Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Dấu lạ

Dấu lạ luôn có trước mặt tôi, chung quanh tôi: tia nắng sớm, đoá hoa xinh, chiếc lá rung rinh, nụ cười thắm, ánh mắt lung linh... Những nét đẹp này ẩn giấu phía sau chúng một tình yêu toàn năng, một tình yêu chăm sóc ân cần tinh tế đến khôn lường...

Vậy thì có cần hạch hỏi Chúa những điềm thiêng dấu lạ trên trời chăng khi ngày nào của con cũng thấm đẫm tình yêu tuyệt diệu như ngày Valentine lãng mạn?

Khi con cứ nhắm mắt lại trước những nét đẹp hằng ngày, con sẽ không thể thấy được những dấu lạ của tình yêu Chúa, không thấy được dấu lạ vô cùng tuyệt vời là chính hình ảnh đẹp bất tận của Chúa nơi con. Và nơi người khác. Cặp mắt PR phải thấy được hình ảnh tuyệt vời này, để diễn tả và thông truyền...

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Giết & Giận

"Luật dạy: Chớ giết người... Còn Thầy, Thầy bảo: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà." (Mt 5,21-22)

Giận là nguyên nhân của giết người. Cần phải khử nguyên nhân, cần diệt tội từ gốc. Vì thế, con tim không giận ghét, đấy là điều Chúa muốn.

Ra khỏi Vườn Địa Đàng của yêu thương, con tim loài người đã ra hư hỏng, chai lỳ. Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng cũng vì đó. Để xử lý khủng hoảng triền miên này, Chúa đã đến trần gian để chữa trị con tim loài người bằng cách đặt trái tim Ngài cận kề trái tim con người: trái tim nói với trái tim. Gioan cận kề bên lòng Chúa, đấy là một hình ảnh của trái tim nói với trái tim.

Những câu Lời Chúa mang đầy tính lề luật hôm nay (Mt 5, 17-37) cũng đều là những lo lắng của trái tim Giêsu, muốn cho trái tim con người mềm ra, đẹp ra. Để rồi, hành vi của con người cũng sẽ tốt hơn, đẹp hơn.

Xin cho con nghe được tiếng nói của trái tim Chúa, những tiếng nói có sức mạnh biến đổi trái tim con. Xin cho con nghe được tiếng nói của trái tim tha nhân, những tiếng nói có khả năng biến đổi cách ứng của con. Và xin cho con nghe được tiếng nói của trái tim con, để con hiểu rằng con cần Chúa biết bao...

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Khủng hoảng con tim

Chỉ ăn một trái cây bị cấm thôi mà Adam Eva đã bị Chúa phạt khủng khiếp như thế sao?

Hẳn ai cũng biết rằng chẳng phải thế! "Ăn trái cấm" chỉ là một cách diễn tả sự đoạn tuyệt của trái tim con người đối với Thiên Chúa.

Con người muốn quay lưng, muốn cắt đứt với Thiên Chúa, muốn đoạn tuyệt với tình yêu: "Con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa" (St 3,8).

Dù nhận ra sự nhớp nhơ trơ trụi của bản thân, họ vẫn ở lỳ trong thái độ ích kỷ, không nhận ra lỗi của mình. Họ đổ lỗi cho kẻ khác một cách hèn hạ, đổ lỗi cho chính người mình yêu thương: "Con người thưa: Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." (St 3,12) Con tim thiếu vắng tình yêu đã làm cho đầu óc ra mờ tối và chai lỳ. Chai lỳ trong sự đoạn tuyệt với Chúa và hèn hạ tàn nhẫn đối với nhau. Hậu quả tất nhiên là triền miên đau khổ.

Như vậy khủng hoảng đầu tiên trong lịch sử nhân loại là khủng hoảng của con tim, một con tim thiếu vắng tình yêu đối với Chúa và với nhau. Không còn tin Chúa. Không còn tin nhau. Và chai lỳ trong đó, như cách diễn tả của các ngôn sứ: trái tim con người đã trở thành đá! Như vậy làm sao con người có thể tự mình ra khỏi khủng hoảng này được. Họ đã ra khỏi thế giới của tình yêu, ra khỏi Vườn Địa Đàng của yêu thương, nên vô phương tự cứu mình.

Rất may, việc xử lý khủng hoảng kinh hoàng đầu tiên này đã được Thiên Chúa đảm nhận. Ngài xử lý khủng hoảng này bằng cách đi tìm gặp gỡ con người, đối thoại với họ, giúp con người giáp mặt với nguyên nhân là tội lỗi của họ, và giúp họ đối diện với hậu quả của tội. Rồi Ngài xử lý khủng hoảng này bằng tình yêu chăm sóc. Dù con người quay lưng lại với Chúa, Chúa vẫn tiếp tục chăm sóc họ: "Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ" (St 3,21). Và Ngài lên một kế hoạch dài hơi để biến đổi trái tim bằng đá của con người thành trái tim bằng thịt. Ngài báo trước với con rắn: "Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3,15).

Lạy Chúa, mọi khủng hoảng đều khởi đi từ trái tim con người. Khi lên kế hoạch để xử lý khủng hoảng, con cần quan tâm đến trái tim, và con cần Chúa, rất cần Chúa, Chúa ơi!

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Khủng hoảng đầu tiên

"Rắn nói với người đàn bà: Chẳng chết chóc gì đâu!" (St 3,4) Câu nói dối trá này đã tạo ra khủng hoảng đầu tiên trong lịch sử, và đây cũng là "khủng hoảng mẹ", đẻ ra mọi thứ khủng hoảng trên cõi đời..

Với lời nói này, ma quỷ đã bóp méo hình ảnh Thiên Chúa, vẽ Thiên Chúa như một kẻ bịp bợm và ích kỷ, không muốn con người được cao cả như mình nên đã nói dối con người! Tiếc thay, con người lại tin vào lời xảo trá này của rắn độc hơn là tin vào Lời Chúa, để rồi sau đó đánh mất những hình ảnh tốt đẹp nhất nơi bản thân mình. Họ bắt đầu thấy mình trần truồng nhớp nhơ, và thấy mình chìm trong khổ đau.

Cơn khủng hoảng đầu tiên này quá to lớn đến nỗi con người không thể tự mình thoát ra khỏi. Và Thiên Chúa đã phải ra tay xử lý khủng hoảng. Cách xử lý của Ngài sau đó trở thành bài học cho tất cả chúng ta nói chung, và cho mọi chuyên viên PR nói riêng...

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Niềm tin & Blog

Niềm tin của người đàn bà ngoại giáo Syrô-phênixi trong bài Tin Mừng hôm nay thật quá mạnh. Chính niềm tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ, diễn tả trong một cuộc đối thoại khá "sốc" (ví dụ: "không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con"!), khiến cho một bà goá vô danh tiểu tốt được nhắc đến mãi mãi trên toàn thế giới.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay khiến tôi liên tưởng đến bài báo ""Bí mật sự thành công của một blog".

http://www.thegioididong.com/tin-tuc-cong-dong-mang,29739-bi-mat-su-thanh-cong-cua-mot-blog.aspx

http://tuoitre.vn/the-gioi/the-gioi-muon-mau/395270/%E2%80%9Csu-tuong-tac-la-tai-san-vo-gia%E2%80%9D.html

Blog, một dụng cụ truyền thông đơn sơ, đã mang lại cho chủ nhân của nó 315 triệu USD, và làm cho bà chủ blog Arianna Huffington duyên dáng này trở thành một nữ blogger đầy quyền lực.

Blog cũng đã từng đóng góp đáng kể vào việc thắng cử của Tổng thống Obama vì vị Tổng thống da màu này đã biết tận dụng mọi khả năng của blog.

Thủ Tướng Anh, Nhật Bản, Canada, Australia, Na Uy, New Zealand, Đan Mạch, Israel, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Malaysia, Latvia, Tổng thống Iran, Chile, Nga, Philippines, Hoàng hậu Jordan cùng rất nhiều vị nguyên thủ lừng danh khác cũng đã thành công dân mạng. Blog (chứ không phải các trang web chính phủ) đã giúp họ thay đổi cách tiếp cận người dân.

Blog VIS (Vatican Information Service) của Toà Thánh cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc loan báo Tin Mừng toàn cầu, loan báo như một cuộc đối thoại đa chiều.

Nhiều Kitô hữu vẫn đang cần mẫn từng ngày suy niệm Lời Chúa, và từng ngày đưa những suy niệm cá nhân đơn sơ chân thành này lên blog. Những suy tư giống như những hạt giống được gieo lên thế giới mạng. Và nhiều người khác tình cờ đọc được những chia sẻ chân thành nhưng nóng bỏng này. Thế là hạt giống nẩy mầm...

Blog được mệnh danh là một phương tiện đối thoại đơn sơ, trần trụi. Và là cuộc đối thoại toàn cầu. Mọi người trên thế giới đều có thể vào blog đó để comment, trò chuyện. Niềm tin vào sự đối thoại chân thành nhưng đầy thách đố này đã mang lại những hiệu quả diệu kỳ. Giống như cuộc đối thoại rất "sốc" nhưng chân thành giữa Chúa Giêsu và người đàn bà ngoại giáo Syrô-phênixi trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Ô uế

Chủ nhân của các công ty rất sợ hình ảnh của công ty mình bị ô uế. Họ nhờ các chuyên viên PR dùng mọi phương pháp hiện đại nhất, những phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất để làm cho hình ảnh của công ty trong sáng trở lại.

Nhưng nếu hình ảnh của công ty được trình bày rất trong sáng, mà thực chất của công ty lại vẫn cứ đầy những ô uế, thử hỏi: hình ảnh giả tạo đó có che giấu mãi được sự thật ô uế không?

Vì thế mục vụ PR đích thực phải khởi đi từ sự hoán cải chính mình. Hồn có thơm tho thì hình mới đẹp bền. Vâng, Chúa dạy như thế: "Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7,23) Vậy, muốn hết ô uế, phải sửa đổi từ bên trong. PR phải khởi đi từ bên trong.