Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Bạo loạn Anh

Bạo loạn Anh 2011 lan rộng, bao gồm cả rối loạn công cộng, cướp bóc, đốt phá tấn công, trộm cắp và cướp bóc, đã diễn ra tại một số thành phố và thị xã ở Anh. Những bạo loạn bắt đầu vào ngày 06 tháng 8 năm 2011 ở Tottenham, Bắc Luân Đôn. Cuộc bạo động khác sau đó xảy ra ở những nơi khác tại Luân Đôn và trong một số khu vực khác của nước Anh như Birmingham, Wolverhampton, West Bromwich, Nottingham, Leicester và Liverpool. Bạo loạn xảy ra sau vụ nổ súng giết chết người của cảnh sát đối với một người đàn ông tài xế taxi 29 tuổi, Mark Duggan vào ngày 4 tháng 8 năm 2011.
Sau cuộc điều tra ban đầu, cảnh sát xác nhận Duggan không nổ súng trước và bị cảnh sát bắn chết tại chỗ. Các nhân chứng cho biết, nạn nhân bị cảnh sát tạm giữ và bị cảnh sát bắn chết mặc dù anh ta đã phục tùng yêu cầu của cảnh sát. Người nhà của người đàn ông có 4 con nhỏ này nổi giận và đi đòi công lý. Thân nhân của Duggan cùng nhiều người địa phương đã kéo đến đồn cảnh sát ở Tottenham đòi có câu trả lời về cái chết. Trước sự im lặng của cảnh sát, đám đông bắt đầu trút cơn giận bằng cách đốt phá xe cảnh sát, châm ngòi cho đợt bạo động tồi tệ trên khắp nước Anh.
Một cuộc diễu hành khoảng 200 người dân ở Tottenham đã trở thành bạo lực và rơi vào bạo loạn. Trong những ngày sau, rối loạn xảy ra tại các khu vực khác của thành phố, bao gồm Wood Green, Enfield Town, Ponders End và Brixton. Các hành động phá hoại, đốt phá, cướp bóc và rối loạn bạo lực cũng được báo cáo trong một số quận của Luân Đôn, lan rộng về phía Nam như Croydon. Ít nhất 111 nhân viên cảnh sát bị thương. Ngày 8 tháng 8 năm 2011, bạo loạn và cướp bóc xảy ra ở Birmingham, Liverpool, Nottingham, Bristol và Medway. Hơn 525 người đã bị bắt giữ kể từ khi bạo loạn bắt đầu.
Nhiều tòa nhà, xe cộ và điểm đỗ xe buýt đã bị thiêu rụi. Cửa hàng và nhà hàng bị cướp phá, còn cảnh sát hứng chịu bom xăng. Những kẻ tham gia vào đốt phá, hôi của, đã không ngần ngại tấn công trực diện vào lực lượng cảnh sát, thậm chí qua các mạng xã hội. Họ còn kêu gọi bạo động ở khắp nơi trên nước Anh. Đây là một thử thách nặng nề đối với Luân Đôn, nơi sẽ diễn ra Thế vận hội mùa Hè 2012.


Thủ tướng Anh Cameron trong những ngày qua đã loan báo hàng loạt biện pháp nhằm chặn đứng làn sóng bạo loạn, không loại trừ cả việc đưa quân đội vào cuộc trấn dẹp. Ngày 12-8, nước Anh đã trải qua hai đêm yên ắng liên tiếp sau khi hơn 1.500 người bị bắt và tòa án đã phải làm việc không ngừng để kịp xét xử những người tình nghi.
Chính phủ đang xem xét khả năng đóng cửa các trang mạng xã hội hay dừng dịch vụ tin nhắn khi cho rằng các phần tử tham gia bạo động, cướp phá, phóng hỏa đã sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, đặc biệt là ứng dụng tin nhắn của điện thoại BlackBerry (BlackBerry Messenger - BBM) để liên lạc và tổ chức tập thể.
BBM có khả năng bảo mật rất cao, vừa miễn phí vừa riêng tư, nhà chức trách Anh không thể theo dõi được nội dung trao đổi. Có đến 37% thanh thiếu niên Anh sử dụng BBM.


Đòi cấm BlackBerry
Thủ tướng David Cameron cho rằng tất cả sẽ bị sốc khi chứng kiến cách các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội bị các nhóm bạo động sử dụng để gây bất ổn. Nhiều tin nhắn được phát hiện đã kêu gọi mọi người hẹn điểm để cùng nhau đi cướp phá.
Blog của nhóm cung cấp dịch vụ của BlackBerry bị tin tặc đánh phá và bị cảnh cáo không được hợp tác với cảnh sát. Chính phủ Anh cho biết sẽ xem xét việc ngăn chặn các dịch vụ này có hợp pháp hay không, và tính toán sẽ chỉ ngăn chặn từng cá nhân sử dụng dịch vụ chứ không ngăn chặn hoàn toàn các dịch vụ này.
Trước đó, nghị sĩ David Lammy của vùng Tottenham đã lên tiếng kêu gọi cấm dịch vụ BBM, bởi theo ông, dịch vụ này đã giúp các nhóm tội phạm dù không được trang bị như cảnh sát song có thể hành động vượt quá khả năng kiểm soát của cảnh sát.
Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã triệu tập đại diện của Facebook, Twitter và hãng sản xuất BlackBerry là RIM, đưa ra những quy định buộc họ phải đáp ứng trong thời gian bất ổn hiện nay.


Tấn công quyền tự do ngôn luận
Các nhóm hoạt động xã hội cảnh báo những biện pháp mà Chính phủ Anh đang xem xét có thể vi phạm các quyền tự do dân sự. Jim Killock, giám đốc Tổ chức Open Rights, chỉ rõ các sự kiện như bạo động thường được dùng làm cái cớ để nhà chức trách hạn chế các quyền của người dân. Ông lưu ý cảnh sát và các công ty tư nhân có thể lợi dụng tình hình bất ổn để vi phạm quyền lợi của người dân.
Nhà văn Curt Hopkins cũng cho rằng: “Ông Cameron phải cẩn thận, đừng tấn công vào những nhu cầu cơ bản này của người dân chỉ vì lo lắng trước hành động của một nhóm thiểu số”. Một số ý kiến cho rằng nỗ lực kiểm soát của nhà nước đối với mạng xã hội sẽ khó mà thành công.
Tony Travers, giáo sư xã hội học thuộc Đại học Kinh tế London, cảnh báo tất cả đô thị lớn trên thế giới đều đang sản sinh trong lòng nó những bất ổn và đến một lúc nào đó những bất ổn này sẽ chuyển thành những cơn bạo loạn. Một số tờ báo thiên tả cũng cảnh báo bạo loạn ở London có thể xảy ra tại bất cứ đô thị nào ở châu Âu.


Cảnh báo cho các nước châu Âu
“Những kẻ gây náo loạn ở London rung lên hồi chuông báo động cho nước Anh và nhiều nước đa chủng tộc ở phương Tây còn tồn tại sự bất bình đẳng” - tờ Liberation của Pháp viết. Trong khi đó, tờ Il Sole 24 Ore của Ý lại hối thúc cải thiện giáo dục là yếu tố cần thiết để tiếp thêm hi vọng cho “thế hệ lạc lối”.
Tờ La Libre Belgique của Bỉ cho rằng cuộc bạo loạn là do sự xuống dốc của kinh tế mà Chính phủ Anh đã bất lực trong việc tìm ra giải pháp. Một số tờ báo khác chỉ trích việc cắt giảm chi tiêu của chính quyền Thủ tướng Cameron làm bùng nổ bất ổn xã hội. “Chính sách thắt lưng buộc bụng” nhằm đảm bảo các khoản vay nước ngoài là nguyên nhân bạo loạn ở Anh, tờ Eleftherotypia của Hi Lạp - nước từng chứng kiến nhiều đợt biểu tình phản đối “thắt lưng buộc bụng” - nhận định.
(Theo Wikipedia và Tuổi Trẻ)

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Thăm viếng & Lên trời

Trong ngày lễ Mẹ về trời, Giáo hội cho ta nghe đọc Bài Tin Mừng "Đức Mẹ thăm viếng Bà Êlisabét". "Mẹ thăm viếng" và "Mẹ về trời" có liên hệ với nhau?
Trong truyền thông, gặp gỡ trực diện luôn là quan trọng nhất và là căn bản của truyền thông.
Trong đời Kitô hữu, thăm viếng đích thực là gặp được cõi thiên đàng của nhau khi người ta thực sự đi vào cõi lòng của nhau. Cõi lòng con người không phải là thiên đàng sao? Không phải là nơi Chúa ngự trị hay sao?
Ta đã một chân bước vào thiên đàng khi biết thực sự thăm viếng nhau, chuyện trò giao tiếp với tất cả tâm hồn và đi vào được cõi lòng của nhau...


"Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."(Lc 1,39-45)

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Xót xa

Xót xa: Người VN xếp hàng bán thận ở TQ
Thượng tá Nguyễn Phú Thương, Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Cần Thơ, Trưởng ban chuyên án, cho biết, đối với những người vượt biên bán thận, trong lúc gây mê để lấy thận, bác sĩ bên TQ có thể cắt thêm bất cứ bộ phận nào trong nội tạng như gan, tụy... để ghép cho người khác mà nạn nhân không hề hay biết và không biết khiếu kiện với ai.
Bên cạnh đó bất cứ việc phẫu thuật nào trong ngành y tế cũng đều có thể gặp sự cố liên quan đến tính mạng BN. Chưa kể, việc vượt biên sang TQ để bán thận tại một BV không được phép của chính phủ nước sở tại lại càng nguy hiểm hơn...
Lúc nào cũng có cả chục người VN chờ bán thận
Sáng 11-8, PV tiếp xúc với anh Võ Văn Công (18 tuổi) và Trần Văn Đại (21 tuổi, cùng ngụ xã Đông Bình, H.Châu Thành, Hậu Giang), hai trong số 3 nạn nhân ở địa phương này vừa qua TQ bán thận trở về.
Sang đến đất TQ, cả ba được một người bản địa dẫn lên xe đò, đi khoảng 1 ngày 1 đêm thì đến TP Quảng Châu. Sau đó, họ dồn cả ba vào ở trong một căn phòng rộng khoảng 20m2, trong đó có sẵn 7-8 người đến từ TP.HCM nằm chờ tới lượt bán thận... Anh Đại cho biết, tại nhà trọ lúc nào cũng có sẵn gần chục người từ VN sang nằm chờ bán thận...

http://hcm.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/xot-xa-nguoi-vn-xep-hang-ban-than-o-tq-c46a397222.html
Người VN xếp hàng bán thận ở TQ, điều này thật xót xa. Bài Tin Mừng hôm nay cũng gợi lên những niềm xót xa:
Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đon,  thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!" Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!" Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà ít-ra-en mà thôi. Bà ấy đến lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài xin cứu giúp tôi!" Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con" Bà ấy nói: "Thưa Ngài đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống". Bấy giờ Đức Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy". Từ giờ đó, con gái bà được khỏi. (Mt 15,21-22)
Nhìn đứa con bị quỷ ám hành hạ, bà mẹ xót xa.
Đọc những câu thoại giữa bà mẹ này và Chúa Giêsu, thoạt đầu người ta cũng có thể cảm thấy xót xa trước thử thách đến tận cùng mà bà phải chịu từ những lời nói của Chúa. Bất chấp thái độ xem ra rất lạnh lùng của Chúa Giêsu, bà vẫn không hề nản lòng. Cuối cùng người ta thở phào nhẹ nhõm: 'Bấy giờ Đức Giêsu đáp : "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy". Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.'
Chúa đã thưởng công bà. Bà chỉ mong tìm được những mẩu bánh vụn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã ban cho bà trọn vẹn tấm bánh thơm ngon của những đứa con. Bà chỉ mong được như lũ chó con chực chờ thức ăn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã cho bà và con gái bà được đồng bàn với con cái Chúa. Chúa đã ban cho bà tấm bánh hạnh phúc. Đó là tấm bánh cứu độ.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Trung tín

"Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." (Mt 19,6)
Ngày nay, sự trung tín trong hôn nhân là cực kỳ khó. Tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. Số người ly hôn xem ra lấn lướt số người trung tín.
Trung tín trong hôn nhân khởi đi từ trung tín trong tình yêu, và dẫn đến trung tín với Thiên Chúa, Đấng là nguồn tình yêu, Đấng cho con người tất cả những gì họ có, và cho con người tất cả những gì Ngài có. Tất cả chỉ vì Ngài yêu họ, và luôn trung tín trong tình yêu đối với họ.
Làm truyền thông và làm PR cần phải có sự trung tín này. Không trung tín thì cũng đánh mất uy tín, và mọi mối quan hệ với công chúng sẽ tan vỡ.

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Siêu thoát


Một vị linh sư Ấn-độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông thì có một thanh niên giàu sang đến xin làm đệ tử. Anh ta tiến đến và cung kính đặt dưới chân vị linh sư hai viên ngọc quý như một lễ vật nhập môn. Vị linh sư mở mắt, thấy hai viên ngọc long lanh dưới chân mình, chẳng nói một lời, cầm lấy một viên ném thẳng xuống sông.
Hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối, chàng thanh niên vội nhảy xuống sông và lặn xuống đáy cố tìm cho bằng được viên ngọc quý nhưng suốt cả ngày hì hụp ngoi lên lặn xuống hao hơi nhọc công, viên ngọc vẫn biệt tăm.
Chiều đến, với vẻ mặt thất vọng, chàng đến gặp vị linh sư để xin chỉ đích xác nơi mà ngài đã ném ngọc xuống để may ra tìm lại dễ hơn.
Bấy giờ vị linh sư cầm lấy viên ngọc thứ hai ném thẳng xuống sông và nói: “Ta đã ném nó vào đúng chỗ nầy.” (dựa theo Cha Anthony)
Bấy giờ chàng thanh niên chợt hiểu ra rằng bài học đầu tiên mà vị linh sư dạy anh là: muốn trở thành môn đệ của ngài thì điều kiện tiên quyết là phải có tinh thần siêu thoát, phải sẵn sàng dứt bỏ mọi dính bén với của cải thế gian.

Thánh nữ Clara đã sống thật siêu thoát. Gia đình quý tộc giàu có, nhưng thánh nữ chỉ thấy đó như một sợi dây trói buộc, khiến mình không thể tự do bay bổng trong vùng trời yêu thương với Chúa Giê su. Ngài đã từ bỏ tất cả, để sống cuộc đời nghèo khó, không màng chi đến của cải, để có thể hoàn toàn chìm đắm trong tình yêu với Chúa.
Tất nhiên, Chúa Giê su đã rất vui và bảo vệ Clara hết mình. Ngài từng cứu cộng đoàn Clara khỏi bàn tay tàn ác của cả một đội quân hung hãn muốn tấn công xâm chiếm tu viện...

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Nước & lửa

Bài Tin Mừng Chúa nhật vừa rồi có nhắc đến nước: Phê rô đi trên nước đến với Chúa. Đi trên nước, thật bấp bênh biết bao!  Phê rô đã sợ hãi, và đã chìm xuống nếu không kịp nắm lấy tay Chúa.

Thánh lễ ngày mai, lễ Thánh Lô ren sô, không nhắc đến nước, mà nói đến lửa. Tuy nhiên, lửa này lại có liên quan đến nước. Có lửa để khỏi chìm trong nước!

Thánh Lô ren sô bị nướng trên vỉ sắt đỏ lửa mà vẫn vui đùa được với lý hình. Ngài chỉ vào phần thân thể đã bị nướng chín của mình, nói với lý hình: "Bên này chín rồi đấy, lật qua bên kia đi, cho nó chín đều!"

Làm thế nào mà Thánh Lô ren sô có thể quên được cái đau khủng khiếp trên vỉ lửa để vui cười như thế? Phải chăng vì thánh nhân đã từng quen với lửa? Có lẽ như thế, vì bản thân của ngài lúc nào cũng hừng hực một ngọn lửa: lửa nhiệt tình, lửa yêu thương, lửa truyền giáo. Ngọn lửa mãnh liệt nơi bản thân khiến ngài có thể chịu đựng nổi nỗi đau thể xác để vui đùa, trêu chọc lý hình.

Người làm công tác truyền thông lúc nào cũng cần phải có lửa và bốc lửa như thế. Không có lửa thì nhạt nhẽo vô vị, không thể truyền thông được. Truyền thông là một sứ mạng đòi phải bốc lửa và truyền lửa.

Trước hết là bốc lửa hạnh phúc vì được cận kề bên Chúa, được chung chia sứ mạng loan báo Tin Mừng với Ngài. Rồi bốc lửa thương cảm các linh hồn chưa được thưởng thức tình thương của Chúa. Rồi bừng lên ngọn lửa hân hoan vì được sống trong một thời đại có những phương tiện truyền thông rất mạnh, rất hữu hiệu cho việc loan báo tình thương của Chúa. Rồi bùng lên ngọn lửa hối hả, vội vã truyền thông truyền giáo: mau lên chứ, vội vàng lên với chứ... kẻo tình non đã già rồi ... Vội vã viết tin, viết ký sự, phóng sự, viết blog, vội vã tạo ra những bữa tiệc thiên đàng trên internet, vội vã làm PR cho Chúa, làm đẹp cho cuộc đời, tìm mọi cách để mọi người có thể chiêm ngắm được vẻ đẹp của Chúa nơi giáo xứ, nơi cộng đoàn, nơi gia đình và bản thân của mình. Ngọn lửa cháy rực nơi bản thân để có thể sống kiếp người thật trọn vẹn, sống hết mình cho Chúa, cho con người và cuộc đời...

Một ngọn lửa như thế sẽ giúp cho tôi có một cuộc sống mạnh mẽ đẹp đẽ, đồng thời giúp tôi nắm được tay Chúa khi phải đi trong tăm tối, khi phải bước trên dòng nước bấp bênh đầy sóng gió của cuộc đời.

Xin Chúa cho con có được ngọn lửa luôn rực cháy như vậy.