Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Con yêu dấu

Trên núi Tabor,
Đức Giêsu được xác nhận là "Con yêu dấu của Ta".
Đây là căn tính của Đức Giêsu,
cũng là căn tính của mỗi người.
Mỗi người đều là con yêu dấu của Chúa.
Nếu suy ngĩ kỹ về căn tính này,
tôi sẽ hết sức vui sướng
trong niềm bình an vô tận.
Dù cho bất cứ sự gì xẩy ra với tôi,
dù cho người ta có nói gì về tôi,
dù cho tôi có làm gì đi nữa,
tôi vẫn là con yêu dấu của Chúa.
Chúa vẫn luôn yêu tôi
để biến cái xấu thành cái tốt cho tôi.
Lúc này tôi cảm tạ Chúa
đã cho tôi sống thêm một ngày nữa
để thưởng thức hạnh phúc làm con yêu dấu của Chúa
và chia sẻ hạnh phúc này với mọi người.

Sharing the Abundant Love
Why must we go out to the far ends of the world to preach the Gospel of Jesus 
when people do not have to know Jesus in order to enter the house of God? 
We must go out because we want to share with all people 
the abundant love and hope, joy and peace that Jesus brought to us. 
We want to "proclaim the unfathomable treasure of Christ" 
and "throw light on the inner workings of the mystery 
kept hidden through all ages in God, the creator of everything" (Ephesians 3:8-9).
What we have received is so beautiful and so rich that we cannot hold it for ourselves 
but feel compelled to bring it to every human being on earth.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Niềm tin mong manh

Niềm tin mất rồi, còn có thể níu kéo lại được không?
Xe chở trái cây gặp tai nạn tại Đại Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, nhiều người lao vào hôi của. Sau bốn giờ đồng hồ, người xã Đại Trạch đã vét sạch lượng hoa quả chừng 20 tấn. Tin loan đi, nhiều người Quảng Bình xấu hổ... Niềm tin trở thành nỗi xấu hổ...
Một cựu chiến binh ở Hà Nội gọi điện cho tôi, hỏi “Sao thế Quảng Bình ơi?”...
Nhiều năm qua, Bố Trạch bị bão lũ dập vùi, người dân cả nước đã chìa tay giúp đỡ, trong đó có xã Đại Trạch. Thế mà bây giờ... Người ta còn tin người dân Đại Trạch nữa không? 
Niềm tin mất rồi, còn có thể níu kéo lại được không?
Niềm tin không dễ có và rất dễ bị đánh mất. Dù mong manh như thế, niềm tin vẫn vô cùng cần thiết. Người ta không thể sống nếu thiếu niềm tin vào chính mình, tin vào con người, và tin vào Thượng Đế. Rất nhiều người đi tìm cái chết vì không còn niềm tin vào bản thân, vào tha nhân, vào tương lai cuộc sống.
Mỗi năm thế giới có khoảng 20-60 triệu người cố tự tử, với khoảng 1 triệu người chết. Con số này cao hơn cả số người thiệt mạng vì án mạng và chiến tranh! Chủ đề Ngày thế giới ngăn ngừa tự tử năm nay mang tên "Thông cảm, niềm hy vọng mới" và tập trung vào việc giải thích khoa học về hành vi tự tử trong những chương trình đặc biệt và các hoạt động có thể giảm hành vi tự tử.
Trong vòng 45 năm qua, tỷ lệ tự tử đã tăng gần 60% trên toàn thế giới. Tự tử hiện nay là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm người 15-44 tuổi.

Ngược lại, cũng rất nhiều người thành đạt nhờ tự tin, và tin vào Thiên Chúa, tin vào con người..
Chúa Giêsu nói: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.
Con làm gì để có niềm tin bằng hạt cải, và phải làm gì để đừng làm cho người khác thất vọng, mất niềm tin?

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Từ bỏ

Gửi em Yến thân mến!
Làm một bà mẹ đơn thân không đơn giản, nhưng em đừng bỏ đứa nhỏ, bỏ nó rồi cả đời em sẽ ôm mối hận khôn nguôi. Chị cũng từng từ bỏ nên hiểu thế nào là mất mát thương đau, chị bỏ khi nhóc được 3 tuần tuổi. Anh bảo chị là đứa nhỏ mới 3 tuần chỉ là giọt máu, không có gì cả, đừng nghĩ gì nhiều. Chị đã làm theo lời anh nói mặc dù hoàn toàn không muốn.
Em biết không, lúc bỏ, chị không nghĩ gì nhiều vì thương anh quá nhưng khi bỏ rồi thì cuộc đời chị là địa ngục, anh quay sang bỏ chị, đối xử với chị lạ lắm, lạnh nhạt vô tình và đến thời điểm này chị thật sự mất tất cả. Chị ân hận không phải vì không còn cầu nối tình yêu với anh mà vì đã bỏ đi đứa con bé bỏng của mình.
Hàng ngày đi làm về chị đều nói chuyện với nhóc, không biết nhóc có biết chị nói chuyện với nhóc không nữa nhưng chị coi đó là niềm an ủi và luôn mong nhóc hiểu cho chị mà không oán hận gì. Tình yêu của người mẹ dành cho con cái không gì đong đếm được, vì thế đừng làm gì khiến cả cuộc đời mình phải day dứt khôn nguôi.
Ở đời sinh con ai chẳng muốn có đủ cha đủ mẹ cho bé, nhưng số phận của mỗi người mỗi khác, thời gian và đứa con sẽ giúp em vượt qua mọi thứ. Chị không đủ bản lĩnh như em nên bây giờ chị sống trong day dứt, anh còn nói là chị nhảm nhí vớ vẩn khi nói về đứa bé không có phúc phận được ra đời. Anh nói không chối bỏ nhưng anh không muốn nhắc tới nó, bởi vì ngay từ giây phút đầu tiên biết sự có mặt của con, anh ấy đã yêu cầu chị từ bỏ mà không chút đắn đo.
Đàn ông là như vậy, bạc tình bạc nghĩa, có được rồi thì hất đi không thương tiếc. Thời gian này chị cũng sống trong bế tắc vô cùng, vì vậy thật lòng khuyên em đừng bỏ nhóc, tình mẫu tử thiêng liêng lắm.
http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Song-trong-day-dut-vi-tu-bo-giot-mau-cua-minh/11232757/480/


Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy" (Mt 16,24-25)
Vì sợ mất mát, không dám từ bỏ những gì mình có, nên người mẹ đã bắt đứa con thai nhi của mình phải từ bỏ cuộc sống. Nhưng, Chúa nói, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất: "khi bỏ rồi thì cuộc đời chị là địa ngục, anh quay sang bỏ chị, đối xử với chị lạ lắm, lạnh nhạt vô tình và đến thời điểm này chị thật sự mất tất cả. Chị ân hận không phải vì không còn cầu nối tình yêu với anh mà vì đã bỏ đi đứa con bé bỏng của mình."
Hôm nay lễ Thánh Gioan Maria Vianey. Đời sống của cha Gioan là một mẫu gương từ bỏ chính mình, tận tụy vì Chúa và vì các linh hồn, Ngài thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được hao mòn vì Chúa và các linh hồn”.
Quả thực, cha Gioan đã hao mòn vì phụng sự. Ngày 2 tháng 8 năm 1859, cha chịu các phép bí tích sau hết. Ngày 4 tháng 8 năm 1859, cha trút hơi thở cuối cùng với sự mãn nguyện.
Lạy Chúa, xin cho con biết cảm thấy hạnh phúc vì được hao mòn cho Chúa và các linh hồn.

Tin đặc biệt hôm nay: Hàn Quốc đối phó nạn nghiện interet
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2011/08/110803_skorea_internet_addicted.shtml

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Kỳ đà cản mũi

"Kỳ đà cản mũi" là cụm từ được dùng với nghĩa là ngăn cản việc làm hay dự tính của người khác một cách cố ý.
Câu trên bắt nguồn từ sự mê tín của những người làm nghề sơn tràng (nghề khai thác các sản vật của rừng núi).
Ngày xưa, mỗi khi đoàn sơn tràng chuẩn bị vào rừng lên núi khai thác cảc sản vật như đốn cây, săn bắn thú rừng, họ thường làm lễ cầu khấn "Thần Rừng, Thần Núi" cho họ của cải của rừng núi. Sau đó họ lên đường. Nhưng trên đường đi, nếu gặp một con kỳ đà, thì lập tức họ ngưng ngay chuyến đi và quay về. Họ tin một truyền thuyết, theo đó, Vị Thần Rừng đã dùng con kỳ đà, một con vật của rừng núi, để cảnh báo không cho họ khai thác; nếu cố tình tiếp tục khai thác sẽ chuốc lấy tai hoạ và nguy hiểm cho bản thân và cho đoàn.


Phêrô rất thương Chúa nhưng lại trở thành "kỳ đà cản mũi" khi ông kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!"
Chúa nói với ông: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
Mỗi sáng dậy, tự nhủ: xin Chúa đi với con và đi trước con, dẫn đường cho con. Xin cho con biết đi theo Chúa, làm theo ý Ngài... Xin cho con đừng trở thành "kỳ đà cản mũi".

Ngày mai lễ Thánh Gioan Maria Vianey, bổn mạng các cha sở. Một hình ảnh rất đẹp, rất cảm động, gợi niềm cảm hứng nên thánh cho các linh mục... Gương sáng của ngài gợi nên nơi các linh mục - nơi bản thân tôi - một câu hỏi quan trọng: Đời sống linh mục của tôi đang lôi kéo người khác đến với Chúa hay đang là "kỳ đà cản mũi"?

Trong hoạt động PR, nhiều khi chính nhân viên PR trở thành kỳ đà cản mũi, vô tình hay cố ý ngăn cản công chúng đến với thân chủ của mình, do cách ứng xử không khéo của mình...

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Cún con

"Những chú cún con rất mẫm... được bế được nựng nó thật là thích.. ngay cả khi chúng lớn, mình vẫn bế chúng... mình rất thích động vật..."
Những tâm sự này trên các forum khiến người ta nhớ đến câu trả lời của người phụ nữ ngoại giáo khi bà xin Chúa chữa bệnh cho con bà: "Lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống!" (Mt 15,27)
Con bà là "cún con", là "công chúa", là tất cả trong tim bà. Nên bà quyết tâm nài nỉ Chúa.
Có lẽ bà chưa biết rằng, với Chúa cũng thế. Chúa yêu con bà có khi còn hơn bà yêu con mình. Con bà cũng nằm sâu trong trái tim Chúa. Cuộc đối thoại rất "sốc" giữa Chúa và bà chỉ nhằm nêu bật tình mẫu tử và niềm tin mãnh liệt của bà. Nhưng qua đó, người ta cũng suy nghĩ nhiều hơn về tình yêu hải hà của Chúa đối với con người.
Ôi, những chú cún con rất mẫm... Ôi, con gái yêu quý của tôi... Ôi, những con người bé nhỏ trong trái tim Chúa... Những con người đang đói, đang khát, đang khổ đau...

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Ô uế

 Anh em không hiểu rằng bất cứ cái gì vào miệng thì xuống bụng, rồi bị thải ra ngoài sao? Còn những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế... Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế." Sau đó, Đức Giê-su gọi đám đông lại mà bảo: "Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế." (Mt 15,1-21)


Người ta quá chú trọng về sự lây nhiễm bề ngoài và thể lý do bầu khí, nước uống, lỗ hổng trong lớp khí ozone; ngược lại, hầu như thinh lặng tuyệt đối về sự nhơ nhớp nội tâm và luân lý.
Chúng ta phẫn nộ khi thấy những con chim biển dưới nước nổi lên mình đầy những vết dầu lửa, mình phủ đầy chất nhựa và không thể bay, nhưng chúng ta không tỏ cũng một sự quan tâm đối với con cái chúng ta, bị bẩn và bị kiệt sức trong tuổi trẻ vì chiếc áo choàng đồi trụy đã trải dài tới mọi phương diện sự sống. 

Chúng ta nên rõ ràng hơn: Đây không phải là một vấn đề đối nghịch hai loại ô nhiễm. Cuộc tranh đấu chống sự ô nhiễm thể lý và sư lo lắng về vệ sinh, là một dấu phát triển và văn minh không nên bỏ bất cứ giá nào. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói với chúng ta, trong dịp này, chúng ta rửa tay, rửa chén và tất cả những gì còn lại thì chưa đủ, điều này không đi tới gốc rễ vấn đề.
Vậy Chúa Giêsu phát động chương trình sinh thái học của tâm hồn. Chúng ta xem một số việc “làm ô uế” Chúa Giêsu đã kể ra : sự vu khống với tật xấu liên hệ nói những sự dữ về người anh em mình.
Chúng ta thật sự muốn thực hiện nhiệm vụ chữa lành tâm hồn chúng ta không? Nếu vậy, chúng ta phải dốc toàn lực chiến đấu chống thói quen nói tầm phào, phê phán, phàn nàn những kẻ vắng mặt, đưa ra những phán đoán nhặm lẹ. Đó là một chất độc hầu như khó mà vô hiệu hoá một khi nó đã lan tràn.
Lần kia một người nữ đến xưng tội với Thánh Philip Neri, cáo mình đã nói xấu về một số người. Vị thánh đã giải tội cho bà, nhưng ra cho bà một việc đền tội kỳ lạ. Ngài dạy bà về nhà, bắt một con gà con và trở lại gặp ngài, nhưng lúc đi đàng thì nhổ lông nó. Khi bà trở lại gặp ngài, ngài nói với bà: “Bây giờ bà hãy về nhà và nhặt từng cái lông bà đã bỏ rớt dọc đàng lúc bà đến đây.”
“Không thể được!” người nữ đó than. “Trong lúc đó, gió đã thổi tung lông tứ phía.“ Đó là điểm Thánh Philip muốn làm.
“ Bây giờ bà thấy—ngài nói—không thể thu hồi sự phàn nàn và vu cáo một khi chúng đã ra khỏi miệng.”

http://www.vietcatholic.com/News/Html/37137.htm


Ô nhiễm bầu khí, nước uống, lỗ hổng trong lớp khí ozone... phát xuất từ sự nhơ nhớp nội tâm và luân lý như tham lam vô độ, ích kỷ, ngông cuồng, tàn ác... Chính những ô nhiễm bên trong đó khiến con người tạo ra ô nhiễm môi trường bên ngoài...
Xin Chúa nhắc con quan tâm hơn đến những ô nhiễm trong hồn con, trong trái tim con...