Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Tiếc của

Những người Ghêrasa vì tiếc của, tiếc những con heo lao xuống biển hồ, nên khước từ Chúa. Của cải khiến họ mờ mắt, không thấy những điều kỳ diệu Chúa vừa làm cho họ, và sẽ còn làm cho họ.

Vì tiếc của, họ đã có cái nhìn lệch lạc về Chúa. Trong mắt họ, Chúa là kẻ gây thiệt hại vật chất cho họ. Họ không nhìn thấy hình ảnh của một Đấng đã đến đem bình an cho khu xóm của họ khi Ngài trừ quỷ. Họ không thấy hình ảnh của một Đấng đã ban cho họ mọi thứ, vật chất cũng như tinh thần. Họ không thấy hình ảnh của một Đấng giàu có khôn lường và quảng đại vô cùng, đang đến thăm họ để ban cho họ muôn ơn lành. Cái nhìn của họ thật thiển cận. Họ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Tất cả chỉ vì một cái nhìn lệch lạc.

(Câu chuyện đàn heo lao xuống biển làm tôi nhớ đến chuyện "Hiểm họa từ thịt heo siêu nạc Trung Quốc". Thích thú với miếng thịt dày nạc và lớp mỡ mỏng dính, người dân Trung Quốc không ngờ sẽ phải vào viện do đau bụng, cao huyết áp, tim đập nhanh… chỉ vì nhiễm chất clenbuterol mà nông dân dùng để trộn vào thức ăn gia súc nhằm tạo ra vật nuôi siêu nạc, mau lớn. http://tuoitre.vn/The-gioi/422512/Hiem-hoa-tu-thit-heo-sieu-nac-Trung-Quoc.html. ).

Chúa ra khỏi khu vực của họ theo như lời yêu cầu. Và khi người được trừ quỷ xin theo Chúa, "Người không cho phép, Người bảo: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào." Anh ta đã cảm nhận được tình thương của Chúa, và Chúa cũng muốn dân Ghêrasa cảm nhận được tình thương này. "Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc." (Mc 5,19-20) Vâng, Chúa đã muốn nhờ anh ta thay đổi cái nhìn thiển cận của dân Ghêrasa. Làm thay đổi cái nhìn, thay đổi công luận cho đúng đắn hơn, đấy công việc của PR.

Vì ham hố sự thế gian, con cũng thường có cái nhìn thiển cận như thế. Xin Chúa thay đổi cái nhìn của con, để rồi như người được trừ quỷ, con cũng biết làm PR cho Chúa.

http://iamthewordthecomforter.blogspot.com/2008/03/evil-spiritsdemons-fallen-angels-know.html

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Diện mạo Nước Trời

Điều chính yếu mà mục vụ PR cần phải quan tâm là công luận. Phải góp phần xây dựng một công luận đúng đắn khởi đi từ giới công chúng cụ thể có liên hệ thường xuyên với mình. Công chúng nghĩ gì, công chúng có hình ảnh gì về Giáo Hội và về Nước Trời của Chúa Giêsu? Đây là câu hỏi mà tôi cần thường xuyên đặt ra trong đầu.

Trong bài Tin Mừng Bát Phúc hôm nay, Chúa Giêsu phác hoạ hình ảnh của Nước Trời. Nước Trời mang diện mạo của chính Chúa Giêsu với:
- Tinh thần khó nghèo, hiền lành, mang nỗi khổ của trần gian (khóc lóc) mà vẫn khát khao sống đời công chính và thương xót mọi người.
- Cõi lòng trong sạch, ra đi xây dựng an bình và hoà bình, sẵn lòng chấp nhận những bách hại vì lẽ công chính.

Đây là hình ảnh mà con cần phải xây dựng được nơi cá nhân con và cộng đoàn của con, đồng thời làm cho công chúng phát hiện ra diện mạo đó của Nước Trời qua từng hành động của con. Bản thân con đầy yếu đuối thiếu sót, nên công việc xây dựng hình ảnh trên là nỗ lực của từng ngày sống: cầu nguyện, chiêm niệm, và hoàn thiện mình mỗi ngày một nhiều hơn. Xin giúp con, lạy Chúa, để mỗi ngày con nên giống Chúa, nên giống Nước Trời nhiều hơn...

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Sóng gió hôm nay

Các tông đồ là những gã ngư phủ can trường, rất quen với sóng gió. Thế mà đêm ấy các ông phải chết khiếp trước cuồng phong khiến thuyền các ông gần chìm. Điều đó chứng tỏ bão tố hôm ấy rất rùng rợn.

Còn Giêsu, một bác phó mộc, chẳng quen với sông nước biển hồ, vẫn ngủ tỉnh bơ ở mũi thuyền. Chúa Giêsu hẳn là người dễ ngủ, và khi đã ngủ rồi thì ngủ rất êm, rất say, không còn biết gì chung quanh nữa, kể cả sóng gió thét gào cũng không nghe thấy?

Và thế là trong sóng gió, ngư phủ phải cầu cứu phó mộc! Tất nhiên, vì ngư phủ tin rằng bác phó mộc nằm ngủ kia chính là Thiên Chúa. Dù sao, niềm tin kia vẫn còn yếu đuối. Nếu mạnh tin, các ông đã không hoảng sợ khi biết có Chúa ở kề bên.

Trong những ngày này, nhiều người vô cùng hoảng hốt khi biết có một loại gạo giả làm từ khoai lang, khoai tây và nhựa tổng hợp độc hại đã được bày bán ở thị trường (ít ra là đã xuất hiện ở thị trường thành phố Thái Nguyên - thủ phủ tỉnh Sơn Tây).

Tuần báo Hong Kong tại Hong Kong trích nguồn truyền thông Singapore cho biết hỗn hợp trên được tạo hình giống như hạt gạo. Đáng sợ nhất là các loại bột khoai tây và khoai lang được kết dính thành “hạt gạo” bằng loại nhựa resin độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

http://tuoitre.vn/The-gioi/421622/Canh-bao-gao-lam-tu%E2%80%A6-nhua.html

Đây quả là một cuồng phong rùng rợn, vì đến cơm gạo mà người ta còn làm giả được từ những chất nhựa độc hại thì nỗi âu lo đã tấn công vào từng chén cơm đưa lên miệng rồi. Phải chăng từ nay, từng bát cơm sẽ chứa đựng đầy đủ mọi nỗi lo âu, nghi ngờ, hoảng hốt?

Lạy Chúa, Chúa ở đâu trong mọi nỗi lo âu dữ dội như cuồng phong của thời đại hôm nay? Xin Chúa cho chúng con cảm nhận được rằng Chúa vẫn đang ở trong con thuyền cuộc đời và trong xã hội nhiễu nhương của chúng con. Dù có vẻ như Chúa đang ngủ, Ngài vẫn là sự bình an của chúng con...

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Ngoài tầm kiểm soát

Suốt thời học trò của mình, tôi chẳng bao giờ cần cha mẹ đưa đón đến trường. Bạn bè tôi cũng thế. Và chỉ trừ một vài trường cá biệt, còn bình thường, các phụ huynh chẳng hề lo lắng là mình không đưa đón thì con mình sẽ lêu lổng, đàn đúm, hư hỏng...

Ngày nay thì hoàn toàn khác. Cha mẹ mất quá nhiều thời gian để hằng ngày đích thân đưa rước con cái đến trường. Những cám dỗ giăng mắc khắp nơi, khắp nẻo. Vì vậy phải theo sát... Nhưng cha mẹ có thể theo sát con mình từng bước được không?

Điều quan trọng là phải làm cho tâm hồn con mình trở thành thửa đất tốt, và gieo hạt giống tốt trên mảnh đất này, để rồi "Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết." (Mc 4,27)

Trong mục vụ PR cũng vậy. Mình dùng những hoạt động truyền thông để tạo công luận chính xác đúng đắn. Tuy nhiên truyền thông không phải bao giờ cũng diễn ra như ý muốn của mình. Ngành PR chia truyền thông ra thành hai loại: kiểm soát và không kiểm soát:

Truyền thông kiểm soát: các dữ liệu và các kênh truyền thông do chính mình thực hiện và kiểm soát chặt chẽ:
- Nhờ quảng cáo có trả tiền để giới quảng cáo phải làm theo đơn đặt hàng của mình;
- Ấn phẩm do mình soạn và in: bản tin (newsletter), tờ gấp (brochure), tờ rời (leaflet), tờ bướm (flyer), báo cáo năm, thư trực tiếp...
- Video, Audio, Website do mình thực hiện…
Truyền thông không kiểm soát:
- Quan hệ với giới truyền thông và cung cấp tin/bài viết/thông cáo báo chí (dữ liệu có kiểm soát nói trên) cho họ, để họ sử dụng và 'xào nấu' như những dữ liệu truyền thông của họ;
- Giao tiếp cá nhân;
- Tổ chức Sự kiện (Event);
- Tài trợ (Sponsorship);
-...
Sứ điệp gửi đi rồi, dù là qua phương tiện kiểm soát hay không kiểm soát, vẫn lo lắng lắm, không biết rồi nó sẽ bị hoặc được xào nấu và loan truyền như thế nào, thuận lợi hay không thuận lợi? Cần theo dõi. Nhưng làm sao theo dõi hết được?

Sau khi làm hết sức mình, lạy Chúa, cuối cùng con chỉ còn cách cầu nguyện và phó thác: "Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết." (Mc 4,27)

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Đặt đèn trên đế

"Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng." (Mc 4, 21-22)

Đặt đèn trên đế không phải là để khoe mình có cái đèn, nhưng là để mọi người được hưởng ánh sáng phát ra từ đèn.

Chúa là ánh sáng, và các cá nhân, các cộng đoàn của Chúa phải là những cái đèn được đặt trên đế hầu chiếu toả ánh sáng của Chúa. Công việc đặt đèn trên đế cũng là công việc của mục vụ PR. Con sử dụng phương pháp PR, những công cụ hữu hiệu của PR để làm cho mọi người có thể đón nhận ánh sáng của Chúa phát ra từ cá nhân, từ cộng đoàn của con. Đấy chính là mệnh lệnh của Chúa, bài Tin Mừng hôm nay muốn nói như thế...

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Công chúng mục tiêu

"Ta biết chiên Ta", lời ấy của Chúa Giêsu có thể thấy rõ trong bài Tin Mừng hôm nay Mc 4,1-20.

Mọi người đều là chiên của Chúa, chiên ngoan hoặc chiên lạc. Chúa ngắm nhìn các con chiên. Ngài biết chiên của Ngài và thấy tâm hồn của họ giống như những mảnh đất khác nhau: mảnh đất vệ đường, mảnh đất sỏi đá, mảnh đất đầy bụi gai, hoặc mảnh đất tốt. Và Ngài lên tiếng yêu thương dạy dỗ họ. Lời Ngài như những hạt giống rơi trên những mảnh đất khác nhau đó. Tất nhiên, Chúa sẽ có những cách giảng dạy khác nhau tuỳ theo trạng thái của từng tâm hồn. Và Chúa có cách biến đổi những mảnh đất chưa tốt, thành những mảnh đất mầu mỡ. Trên những mảnh đất mầu mỡ này, Lời Chúa sẽ trổ sinh hoa trái.

Như vậy là Chúa có "nghiên cứu và phân tích" các đối tượng lắng nghe Ngài. Công việc này, PR gọi là nghiên cứu "công chúng mục tiêu". Chúa đúng là "sư phụ" của các chuyên viên PR.

Có nhiều linh mục cũng ra công tìm hiểu khán giả lắng nghe mình để soạn bài giảng cho thích hợp. Nhiều cha sở thăm dò xem bổn đạo tiếp thu các bài giảng của mình như thế nào. Nhiều vị còn biết cách sử dụng những phương pháp rất bài bản để nghiên cứu đối tượng mà mình nhắm đến để loan báo Tin Mừng. Chẳng phải các vị đó đang thực hiện "mục vụ PR" hay sao? Nhưng có lẽ các vị còn cần phải làm nhiều hơn nữa, bài bản hơn nữa chăng?

Xin cho con có tâm hồn của Chúa, biết yêu thương đàn chiên Chúa như Chúa đã yêu: "Ta biết chiên Ta, và chiên Ta biết Ta..."