, sự dồi dào bất tận của niềm vui và bình an mà Chúa Giêsu đã mang đến cho tôi và cho mọi người.

Tôi nhớ đến những chia sẻ của Nick Vujicic, một người không tay không chân nhưng lại rất hạnh phúc. Sau khi phát hiện ra sứ mạng của mình là đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng cùng với sự tật nguyền của mình, chỉ trong vòng 7 năm, anh đã giảng thuyết về Đức Giêsu và sự tốt lành của Đức Chúa Trời khoảng 2000 lần nơi 44 quốc gia (xem video clip "Kế hoạch kỳ diệu của Chúa dành cho Nick"). Và Nick vẫn còn tiếp tục như thế trong những năm kế tiếp. Nick đã đến Việt Nam và nói về Chúa cùng với thiên đàng của Ngài một cách hết sức thú vị tại sân vận động Mỹ Đình tối 23.5.2013 (xem video clip "Nick Vujicic nói về đức tin nơi Đức Chúa Trời tại sân vận động Mỹ Đình").

Vâng, Nick là lời nhắc nhở khiến tôi - hơn bao giờ hết - ao ước "công bố kho báu khôn dò của Chúa Kitô" dành cho mọi người, và "bộc lộ những hoạt động mầu nhiệm của Thiên Chúa, tác giả của mọi điều kỳ diệu" hằng muốn thực hiện cho từng người (xem Eph 3:8-9). Những điều kỳ diệu này vượt xa những gì con người có thể tưởng tượng được, giúp họ vượt qua mọi thử thách để đi vào sự phong phú khôn lường của Thiên Chúa ngay từ bây giờ.

Những gì tôi đã nhận được thực là quá đẹp, quá phong phú đến nỗi đã trở thành ngọn lửa khiến tôi không thể giữ nó cho chính mình mà cảm thấy bắt buộc phải mang nó đến cho từng người trên trái đất.

Ngọn lửa này trước hết chính là ngọn lửa hằng hừng hực cháy trong tim Đức Giêsu khi Ngài phán: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên." (Lc 12,49)

Xin cho ngọn lửa ấy hằng cháy lớn hơn trong con, khi con cố gắng lắng nghe lời tình yêu của Chúa mỗi ngày để đi vào cuộc sống thân mật với Chúa.

Xin cho con biết cùng Chúa làm cho ngọn lửa này cháy lên trong tim mọi người. Cám ơn Chúa đã cho thời đại chúng con nhiều công cụ có thể dùng để truyền lửa của Chúa đến với nhiều người trên thế giới, đặc biệt là mạng xã hội. Con có thể "đi đến tận cùng thế giới" để loan báo Tin Mừng một cách khá dễ dàng nhờ việc chia sẻ sứ điệp tình thương của Chúa trên mạng xã hội của internet. Xin cho con biết trung thành với công việc này mỗi ngày.

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Bé khóc


"Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng." (Mt 19,14)

Vì lỗi của người lớn mà nhiều trẻ nhỏ không có được cuộc sống an lành, quân bình, không thể đến được với Chúa là nguồn hạnh phúc.  Những gương xấu, những kiểu hưởng thụ, thỏa mãn ý muốn và dục vọng của người lớn bất chấp quyền lợi của trẻ em như làm ô nhiễm môi trường, ly dị, hôn nhân đồng tính... đã đẩy trẻ em rơi vào sự khốn cùng ngay từ lúc mới là bào thai. Rồi bao nhiêu cảnh hành hạ, lạm dụng, đày đọa, buôn bán thiếu nhi... đã biến thế gian thành hỏa ngục cho các em.

Câu chuyện một trẻ bé nuốt phải ốc vít là hình ảnh của thiếu nhi ngày nay. Cần phải tháo gỡ bao nhiêu ốc vít như thế cho các trẻ nhỏ ở khắp nơi có thể sống và thở được cách thanh thản trong thế giới hiện đại?

Con làm được gì cho "các thiên thần thơ bé" đang bị giày xéo, lạy Chúa?

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Chung thủy

Jonny là một em trai 15 tuổi. Em đã bắt đầu thay đổi cách sống và lối sống khoảng chừng 6 tháng trở lại. Ðầu óc bù xù, áo quần chim cò, và em đòi xỏ tai, xỏ lưỡi, xỏ rún, xâm mình. Em trở nên lỗ mãng, mất dậy, và vô lễ đối với mẹ em. Em đòi hỏi đủ điều và nếu mẹ em không làm hài lòng em, em liền nổi cơn thịnh nộ và nói năng vô lễ với mẹ. Em không còn là đứa trẻ dễ thương như chỉ 6 tháng trước đó. Ðiểm học của em xuống dốc cách thê thảm. Em đi sớm, về khuya và giao du với những bạn bè cùng hoàn cảnh với em. Tóm lại, em là một đứa trẻ hoàn toàn khác, hoàn toàn đổi mới!

Tuy không vâng lời mẹ, nhưng vì ở với người “cha kế” người Mỹ to con, mạnh mẽ và điều này có thể là một lý do khiến Johnny còn nghe ông đôi chút. Nhưng những bất đồng về quan niệm giáo dục, văn hóa của ông lại không làm cho mẹ em khỏi băn khoăn và lo lắng cho đứa con trai duy nhất mà bà đã cưng chiều từ hồi còn thơ trẻ. (Nguồn: Gia đình Nadareth)


Không thể kể hết những hậu quả thê thảm của ly dị trên con cái. Tất cả là do sự thiếu chung thủy trong tình yêu của bố mẹ với nhau. Khi tình yêu cha mẹ tan vỡ, lấy gì bù đắp được cho mọi đứa con sống trên nền tảng tình yêu của cha mẹ?

"Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." Họ thưa với Người: "Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?" Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu."
(Mt 19,4-8) 


Sự chung thủy giữa người với người chỉ có được khi người ta biết chung thủy với Chúa trước. Nên đời sống cầu nguyện của cá nhân cũng như của gia đình là hết sức quan trọng.


Xin Chúa cho con biết chung thủy trong đời cầu nguyện để con có thể chung thành trong mọi mối quan hệ với tha nhân.