Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Dửng dưng

“Chúng ta hãy quan tâm đến nhau, để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành” (Dt 10,24)

Đừng tỏ ra như người xa lạ, dửng dưng về số phận anh chị em mình. Hãy chăm chú nhìn người khác, trước tiên là nhìn Chúa Giêsu, rồi quan tâm đến nhau.

Chúng ta phải nhận ra tha nhân thực sự là một cái tôi khác của mình, được Chúa rất mực yêu thương. Nếu chúng ta vun trồng cái nhìn này –xem tha nhân như anh chị em mình–, thì tình liên đới, sự công chính cũng như lòng khoan dung và thương xót sẽ tự nhiên trào dâng nơi tâm hồn chúng ta.

Trách nhiệm đối với tha nhân có nghĩa là muốn và làm điều thiện hảo cho họ, mong ước họ cũng sẵn sàng đón nhận điều thiện và những đòi hỏi của điều thiện.
Quan tâm đến người khác hàm ý muốn điều thiện hảo cho họ về mọi phương diện: thể lý, luân lý và tinh thần.
Quan tâm đến tha nhân có nghĩa là ý thức được những nhu cầu của họ. Kinh Thánh cảnh giác về mối nguy cơ con tim chúng ta có thể trở nên chai cứng vì một thứ “hôn mê tinh thần”, làm chúng ta tê liệt trước những đau khổ của tha nhân.

“Quan tâm đến nhau” cũng bao hàm việc quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của nhau. Không được im lặng trước sự ác. Ở đây tôi nghĩ đến những Kitô hữu, vì nể nang người khác hay chỉ vì muốn yên thân, họ lại chiều theo não trạng phổ biến, thay vì phải cảnh giác anh chị em mình về những lối suy nghĩ và hành động trái ngược với sự thật và không theo con đường sự thiện. Nhưng nếu phải lên tiếng khiển trách, thì người Kitô hữu không hề bị thúc đẩy bởi tinh thần kết án hoặc tố cáo, mà luôn được tình yêu và lòng từ bi thôi thúc, phát xuất từ mối quan tâm thực sự đối với thiện ích của người khác. Chúng ta luôn cần đến ánh mắt nhìn yêu thương và sửa dạy, nhận biết và thấu hiểu, phân định và tha thứ (x. Lc 22,61), như Chúa đã và đang làm với mỗi người chúng ta.

“Để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành”: cùng nhau tiến bước trên đường nên thánh. Các bậc thầy về tu đức nhắc nhớ chúng ta rằng trong đời sống đức tin ai không tiến sẽ thụt lùi.

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Lời hằng sống

"Nhưng Tôi biết Người và giữ Lời Người... Ai tuân giữ lời Tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết." (Ga 8,55-52)

Một thương nhân giàu có có 4 bà vợ. Ông yêu người vợ thứ tư nhất, ông tự hào về người vợ thứ ba, ông tìm đến người vợ thứ hai như một người bạn tâm tình nhưng hầu như chẳng bao giờ chú ý đến người vợ thứ nhất…
Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền.
Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn “khoe” vợ với bạn bè. Tuy nhiên, trong ông luôn thường trực nỗi lo sợ bà bỏ đi với người đàn ông khác.
Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp khúc mắc, ông đều tìm đến bà.
Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thuỷ, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.
Một ngày, ông ngã bệnh. Ông tự biết rằng mình sắp từ giã cõi trần. Ông nghĩ về cuộc sống giàu sang xa hoa và tự nhủ: “Hiện mình có 4 bà vợ. Nhưng khi mình chết, lại chỉ có một mình. Thật cô đơn làm sao!”.
Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: “Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?”.
“Không đâu” – Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi.
Người vợ thứ ba vốn là niềm tự hào của ta, rồi cũng sẽ bước đi theo người khác, bỏ mặc ta mà thôi
Câu trả lời như một nhát dao cứa vào. Ông hỏi người vợ thứ ba: “Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?”.
“Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn”. Trái tim ông run lên đau đớn.
Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: “Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?”.
Bà vợ thứ hai trả lời: “Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi”.
Người vợ thứ hai – người bạn tâm tình thân thiết thủy chung của ta cũng chỉ khóc khi ta chết, đưa ta ra đến mộ rồi quay đầu
Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. Ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông. Bỗng có một giọng nói cất lên: “Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới”. Ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới.
Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: “Đáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa”. Chỉ có duy nhất người vợ cả, người thường bị ta bỏ mặc, lãng quên khi sống… là kiên quyết đi theo, yêu thương ta cả cuộc đời
Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ.

Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết.

Còn bà vợ thứ ba? Đó chính là của cải, địa vị. Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác.

Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi.

Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời.
Tốt hơn hết là nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là “người” thân tín nhất bên ta. Đừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó.

ĐỌC KINH THÁNH SUỐT 137 GIỜ

Một cuộc đọc Kinh Thánh liên tục dài suốt 137 giờ, từ sách Khởi Nguyên cho đến sách Khải Huyền đã diễn ra từ ngày 11 đến 17-03-07 tại thành phố Mantova, miền Bắc Italia.
1- Sáng kiến: “đọc Kinh Thánh không ngừng” này được khởi xướng tại Pháp và du nhập vào Italia. Tất cả đã có 1162 người đăng ký, trong đó có Tín đồ các Tôn giáo và những người vô tín ngưỡng.
2- Thi đọc Kinh Thánh: Cuộc thi kéo dài 7 ngày 7 đêm tại tòa nhà Rotonda di San Lorenzo ở trung tâm thành phố để nghe đọc và thăng tiến đối thoại giữa con người, tín ngưỡng, ý thức hệ và văn hóa. Toà nhà này đa được dùng làm nơi cử hành các buổi lễ Đại kết.
3- Kết quả đọc Kinh Thánh: Việc đọc Kinh Thánh này được thành công tại Lomoges hồi tháng 12-2005 và được 9 người bạn ở Mantova đưa vào Italia. Họ đã chuẩn bị cho cuộc thi này từ vài tháng qua. Mục đích của “đọc Kinh Thánh không ngừng” là ý tưởng liên kết mọi người trong việc lắng nghe một sứ điệp Hòa bình.
4- Bà Giuseppina Nosè: thuộc Nhóm Khởi xướng nói rằng: “Chúng ta sẽ đọc toàn bộ Kinh Thánh trong bản dịch liên hệ phái, trong ngôn ngữ thông dụng, không có phần chú giải, vì sự giải thích có thể gây chia rẽ. Cuộc thi được mở ra cho tất cả mọi người, cả những người không tin hoặc đang tìm kiếm.
5- Thời gian đọc Kính Thánh:Việc tính toán chính xác thời gian đọc Kinh Thánh, một bản văn dài như thế, thật không phải là điều dễ dàng. Trung bình mỗi người đọc từ 4 đến 12 phút. Theo dự kiến, buổi đọc Kinh Thánh đã bắt đầu lúc 19 giờ chiều ngày 11-03-07 và kết thúc lúc 12 giờ trưa ngày thứ bẩy 17-03-07.
Những người đọc đầu tiên là những người đại diện các Cộng đồng Tôn giáo, bắt đầu từ những người Do thái.
Câu Kinh Thánh làm thay đổi đời tôi: “Lời Chúa là đèn soi con bước, là Ánh Sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119: 105)

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Sự thật

Nếu các ông ở lại trong Lời của Tôi, thì các ông thật là môn đệ Tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông (Ga 8,31-32)

Sự thật vô hình
Với diễn xuất tốt của dàn diễn viên như: Cao Minh Đạt, Vân Anh, Khương Ngọc, Vân Trang, Công Ninh… cùng kịch bản hấp dẫn và một chút hài hước, bộ phim "Sự thật vô hình" đã tạo nên kịch tính khi sự thật liên tục bị che giấu, phủ nhận bởi sự giả dối, xảo quyệt. Đó là Tuấn, một gã Trưởng phòng đầy tham vọng và thủ đoạn với chiếc mặt nạ là một nhân viên tốt, một người tình thủy chung. Đó là Mỹ Lệ, người vợ lẳng lơ nhưng luôn đóng tròn vai người vợ ngoan của chồng. Đó là Vi, vì quá yêu mà gian dối thân phận là hôn thê của Bảo. Và còn cả ông Ba, một tài xế vì tham giàu sang mà lợi dụng lòng hiếu thảo của Bảo. Bằng tất cả những mưu mô, thủ đoạn của mình, họ lấp liếm, chôn vùi sự thật và ngỡ rằng nó đã hoàn toàn biến mất. Nhưng sự thật là sự thật, nó mãi tồn tại dù là vô hình!
(http://thvl.vn/?p=92996)

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Mừng vui lên

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." (Lc 1,28)
Gabrien làm công việc truyền thông của Chúa. Lời đầu tiên ngài nói với Mẹ Maria là "Mừng vui lên!" Tin ngài loan báo là tin mừng, tin vui, mang lại niềm vui mừng. Dẫu rằng để có niềm vui mừng, phải chấp nhận thử thách, gian nan. Thách đố ở đây là có thể bị ném đá khi người ta không hiểu nguồn gốc của bào thai.
Truyền thông là như thế: mang lại niềm vui, nhưng niềm vui phải đi từ sự thất, dẫu sự thật này đòi hỏi phải trả giá, phải chấp nhận thách đố, gian truân.

Đức Thánh Cha tới Mexico

ĐTC tới sân bay León của tiểu bang Guanajuato, nằm tại trung tâm Mexico, vào cuối buổi chiều ngày 23-03. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân trên đất Guanajuato, đã từng là nơi chào đời của phong trào giành độc lập khỏi tay người Tây Ban Nha dưới sự khởi xướng của linh mục Miguel Hidalgo với lá cờ Đức Trinh Nữ Guadalupe trong tay, vào năm 1810. Đây cũng là cái nôi của cuộc đấu tranh của người công giáo cho sự tự do tôn giáo trong giai đoạn từ 1926-1929. Vị tiền nhiệm của ngài, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, tuy đã năm lần viếng thăm Mexico, nhưng chưa lần nào tới đây, mặc dù ngài rất muốn. Bởi vậy, trong bài diễn văn đáp lại lời chào mừng của Tổng thống Mexico, Đức Bênêđictô XVI đã nhắc tới mong ước này của Đức Gioan Phaolô II và cho mình là người diễm phúc được thực hiện mong ước này của vị tiền nhiệm.
Tổng thống Mexico, Felipe Calderon, và phu nhân, chính quyền, đông đảo hồng y và giám mục, cùng với một nhóm trẻ em và một quần chúng đông đảo đại diện cho một đất nước có 108 triệu dân với 92% là người công giáo có mặt tại sân bay để đón tiếp ĐTC.

Đáp lại lời chào mừng của Tổng thống Felipe Calderon, ĐTC Bênêđictô XVI trình bày ý nghĩa của chuyến viếng thăm này của ngài:
“Tôi đến như khách hành hương của lòng tin, lòng cậy trông và của lòng mến... “Với tư cách khách hành hương của lòng trông cậy, tôi xin mượn lời của thánh Phaolô để thưa với quý vị: “Anh em đừng buồn phiền như những người khác là những kẻ không có niềm hy vọng” (1Tx 4, 13). Lòng tin tưởng ở Thiên Chúa đem lại sự chắc chắn sẽ được gặp Ngài, nhận được ân sủng của Ngài, nền tảng của sự cậy trông của kẻ có lòng tin. Với lòng trông cậy, người tín hữu cố gắng biến đổi những cơ cấu và những biến cố khó chịu hiện nay, vốn có vẻ như bất di bất dịch và không thể vượt qua, bằng cách giúp đỡ những ai không tìm thấy ý nghĩa cũng như tương lai trong đời sống. Vâng, lòng tin cậy thay đổi cuộc sống cụ thể của mỗi con người một cách đích thực (xem Spe salvi, 2). Lòng trông cậy chỉ ra “một trời mới và một đất mới” (Cv 21, 1), khiến người ta có thể ngay từ bây giờ, sờ nắm được một số ánh phản chiếu...
Với lòng tin và lòng trông cậy, người tín hữu tin ở Đức Kitô và toàn thể Hội Thánh, sống và thực hành đức bác ái như một yếu tố thiết yếu của sứ vụ của mình. Theo nghĩa tiên khởi, bác ái trên hết “là việc đáp ứng nhu cầu tức thì trong một hoàn cảnh nhất định” (Deus caritas est, 31a) như, cứu tế kẻ đói, kẻ không nhà, kẻ ốm đau hay thiếu thốn cách nào đó trong cuộc sống của họ. Không ai bị loại khỏi sứ vụ này của Hội Thánh vì gốc gác hay vì niềm tin của họ. Hội Thánh vốn không cạnh tranh với các sáng kiến khác, của cá nhân hay xã hội. Hơn thế nữa, Hội Thánh vui mừng hợp tác với những ai theo đuổi các mục tiêu này. Hội Thánh không nhắm điều gì khác hơn là làm điều lành, một cách vô vị lợi và với lòng tôn trọng, cho những ai đang túng thiếu, những người thiếu một bằng chứng của tình yêu thương chân thật”

http://www.hdgmvietnam.org/ngay-thu-nhat-chuyen-tong-du-mexico-cua-duc-thanh-cha-benedicto-xvi/3777.57.7.aspx

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Sống & chết, được & mất

Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (Ga 12,25)


Được và mất
Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.
Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.
Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng.”


Sống và chết
Người Việt Nam thường hay quan niệm rằng: "Sống Gởi Thác Về". Họ chỉ nói đơn giản thế thôi. Câu nói chỉ có 4 chữ ấy bao gồm một triết lý sâu xa của Đạo Phật. Đầu tiên nói về ý niệm vô thường của cuộc sống. Sau đó cho biết cuộc sống nầy trước đó đã có sự sống và sau khi chết lại còn sự sống khác tiếp tục nữa.

Đức Phật đã dạy về vô thường, khổ, không và vô ngã; nhưng chấp nhận lời dạy ấy phải trải qua hàng ngàn năm người ta mới hiểu và hành trì được. Vì một triết lý cao siêu như thế không đơn giản để hội nhập vào một dân tộc chỉ trong vòng một thời gian ngắn mà có được. Vô thường, vì cuộc sống nầy không chắc thật; nên gọi là gởi. Chữ gởi ở đây cũng có nghĩa là tạm bợ thôi. Gởi thân nầy ở cõi trần thế 10 năm, 20 năm, 50 năm hay dẫu cho đến một trăm năm đi chăng nữa, cũng chỉ là một cuộc sống tạm bợ thôi; không có gì chắc thật hết. Nhưng sau khi chết, người Việt Nam nói chung và người Phật Tử nói riêng đều mong muốn trở về. Vậy họ sẽ trở về đâu? Ở đây là một thế giới vô hình. Có thể về lại nguyên thỉ của đất trời vạn vật, mà cũng có thể về với Phật, với Thánh, với Tiên. Hay gần hơn nữa là về với Ông Bà Tổ Tiên.

Ở Thiền Tông có một công án hay cho các Thiền sinh phải thực tập suy nghĩ rằng: "Trước khi cha mẹ chưa sinh ta, ta là ai vậy?". Câu hỏi nầy khiến cho người học đạo phải đập nát vỏ vô minh mới có thể khám phá ra chân lý được. Do vậy, người bình dân chỉ nói chung chung và hiểu tổng quát thôi, chứ không đi vào từng chi tiết cụ thể.

Mọi người Việt Nam đều quan niệm rằng có một cái gì đó trước khi cha mẹ mình sinh ra mình. Cho nên người Việt Nam cũng thường hay nói: Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh. Điều ấy đúng; nhưng chữ trời ở đây dùng để chỉ cho những đấng tối cao, cao hơn trên đầu của loài người, chứ không nhất thiết phải là một vị giáo chủ của các tôn giáo khác. Họ tin rằng cha mẹ chỉ là một cái nhân tác hợp để sinh ra một người con với trọn vẹn vóc dáng, hình hài; nhưng cha mẹ chắc chắn rằng không thể sinh được tinh thần của người con được. Mà cái tánh ấy, chính là một sự tái sanh của một kiếp luân hồi nào đó.

Giêsu
Với Giêsu, sống và chết là con đường của tình yêu. Được và mất cũng tùy thuộc vào tình yêu. Tình yêu giữa đất và trời, tình yêu bao trùm vũ trụ và gắn bó từng cá nhân với nhau.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Nói về Chúa Giêsu

Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" Người Pharisêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" Ga 7,46-49)

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ CHÚA GIÊSU

“Một trong những ý niệm khó khăn nhất đặt thành vấn đề ở đây, nhất là đối với Phật tử, là vấn đề Thiên Chúa, một hữu thể thần thiêng. Dĩ nhiên người ta có thể đề cập đến Thiên Chúa như nói về một hữu thể “bất khả tư nghị”. Nhưng phải thừa nhận rằng trên bình diện lý thuyết, ý niệm về một Thiên Chúa Sáng Tạo (Thượng Đế – Tạo Hóa) là một điểm dị biệt giữa Phật tử và Kitô hữu. Tuy nhiên, tôi tin rằng những lý lẽ và quan niệm dẫn đến một niềm tin như thế thì phổ biến ở cả Phật tử lẫn Kitô hữu.

“Nếu người ta xét kỹ bản chất của mọi hiện tượng tự nhiên, lương tri nói với chúng ta mọi biến cố phải có một nguyên nhân. Phải có những nhân duyên sinh ra một sự cố. Điều này không chỉ đúng cho hiện hữu của mỗi cá nhân chúng ta, mà cũng đúng cho toàn thể vũ trụ. Đối với lẽ thường, chấp nhận một sự vật không có nguyên nhân – dù cho đó là vũ trụ hay hiện hữu cá nhân – thì không thể chấp nhận được – Từ đó vấn đề tiếp theo là : nếu hiện hữu chúng ta phải có một nguyên nhân và vũ trụ ở bình diện của nó phải có một nguyên nhân, nguyên nhân này từ đâu mà có ? Bởi thế cho nên nguyên nhân này chính nó phải có một nguyên nhân, vậy thì chúng ta thụt lùi mãi đến vô tận.

“Để vượt qua khó khăn phải thụt lùi vô tận, thật có ích khi yêu cầu một sự khởi thủy, một Đấng Tạo Hóa và chấp nhận một số chân lý liên quan đến bản chất của Đấng Tạo Hóa : ngài độc lập, tự hữu, toàn năng và không cần một nguyên nhân nào khác. Chấp nhận một khởi thủy như thế giúp chúng ta giải quyết vấn đề phải thụt lùi vô tận.

“Nếu người ta yêu cầu có một Đấng Tạo Hóa, và nếu người ta xét kỹ quá trình tiến hóa kể từ vụ Nổ Lớn (Big-Bang) và mọi mầu nhiệm của vũ trụ, người ta có thể hoàn toàn tin có một Đấng Tạo Hóa toàn năng. Ngoài ra, nếu người ta xét kỹ bản chất của vũ trụ, người ta nhận thấy vũ trụ vận hành hoàn toàn không có sự lộn xộn hoặc ngẫu nhiên, dường như có một trật tự nội tại, một nguyên lý nhân quả đang làm việc. Bởi thế còn phải tin Đấng Tạo Hóa toàn tri như thể mọi tiến trình, mọi thể thức hoạt động đã được kế hoạch hóa. Nhìn dưới góc độ ấy, mọi tạo vật đều là biểu hiện một cách nào đó sức mạnh của Thiên Chúa. Từ quan điểm đó, người ta còn có thể nói Đấng Tạo Hóa là cùng đích, còn tạo vật thì tương đối, phù du. Theo nghĩa này, người ta có thể nói rằng Đấng Tạo Hóa là chân lý tuyệt đối và tối hậu. Nhưng tôi không biết các nhà thần học Kitô giáo nghĩ gì về điều đó !

“Cá nhân tôi, khi tôi xem xét ý tưởng về sự Sáng tạo và niềm tin vào một Thiên Chúa Sáng tạo, tôi tự nhủ hậu quả chính của niềm tin ấy là tác động một động lực, một tình cảm khẩn cấp dấn thân vào việc hành đạo để trở thành một người tốt, thấm nhuần đạo đức. Khi các bạn được trang bị ý niệm và niềm tin đó điều ấy làm cho cuộc đời các bạn có một mục tiêu và thật là hữu ích để triển khai những nguyên tắc đạo đức.

“Tôi hiểu thần học Kitô giáo như thế đấy !”

(http://chanlysuthat.wordpress.com/2011/11/05/d%E1%BB%A9c-d%E1%BA%A1t-lai-l%E1%BA%A1t-ma-noi-v%E1%BB%81-chua-giesu/)


WHĐ (24.03.2012) – Trên chuyến bay sáng ngày 23-03, từ Rôma đến Mexico, mở đầu chuyến tông du 6 ngày viếng thăm Mexico và Cuba, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trả lời phỏng vấn của các nhà báo tháp tùng ngài trên chuyến bay.
Hãng thông tấn AFP đã thuật lại nội dung chính phần trả lời của ĐTC trong cuộc phỏng vấn này. Báo La Croix dẫn lại bài tường thuật vừa nêu.
WHĐ trích thuật theo La Croix.
Mexico: Lo âu và hy vọng
Trước hết ĐTC bày tỏ ưu tư về nạn buôn bán ma túy tại Mexico. Ngài nói cần phải “phơi bày mọi điều dối trá của nạn buôn lậu ma túy”.
ĐTC cũng lưu ý về trách nhiệm của Giáo Hội trước tệ nạn này: “Vấn đề buôn lậu ma túy và tình trạng bạo lực đặt ra cho Giáo hội tại một quốc gia có hơn 80% dân số là người Công giáo trách nhiệm phải góp phần giải quyết”.
Nhân đó, ĐTC kêu gọi: “Phải phơi bày mọi lời hứa hẹn không thật và những điều dối trá” của những kẻ buôn lậu ma túy trong đó có người tự xưng mình là Công giáo. Được biết trong 5 năm vừa qua, tại Mexico, có đến hơn 50.000 người chết trong những thương vụ buôn bán ma túy, những cuộc thanh toán giữa các tập đoàn và băng đảng.
Hướng đến những nỗ lực hiện tại và nhìn đến tuơng lai Mexico, ĐTC nói: “Tôi chia sẻ niềm vui và hy vọng, và cả những đau buồn và âu lo của người dân Mexico”.
Cuba: Giáo Hội luôn bênh vực tự do lương tâm và tự do tôn giáo
Trả lời các phóng viên báo chí về chuyến tông du Cuba, ĐTC bày tỏ mối quan ngại về chế độ cộng sản tại Cuba và hy vọng “sẽ góp phần vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng” với chế độ này.
Nói về ý thức hệ mácxít, ĐTC nói: “Ý thức hệ này đã được đưa vào đất nước Cuba nhưng không còn đáp ứng với hiện thực. Cần phải tìm những mô hình mới”.
ĐTC nhấn mạnh, người Công giáo mong “góp phần vào cuộc đối thoại xây dựng để tránh mọi đổ vỡ”. Quả thật, Giáo Hội tại Cuba đã trở thành một đối tác chính trong cuộc đối thoại chính trị với nhà cầm quyền La Habana.
ĐTC nêu cao vai trò của các tín hữu Công giáo Cuba trong tiến trình xây đắp tương lai của Cuba: “Rõ ràng Giáo Hội luôn đứng về phía tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Các tín hữu Công giáo đang đóng góp vào tiến trình này”.
Đề cập đến những nỗ lực của Giáo Hội trước những vấn đề thời đại đặt ra cho châu Mỹ latinh nói chung, và Cuba nói riêng, về việc giáo dục thế hệ trẻ, ĐTC nói cần phải tố cáo “Thói tôn thờ ngẫu tượng tiền bạc đang biến giới trẻ thành nô lệ”. ĐTC mong muốn Giáo Hội: “Phải ra sức chống lại thói tôn sùng tiền bạc đang hủy hoại thế hệ trẻ của chúng ta. Giáo Hội cần nhận lấy trách nhiệm lớn lao là giáo dục lương tâm, đào luyện tinh thần trách nhiệm về luân lý. Con người có nhu cầu về sự vô biên. Nếu Thiên Chúa không phải là vô biên đối với con người, thì con người sẽ tạo ra thiên đường riêng cho mình. Vì vậy chúng ta phải làm hết sức để vạch trần sự dữ”.

(http://www.hdgmvietnam.org/duc-thanh-cha-benedicto-xvi-tra-loi-phong-van-cua-bao-chi-tren-duong-den-mexico/3769.57.7.aspx)