Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Thánh Thần & niềm vui

"Bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng..." (Lc 1,41-44)

Hoa trái của Thánh Thần là niềm vui: "Bà được đầy tràn Thánh Thần... đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng".
Hiện diện với Chúa để biến đổi trong Chúa, biến đổi giống Chúa, biến đổi trong niềm vui và bình an, bất chấp hoàn cảnh nội tại và ngoại tại như thế nào...

Cho dù có bao nhiêu là thiếu sót, cho dù hoàn cảnh đầy bất trắc, cho dù dư luận có như thế nào đi nữa, con vẫn muốn hiện diện với Chúa trong niềm vui và bình an.

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Dấu chỉ & giải thích

Ông Dacaria thưa với sứ thần: "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi."
Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"

"Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?" Phải chăng Giacaria xin một dấu chỉ để dựa vào đó mà "biết được"?
Chúa đã cho ông một dấu chỉ (không phải là một hình phạt): câm lặng một thời gian để chỉ ngắm nhìn Chúa, ngắm nhìn những điều kỳ diệu của tình thương Chúa, mà hiểu Chúa nhiều hơn, sống trọn vẹn với Chúa hơn và biến đổi trong Chúa cho đến khi mở miệng công bố ơn cứu độ của Chúa.

Maria thì khác. Mẹ không xin một dấu chỉ, mà xin một lời giải thích: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?" Maria không vâng lời tối mặt. Mẹ là một con người dám đối thoại, dám tìm hiểu. Và đối thoại tìm hiểu trong khiêm tốn cộng tác và vâng phục với tất cả con tim: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Chầu trước mặt Chúa

"Tôi là Gáprien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông." (Lc 1,19)

Thiên sứ Gapbrien được sai đến với Giacaria để thực hiện một công tác truyền thông. Gapbrien là nhân viên truyền thông chuyên nghiệp của Chúa. Để chu toàn sứ vụ này, trước hết Gapbrien phải là vị hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, hằng hiện diện trước Chúa.

Còn tôi thì thế nào? Lạy Chúa, xin cho con biết luôn hiện diện với Chúa, trong Chúa và trước Chúa là Đấng luôn hiện diện với con và luôn ở trong con.

"Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi." Sứ thần đáp: "Tôi là Gáprien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi."

Câm không chỉ là dấu chỉ cho Giacaria, mà còn là biểu trưng tình trạng của những người, dù công chính như Giacaria, nhưng vẫn chưa có khả năng và chưa thực hiên được bổn phận truyền thông như Gápbrien. Cần phải luôn ở trước Chúa, luôn hiện diện với Chúa, để Chúa từ từ tác động và biến đổi, lúc đó mới từ từ hết câm, để trở thành những người loan báo Tin Mừng, truyền thông tình thương của Chúa.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Chúa hay Tôi?

Bấy giờ bà Maria nói:
"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,
xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."
(Lc 1,38)

Lý do vì sao tôi chấp nhận một sứ điệp?
Vì Chúa hay vì Tôi?
Lý do vì sao tôi hoạt động?
Vì Chúa hay vì những đam mê của tôi?
Hình ảnh nào luôn hiện diện trong tâm trí của tôi?
Chúa hay những thụ tạo trần gian?
Lý do nào khiến thiên sứ Gabriel đi làm truyền thông?
Lý do nào khiến Maria vội vã đến thăm Bà Isave?
Lý do nào khiến tôi làm truyền thông?

Ba mục tiêu chính (vision) mà mọi thành viên Mục vụ Truyền Thông phải nhằm đến trong mọi hoạt động của mình là:
1. Chân lý toàn vẹn là Tin Mừng Đức Kitô được loan báo và thực thi mọi nơi mọi lúc;
2. Văn hóa Sự Sống và văn minh Tình Thương của Tin Mừng được phát huy trong mọi môi trường;
3. Dòng chảy hiệp thông trong cộng đoàn được khai thông tốt đẹp nhờ việc tích cực chia sẻ kinh nghiệm sống-đức-tin và làm-chứng cho Đức Kitô.

Bản tin thứ bảy, 17 tháng 12, 2011: Lũ quét gây ra bởi một cơn bão nhiệt đới mạnh ở miền nam Philippines làm thiệt mạng ít nhất 180 người và khiến hàng trăm người mất tích, theo giới chức nước này.
Rất nhiều nạn nhân đang ngủ khi cơn bão và lũ xảy ra ở đảo Mindanao, giết chết nhiều người ở hai khu vực Iligan City và Cagayan de Oro.
Hàng chục ngàn người đã phải chạy tới vùng đất cao hơn, theo các viên chức chính quyền.
Benito Ramos, người đứng đầu của cơ quan cứu hộ thiên tai quốc gia, cho biết các con số thương vong có thể còn tăng với các báo cáo tiếp tục được cập nhật.
Ông Ramos cho biết nước lũ đã dâng lên nhanh chóng qua đêm, khi người dân còn ngủ.
"Lũ lụt quy mô lớn đã được báo cáo hiện diện ở khu vực, đặc biệt tại Iligan City và Cagayan de Oro," ông nói
Nhiều con sông bị nước tràn bờ do trận mưa cường độ 25mm tiếp diễn trong suốt 24 giờ.
Nhiều khu vực rộng lớn rơi vào tình trạng không có điện và một số chuyến bay nội địa đã bị hủy bỏ khi sức gió tăng lên đến 90 km/giờ quét qua hòn đảo này.
Một vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của ít nhất năm người ở mạn đông của hòn đảo, theo cơ quan quốc gia về thảm họa.
Một phát ngôn viên quân sự, Đại tá Leopoldo Galon, cho biết 10.000 binh sỹ đã tham gia nỗ lực cứu hộ xung quanh khu vực Cagayan de Oro.
Gần 100 người chết, hầu hết là trẻ em ở thành phố này, các quan chức cho biết thêm.
Dự báo thời tiết cho biết bão nhiệt đới Washi đã đi gần ngang qua Dipolog City, thuộc mạn tây Iligan City, vào đầu ngày thứ Bảy và mắt bão hiện đã hướng về phía biển Sulu.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/12/111217_philippines_storm.shtml

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Sinh

Ông Ápraham sinh Ixaác; Ixaác sinh Giacóp; ...Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô (Mt 1,2.16)

Bài Tin Mừng hôm nay có gần 50 chữ sinh. "Sinh" tạo ra cả một đường dây sự sống nối kết mọi người mọi thời trong mọi nơi.
Như vậy, có mặt trên đời là đi vào mạng lưới của sự sống, bao trùm từ khởi nguyên đến tận thế và đến tận cùng cõi đất.
Như vậy, trong tôi có mọi người mọi thời, và trong từng người cũng có tôi. Tất cả đều ảnh hưởng lẫn nhau. Tôi chịu trách nhiệm trên mọi người, vì mọi hành vi ý nghĩ của tôi đều tác động trên họ và ngược lại.
Vâng, lạy Chúa, nếu mọi hành vi của con đều nối kết với Chúa, thì con cũng đang đưa mọi người lên cùng Chúa...

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Làm chứng

Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.(Ga 5,36)

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng Đức Gioan Phaolô II là “một nhân chứng vĩ đại về bệnh tật được cảm nghiệm trong đức tin”. Cách thế mà Đức Gioan Phaolô II đã trải qua bệnh tật, thì đối với người cũng như đối với chúng ta, là một trong những lý do chính yếu, để cho tất cả mọi người trong chúng ta xác tín về sự thánh thiện của người”, “cũng như Đức Giêsu là Đấng đã mang lấy khổ giá của mình, thì Đức Gioan Phaolô II cũng thế, người là một người bạn vĩ đại, và là một người cầu bầu trước toà Chúa cho mỗi bệnh nhân”.

...Bệnh tật “tác động đến mỗi con người, cách gián tiếp trong thân thể cũng như trong tinh thần của mình, hay cách gián tiếp trong một người thân yêu sống chung quanh chúng ta, và đi vào trong tận chiều sâu tâm hồn, thách thức tình yêu, lòng trông cậy và ngay cả đức tin”.

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng “Đức Giêsu Kitô, bởi vì Người quan tâm đến những con người đau khổ, bởi vì chính Người đã cảm nghiệm cuộc khổ nạn và cái chết, nên Người là niềm an ủi đáng tin cậy nhất trong những niềm an ủi cho các bệnh nhân, và chính Người là con đường mà toàn thể Giáo hội cũng phải tìm kiếm: một men liên đới và tình yêu trong mỗi chiều kích của cộng đồng nhân loại”.
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110223/9040

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Xem gì?

Anh em đi xem gì trong hoang địa? (Lc 7,24)
Đây là một thắc mắc bình thường hay là một chất vấn? Xem gì?
Một cây sậy?
Một người ăn mặc hấp dẫn?
Cây sậy thì có gì đáng xem?
Người ăn mặc hấp dẫn thì vào hoang địa làm gì?
Đây là cách nhập đề của Chúa, một nhập đề gợi lên những tương phản, tạo sự tò mò, gây chú ý, cuốn người nghe vào câu chuyện. Một lối thuyết giảng rất nghệ thuật.
Vâng hẳn là vào sa mạc không để xem sậy, xem những gì phù phiếm. Mà để tìm xem một ngôn sứ.
Tại sao Chúa đối chiếu  ngôn sứ  với cây sậy?
Chúa muốn gì khi đặt hình tượng người ăn mặc xa hoa bên cạnh Gioan?
Hẳn là Chúa muốn nhấn mạnh ngôn sứ không thể là cây sậy, không thể chạy theo những gì hào nhoáng, hoặc sống trong nhung lụa?