Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Sinh

Ông Ápraham sinh Ixaác; Ixaác sinh Giacóp; ...Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô (Mt 1,2.16)

Bài Tin Mừng hôm nay có gần 50 chữ sinh. "Sinh" tạo ra cả một đường dây sự sống nối kết mọi người mọi thời trong mọi nơi.
Như vậy, có mặt trên đời là đi vào mạng lưới của sự sống, bao trùm từ khởi nguyên đến tận thế và đến tận cùng cõi đất.
Như vậy, trong tôi có mọi người mọi thời, và trong từng người cũng có tôi. Tất cả đều ảnh hưởng lẫn nhau. Tôi chịu trách nhiệm trên mọi người, vì mọi hành vi ý nghĩ của tôi đều tác động trên họ và ngược lại.
Vâng, lạy Chúa, nếu mọi hành vi của con đều nối kết với Chúa, thì con cũng đang đưa mọi người lên cùng Chúa...

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Làm chứng

Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.(Ga 5,36)

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng Đức Gioan Phaolô II là “một nhân chứng vĩ đại về bệnh tật được cảm nghiệm trong đức tin”. Cách thế mà Đức Gioan Phaolô II đã trải qua bệnh tật, thì đối với người cũng như đối với chúng ta, là một trong những lý do chính yếu, để cho tất cả mọi người trong chúng ta xác tín về sự thánh thiện của người”, “cũng như Đức Giêsu là Đấng đã mang lấy khổ giá của mình, thì Đức Gioan Phaolô II cũng thế, người là một người bạn vĩ đại, và là một người cầu bầu trước toà Chúa cho mỗi bệnh nhân”.

...Bệnh tật “tác động đến mỗi con người, cách gián tiếp trong thân thể cũng như trong tinh thần của mình, hay cách gián tiếp trong một người thân yêu sống chung quanh chúng ta, và đi vào trong tận chiều sâu tâm hồn, thách thức tình yêu, lòng trông cậy và ngay cả đức tin”.

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng “Đức Giêsu Kitô, bởi vì Người quan tâm đến những con người đau khổ, bởi vì chính Người đã cảm nghiệm cuộc khổ nạn và cái chết, nên Người là niềm an ủi đáng tin cậy nhất trong những niềm an ủi cho các bệnh nhân, và chính Người là con đường mà toàn thể Giáo hội cũng phải tìm kiếm: một men liên đới và tình yêu trong mỗi chiều kích của cộng đồng nhân loại”.
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110223/9040

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Xem gì?

Anh em đi xem gì trong hoang địa? (Lc 7,24)
Đây là một thắc mắc bình thường hay là một chất vấn? Xem gì?
Một cây sậy?
Một người ăn mặc hấp dẫn?
Cây sậy thì có gì đáng xem?
Người ăn mặc hấp dẫn thì vào hoang địa làm gì?
Đây là cách nhập đề của Chúa, một nhập đề gợi lên những tương phản, tạo sự tò mò, gây chú ý, cuốn người nghe vào câu chuyện. Một lối thuyết giảng rất nghệ thuật.
Vâng hẳn là vào sa mạc không để xem sậy, xem những gì phù phiếm. Mà để tìm xem một ngôn sứ.
Tại sao Chúa đối chiếu  ngôn sứ  với cây sậy?
Chúa muốn gì khi đặt hình tượng người ăn mặc xa hoa bên cạnh Gioan?
Hẳn là Chúa muốn nhấn mạnh ngôn sứ không thể là cây sậy, không thể chạy theo những gì hào nhoáng, hoặc sống trong nhung lụa?

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Tìm trong tăm tối

"Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" (Lc 7,19)
Gioan là tiếng hô trong sa mạc, dọn đường cho Chúa đến với mọi người. Công việc đó ông cũng thường xuyên thực hiện trong tâm hồn của mình.
Ông cũng khao khát Chúa, mò mẫm tìm Chúa trong tăm tối. Trong tù ngục tăm tối bên ngoài, ông cũng khám phá ra những tăm tối trong tâm trí mình. Ông vẫn chưa hiểu rõ được ai là Chúa và Chúa là ai.
Cho dù Chúa hằng xem con như bạn hữu thân tình và mốn cho con biết mọi sự về Chúa, Chúa vẫn luôn mãi là Đấng khôn dò khôn thấu. Vì Chúa thì vô biên vô tận, mà lòng trí con thì vô cùng nhỏ bé, làm sao múc cạn mầu nhiệm Thiên Chúa. Ấy là chưa kể con thường xuyên đóng cửa lòng mình trước Chúa, và đặt bao nhiêu chướng ngại vật trên con đường nối kết con với Chúa.
Nhưng Chúa vẫn là hạnh phúc của con, là sức hút của đời con... Nên con khắc khoải đi tìm, giữa tăm tối cuộc đời, và tăm tối của lòng con...

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Tương phản

Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. (Mt 21,28-29)

Bảo không đi, rồi lại đi! Bảo đi rồi lại không đi! Cuộc đời luôn có những mối tương phản như thế! Hứa cho nhiều rồi lại quên... Quên quên nhớ nhớ khôn dò...

Chúa Giêsu đưa ra những cặp tương phản để soi rọi vào những ngóc ngách quanh co tăm tối đầy uẩn khúc của cõi lòng và của cuộc đời. Sự minh khai này có khai minh được lòng con?

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Phỏng vấn Giêsu

Bài Tin Mừng hôm qua thuật lại cuộc phỏng vấn Gioan với 5 câu hỏi và 5 câu trả lời (3 phủ định + 2 xác định).

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc phỏng vấn Giêsu. Chỉ có một câu hỏi được đưa ra, và Chúa Giêsu (GS) đã trả lời câu hỏi duy nhất này bằng một câu hỏi để rồi chẳng có câu trả lời nào cả. Vì các thượng tế Do Thái (TT) không có can đảm nhìn vào sự thật và không có thiện chí đón nhận sự thật.

Câu trả lời của Chúa chỉ có thể đến được với người có thiện tâm.

TT hỏi: Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? 
GS đáp: Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.

GS hỏi:  Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?
TT đáp: Chúng tôi không biết.

GS kết luận: Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.


Bài phỏng vấn Gioan cho thấy Gioan là một con người rất trung thực.
Bài phỏng vấn Chúa Giêsu cho thấy Ngài đã trả lời với phong cách rất uy quyền và khôn ngoan, thấu hiểu cõi lòng đen tối của đối phương. Chính vì vậy mà các thượng tế không dám đưa ra thêm một câu hỏi nào nữa.