Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Cho người nghèo

"Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." (M 10,21)

Lợi lộc là điều người ta thường nghĩ tới đầu tiên trong mọi công việc. Công việc PR cũng thế: có lợi cho công ty mình, hoặc khá hơn, hai bên cùng có lợi, đấy là điều người ta nhắm tới.

Nhưng Chúa lại muốn điều đầu tiên tôi cần nghĩ đến trong mọi hoạt động là người nghèo, nghèo vật chất hoặc tinh thần. Chỉ khi nghĩ được như vậy, tôi mới là người đang đi theo Chúa, đang là môn đệ của Chúa, đang làm PR cho Chúa.

Và khi dám nghĩ đến người nghèo, dám từ bỏ để theo Chúa để phục vụ người nghèo, con sẽ được gấp trăm, và được sống vĩnh cửu (Mc 10,30). Dù đó là điều mình không nghĩ tới...

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Không quên bao giờ

"Xi-on từng nói: "ĐỨC CHÚA đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi! "
Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ." (Is 49,14-15)

Đôi khi con cảm thấy mình thật bất xứng, nên đứng xa xa, không dám tới gần Chúa. Nhưng có người mẹ nào muốn con cách xa mình. Có người mẹ nào không muốn ôm con vào lòng, dù nó có thế nào đi nữa? Ngay cả khi có những trường hợp như vậy, Chúa cũng không quên con bao giờ. Trái tim Chúa thổn thức, cánh tay Chúa giang rộng...

Và con mang hình ảnh của Chúa, con cũng phải có tấm lòng như thế với anh em. Đấy là trái tim PR.

Một trái tim PR như vậy mới đủ khả năng làm sáng nên hình ảnh của Chúa nơi bản thân và nơi cộng đoàn của mình.

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Con người

Sir 17,1-13 là một bài ca tuyệt vời về con người:
" ...Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình, và theo hình ảnh mình mà làm ra nó... Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai, và trái tim để chúng suy nghĩ.
Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh,
tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu.
Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng,
để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người..."

Internet là một ví dụ về sự thông minh của con người:
"Internet là phương tiện mới nhất và mạnh mẽ nhất trong hàng ngũ các phương tiện truyền thông - điện tín, điện thoại, truyền thanh, truyền hình – mà đối với nhiều người đã giúp loại bỏ dần thời gian và không gian xét như những rào cản cho truyền thông trong suốt một thế kỷ rưỡi qua" (Ethics in Internet).

Xoá bỏ dần rào cản không gian và thời gian, điều này thật kinh khủng. Mà con người đang làm được qua mạng Internet.

Ở Việt nam số người vào mạng Internet ngày càng cao:
Ở khu vực thành thị khoảng 50% dân số truy cập internet, tại Hà Nội, TP.HCM thì tỷ lệ này còn cao hơn. Kết quả khảo sát của Cimigo cho thấy 2/3 số người được hỏi truy cập mạng hằng ngày và thời gian dành cho lướt web trung bình mỗi ngày là 2 giờ 20 phút.
Nghiên cứu về các hoạt động trực tuyến cho thấy trên 90% là đọc tin tức, sử dụng trang web tìm kiếm thông tin; nghe nhạc (76%), nghiên cứu phục vụ việc học và công việc (73%), chat, e-mail (68%)... sử dụng ngân hàng trực tuyến xếp cuối bảng thống kê (10%).
Khảo sát về blog và mạng xã hội cho thấy hai sự khác biệt: nữ giới xem và viết blog nhiều hơn, còn nam giới thì tham gia mạnh hơn ở các diễn đàn. Về mạng xã hội, nghiên cứu cho thấy Facebook được ưa chuộng nhất (47%), còn các trang web sử dụng cho blog thì Yahoo 360 Plus dẫn đầu (53%) kế đến mới tới Facebook (31%).
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201015/20100408020507.aspx
http://vtc.vn/congnghe/557-278137/cong-nghe/31-dan-viet-su-dung-internet.htm
Hamadoun Toure, Tổng Thư ký Tổ chức viễn thông quốc tế (ITU) của Liên Hợp Quốc, ngày 26/1 cho biết số người sử dụng Internet trên toàn thế giới đã cán mốc hai tỷ người.
Trong khi đó, số thuê bao di động cũng đạt ngưỡng ấn tượng là năm tỷ.
Phát biểu với các phóng viên, ông Toure nói: “Vào đầu năm 2000, mới chỉ có 500 triệu thuê bao di động trên toàn cầu và 250 triệu người sử dụng Internet. Đến đầu năm 2011 này, con số này đã tăng lên hơn 5 tỷ thuê bao di động và hai tỷ người sử dụng Internet”.
Cụ thể, dữ liệu mới nhất được ITU đăng tải trực tuyến cho thấy con số ước tính người dùng Internet đến cuối năm 2010 đạt 2,08 tỷ so với 1,86 tỷ của năm 2009 còn con số ước tính thuê bao di động trên toàn thế giới đến cuối năm 2010 đạt 5,28 tỷ người so với con số 4,66 tỷ của năm 2009.
Với dân số thế giới hiện này là hơn 6,8 tỷ người, như vậy tính trung bình cứ ba người thì có một người lướt web. 57% số người sử dụng Internet là ở các nước đang phát triển.
http://thethaovanhoa.vn/350N20110127083445033T0/da-co-2-ty-nguoi-su-dung-internet-tren-toan-the-gioi.htm
Con đã làm được gì với Internet để loan báo Lời Chúa?

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Bạn

"Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc,
ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng.

Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành,
và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được.

Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời,
những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy.

Người kính sợ Đức Chúa thì điều khiển được tình bạn của mình
vì bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế."

(Huấn Ca 6,14-17)

Nghề PR là nghề tạo ra những người bạn, vì luôn tìm cách tạo ra những quan hệ tốt.

Chúa Giêsu là người bạn tốt nhất, trung thành nhất của mọi người. Ngài cũng là chuyên viên PR tuyệt hảo, vì Ngài hằng ban Thánh Thần, ban mối dây hiệp nhất mọi người với nhau trong một tình bạn thắm thiết bền vững.

Xin cho con luôn sống tình bạn thật đẹp với Chúa và với mọi người.

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Muối

Nhạt nhẽo vô vị, có gì buồn hơn thế?
Nó diễn tả một sự xơ cứng,
lạnh lùng,
như xác chết.
Sống mà như đã chết, đó là sự nhạt nhẽo vô vị.
Đáng buồn đến mức độ phải rùng mình: muối đã ra nhạt, lấy gì mà ướp cho mặn lại được?
(Mc 9,49)

Làm thế nào cho muối khỏi ra nhạt?
Làm thế nào cho tình yêu luôn bốc cháy
nồng nàn,
thắm thiết?
Phải trở về
Luôn phải trở về với cội nguồn tình yêu...

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Ngai toà

Truyền thông để dẫn đến hiệp thông và hiệp nhất.

Dấu chỉ của sự hiệp nhất toàn cầu, qua mọi thời đại là ngài, Đấng ngự trên ngai toà Thánh Phêrô.

Còn gì đẹp hơn dấu chỉ đó?

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Hai mặt cuộc đời

Biến hình trên núi và quằn quại dưới núi (Mc 9,1-28): hai mặt của một cuộc đời. Điểm mấu chốt vẫn là cầu nguyện. Có cầu nguyện, con người được biến đổi trong đám mây thần linh. Không cầu nguyện, người ta bất lực trước sự dằn vặt của quỷ dữ, và chìm trong những ham hố danh vọng quyền lực hão huyền (Mc 9,29-36).

Con người cũng giống như con tàu, rất dễ rơi vào tình trạng như bản tin dưới đây:

"Khoảng 5h sáng 17/2, chiếc tàu du lịch số hiệu QN-5198 chở 21 du khách bất ngờ bị chìm tại khu vực đảo Ti-tốp (Hạ Long, Quảng Ninh) khiến 12 người đã thiệt mạng.

...Vào thời điểm xảy ra tai nạn có 21 du khách và 6 thuỷ thủ trên tàu. Trong tổng số du khách có 20 người nước ngoài gồm các quốc tịch khác nhau (Nga 2 người, Anh 1 người, Đan Mạch 2 người, Đức 1 người, Ý 2 người, Mỹ 3 người, Nhật 1 người, Pháp 2 người, Thuỵ Điển 2 người, Thuỵ Sỹ 2 người và 2 Việt kiều Úc) và 1 hướng dẫn viên Việt Nam.
(http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/9469/chim-tau-o-ha-long--12-du-khach-tu-nan.html)

12 nạn nhân thiệt mạng. Những người khác thoát chết nhờ nhảy xuống biển và được các con tàu du lịch khác cứu sống.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này do thuyền viên trên tàu bỏ gác và làm sai quy trình khiến nước tràn và gây chìm tàu. Có người thì bảo là do bục tàu, vì tàu quá cũ.

Con tàu đời con cũng sẽ chìm nếu thiếu cầu nguyện. Thiếu cầu nguyện, con là thuyền viên bỏ gác và làm sai quy trình. Thiếu cầu nguyện, chiếc tàu đời con sẽ bị rỉ sét, đi dần đến mục nát, và sẽ chìm bất cứ lúc nào.

Xin cho ánh mắt con luôn hướng về Chúa. Xin mỗi hơi thở của con đều kéo hồn con về với Chúa. Xin cho trái tim con luôn ấp ủ Chúa, và ấp ủ mọi người trong Chúa.

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Dung nhan tình yêu

Dung nhan tình yêu đích thực được nhận ra từ lòng bao dung tha thứ, từ sự hy sinh cho chính kẻ thù của mình.

Đây là điều vô cùng khó thực hiện. Nhưng đấy mới là một tình yêu tinh ròng, yêu vì là tình yêu, chứ không phải vì đối tượng. Nếu đối tượng xử tốt, tôi mới yêu, thì đấy là mua bán đổi chác rồi.

Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5,45). Đấy là dung mạo của Cha trên trời, và Giêsu đã có khuôn mặt thánh thiện đích thực ấy, đặc biệt trên thập giá - khi ngài bênh vực cho những kẻ tra tấn và đóng đinh Ngài: Xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết. Tội lỗi vẫn cứ phải đền bù, phải tránh xa, nhưng tội nhân thì luôn được tha thứ nếu biết quay trở về.

Con vẫn bộc lộ sự khó chịu đối với người con không ưa. Đôi khi con cũng coi bản thân mình như kẻ thù: chán ngán bản thân, bực bội nguyền rủa bản thân! Khuôn mặt của con những lúc đó không phải là dung mạo của tình yêu. Sự bực bội, khó chịu, chán nản, thất vọng đã bóp méo dung mạo đích thực của Chúa và của con...

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Hình ảnh tương lai & hiện tại

Tabor: một trong những đỉnh cao truyền thông của Chúa Giêsu về tương lai của con người.

Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Sau đó đánh mất do tội Ađam.

Tại núi Tabor, Đức Giêsu cho thấy con người sẽ tìm lại được hình ảnh vinh quang của mình. Giống hình ảnh Thiên Chúa. Như xưa và hơn xưa. Giống Giêsu biến hình trên núi Tabor. Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu (nội dung cuộc đàm đạo với Mosê và Êlia).

Biến hình nên giống Chúa là kết quả của truyền thông và hiệp thông mật thiết trong Chúa: "Có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."

Mỗi lần con ngước lên Chúa và cầu nguyện như Maria dưới chân Chúa, con được ở trong mối truyền thông và hiệp thông mật thiết với Chúa. Con ở trong đám mây thần linh. Và sự biến hình thần linh diễn ra. Biến hình từ từ, từng ngày, tuỳ theo mức độ và tần số cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ ngước nhìn lên Chúa như Maria, từng ngày con được ở trong đám mây thần linh và được chúc phúc: "Đây là Con Ta yêu dấu!". Từng ngày được biến hình nhiều hơn trong Chúa, nhờ cầu nguyện, nhờ truyền thông và hiệp thông. Từng ngày mang mầu sắc hạnh phúc, bất chấp những điều tươi sáng hay đen tối có xẩy đến.

Và đó là cách làm PR từ bên trong, làm đẹp hình ảnh từ bên trong, từ cội nguồn gốc rễ. Làm PR theo gương mẫu Giêsu, nhà truyền thông trọn hảo. Làm PR trong đám mây thần linh.

Vâng, đôi khi con thấy buồn, thấy thất vọng về sự kém cỏi yếu đuối của mình. Nhưng lại tìm được niềm vui khi nghĩ đến khả năng biến hình và được chúc phúc từng ngày như thế: "Đây là Con Ta yêu dấu..." Dẫu con có như thế nào, Chúa vẫn chúc phúc cho con. Chúa vẫn bao phủ con trong đám mây tình yêu thần linh. Và con biến hình tươi đẹp trong Chúa.

Bởi vì con vẫn ngước nhìn lên Chúa...

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Công luận

Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?"
Câu hỏi này cho thấy Chúa quan tâm đến dư luận. Không phải Chúa đi tìm lợi lộc gì từ dư luận, nhưng dư luận có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu, khiến người ta có cái nhìn đúng hoặc sai về Ngài. Và điều này ảnh hưởng đến vận mệnh muôn đời của mỗi một con người.

Và rõ ràng dư luận đã không đúng về Chúa Giêsu.
Chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng. Nhưng chính Phêrô cũng không hiểu chính xác những gì mình vừa nói. "Thầy là Đấng Kitô", ông trả lời như thế, nhưng ông không hiểu Đấng Kitô phải như thế nào (Mc 8,28-33).

Dân chúng thì trông mong Đấng Kitô đến, nhưng lại chưa biết Giêsu chính là Đấng Kitô. Và điều đáng nói là Chúa lại chưa muốn cho họ biết Ngài chính là Đấng Kitô. Ngài muốn giúp họ có quan niệm chính xác về Đấng Kitô trước đã. Nếu có quan niệm sai, thì rất nguy hiểm. Mà họ lại đang có quan niệm sai, giống như Phêrô. Nên Ngài đã "cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người" (Mc 8,30). Rồi Ngài bắt đầu hướng dẫn công luận cách tuần tự:

- Lúc đầu, trong vòng riêng tư với các môn đệ, Ngài cho biết Đấng Kitô sẽ trao hiến bản thân như thế nào: hy sinh trọn vẹn, chấp nhận mọi thương đau... (Mc 8, 31-33).
- Sau đó, công khai với mọi người, Chúa giúp công chúng hiểu được ý nghĩa của sự hy sinh, để sẵn sàng yêu thương và hy sinh. Như Đấng Kitô, yêu thương đến hy sinh mạng sống (Mc 8, 34 - 9,1).

Vâng, Chúa đã giúp chúng con sáng mắt dần dần, như cách Chúa chữa cho người mù, thấy lờ mờ, rồi rõ hơn, rõ hơn...(Mc 8,22-38). Hướng dẫn công luận như vậy quả là một công việc dài hơi.

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Khủng hoảng không ngờ

Men làm cho bột phồng lên.
Men Pharisêu làm cho sự giả hình, kiêu ngạo lớn lên trong xã hội.
Do sự giả hình, nguỵ trang khéo léo, khủng hoảng lan rộng mà người ta không hay biết.
Cái chết lan rộng mà người ta không ngờ. Điều này mới cực kỳ nguy hiểm.
Chúa nhắc các môn đệ phải tránh loại men rùng rợn này.
Phải chận đứng nó, trước hết nơi bản thân mình.

Con tránh men Pharisêu, tránh những lời nói tốt nhằm che đậy việc làm xấu. Nói tốt để lừa dối chính mình. Hình ảnh của Chúa, hay mồ mả tô vôi? Làm sao con thấy được?

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Dấu lạ

Dấu lạ luôn có trước mặt tôi, chung quanh tôi: tia nắng sớm, đoá hoa xinh, chiếc lá rung rinh, nụ cười thắm, ánh mắt lung linh... Những nét đẹp này ẩn giấu phía sau chúng một tình yêu toàn năng, một tình yêu chăm sóc ân cần tinh tế đến khôn lường...

Vậy thì có cần hạch hỏi Chúa những điềm thiêng dấu lạ trên trời chăng khi ngày nào của con cũng thấm đẫm tình yêu tuyệt diệu như ngày Valentine lãng mạn?

Khi con cứ nhắm mắt lại trước những nét đẹp hằng ngày, con sẽ không thể thấy được những dấu lạ của tình yêu Chúa, không thấy được dấu lạ vô cùng tuyệt vời là chính hình ảnh đẹp bất tận của Chúa nơi con. Và nơi người khác. Cặp mắt PR phải thấy được hình ảnh tuyệt vời này, để diễn tả và thông truyền...

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Giết & Giận

"Luật dạy: Chớ giết người... Còn Thầy, Thầy bảo: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà." (Mt 5,21-22)

Giận là nguyên nhân của giết người. Cần phải khử nguyên nhân, cần diệt tội từ gốc. Vì thế, con tim không giận ghét, đấy là điều Chúa muốn.

Ra khỏi Vườn Địa Đàng của yêu thương, con tim loài người đã ra hư hỏng, chai lỳ. Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng cũng vì đó. Để xử lý khủng hoảng triền miên này, Chúa đã đến trần gian để chữa trị con tim loài người bằng cách đặt trái tim Ngài cận kề trái tim con người: trái tim nói với trái tim. Gioan cận kề bên lòng Chúa, đấy là một hình ảnh của trái tim nói với trái tim.

Những câu Lời Chúa mang đầy tính lề luật hôm nay (Mt 5, 17-37) cũng đều là những lo lắng của trái tim Giêsu, muốn cho trái tim con người mềm ra, đẹp ra. Để rồi, hành vi của con người cũng sẽ tốt hơn, đẹp hơn.

Xin cho con nghe được tiếng nói của trái tim Chúa, những tiếng nói có sức mạnh biến đổi trái tim con. Xin cho con nghe được tiếng nói của trái tim tha nhân, những tiếng nói có khả năng biến đổi cách ứng của con. Và xin cho con nghe được tiếng nói của trái tim con, để con hiểu rằng con cần Chúa biết bao...

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Khủng hoảng con tim

Chỉ ăn một trái cây bị cấm thôi mà Adam Eva đã bị Chúa phạt khủng khiếp như thế sao?

Hẳn ai cũng biết rằng chẳng phải thế! "Ăn trái cấm" chỉ là một cách diễn tả sự đoạn tuyệt của trái tim con người đối với Thiên Chúa.

Con người muốn quay lưng, muốn cắt đứt với Thiên Chúa, muốn đoạn tuyệt với tình yêu: "Con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa" (St 3,8).

Dù nhận ra sự nhớp nhơ trơ trụi của bản thân, họ vẫn ở lỳ trong thái độ ích kỷ, không nhận ra lỗi của mình. Họ đổ lỗi cho kẻ khác một cách hèn hạ, đổ lỗi cho chính người mình yêu thương: "Con người thưa: Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." (St 3,12) Con tim thiếu vắng tình yêu đã làm cho đầu óc ra mờ tối và chai lỳ. Chai lỳ trong sự đoạn tuyệt với Chúa và hèn hạ tàn nhẫn đối với nhau. Hậu quả tất nhiên là triền miên đau khổ.

Như vậy khủng hoảng đầu tiên trong lịch sử nhân loại là khủng hoảng của con tim, một con tim thiếu vắng tình yêu đối với Chúa và với nhau. Không còn tin Chúa. Không còn tin nhau. Và chai lỳ trong đó, như cách diễn tả của các ngôn sứ: trái tim con người đã trở thành đá! Như vậy làm sao con người có thể tự mình ra khỏi khủng hoảng này được. Họ đã ra khỏi thế giới của tình yêu, ra khỏi Vườn Địa Đàng của yêu thương, nên vô phương tự cứu mình.

Rất may, việc xử lý khủng hoảng kinh hoàng đầu tiên này đã được Thiên Chúa đảm nhận. Ngài xử lý khủng hoảng này bằng cách đi tìm gặp gỡ con người, đối thoại với họ, giúp con người giáp mặt với nguyên nhân là tội lỗi của họ, và giúp họ đối diện với hậu quả của tội. Rồi Ngài xử lý khủng hoảng này bằng tình yêu chăm sóc. Dù con người quay lưng lại với Chúa, Chúa vẫn tiếp tục chăm sóc họ: "Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ" (St 3,21). Và Ngài lên một kế hoạch dài hơi để biến đổi trái tim bằng đá của con người thành trái tim bằng thịt. Ngài báo trước với con rắn: "Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3,15).

Lạy Chúa, mọi khủng hoảng đều khởi đi từ trái tim con người. Khi lên kế hoạch để xử lý khủng hoảng, con cần quan tâm đến trái tim, và con cần Chúa, rất cần Chúa, Chúa ơi!

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Khủng hoảng đầu tiên

"Rắn nói với người đàn bà: Chẳng chết chóc gì đâu!" (St 3,4) Câu nói dối trá này đã tạo ra khủng hoảng đầu tiên trong lịch sử, và đây cũng là "khủng hoảng mẹ", đẻ ra mọi thứ khủng hoảng trên cõi đời..

Với lời nói này, ma quỷ đã bóp méo hình ảnh Thiên Chúa, vẽ Thiên Chúa như một kẻ bịp bợm và ích kỷ, không muốn con người được cao cả như mình nên đã nói dối con người! Tiếc thay, con người lại tin vào lời xảo trá này của rắn độc hơn là tin vào Lời Chúa, để rồi sau đó đánh mất những hình ảnh tốt đẹp nhất nơi bản thân mình. Họ bắt đầu thấy mình trần truồng nhớp nhơ, và thấy mình chìm trong khổ đau.

Cơn khủng hoảng đầu tiên này quá to lớn đến nỗi con người không thể tự mình thoát ra khỏi. Và Thiên Chúa đã phải ra tay xử lý khủng hoảng. Cách xử lý của Ngài sau đó trở thành bài học cho tất cả chúng ta nói chung, và cho mọi chuyên viên PR nói riêng...

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Niềm tin & Blog

Niềm tin của người đàn bà ngoại giáo Syrô-phênixi trong bài Tin Mừng hôm nay thật quá mạnh. Chính niềm tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ, diễn tả trong một cuộc đối thoại khá "sốc" (ví dụ: "không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con"!), khiến cho một bà goá vô danh tiểu tốt được nhắc đến mãi mãi trên toàn thế giới.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay khiến tôi liên tưởng đến bài báo ""Bí mật sự thành công của một blog".

http://www.thegioididong.com/tin-tuc-cong-dong-mang,29739-bi-mat-su-thanh-cong-cua-mot-blog.aspx

http://tuoitre.vn/the-gioi/the-gioi-muon-mau/395270/%E2%80%9Csu-tuong-tac-la-tai-san-vo-gia%E2%80%9D.html

Blog, một dụng cụ truyền thông đơn sơ, đã mang lại cho chủ nhân của nó 315 triệu USD, và làm cho bà chủ blog Arianna Huffington duyên dáng này trở thành một nữ blogger đầy quyền lực.

Blog cũng đã từng đóng góp đáng kể vào việc thắng cử của Tổng thống Obama vì vị Tổng thống da màu này đã biết tận dụng mọi khả năng của blog.

Thủ Tướng Anh, Nhật Bản, Canada, Australia, Na Uy, New Zealand, Đan Mạch, Israel, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Malaysia, Latvia, Tổng thống Iran, Chile, Nga, Philippines, Hoàng hậu Jordan cùng rất nhiều vị nguyên thủ lừng danh khác cũng đã thành công dân mạng. Blog (chứ không phải các trang web chính phủ) đã giúp họ thay đổi cách tiếp cận người dân.

Blog VIS (Vatican Information Service) của Toà Thánh cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc loan báo Tin Mừng toàn cầu, loan báo như một cuộc đối thoại đa chiều.

Nhiều Kitô hữu vẫn đang cần mẫn từng ngày suy niệm Lời Chúa, và từng ngày đưa những suy niệm cá nhân đơn sơ chân thành này lên blog. Những suy tư giống như những hạt giống được gieo lên thế giới mạng. Và nhiều người khác tình cờ đọc được những chia sẻ chân thành nhưng nóng bỏng này. Thế là hạt giống nẩy mầm...

Blog được mệnh danh là một phương tiện đối thoại đơn sơ, trần trụi. Và là cuộc đối thoại toàn cầu. Mọi người trên thế giới đều có thể vào blog đó để comment, trò chuyện. Niềm tin vào sự đối thoại chân thành nhưng đầy thách đố này đã mang lại những hiệu quả diệu kỳ. Giống như cuộc đối thoại rất "sốc" nhưng chân thành giữa Chúa Giêsu và người đàn bà ngoại giáo Syrô-phênixi trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Ô uế

Chủ nhân của các công ty rất sợ hình ảnh của công ty mình bị ô uế. Họ nhờ các chuyên viên PR dùng mọi phương pháp hiện đại nhất, những phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất để làm cho hình ảnh của công ty trong sáng trở lại.

Nhưng nếu hình ảnh của công ty được trình bày rất trong sáng, mà thực chất của công ty lại vẫn cứ đầy những ô uế, thử hỏi: hình ảnh giả tạo đó có che giấu mãi được sự thật ô uế không?

Vì thế mục vụ PR đích thực phải khởi đi từ sự hoán cải chính mình. Hồn có thơm tho thì hình mới đẹp bền. Vâng, Chúa dạy như thế: "Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7,23) Vậy, muốn hết ô uế, phải sửa đổi từ bên trong. PR phải khởi đi từ bên trong.

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Hình ảnh Thiên Chúa

"Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình" (St 1,27). Nếu người ta không trông thấy hình ảnh của Chúa nơi tôi, thì có nghĩa là tôi đã đánh mất hình ảnh của chính mình, đánh mất hình ảnh của một con người đích thực. Tôi chỉ đích thực là con người, khi người ta thấy được hình ảnh của Thiên Chúa nơi tôi.

Mà Thiên Chúa được định nghĩa là tình yêu (IGa 4,8), nên tôi chỉ thực là người khi tôi biết sống yêu thương. Người ta chỉ thấy được hình ảnh của Chúa nơi tôi khi tôi biết quan tâm phục vụ tha nhân.

Bản chất Thiên Chúa cũng là truyền thông: Ba Ngôi Thiên Chúa truyền thông mọi sự cho nhau, và thông truyền tất cả cho loài người. Vì thế càng truyền thông, hình ảnh của Thiên Chúa càng rõ nét trong tôi. Khi truyền thông, Thiên Chúa không chỉ trao gửi một sứ điệp mà còn trao gửi trao tặng chính mình trong tình yêu. Truyền thông như thế phải là công việc của tình yêu. Truyền thông mà tạo ra chia rẽ, hoang mang, hận thù thì không phải là truyền thông, mà là huỷ hoại truyền thông.

"Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình", đây có thể là câu đầu tiên trong Kinh Thánh làm nền tảng cho mục vụ PR. Làm PR để công chúng có một hình ảnh đẹp về mình và cộng đoàn của mình. Hình ảnh đẹp đó chính là hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, làm mục vụ PR là làm cho người ta thấy hình ảnh Thiên Chúa nơi tôi.

Làm mục vụ PR chính là bổn phận của tôi, được nhắc đến ngay từ trang đầu của Kinh Thánh.

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Chạm đến

"Ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi." (Mc 6,56)

Chúa muốn mọi người chạm đến Chúa, và ngày nay, tôi có thể chạm vào Chúa bằng lời cầu nguyện của tôi.

Cầu nguyện là chạm đến Giêsu và trút mọi gánh nặng cuộc đời cho ngài: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng..." (Mt 11,28)

Cầu nguyện là chạm vào Giêsu, nên một với Ngài và qua Ngài, đưa cả thế giới lên cùng Chúa Cha... Cầu nguyện là nối kết mọi nỗ lực dằn vặt đớn đau của con người với trái tim Giêsu hiền lành và khiêm nhường... Cầu nguyện là mở ra một không gian nơi đó niềm vui thay cho nỗi buồn, thương xót thay cho cay đắng, tình yêu thay cho nỗi sợ, dịu hiền và chăm sóc thay cho ghen ghét và thờ ơ. Nhưng trên tất cả, cầu nguyện là phương thế chia sẻ sứ vụ của Chúa Giêsu, sứ vụ lôi kéo mọi người đi vào tình yêu thân mật với Chúa (The only necessary thing, p.36).

Trong cuộc sống hằng ngày, con muốn chạm vào nhiều thứ lắm. Có những thứ khiến con phải bỏng tay, và nhiều thứ khác khiến tay con tê cóng, nhưng con vẫn cứ thích thò tay vào. Xin cho con biết chạm vào Chúa nhiều hơn, liên lỉ hơn, bằng lời cầu nguyện thường xuyên hơn của con...

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Chúa hay Tôi?

"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm" (Mt 5,1.3)

Câu Tin Mừng trên đây xem ra đi ngược với Lời Chúa hôm nay: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm" (Mt 5,16). Để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, đấy chẳng phải là phô trương thanh thế hay sao?

Thực ra, Chúa luôn ở trong từng người. Như vậy nơi bản thân tôi có hai "nhân vật": Tôi và Chúa. Thánh Augustinô nói: Khi ở trong tôi, Chúa còn là Tôi hơn cả chính tôi nữa. Ngài là phần tốt đẹp nhất của tôi, cần được toả sáng, cần phải được chiếu giãi ra, cần phải được đưa lên cao cho mọi người trông thấy qua những việc làm phúc đức của tôi. Còn cái Tôi ích kỷ kiêu ngạo trong tôi, thì không được lợi dụng các việc lành để phô trương nó ra. "Ngài cần phải lớn lên, còn Tôi cần phải nhỏ đi."

Công việc của Mục vụ PR là làm cho hình ảnh của Chúa mỗi ngày một rõ hơn, một sáng hơn nơi bản thân của tôi, nơi cộng đoàn của tôi. Tôi cần lên kế hoạch và dùng mọi phương tiện truyền thông để thực hiện điều này. Và tôi phải luôn tự hỏi: ai đang sáng lên, Chúa hay Tôi? Thường thì tôi hay làm cho Tôi sáng lên, và Chúa thì người ta chẳng thấy đâu cả! Điều này thực tai hại, nhưng đáng buồn là nó vẫn cứ luôn xẩy ra!

"Để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời". Vâng, "mà tôn vinh Cha của anh em", đấy là mục tiêu...

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

Khai bút

Muốn khai bút từ ngày mồng một tết, nhưng máy vi tính ở nhà bị hư. Hôm nay trở về Trung Tâm mới có computer và mạng để lên blog. Cũng nhờ vậy mà hai ngày Xuân có nhiều giờ hơn để "tám" (hàn huyên) với người này người kia!

Bây giờ ngồi khai bút đầu Xuân, tôi muốn suy nghĩ về những hình ảnh mà Lời Chúa của ba ngày tết mong tạo ra trong tôi, trong cộng đoàn của tôi.

Ngày mồng một, Lời Chúa nhắn nhủ tôi hãy hãy tươi như hoa và bay bổng như cánh chim. Tôi lại thích ngắm Chúa và thấy Chúa là hoa đẹp của đời tôi, là tiếng chim líu lo cho đời vui. Và tôi cần làm cho người khác trông thấy Chúa như cánh hoa đẹp, nghe được Chúa như tiếng chim líu lo qua cách ăn ở và cách ứng xử vui tươi và bình an của tôi.

Ngày mồng hai, cùng với Lời Chúa, tôi thấy thương mẹ nhớ ba nhiều hơn. Nhớ bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu với bà ngoại nơi này, và với ông bà nội ở một nơi xa tít tắp. Tôi cũng thích ngắm Chúa như người cha vô cùng thân thương. Nhưng tôi phải làm thế nào để cho người ta thấy được tấm lòng của Cha trên trời nơi bản thân của tôi và nơi cộng đoàn của tôi?

Ngày mồng ba thánh hoá công ăn việc làm. Một gia đình doanh nhân nhờ tôi cầu nguyện cho công việc làm ăn của họ trong năm mới. Tôi đưa công việc của họ và của bao nhiêu người khác vào lòng tôi. Xin Chúa đang ở trong lòng tôi đụng chạm và chúc lành cho mọi công việc và mọi lo toan của chúng sinh. Chúa cũng từng là một người lao động với cưa bào đục chạm. Chúa tuyên bố ngài luôn làm việc như Cha Ngài vẫn hằng làm việc không ngừng. Với tất cả tình thương, Chúa Cha không ngừng sáng tạo để vũ trụ này luôn hiện hữu và triển nở. Ngài không ngừng sáng tạo nơi tôi. Vậy con phải làm việc thế nào để người khác có thể trông thấy được Chúa đang sáng tạo với trọn vẹn tình thương của Ngài trong mọi việc làm của con, lạy Chúa?

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Cuối năm Cọp

Hôm nay, ngày cuối của năm Cọp, cũng là ngày Lễ Nến, Lễ của ánh sáng. Chúa Giêsu, tuy mới có vài ngày tuổi, cũng là Vua Ánh Sáng, đã đến thăm Dân Ngài tại Giêrusalem.
Lúc đó, chỉ có hai người già nhận ra Vua Vinh Quang, vì lòng họ luôn mong chờ khát khao Đấng Cứu Thế.

Chỉ còn mấy giờ nữa là đã bước qua năm mới Tân Mão 2011. Chúa muốn năm mới của con luôn tươi sáng, luôn tràn ngập ánh sáng của Chúa. Nên từng ngày, Chúa - Vua Ánh Sáng - luôn đến thăm con.

Xin cho lòng con luôn khát khao hướng về Chúa như ông già Simêon và bà Anna. Để con luôn đón nhận được Chúa là Ánh Sáng. Và để ánh sáng của Chúa chiếu toả ra trong từng ánh mắt nụ cười, từng lời nói, cử chỉ và hành vi của con.

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

Cấm và không cấm

Sau khi cho con gái ông Giairô sống lại, Đức Giêsu nghiêm cấm những người chứng kiến phép lạ này không được để một ai biết việc ấy... Tại sao Chúa lại cấm như thế, trong khi (trong bài Tin Mừng hôm qua) Chúa lại ra lệnh cho người được Ngài trừ quỷ "thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh."?