Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Chạm đến

Nghe đâu các linh mục Mỹ ngày nay rất sợ, không dám để cho trẻ em quấn quýt bên mình, vì sợ bị kết án "quấy rối tình dục trẻ vị thành niên".

Dẫu sao, việc tiếp xúc, gặp gỡ, đụng chạm vẫn là nhu cầu của bản năng truyền thông nơi con người. Thánh Matthêu thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay:

 "Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người vì bà nghĩ bụng: Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu! Đức Giêsu quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa"   "...Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy". (Mt 9,20-25)

Sờ vào tua áo, cầm lấy tay con bé, những tiếp xúc đụng chạm ấy phát sinh từ những thôi thúc mãnh liệt, trở thành những nhu cầu và đã phát sinh những hiệu quả kỳ diệu.

Người ta có thể truyền thông bằng nhiều cách, với nhiều phương tiện, nhưng căn bản vẫn là tiếp xúc diện đối diện, tay bắt mặt mừng. Với truyền thông Kitô giáo, khi tiếp xúc còn cần kèm theo lời cầu nguyện, cần đưa người đối diện vào tâm hồn mình, để Chúa trong tâm hồn mình đụng chạm vào họ, như khi xưa Chúa đã chạm vào tay bé gái, cầm lấy tay con bé để làm cho bé trỗi dậy...

Khi gặp gỡ, cần có thêm sự đụng chạm bằng lời cầu nguyện như thế. Sự đụng chạm thần linh với Chúa Giêsu, cùng Chúa Giêsu và của Chúa Giêsu. Và đấy là căn bản của mục vụ truyền thông.

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Bé mọn

"Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn." (Mt 11,25)
Truyền thông với tâm hồn trẻ thơ bé nhỏ và truyền thông cho những tâm hồn thơ trẻ đơn sơ. Đấy là điều kiện lý tưởng.
Vấn đề là làm sao cho tâm hồn mình luôn trẻ thơ, và sứ điệp của mình được người ta đón nhận với tâm tình thơ trẻ?
Trẻ thơ có tâm tình phó thác vì cảm nhận cha mạnh mẽ, cha thương mình. Mình nằm ở trong tâm điểm của trái tim cha. Vâng con tin Cha của con trên trời mạnh mẽ toàn năng và yêu con như thế.
Con luôn nhỏ bé, vì con chỉ là hư vô. Và Cha là tất cả của con.

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Trở thành chính mình

Khi chia sẻ trong lễ kỉ niệm ngọc khánh linh muc của mình, ĐTC đề nghị coi cụm từ “không còn là tôi tớ nữa, nhưng là những bạn hữu” như là toàn bộ chương trình của đời sống linh mục.

ĐTC nói:
“Tình bạn là sự hiệp thông về tư tưởng và ước muốn. Ngài biết rõ tôi. Còn tôi có biết rõ Ngài không? Tình bạn Ngài ban tặng cho tôi chỉ có thể có nghĩa là tôi cũng phải cố gắng để biết Ngài nhiều hơn… Tình bạn không chỉ là biết về một người nào đó, mà trên hết nó là sự hiệp thông của ước muốn. Nó có nghĩa là ước muốn của tôi ngày càng trở nên tương hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn. Vì thánh ý Chúa không phải là cái gì bên ngoài và xa lạ đối với tôi, không phải là cái mà tôi ít nhiều sẵn sàng vâng phục, hoặc từ chối không vâng phục. Không, trong tình bạn, ý muốn của tôi lớn lên cùng với thánh ý Chúa, và thánh ý Chúa trở thành của tôi: đây là cách mà tôi đích thực trở nên chính mình”.

Hôm nay là lễ Trái tim Đức Mẹ. Trái tim Mẹ "ghi nhớ tất cả lời Chúa trong lòng" để cố gắng hiểu và sống điều Chúa muốn. Để thánh ý Chúa trở thành của Mẹ. Đó là cách Mẹ trở thành chính mình.

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Tim già

Trong dụ ngôn "Đứa con hoang đàng", trái tim của hai đứa con đều xa cách người cha của mình. Con thứ vì ham mê lạc thú mà rời xa cha. Lòng đứa con cả cũng rời xa cha vì chỉ vâng lời cha cách lạnh lùng. Do lạc thú hay do vâng lời cách cằn cỗi, họ đã có những trái tìm già nua, chai lạnh.

Sao quê hương mình già nua đến vậy?
Tiến Sĩ Alan Phan
(Tác giả, một người Việt Nam, hiện là chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải. Bản gốc đã đăng ở trang web riêng www.gocnhinalan.com)

Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi.

Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người Việt dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào.

Họ tìm đến Việt Nam mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon (trung tâm IT của Mỹ ở phía nam San Francisco).

Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao?

Những giả thuyết ngây thơ chăng? Họ đã không lầm về những số liệu tạo nên hình ảnh đó.

Tuy nhiên, sự phân tích và biện giải về logic của họ vướng phải vài giả thuyết và tiền đề không chính xác. Một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.

Tôi còn nhớ một đai gia công nghệ thông tin (IT) nổi tiếng cũng đã từng kết luân trong một buổi hội thảo về kinh tế là số người sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng 36% mỗi năm trong 5 năm qua và lên đến 68 triệu người hay khoảng 80% dân số.

Kết luận của anh chuyên gia trẻ này là tương lai về công nghệ thông tin của Việt Nam phải sáng ngời và sẽ vượt trội các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines…

Đây là những kết luận ngây thơ về thực tại của xã hội. Một người trẻ suốt ngày la cà quán cà phê hay quán nhậu sẽ không đóng góp gì về sáng tạo hay năng động; cũng như vài ba anh chị nông dân với điện thoai cầm tay không thay đổi gì về cục diện của nông thôn ngày nay (nông dân vẫn chiếm đến 64% của dân số xứ này).

Tôi thích câu nói (không biết của ai): "Tất cả bắt đầu bằng suy nghĩ (tư duy). Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động liên tục biến thành thói quen và thói quen tạo nên định mệnh."

Định mệnh của cá nhân phát sinh từ tư duy cá nhân, định mệnh tập thể đúc kết bởi suy nghĩ của tập thể.


Tư duy, định mệnh

Quên đi góc nhìn cá nhân, hãy tự suy nghĩ về tư duy thời thượng của xã hội này và từ đó, ta có thể nhận thức được những hành xử và thói quen của người dân Việt Nam.

Bắt đầu từ tầng cấp lãnh đạo về kinh tế, giáo dục và xã hội đến lớp người dân kém may mắn đang bị cơn lũ của thời thế cuốn trôi; tôi không nghĩ là một ai có thể lạc quan và thỏa mãn với sự khám phá.

Những thói quen xấu về chụp giựt, tham lam, mánh mung, dối trá, liều lĩnh, sĩ diện… vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách nhiệm, danh dự và hy sinh.

Dĩ nhiên, đây là một nhận định chủ quan, sau một lục lọi rất phiến diện trên báo chí, truyền hình và diễn đàn Internet. Nhưng tôi nghĩ là rất nhiều người Việt sẽ đồng ý với nhận định này.

Tôi nghĩ lý do chính yếu của những thói quen tệ hại này là bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Tôi có cảm giác là ngay cả những bạn trẻ doanh nhân và sinh viên mà tôi thường tiếp xúc vẫn còn sống trong một thời đại cách đây 100 năm, dưới thời Pháp thuộc.

Thực tình, nhiều bậc trí giả đã lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành xử văn minh.

Tôi thường khuyên các bạn trẻ hãy đọc lại những tiểu thuyết của thời Pháp thuộc trước 1945.

Họ sẽ thấy đời sống và các vấn nạn của một nông dân trong truyện của Sơn Nam vẫn không khác gì mấy so với một nông dân qua lời kể của Nguyễn Ngọc Tư.

Bâng khuâng và thách thức của những gia đình trung lưu qua các câu chuyên của Khái Hưng rất gần gũi với những mẩu chuyện ngắn của nhiều tác giả trẻ hiện nay. Ngay cả những tên trọc phú, cơ hội và láu lỉnh trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cũng mang đậm nét hình ảnh của những Xuân Tóc Đỏ ngày nay trong xã hội.

Ôm lấy quá khứ

Tóm lại, tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy nghĩ trong môi trường cả 100 năm trước. Những mặc cảm thua kém với các ông chủ da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Chúng ta vẫn bàn cãi về những triết thuyết mà phần lớn nhân loại đã bỏ vào sọt rác.

Trong lãnh vực kinh doanh, phần lớn các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản. Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một khu công nghiệp của Việt Nam, “Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên”.

Tôi đang ở tuổi 66. May mắn cho tôi, nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi khác hẳn thời Pháp thuộc. Tôi không cần phải dùng tay chân để lao động, cạnh tranh với tuổi trẻ. Kinh doanh bây giờ đòi hỏi một sáng tạo chỉ đến từ trí tuệ và tư duy đổi mới. Thân thể tôi dù bị hao mòn (xương khớp lỏng lẻo, tai mắt nhấp nhem...) nhưng trí óc tôi và tinh thần vẫn trẻ hơn bao giờ hết.

Thêm vào đó, nó không bị phân tâm bởi những hoóc-môn về đàn bà hay những thứ lăng nhăng khác như các bạn trẻ. Do đó, hiệu năng và công suất của sự suy nghĩ trở nên bén nhậy hơn.

Người Mỹ có câu, “Những con chó già không bao giờ thay đổi” (old dogs never change). Do đó, tôi thường không thích trò chuyện với những người trên 40, nhất là những đại trí giả. Nhưng tôi thất vọng vô cùng khi về lại Việt Nam và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế.

Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lặp đi lặp lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện gần trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.

Nhiều người đỗ lỗi cho những thế hệ trứơc và văn hóa gia đình đã kềm kẹp và làm cho thế hệ trẻ này hay ỷ lại và hư hỏng.

Cha mẹ vẫn giữ thói quen sắp đặt và quyết định cho các con đã trưởng thành (ngay khi chúng vào tuổi 30, 40..) về những cuộc hôn nhân, công việc làm, ngay cả nhà cửa và cách sinh họat.

Hậu quả là một thế hệ đáng lẽ phải tự lập và lo tạo tương lai cho mình theo ý thích lại cúi đầu nghe và làm theo những tư duy đã lỗi thời và tụt hậu.

Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyền khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc.

Tôi tự hỏi, sao quê hương mình ... già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu?

Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân Việt Nam thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và khó khăn hơn mọi ước tính.

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Vác chõng

Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. Bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác chõng đi về nhà!" (Mt 9,6)

Vác chõng diễn tả chân đã khoẻ, sức lức đã hồi phục. Không còn bại liệt bất toại nữa.

Tự mình vác chõng, tự mình cáng đáng đời mình.

Chúa đến để tôi có thể đi trên đôi chân của tôi.

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Chìa khoá và Thanh Gươm

Chìa khoá và Thanh gươm là hai biểu tượng, một của Phêrô và một của Phaolô. Phêrô được Chúa giao chìa khoá Nước Trời. Phaolô bị chém bằng thanh gươm. Hai biểu tượng Chìa khoá và Thanh gươm xem ra rất có ý nghĩa, không chỉ cho hai thánh tông đồ này, mà còn cho mọi người.

Tôi suy nghĩ về chìa khoá Phêrô. Làm việc gì cũng cần có "chìa khoá". Không có "chìa khoá", công việc sẽ loay hoay không giải quyết được. Ngay cả đọc một câu chữ, người ta cũng cần tìm được những "từ khoá" (key-words). Không nắm được những từ-khoá này, sẽ không nắm được ý của cả câu. Trong một kế hoạch làm việc, "chìa khoá" được coi như chiến thuật (strategy) nhằm đạt được mục đích sau cùng (purpose).

Và suy nghĩ về thanh gươm Phaolô. Thanh gươm dùng để chiến đấu. Người chiến sĩ dùng gươm để đạt chiến thắng trong từng chiến trận. Như vậy, thanh gươm được coi như chiến thuật (tactics) nhằm đạt những mục tiêu nhỏ (goal).

Để đạt mục đích sau cùng (purpose), người ta phải phân tích nó ra thành nhiều mục tiêu nhỏ (goal).

Để đạt từng mục tiêu nhỏ, phải có chiến thuật (thanh gươm). Và để đạt được mục đích sau cùng, phải có chiến lược dài hạn (chìa khoá).

Đối với người làm mục vụ truyền thông, có thể nói chìa khoá (chiến lược) của họ là Lời Chúa và Thánh Thể. Và thanh gươm (chiến thuật) của họ là các phương tiện truyền thông.

Vâng, chìa khoá Phêrô và thanh gươm Phao lô
có thể được coi như biểu trưng cho
chiến lược và chiến thuật tâm linh
của người môn đệ Đức Kitô.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Xin cứu!

Bà Phạm Thị Cường thắp nhang cho những hài nhi xấu số
Thưa Ngài, xin cứu chúng con! (Mt 8,25)
Câu chuyện dưới đây cho thấy bão tố trong lòng của cả ba phía: phía những bà mẹ phá thai, phía những đứa con thai nhi bất hạnh, và phía những tấm lòng can đảm bao la - miệt mài đi tìm xác trẻ sơ sinh mang về chôn cất...

Từ đáy lòng họ, những lời kêu cứu được thốt lên. Những người mẹ kêu cứu vì đứng trước khó khăn của riêng mình, nhưng họ có nghe được tiếng kêu cứu của đứa con vô tội đang tuyệt vọng vang lên trong lòng mình, tiếng kêu cứu của lương tâm...? Những ông già bà già đi nhặt xác thai nhi: bản thân công việc chôn cất hàng ngàn xác thai nhi là một lời kêu cứu thống thiết...
Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng - Nam Định.
Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.
Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất.

Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Hương’’ hài nhi’’có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.
Bà là một người hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.
Trong câu chuyện với bà Cường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng thở dài của người phụ nữ đã ở tuổi gần hết cuộc đời về những chuyện lắt léo nhân tình thế thái của cuộc sống.
Bà nói như oán trách: “Cuộc sống ngày càng phát triển thì nhiều người sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở Đông Bình để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều đứa trẻ vô tội phải đi theo những vết kéo oan nghiệt.
Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá!”.

Bị cười chê là… khùng!
Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng. Tưởng chừng như chỉ có mình bà Cường đi làm công việc “kỳ khôi” là gom nhặt và an táng cho những linh hồn bé nhỏ nhưng bà lại gặp được người bạn cùng chí hướng.Đó là ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng âm thầm làm công việc tạo phúc đức như bà. Hai con người, hai số phận nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái với những số phận bất hạnh. Họ gặp nhau rồi ngày ngày lại cùng nhau thực hiện một công việc chung, một ơn nghĩa để đời.
Bà Cường với công việc bán tạp hóa mưu sinh hằng ngày
Từ đó đến nay, ngày ngày người dân xã Nghĩa Thắng thường gặp cảnh hai người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm lóc cóc trên những chiếc xe đạp cà tàng, đạp hàng chục cây số. Họ rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để… xin thi hài về chôn cất.
Những hài nhi nhặt về, bà Cường cùng với ông Bao tỉ mẫn cho vào những bát hương hoặc tiểu sành nhỏ. Bà Cường tâm sự:
“Những ngày đầu, tôi thường bị người đời cười chê cho là khùng nhưng dần dần, họ hiểu nên cũng có vài người đi làm cùng”
Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích.
“Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”
Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc:
“Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”.
Bên ngôi mộ chung được xây dựng khá kiên cố và sạch sẽ, bà cho biết nó được một nhà hảo tâm trong TPHCM gửi tiền ra để xây cho các cháu. “Gần chục năm nay, chúng tôi đã an táng cho hơn 3.000 sinh linh bé bỏng tại nơi này”- bà não nề.
Nhìn những bát hương bên trên có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, mà theo bà Cường mỗi bát hương đó là một đứa trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ. Một địa phương nhỏ như Nghĩa Hưng mà gần chục năm đã có hàng ngàn em bé bị bỏ rơi và chết đi khi chưa kịp chào đời! Đó quả thực là con số quá đau lòng.
Càng thương các cháu nhỏ bao nhiêu, tôi lại càng khâm phục những con người như bà Cường và ông Bao bấy nhiêu. Những việc họ làm không chỉ mang ý nghĩa nhân ái mà đó là hành động cao cả trong cuộc chiến bảo vệ quyền sống của con người, giúp chúng ta nhận ra một thực tại đau lòng, ngẫm về việc sống buông thả của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã để lại những hậu quả đau lòng.


Cầu mong… thất nghiệp
Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người.
Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa.
“Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”.
Chúng tôi rời nghĩa trang Quần Vinh khi mặt trời đã tắt. Nhìn những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ, chúng tôi biết các cháu đã có giấc ngủ yên bình bởi các cháu được những người dù không trực tiếp sinh thành nhưng luôn làm tất cả để bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mình ở nơi vĩnh hằng.
Ngày mới sẽ đến, hy vọng sẽ không còn cảnh những bào thai bị vứt bỏ nữa để những người như bà Cường hay ông Bao sẽ được nghỉ ngơi và xã hội sẽ không còn những cảnh đau lòng.

Ám ảnh
Bà Cường vừa rót nước trà mời khách vừa tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8-3-2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi ni lông màu đen, ruồi muỗi bám đen.
“Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”
Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin.
“Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”- bà Cường tâm sự.
Theo 'Người Lao Động"