Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Dọn chỗ

Thầy đi dọn chỗ cho anh em. (Ga 14,1)

Những người được dọn sẵn chỗ làm 
Ra trường, có chỗ làm ấm êm do người nhà sắp đặt, không ít bạn trẻ đi làm theo lộ trình vạch sẵn. Liệu họ hạnh phúc với sự sắp đặt ấy? Đó là bệ phóng thăng tiến hay rào cản mặc cảm với những “người nhà” ở sở làm?
...Ông Hà Trung Thành - giảng viên Trường Cán bộ TP.HCM. chia sẻ: “Thật lòng tôi rất trăn trở với bốn chữ “COCC” khi thấy chuyện này phổ biến ở các cơ quan nhà nước.
Cụ thể, ở nhiều cơ quan hiện nay, câu cửa miệng mà mọi người chào đón “lính mới” thường là “Anh ấy là con cháu của ai?” thay vì “Anh ấy học giỏi như thế nào? Năng lực xuất sắc ra sao...?”.
Ông cho rằng việc cha mẹ, người lớn muốn dành điều tốt nhất cho con cháu mình là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, theo ông, việc người lớn can thiệp, giành chỗ “ngon” cho con cháu bất chấp năng lực, trình độ sẽ dẫn đến nhiều hệ quả đáng lo ngại.
Quay trở lại câu chuyện của M.T. “Khi tôi làm sai thì đồng nghiệp xì xầm. Còn khi hoàn thành tốt công việc thì chẳng ai ghi nhận bởi họ nghĩ tôi là “COCC” thì phải vậy”, M.T. trải lòng.
Với L.Q., chất lượng nhà trường đi xuống, anh bị chính người thân tẩy chay vì sự kiêu ngạo và quá lạm dụng quyền lực của mình. Còn N.V. cảm nhận được sự xa cách vô hình giữa bản thân và các đồng nghiệp. “Có những buổi họp mà tất cả ý kiến dù hay, dở của tôi đều được thông qua dễ dàng...”, N.V. bộc bạch.
http://dantri.com.vn/c135/s135-575763/nhung-nguoi-duoc-don-san-cho-lam.htm

Đức Giêsu dọn chỗ cho các môn đệ không phải theo kiểu COCC. Chính Ngài là COCC của Cha trên trời, nhưng với tư cách người anh cả của đàn em trần gian, Ngài đã dẫn lối họ vào trời bằng con đường hy sinh của tình yêu, và ban sức mạnh Thánh Thần để họ cũng có thể theo Ngài về trời bằng con đường này. Ngài dọn chỗ cho họ theo cách đó. Và chính bản thân Ngài đã trở thành con đường cho họ khi họ sống trong Ngài để cùng Ngài  đi về trời. Sống như thế, họ đã bước một chân vào quê trời rồi.

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Con đường

Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6)

Vì không theo sự thật nên: Rùng mình ống hút, hộp thực phẩm từ rác thải

Ít ai biết rằng, những vật đồ gia dụng túi nilon, ống nhựa hút, đồ hộp bằng nhựa… mà người dân tiêu dùng hàng ngày được tái chế từ rác thải ở làng Khoai. Thậm chí cả rác thải y tế cũng được đưa vào tái chế ra túi nilong, đồ nhựa đựng.

...Trong cái xưởng hẹp chừng 60m2, mà đủ các loại mùi khó chịu hòa lẫn, mùi rác thải, mùi nhựa tái chế khét lẹt, nóng hầm hập chạy xì xoạch inh tai…

Để tìm hiểu công đoạn ở đây cứ chừng 10 phút, chúng tôi phải chạy ra ngoài vì không chịu được mùi khó tả. 

Bên cạnh đó, một thực trạng khác mà làng Khoai đang phải đối mặt đó là tình trạng ô nhiễm môi trường. Về làng Khoai vào một nắng ráo, nhưng đường sá ở đây lúc nào cũng ngập ngụa trong nước thải, rác thải. Phần lớn người dân làm nghề đều dùng nước để rửa túi nilon sau đó cho vào tái chế, vì vậy lượng nước dùng khá lớn, cống thoát nước làng quá tải, nước dềnh lên cả lối đi…

 ...Theo như lời vị cán bộ này thực tế thì khâu xử lý nilon thành phẩm ở đây còn rất thủ công, chưa có một khâu nào được qua xử lý hoá học, và sau khi tái chế ra túi nilon thành phẩm sẽ bán ra thị trường. Việc ảnh hưởng từ làng nghề đến môi trường và sức khoẻ của người dân thì đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng tìm lời giải thì quá khó.
...Khi chia tay làng Khoai, chúng tôi không quên lời dặn của một công nhân làm nghề tên Hoàng, sản phẩm túi nilon ở đây có 2 loại, màu trắng và màu xanh lục, nhưng chỉ đựng được các vật dụng, đồ dùng thôi còn để mà thức ăn rau, thịt, cua, cá… hay thức ăn chín rồi về đổ ra ăn ngay chỉ có nước “rước” bệnh vào người…

(http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=382339#ixzz1tl0Za1JL http://www.xaluan.com/)

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Ánh sáng & Bóng tối

Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. (Ga 12,46)

Joy là một cô gái thành thị điển hình, ở tuổi 20 nhiều ước mơ và hoài bão. Cô đã từng yêu ở tuổi 20, hận thù nhiều ở tuổi ngoài 20. Và cô đã ngừng yêu để bước vào những trò chơi mà tình yêu dắt lối. 
Cuộc đời Joy có mảng tối và mảng sáng.
Mảng tối là khi cô thu mình trong quá khứ với những nỗi đau không ai biết. Cho nước mắt yếu đuối làm mờ màu mascara chuốt dài trên đôi gò mà lem luốc. 
Mảng sáng là khi cô bước ra đường, tự tin, kiêu hãnh, xinh đẹp, quyến rũ và bất cần. Cô lúc nào cũng tỏa sáng như vậy. Tỏa sáng như ánh mặt trời.
Nhưng hỡi ơi, mặt trời và bóng đêm, bình minh và hoàng hôn lúc nào cũng luân phiên ngự trị, chẳng bao giờ có thứ gì đó chiếm được vị trí độc tôn. Thậm chí, đôi khi, bóng đêm và hoàng hôn còn nhiều hơn ánh sáng… 
Cuộc đời Joy cũng vậy, đôi khi cô cảm thấy nó quá lắm tối tăm… Hay ánh sáng mà người ta đang nhìn ngắm nơi cô… tựa hồ chỉ là một giấc mơ giả dối, một thứ ảo mộng tự xây, không đường không lối, không cốt cách, không nền móng…. Giả tạo vô cùng?

Những tâm trạng xen lẫn sáng tối của Joy xem ra mịt mùng biết bao. Tương lai sẽ ra sao? Niềm vui đích thực ở đâu? Có nắm vững được hạnh phúc của đời mình không, hay chỉ là may rủi? Mênh mông mịt mù!

Chỉ có thể trả lời được những câu hỏi này nơi Đấng đã tạo dựng nên tất cả, yêu thương tất cả đến tận cùng, Đấng có cả một kế hoạch tuyệt vời để ở bên từng con người mà Ngài yêu thương. Gặp được Đấng ấy, con người mới giải đáp được những câu hỏi nhức nhối nhất, sâu thẳm nhất. Và lúc đó cuộc đời mới chan hòa ánh sáng, bất chấp mọi bóng tối...

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Thánh Giuse lao động

Hôm nay lễ Thánh Giuse Thợ, chúng ta đọc lại một vài suy niệm của ĐTC Phaolô VI về cuộc đời lao động của Thánh cả.

Trong bài giảng vào lễ Thánh Giuse năm 1969 (*), ĐTC Phaolô VI nói rằng: khi suy niệm về Thánh Giuse, ta tưởng chừng như thiếu chất liệu khai thác. Phúc Âm không ghi lại lời nào của Ngài, ngoại trừ vài ghi nhận: Ngài hoàn toàn yên lặng và lắng nghe tiếng Chúa qua những giấc mơ. Ngài mau mắn thi hành ý Chúa. Ngài chuyên chăm làm việc tay chân cách cần mẫn, khiến người đời chỉ biết về Chúa Kitô là con bác phó mộc. Tất cả chỉ vỏn vẹn có thế, và có thể nói: cuộc đời Thánh Giuse là một cuộc đời ẩn dật, lao công lam lũ, một đời bình thường không chút danh tánh.

Nhưng, ĐTC Phaolô VI nhấn mạnh, nếu chúng ta tìm hiểu sâu xa hơn cuộc đời ẩn dật của Thánh Giuse, chúng ta sẽ thấy một cuộc đời đầy nhân đức và công nghiệp, đầy hạnh phúc và đau khổ, đầy hy sinh và ơn thánh. Thánh Giuse đã dấn thân và đón nhận mọi gánh nặng gia đình. Ngài chỉ nghĩ đến phục vụ, chỉ biết làm việc và hy sinh trong khung cảnh thầm kín mà Phúc Âm đã diễn tả: mái ấm Nadarét với trẻ Giêsu và Đức Maria. Ngài thực đáng được ca ngợi là người diễm phúc và cực tốt lành.

Chính nơi Thánh Giuse, ta nhìn thấy những giá trị đích thực của đời sống con người, khác hẳn cách người đời thường thẩm định. Ở đây, cái nhỏ bé trở nên lớn lao. Ở đây, cái hèn hạ lại có địa vị xứng đáng trong xã hội. Ở đây, những kết quả lao công tầm thường và khó nhọc, lại trở nên hữu dụng cho công việc giảng dạy của Đấng Tạo Thành. Ở đây, những gì bị mất vì yêu Chúa thì lại tìm thấy, những gì hy sinh cho Chúa thì lại được nên dồi dào.

Thánh Giuse chính là tiêu chuẩn Phúc Âm, mà Chúa Giêsu - sau khi rời bỏ xưởng thợ Nazareth - đã rao giảng. Thánh Giuse là gương mẫu của lớp người khiêm hạ mà Kitô giáo đã phát hiện ra như những sự cả thể lớn lao.

Cuối cùng, ĐTC Phaolô VI kết luận, Thánh Giuse là biểu chứng cho thấy, muốn nên môn đệ Chúa Kitô thì không phải nhắm ra tay làm những sự lớn lao, mà chỉ cần tập làm những việc nhỏ mọn, đơn sơ xứng hợp với con người... Vậy Thánh Giuse là gương mẫu cho chúng ta bắt chước, là Đấng Bảo Hộ chúng ta cần cầu khẩn.

(*) http://www.osjoseph.org/stjoseph/magisterium/paulVIhomily.php

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Sống dồi dào

Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10)

Thiếu nhi “nói không với túi nilông”
TT - 28.000 thiếu nhi huyện Điện Bàn (Quảng Nam) vừa ra quân thu gom túi nilông và tặng giỏ nhựa đi chợ cho các cô giáo và thiếu nữ. Hoạt động diễn ra tại liên đội Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh. Đây là chuỗi hoạt động của Hội đồng Đội Điện Bàn nhằm nâng cao ý thức học sinh trong việc tạo lập thói quen hạn chế và hướng đến không sử dụng túi nilông trong đời sống hằng ngày. (http://teen.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=488913&ChannelID=560)

 Cọp chê
TTC - Có một vị tham quan nọ đi săn, bị lạc trong rừng. đang loay hoay tìm đường, bỗng một con cọp to nhảy xổ ra vồ lấy quan. Nó ngửi ngửi lên người quan rồi ngán ngẩm bỏ đi. Quan thở phào nhẹ nhõm vì thoát chết. Quân sư cáo chứng kiến từ đầu đến cuối, thấy lạ mới lẽo đẽo theo cọp thắc mắc:
- Sao ngài không ăn thịt tên đó? Tôi thấy hắn béo ú, mập mạp thế mà ngài lại chê?
- Ngươi thì biết gì. Thịt hắn tuy nhiều nhưng không ngon. Cái bụng bự thì chứa đầy tiền, đất, cát, xi-măng, sắt, thép,… Máu thì nhiễm đầy bia, rượu cả xịn lẫn dỏm. Hơi thở thì nồng nặc mùi xú uế, cứ như là nước sông bị ô nhiễm chất thải trầm trọng. Ta chẳng ngu gì ăn thịt hắn, e bị đoản mệnh vì ngộ độc thực phẩm.
- Ngài quả thật là biết nhìn xa trông rộng.
 (http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=489475&ChannelID=376)

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Mục tử nhân lành

"Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên." (Ga 10,11)

Một người linh mục là bạn rất thân của tôi đã bị những người giáo dân là chính con chiên của mình giết chết! 

Giáo dân là con chiên của Ngài đã giết Ngài một cách dã man, tàn nhẫn. Họ đánh đập Ngài không nương tay. Những vết thương bầm dập và máu me chảy ra phát sợ. Vì vết thương quá nhiều nên Ngài đã qua đời rất nhanh chóng. Tôi không nghĩ rằng giáo dân của Ngài lại độc ác, tàn nhẫn đến như thế. Tôi cứ thắc mắc cùng với bao người khác….
Nguyên do từ những xích mích ban đầu giữa hai bên, ban đầu tuy rất nhỏ nhưng ngày một tăng dần lên. Ban đầu là vì mấy câu nói khó nghe, mấy việc làm gai mắt,…làm cho sự hiểu lầm nghi kỵ, hằn thù cứ thế tăng lên cao độ. Giáo dân trong giáo xứ cảm thấy bị mất lòng, tự ái. Cuối cùng, từ chức sắc tới thường dân đã quyết định lập thành một phe nhóm để giết chết cha xứ của mình. Làm được chuyện đó họ hả hê vui mừng như vừa giết được một kẻ thù số một của mình.
Khi nghe tin này, tôi bị đứng tim, dựng tóc gáy và vô cùng hoảng hốt. Đúng là sét đánh mang tai. Ban đầu tôi không thể tin nổi. Ban biên tập các trang báo nhận được tin này cũng sửng sốt, ngỡ ngàng và ngã ngửa ra. Nhưng sự thật là như thế. Thật xót xa cho người bạn của tôi. Đến nay, thỉnh thoảng nhớ đến cái chết của bạn mình, tôi lại bật khóc và buồn thương day dứt.
Chúng tôi quen biết nhau từ nhỏ. Ngài làm linh mục trước tôi. Ngài lớn tuổi hơn tôi đã chọn kết thân với tôi. Tôi không dám chọn chơi với Ngài. Nhưng vì Ngài thích tôi nên chọn tôi làm bạn. Thế là đương nhiên tôi là bạn của Ngài. Linh mục này đang phụ trách một giáo xứ rất quan trọng. Lại là cha xứ tiên khởi nữa. Đây là một giáo xứ kỳ cựu, nổi tiếng và có một không hai trong giáo phận. Nhưng thời gian vừa rồi Ngài đã bị con chiên trong giáo xứ giết chết. Ngài chết ở tuổi rất trẻ. Ngài chết ở tuổi đời linh mục sớm hơn tôi. Ngài chết đang khi rất thành công. Một linh mục dầy dặn kinh nghiệm và có đủ mọi chuyên môn ; đặc biêt rất hiền lành, thánh thiện, chịu khó làm việc, nhất là những công việc bác ái chăm lo cho người nghèo.
 ...Gần đây, có một số chuyên viên là đạo diễn, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia…đã xin tôi nội dung câu chuyện và bài viết này để về dựng thành phim truyện, thơ ca và tạo vẽ hình,…Tôi vô cùng sung sướng và sẵn sàng cung cấp cho họ. Tôi dặn họ nếu cần tư liệu nữa tôi sẽ hỏi Bà Cố để có thêm thông tin chính xác đầy đủ hơn. Chỉ mong sao cho cuộc đời và cái chết của người bạn linh mục của tôi được mọi người biết đến ở mọi phương diện. Đó cũng là ao ước duy nhất của tôi bây giờ.
Chẳng hiểu sao, từ sau cái chết của Ngài, lúc nào bất cứ làm gì, nói gì tôi cũng làm và nói trong ý hướng về cái chết của người bạn đáng mến phục này. Sau cùng, có mấy người hỏi tôi nhiều câu hỏi khác nhau. Tại sao hai linh mục lại quen nhau? Tại sao hai linh mục lại thân nhau? Gia đình của linh mục bị giết kia thế nào? Người thân của linh mục bị giết kia đâu cả rồi ? Chuyện này giải quyết tới đâu? Kẻ giết Ngài bị phạt như thế nào? Gia đình nạn nhân có được bồi thường không?... Tôi cứ để cho họ hỏi tự nhiên thoải mái. Nhưng có một câu hỏi cuối cùng : Tại sao vị linh mục ấy bị nhiều vết thương khủng khiếp trên người và có một vết dao đâm ở ngực nữa? Lúc ấy tôi mới trả lời : vì linh mục này có tên gọi là Giêsu!!!...
Tuần thánh 2012
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn (www.trongkhan.net)  
(http://dongthanhtam.net/vi/news/Bai-viet-khac/Mot-linh-muc-bi-giao-dan-giet-chet-1443/)