Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Ngai toà

Truyền thông để dẫn đến hiệp thông và hiệp nhất.

Dấu chỉ của sự hiệp nhất toàn cầu, qua mọi thời đại là ngài, Đấng ngự trên ngai toà Thánh Phêrô.

Còn gì đẹp hơn dấu chỉ đó?

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Hai mặt cuộc đời

Biến hình trên núi và quằn quại dưới núi (Mc 9,1-28): hai mặt của một cuộc đời. Điểm mấu chốt vẫn là cầu nguyện. Có cầu nguyện, con người được biến đổi trong đám mây thần linh. Không cầu nguyện, người ta bất lực trước sự dằn vặt của quỷ dữ, và chìm trong những ham hố danh vọng quyền lực hão huyền (Mc 9,29-36).

Con người cũng giống như con tàu, rất dễ rơi vào tình trạng như bản tin dưới đây:

"Khoảng 5h sáng 17/2, chiếc tàu du lịch số hiệu QN-5198 chở 21 du khách bất ngờ bị chìm tại khu vực đảo Ti-tốp (Hạ Long, Quảng Ninh) khiến 12 người đã thiệt mạng.

...Vào thời điểm xảy ra tai nạn có 21 du khách và 6 thuỷ thủ trên tàu. Trong tổng số du khách có 20 người nước ngoài gồm các quốc tịch khác nhau (Nga 2 người, Anh 1 người, Đan Mạch 2 người, Đức 1 người, Ý 2 người, Mỹ 3 người, Nhật 1 người, Pháp 2 người, Thuỵ Điển 2 người, Thuỵ Sỹ 2 người và 2 Việt kiều Úc) và 1 hướng dẫn viên Việt Nam.
(http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/9469/chim-tau-o-ha-long--12-du-khach-tu-nan.html)

12 nạn nhân thiệt mạng. Những người khác thoát chết nhờ nhảy xuống biển và được các con tàu du lịch khác cứu sống.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này do thuyền viên trên tàu bỏ gác và làm sai quy trình khiến nước tràn và gây chìm tàu. Có người thì bảo là do bục tàu, vì tàu quá cũ.

Con tàu đời con cũng sẽ chìm nếu thiếu cầu nguyện. Thiếu cầu nguyện, con là thuyền viên bỏ gác và làm sai quy trình. Thiếu cầu nguyện, chiếc tàu đời con sẽ bị rỉ sét, đi dần đến mục nát, và sẽ chìm bất cứ lúc nào.

Xin cho ánh mắt con luôn hướng về Chúa. Xin mỗi hơi thở của con đều kéo hồn con về với Chúa. Xin cho trái tim con luôn ấp ủ Chúa, và ấp ủ mọi người trong Chúa.

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Dung nhan tình yêu

Dung nhan tình yêu đích thực được nhận ra từ lòng bao dung tha thứ, từ sự hy sinh cho chính kẻ thù của mình.

Đây là điều vô cùng khó thực hiện. Nhưng đấy mới là một tình yêu tinh ròng, yêu vì là tình yêu, chứ không phải vì đối tượng. Nếu đối tượng xử tốt, tôi mới yêu, thì đấy là mua bán đổi chác rồi.

Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5,45). Đấy là dung mạo của Cha trên trời, và Giêsu đã có khuôn mặt thánh thiện đích thực ấy, đặc biệt trên thập giá - khi ngài bênh vực cho những kẻ tra tấn và đóng đinh Ngài: Xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết. Tội lỗi vẫn cứ phải đền bù, phải tránh xa, nhưng tội nhân thì luôn được tha thứ nếu biết quay trở về.

Con vẫn bộc lộ sự khó chịu đối với người con không ưa. Đôi khi con cũng coi bản thân mình như kẻ thù: chán ngán bản thân, bực bội nguyền rủa bản thân! Khuôn mặt của con những lúc đó không phải là dung mạo của tình yêu. Sự bực bội, khó chịu, chán nản, thất vọng đã bóp méo dung mạo đích thực của Chúa và của con...

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Hình ảnh tương lai & hiện tại

Tabor: một trong những đỉnh cao truyền thông của Chúa Giêsu về tương lai của con người.

Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Sau đó đánh mất do tội Ađam.

Tại núi Tabor, Đức Giêsu cho thấy con người sẽ tìm lại được hình ảnh vinh quang của mình. Giống hình ảnh Thiên Chúa. Như xưa và hơn xưa. Giống Giêsu biến hình trên núi Tabor. Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu (nội dung cuộc đàm đạo với Mosê và Êlia).

Biến hình nên giống Chúa là kết quả của truyền thông và hiệp thông mật thiết trong Chúa: "Có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."

Mỗi lần con ngước lên Chúa và cầu nguyện như Maria dưới chân Chúa, con được ở trong mối truyền thông và hiệp thông mật thiết với Chúa. Con ở trong đám mây thần linh. Và sự biến hình thần linh diễn ra. Biến hình từ từ, từng ngày, tuỳ theo mức độ và tần số cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ ngước nhìn lên Chúa như Maria, từng ngày con được ở trong đám mây thần linh và được chúc phúc: "Đây là Con Ta yêu dấu!". Từng ngày được biến hình nhiều hơn trong Chúa, nhờ cầu nguyện, nhờ truyền thông và hiệp thông. Từng ngày mang mầu sắc hạnh phúc, bất chấp những điều tươi sáng hay đen tối có xẩy đến.

Và đó là cách làm PR từ bên trong, làm đẹp hình ảnh từ bên trong, từ cội nguồn gốc rễ. Làm PR theo gương mẫu Giêsu, nhà truyền thông trọn hảo. Làm PR trong đám mây thần linh.

Vâng, đôi khi con thấy buồn, thấy thất vọng về sự kém cỏi yếu đuối của mình. Nhưng lại tìm được niềm vui khi nghĩ đến khả năng biến hình và được chúc phúc từng ngày như thế: "Đây là Con Ta yêu dấu..." Dẫu con có như thế nào, Chúa vẫn chúc phúc cho con. Chúa vẫn bao phủ con trong đám mây tình yêu thần linh. Và con biến hình tươi đẹp trong Chúa.

Bởi vì con vẫn ngước nhìn lên Chúa...

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Công luận

Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?"
Câu hỏi này cho thấy Chúa quan tâm đến dư luận. Không phải Chúa đi tìm lợi lộc gì từ dư luận, nhưng dư luận có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu, khiến người ta có cái nhìn đúng hoặc sai về Ngài. Và điều này ảnh hưởng đến vận mệnh muôn đời của mỗi một con người.

Và rõ ràng dư luận đã không đúng về Chúa Giêsu.
Chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng. Nhưng chính Phêrô cũng không hiểu chính xác những gì mình vừa nói. "Thầy là Đấng Kitô", ông trả lời như thế, nhưng ông không hiểu Đấng Kitô phải như thế nào (Mc 8,28-33).

Dân chúng thì trông mong Đấng Kitô đến, nhưng lại chưa biết Giêsu chính là Đấng Kitô. Và điều đáng nói là Chúa lại chưa muốn cho họ biết Ngài chính là Đấng Kitô. Ngài muốn giúp họ có quan niệm chính xác về Đấng Kitô trước đã. Nếu có quan niệm sai, thì rất nguy hiểm. Mà họ lại đang có quan niệm sai, giống như Phêrô. Nên Ngài đã "cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người" (Mc 8,30). Rồi Ngài bắt đầu hướng dẫn công luận cách tuần tự:

- Lúc đầu, trong vòng riêng tư với các môn đệ, Ngài cho biết Đấng Kitô sẽ trao hiến bản thân như thế nào: hy sinh trọn vẹn, chấp nhận mọi thương đau... (Mc 8, 31-33).
- Sau đó, công khai với mọi người, Chúa giúp công chúng hiểu được ý nghĩa của sự hy sinh, để sẵn sàng yêu thương và hy sinh. Như Đấng Kitô, yêu thương đến hy sinh mạng sống (Mc 8, 34 - 9,1).

Vâng, Chúa đã giúp chúng con sáng mắt dần dần, như cách Chúa chữa cho người mù, thấy lờ mờ, rồi rõ hơn, rõ hơn...(Mc 8,22-38). Hướng dẫn công luận như vậy quả là một công việc dài hơi.

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Khủng hoảng không ngờ

Men làm cho bột phồng lên.
Men Pharisêu làm cho sự giả hình, kiêu ngạo lớn lên trong xã hội.
Do sự giả hình, nguỵ trang khéo léo, khủng hoảng lan rộng mà người ta không hay biết.
Cái chết lan rộng mà người ta không ngờ. Điều này mới cực kỳ nguy hiểm.
Chúa nhắc các môn đệ phải tránh loại men rùng rợn này.
Phải chận đứng nó, trước hết nơi bản thân mình.

Con tránh men Pharisêu, tránh những lời nói tốt nhằm che đậy việc làm xấu. Nói tốt để lừa dối chính mình. Hình ảnh của Chúa, hay mồ mả tô vôi? Làm sao con thấy được?